TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - Kỳ 6: Những luận cứ chủ quyền không vững chắc

Sự kiện thứ ba: Ngô Thăng, phó tướng thủy sư Quảng Đông đã thực hiện việc tuần biển vào khoảng các năm 49 và 51 đời nhà Thanh (1710 - 1712). “Tự Quỳnh Thôi, lịch Đồng Cổ, kinh Thất Châu Dương, Tứ Canh Sa, Châu Tào tam thiên lý, Cung tự tuần thị (từ Quỳnh Nhai, qua Đồng Cổ, qua Thất Châu Dương, Tứ Canh Sa, vòng quanh ba ngàn dặm, đích thân đi tuần tra xem xét). Gọi Thất Châu Dương ở đây tức quần đảo Tây Sa ngày nay, lúc bấy giờ do hải quân Quảng Đông phụ trách đi tuần”.

Việc nghiên cứu nghiêm túc lại cho ta một sự  thật khác hẳn. Những địa danh nêu trong đoạn trích trên đều nằm xung quanh  đảo Hải Nam, theo các tác giả VN ([1]) :

-  Quỳnh Nhai, tức “Đạo binh bị Quỳnh  Nhai” (Đảo Hải Nam) đời Thanh, sở tại Quỳnh Sơn gần thị trấn Hải Khấu ngày nay, phía bắc đảo Hải Nam.

- Đồng Cổ ở mỏm đông bắc đảo Hải Nam

- Thất Châu Dương  là vùng biển có bảy hòn đảo gọi là Thất Châu nằm ở phía đông đảo Hải Nam.

- Tứ Canh Sa là bãi cát ở phía tây đảo Hải Nam.


Các chuyến đi của Trịnh Hòa (1405-1443) không được Sách trắng của Bộ Ngoại giao TQ nhắc đến - Ảnh tư liệu

Các địa danh  trên đều được  tìm  thấy trên các hải đồ TQ. Trong hải đồ N 5012 tỷ lệ 1/500.000 do hải quân TQ  xuất bản bằng tiếng TQ  và  tiếng VN  tháng  5.1956  có  tiêu đề: “Vùng  phụ  cận  Lôi Châu  và  đảo Hải Nam”,  và các bản đồ “Bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam”, và Nam Hải địa  hình  đo, tỷ  lệ  1/300.000.000 do  Nhà xuất  bản  địa  đồ TQ  xuất  bản  tháng  5.1984,  có  nhóm  đảo có tên Thất Châu Đảo và vùng biển  xung  quanh các đảo nhỏ đó ở phía đông nam của  đảo  Hải  Nam  được  gọi  tên  đúng  là Thất  Châu Dương. Rõ ràng tên này không được dùng để chỉ toàn bộ biển phía Nam Trung Hoa. Ngoài  ra, trong cuốn Quảng  Đông  dư  địa  đồ thuyết in năm  1909, Lý Hàn  Chung đã nói về các cuộc tuần biển của hải quân Quảng Đông như sau:

“Biên giới  trên biển ngày nay  lấy phía Nam đảo Hải  Nam  làm  giới  hạn,  bên  ngoài  là  Thất  Châu Dương, Đô  đốc  thuỷ  quân Quảng Đông  đi  tuần  đến đó là quay về”.

Ở  đây một  lần  nữa,  chúng  ta  không  thấy  bất  kỳ một ghi chép chính xác nào về các đảo Paracel dưới tên gọi Tây Sa.

Hơn  nữa,  các  hành  vi  quản  lý  mà  TQ viện dẫn, nếu đúng, chỉ  liên quan tới các đảo Tây Sa mà  không  nhắc  gì  đến  các  đảo  Nam  Sa.  Đối  với Spratly, TQ chỉ nêu ra được  sự kiện  năm 1883  khi  tàu  nghiên  cứu  của  Đức  tiến  hành các nghiên cứu  khoa  học  tại  quần  đảo  Nam  Sa,  chính quyền Quảng Đông đã phản  đối  (theo  Heinzig,  sự kiện này  liên quan Tây Sa hơn là tới Nam Sa). Việc phía TQ thiếu một  danh  nghĩa  chiếm hữu của Nhà nước được xác lập một cách vững chắc và từ lâu đời làm cho việc phản đối ngoại giao dựa trên cơ sở quyền thụ  đắc  theo  thời  hiệu  để  ngăn chặn một hành động như vậy không  còn  giá  trị. Đúng  hơn  nó chỉ được coi như một  tham vọng chủ quyền mà thôi.

Để chứng minh cho lập luận của họ, các tác giả TQ  viện dẫn tới cả các chuyến đi của Thái giám Trịnh  Hòa  trong thời gian từ 1405 đến 1433 qua các đảo này. Tuy nhiên các chuyến đi này không được Sách trắng của Bộ Ngoại giao TQ nhắc đến. Các chuyến đi của Trịnh Hòa tới Java, Ấn Độ và bờ biển Phi châu chỉ có giá trị tạo uy danh cho triều Minh ([2]) và Trịnh Hòa cũng không đưa ra một yêu sách  tạo lập danh nghĩa chiếm hữu  các đảo nào thay mặt thiên triều TQ. ([3])  

Các thí dụ kể trên chỉ  tạo  ra sự nhận biết về các đảo, đúng hơn là một số đảo. Nếu các đảo trong biển Đông được các thủy thủ và ngư dân TQ biết tới là điều không phải bàn cãi thì việc khẳng định chủ quyền  TQ trên  các  quần  đảo  này  thật  khó thuyết  phục.  Trong  các  sách  và  văn  kiện do TQ trích dẫn, không có một ghi chép nào về quyền phát hiện hoặc sự củng cố một danh nghĩa chiếm hữu các  đảo  này, và về  thực chất không  thể hiện ý định thực  thi chủ quyền tại đó của họ.

Các  sự kiện kể  trên diễn  ra với khoảng thời gian cách quãng  200-500  năm. Điều  đó  rõ  ràng  làm yếu thêm lập luận của TQ, theo đó các Hoàng đế Trung Hoa đã quản  lý các đảo này  từ hai nghìn năm nay một cách liên tục và không ngắt quãng.

Để chứng minh chủ quyền, cần phải cung cấp các bằng  chứng  liên  quan  trực  tiếp  tới  việc  chiếm  hữu. D.L Bennett, luật gia Mỹ, nhận xét:

“Nếu các đảo hoặc không được quản lý bởi một chính phủ hoặc không được thăm viếng bởi các nhân viên nhà nước, vấn đề đặt ra  là liệu những cuộc tiếp xúc riêng rẽ bởi các ngư dân tư nhân TQ có đủ  để  thiết  lập  chủ  quyền trên  Spratly  theo  luật quốc  tế  không. Vì  vậy  giá  trị  của  lập  trường  chính thức của TQ là đáng nghi ngại”. ([4])

TS Nguyễn Hồng Thao
(Theo Thanh Niên)

[1] Vũ Phi Hoàng, Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lãnh thổ Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 88;  Nguyễn Quang Ngọc, Sđd.

[2] BBC, ngày 27 tháng 11 năm 2008

[3] Năm 2005 Trung Quốc tuyên  truyền nhiều về Trịnh Hòa, tổ chức thi  "Nhịp cầu Hán ngữ" kỷ niệm các chuyến đi  của ông, gọi ông  là nhà hàng hải  vĩ  đại ngang  tầm Colombo  nhằm mục đích  gắn chuyến  đi  của Trịnh Hòa với quyền phát hiện. 

[4] D.L Benne, “Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và việc sử dụng luật pháp quốc  tế  trong  vụ  tranh  chấp  các  đảo  Spratleys”,  Stanford  Journal  of International Law, quyển 28 (1991-1992), tr. 435.

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te