TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Trung Quốc muốn làm mưa làm gió tại Biển Đông và biển Hoa Đông?

Sự cứng rắn của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân tại cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Koichiro Gemba và Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai nhằm tìm tiếng nói chung trong tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cho thấy, Bắc Kinh chưa muốn làm lành với Tokyo bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Từ hội đàm Trung Quốc - Nhật Bản

Những cụm từ như “căng thẳng”, “gay cấn”, “rất xấu”, “không nhượng bộ” đã được các hãng tin Reuters, Kyodo, Japantoday, Tân Hoa xã… đưa ra sau khi kết thúc 2 cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn chưa đạt được đột phá khẩu.

Trong cuộc hội đàm kéo dài hơn 60 phút hôm 26/9 với Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba bên lề phiên thảo luận toàn thể lần thứ 67 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra ở New York, Mỹ, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã nhấn mạnh tới quan điểm của Bắc Kinh về quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông. Theo đó, việc quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà Nhật Bản tiến hành đầu tháng 9 là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc bởi đây là vùng lãnh thổ bất khả xâm phạm của Trung Quốc từ thời cổ đại.

Ông Dương Khiết Trì cũng nhấn mạnh, căng thẳng hiện nay làdo Nhật Bản gây ra và Tokyo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những việc đã làm.

Tàu sân bay Mỹ

Trước thái độ của người đồng cấp Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Koichiro Gemba đã kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trong vấn đề tranh chấp đang đe dọa mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á bởi ông muốn thuyết phục Trung Quốc chấp nhận việc Nhật Bản quốc hữu hóa các đảo không có người ở thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa 2 nước kể từ khi Nhật Bản tuyên bố mua lại các đảo tranh chấp thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đầu tháng 9 khiến Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ.

Trước đó (25/9), tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân và Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Chikao Kawai cũng thương đàm về tranh chấp trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tại cuộc gặp này, ông Trương Chí Quâncho biết,Bắc Kinh quyết không khoan nhượng trước hành động đơn phương của Nhật Bảnlàm phương hại tới chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, Tokyo phải từ bỏ ảo tưởng, trở lại nhận thức chung để quan hệ hai nước sớm quay về quỹ đạo phát triển lành mạnh và ổn định.

Cũng trong ngày 25/9, Bắc Kinh đã công bố sách trắng (gồm 7 phần) về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku do Văn phòng thông tin của Quốc vụ viện ấn hành. Giới bình luận cho rằng, cuộc gặp của Ngoại trưởng 2 nước tại Liên Hiệp Quốc cho thấy, Trung Quốc không muốn căng thẳng leo thang, nhưng tranh cãi về lãnh thổ với Nhật Bản sẽ còn kéo dài. Dư luận cũng nhận định, việc từ chối lời mời của Trung Quốc tới thăm Bắc Kinh hôm 25/9 nhân kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ song phương của cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama càng chứng tỏ quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản đã đóng băng đến cực điểm.

Trước đó (23/9), Bắc Kinh thông báo hoãn tổ chức các sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Tokyo dự kiến diễn ra vào ngày 27/9. Dư luận cũng quan tâm tới hoạt động của gần 50 tàu Đài Loan tại vùng lãnh hải tranh chấp khiến lực lượng tuần duyên Nhật Bản buộc phải dùng vòi rồng xua đuổi. Nhưng tàu Đài Loan dùng vòi rồng đáp trả khiến một trận hải chiến bằng vòi rồng diễn ra. Đây là lần đầu tiên Đài Loan đưa tàu đến vùng biển tranh chấp kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa một số hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngày 25/9, Chủ tịch Hiệp hội giao lưu với Đài Loan (cơ quan đại diện giao lưu với Đài Loan của Nhật Bản) Tadashi Imai đã hội đàm với ông Dương Tiến Thiêm, người đứng đầu Cơ quan Ngoại giao Đài Loan để phản đối việc tàu tuần duyên Đài Loan phun vòi rồng vào tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và yêu cầu Đài Loan có biện pháp ngăn chặn việc tái diễn xâm phạm lãnh hải gần đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Đại tá Trương Thanh

Giới chuyên môn đang quan tâm tới báo cáo có tiêu đề “Những vùng biển nguy hiểm” mới được International Crisis Group (ICG) công bố. Bởi các cuộc tuần tra thường xuyên hơn của Trung Quốc cùng với việc lực lượng tuần duyên Nhật Bản tiếp tục tuần tra ở xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể làm tăng nguy cơ đụng độ trên biển. ICG nhận định, đây là thách thức trực tiếp đối với Nhật Bản bởi Tokyo hiện đang kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và Trung Quốc đã từ bỏ chính sách “thông qua đối thoại, tìm kiếm khả năng khai thác chung với Nhật Bản các nguồn tài nguyên trong vùng biển này”.

Trước đó (20/9), Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thúc giục chính quyền Mỹ sử dụng tầm ảnh hưởng để ngăn cản việc sử dụng vũ lực hoặc đơn phương mở rộng các tuyên bố chủ quyền ở Đông Á của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông.

Những động thái hữu quan

Tuyên bố hôm 25/9 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai-young cho thấy, Seoul lo ngại và đang tìm cách xác thực thông tin Trung Quốc tiến hành quan trắc đảo Ieodo mà hai nước đang tranh chấp bằng máy bay không người lái. Nếu việc giám sát của Trung Quốc nhằm mục đích tuyên bố về quyền tài phán đối với đảo Ieodo, Hàn Quốc sẽ phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt hành động này.

Đảo Ieodo là nơi đặt Trạm Nghiên cứu Đại dương do Hàn Quốc thành lập năm 2003, với mục đích nghiên cứu các dòng chảy đại dương và thu thập dữ liệu về thời tiết, bảo tồn nguồn hải sản và môi trường biển. Trước đó, người phát ngôn của Cục quản lý Đại dương Trung Quốc (SOA) cho biết, Bắc Kinh sẽ dùng máy bay không người lái để giám sát mọi hoạt động trên biển và kế hoạch này sẽ được tiến hành từ nay cho đến năm 2015.

Tàu Nhật Bản và tàu Đài Loan giao đấu vòi rồng trên vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Giới truyền thông đưa tin, Philippinnes vừa thông qua ngân sách quốc phòng năm 2013 lên đến 48,03 tỉ USD. Trong đó, chi 9,2 tỉ USD mua vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật quân sự mới và hiện đại hóa các máy móc hiện có. Ngoài việc hiện đại hóa hải quân, Bộ Quốc phòng Philippines lên kế hoạch mua mới 12 trực thăng tấn công, 6 máy bay cường kích phản lực cánh quạt hạng nhẹ và một máy bay tuần tra ven biển CN-235.

Trong năm 2013, Philippines dự định hiện đại hóa 2 tàu tuần dương Hamilton và 3 tàu hộ tống hạm Peacock. Philippines có kế hoạch kể trên sau khi Trung Quốc gia tăng sức ép tại khu vực tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham. Cũng theo giới truyền thông, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đang tích cực trao đổi với các nước ASEAN về dự thảo cho Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC) trước khi Hội nghị thượng đỉnh của khối này khai mạc tại Campuchia vào tháng 11/2012.

Theo đó, Indonesia đang tìm cách san lấp những khác biệt giữa các thành viên ASEAN trong việc làm thế nào giải quyết mâu thuẫn chủ quyền biển đảo. Bởi một số nước thành viên ASEAN đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc tại biển Đông, nơi có những tuyến đường biển quan trọng với thương mại thế giới, đồng thời là ngư trường đánh cá có trữ lượng dồi dào và tiềm tàng khả năng có nguồn dầu khí lớn. Việc này diễn ra sau khi Ngoại trưởng Marty Natelagawa có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm 25/9. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cũng cho biết, ASEAN đã có những đàm phán nghiêm túc đối với một bộ quy tắc ứng xử có ràng buộc pháp lý.

Trong khi Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông thì ngày 21/9, Tân Hoa xã đưa tin, Trung Quốc đang tăng cường thúc đẩy các hoạt động đầu tư, phát triển ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Cục Quản lý Thương mại và Công nghiệp của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vừa cho biết, trong tháng 8 và tháng 9, cơ quan này đã cấp phép cho một công ty xây dựng và một công ty du lịch hoạt động ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Chính quyền ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” cho biết, đang xúc tiến kế hoạch phát triển gồm dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông và bảo vệ sinh thái. Có 31 dự án lớn với số tiền đầu tư lên tới 13,3 tỉ NDT (khoảng 2,1 tỉ USD) đang được triển khai, trong đó có dự án mở tuyến du lịch bất hợp pháp đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trước dịp Quốc khánh Trung Quốc 1/10.

Tới sự xuất hiện của tàu sân bay Liêu Ninh

Ngày 25/9, Trung Quốc chính thức đưa tàu sân bay đầu tiên vào hoạt động nhằm tăng cường hạm đội hải dương của nước này trong bối cảnh căng thẳng về tranh chấp biển đảo ngày càng gia tăng. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đặt tên cho con tàu dài 300 mét kể trên là Liêu Ninh theo tên địa phương nơi con tàu được cải tạo tại thành phố cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.

Tại lễ ra mắt chính thức của tàu sân bay Liêu Ninh ở cảng Đại Liên, Thủ tướng Ôn Gia Bảo gọi sự kiện này là một mốc son trong lịch sử quân sự và phát triển vũ khí của Trung Quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cũng có mặt tại buổi lễ và tận tay trao lá cờ của quân đội Trung Quốc cho đơn vị tiếp nhận tàu sân bay Liêu Ninh. Theo Phó tổng Thư ký Ủy ban Nghiên cứu Chính sách An ninh Quốc gia Trung Quốc, Thiếu tướng Kiều Lương thì ngoài thân tàu sân bay do Liên Xô chế tạo (Ukraine đóng tàu Varyag, tên nguyên thủy của tàu Liêu Ninh), những thứ còn lại do Trung Quốc tự hoàn thành.

Liêu Ninh là tàu sân bay hạng trung và được xếp vào hàng ngũ tàu sân bay tiên tiến trong số các nước sở hữu tàu sân bay hạng trung, nhận định của Thiếu tướng Kiều Lương. Do đó, việc bàn giao tàu sân bay Liêu Ninh cho hải quân chứng tỏ Trung Quốc tiến thêm một bước trên con đường tới hải quân nước lớn. Ông Kiều Lương cũng cho rằng, việc tàu sân bay Liêu Ninh từ bàn giao đưa vào sử dụng đến khi có khả năng tác chiến phải trải qua 1 quá trình, được huấn luyện một thời gian nhất định. Giới quân sự cho rằng, vận hành tàu sân bay không phải là chuyện dễ.

Hơn nữa, làm mới con tàu là một việc, nhưng phát triển một phi đội trên tàu sân bay lại là một việc khác. Được biết, Trung Quốc đang phát triển chiến đấu cơ J-15 để sử dụng trên tàu sân bay Liêu Ninh. Tuy nhiên, tàu Liêu Ninh được cho là chỉ có thể hoạt động như một tàu sân bay thực sự trong vòng ít nhất là 3 năm nữa.

Giới quân sự rất quan tâm tới sự xuất hiện của thuyền trưởng tàu sân bay Liêu Ninh bởi Đại tá Trương Tranh không những còn khá trẻ (sinh tháng 9/1969 tại Trường Hưng, tỉnh Chiết Giang), mà còn là người không am hiểu nhiều về tàu sân bay. Đại tá Mai Văn, sinh năm 1965 tại tỉnh Hồ Bắc được cử giữ chức Chính ủy tàu sân bay Liêu Ninh. Dư luận cho rằng, Trung Quốc khá thành công trong việc bảo mật thông tin cá nhân của Đại tá Trương Tranh và Đại tá Mai Văn, từ quá trình học tập, công tác, đến kinh nghiệm chuyên môn của 2 người này đều được giữ kín.

Phát biểu với Tân Hoa xã sau khi được cử làm thuyền trưởng tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Đại tá Trương Tranh bày tỏ: Hôm nay sẽ được mãi nhớ đến khi Hải quân Trung Quốc bước vào kỷ nguyên tàu sân bay, khi tôi nhận lá cờ tổ quốc từ tay Chủ tịch nước. Được biết, Đại tá Trương Tranh nói tiếng Anh khá tốt bởi ông từng nói với CCTV rằng, tiếng Anh không giúp gì cho công việc điều hành tàu sân bay nhưng rất có ích trong các hoạt động giao lưu quốc tế. Giới truyền thông đưa tin,

Đại tá Trương Tranh được chọn làm thuyền trưởng tàu sân bay Liêu Ninh bởi ông từng được đào tạo bài bản về chỉ huy các tàu chiến mặt nước tải trọng lớn và đã tốt nghiệp về chuyên ngành Quan hệ quốc tế tại Anh. Theo những thông tin trên mạng, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông (năm 1986), Đại tá Trương Tranh được nhận vào học tại khoa điều khiển tự động Trường đại học Giao thông Thượng Hải. Vì tốt nghiệp xuất sắc nên ông Trương Tranh được chuyển đến nhận nhiệm vụ tại Bộ tư lệnh Hạm đội Đông Hải với chức danh trợ lý kỹ sư trưởng.

Trong 3 năm (từ tháng 8/1992 đến tháng 8/1995), theo học tại Học viện Hải quân Đại Liên, ông Trương Tranh nhận bằng Thạc sỹ. Sau đó (từ tháng 8/1995 đến tháng 7/2001), ông Trương Tranh công tác tại nhiều vị trí khác nhau trong hải quân. Có lẽ đạt kết quả tốt trong công tác và khả năng tiếng Anh khá nên ông Trương Tranh được cử đi học tại một trường chỉ huy quân sự tại Anh (từ tháng 7/2001 đến tháng 8/2003).

Chuyên ngành học tại Anh của ông Trương Tranh là chỉ huy trên các tàu chiến mặt nước tải trọng lớn và quan hệ quốc tế. Sau khi về nước, ông Trương Tranh công tác tại Hạm đội Đông Hải cho tới khi được bổ nhiệm làm thuyền trưởng tàu sân bay Liêu Ninh.

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Theo Petrotimes

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te