TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 05-11-2012


Khủng hoảng nợ châu Âu sẽ kéo dài ít nhất 5 năm nữa

Nếu không cải cách nghiêm ngặt, châu Âu sẽ không thể hấp dẫn đầu tư quốc tế trong những năm tới, thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, khủng hoảng nợ châu Âu sẽ kéo dài ít nhất 5 năm nữa. Tuy nhiên, bà Merkel nhấn mạnh, châu Âu đang đi đúng đường nhằm vượt qua khủng hoảng nhưng cuộc khủng hoảng này không thể giải quyết trong 1 đến 2 năm nữa.

Châu Âu rơi vào khủng hoảng nợ cách đây 2 năm do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007. Đặc biệt, Hy Lạp phải chật vật với các gói khắc khổ và nhiều cải cách khác để có thể nhận các gói cứu trợ quốc tế, tránh vỡ nợ.

Trước đó, hồi đầu tháng 10 chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Olivier Blanchard cho rằng, kinh tế thế giới sẽ phải đợi ít nhất là 10 năm nữa mới có thể phục hồi từ sau cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2008. “Đây không phải là 1 thập kỷ mất mát. Nhưng chắc chắn kinh tế thế giới sẽ phải mất ít nhất là 1 thập kỷ để lấy lại trạng thái trước đó”, ông nói.
(Stox)
---------
Tổng thống Iran bị chất vấn về khủng hoảng tỷ giá

Ngày 4/11, Quốc hội Iran đã quyết định triệu tập Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad để chất vấn về cách giải quyết cuộc khủng hoảng tỷ giá hồi tháng trước khi đồng nội tệ của Iran là rial mất giá tới 40% so với đồng USD.

Theo hãng thông tấn Iran IRNA, đã có 77 nghị sỹ trong tổng số 290 thành viên Quốc hội Iran nhất trí kiến nghị yêu cầu Tổng thống Ahmadinejad giải trình về "sự chần chừ của chính phủ trong quản lý thị trường tiền tệ."

Theo Hiến pháp nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, kiến nghị yêu cầu triệu tập Tổng thống trước Quốc hội để chất vấn cần có được ký của tối thiểu 74 nghị sỹ. Hiện Tổng thống Ahmadinejad có thời gian một tháng để giải trình trước các nghị siỹ.

Trong kiến nghị ngày 4/11, các nghị sỹ cho rằng tình trạng đồng rial mất giá từ 22.000 rial/1 USD lên tới 40.000 rial/1 USD trong vòng 20 ngày hồi tháng trước "là do sự chậm trễ của Ngân hàng Trung ương nước này dẫn tới lạm phát cùng sụt giảm tăng trưởng, gây gián đoạn hoạt động của các ngành trong nền kinh tế."

Các nhà kinh tế nhìn nhận cuộc khủng hoảng vừa qua của đồng rial là một trong số những hậu quả của việc phương Tây siết chặt trừng phạt dầu mỏ và ngân hàng với Iran do Tehran không từ bỏ chương trình làm giàu uranium gây nhiều tranh cãi.

Đầu tháng 10 vừa qua, Tổng thống Ahmadinejad mạnh mẽ cáo buộc phương Tây đã phát động một cuộc chiến kinh tế chống lại Iran, đồng thời tái khẳng định Tehran sẽ không từ bỏ quyền phát triển hạt nhân của mình.

Hồi tháng Ba năm nay, ông Ahmadinejad cũng đã ra trước Quốc hội trả lời chất vấn./.

(TTXVN)
--------
EU - Trung Quốc căng thẳng vì pin quang điện

 Theo tờ Frankfurter Rundschau, EU và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đối đầu trong “cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử” vì pin quang điện.

Trong bối cảnh dầu hỏa không ngừng tăng giá, quang điện ngày càng được xem là mảnh đất màu mỡ với các nhà kinh doanh.

EU cáo buộc các công ty Trung Quốc đã được hưởng những chính sách hỗ trợ vốn rất ưu đãi từ nhà nước. Tổng cộng, các công ty này đã vay nhiều tỉ USD với các điều kiện đảm bảo không đáng kể.

Nhờ đó, pin quang điện của Trung Quốc rẻ hơn 30% nên nhanh chóng vượt qua các nhà sản xuất EU chỉ sau vài năm tham gia thị trường.

Hiện có đến 80% pin quang điện được lắp đặt tại châu Âu có xuất xứ từ Trung Quốc. Mới đây, Liên đoàn Pin quang điện EU đã nộp đơn kiện Trung Quốc lên Ủy ban châu Âu vì bán phá giá. Phán quyết sẽ được đưa ra trong vài tháng tới.

Đáp lại, Trung Quốc cũng dọa kiện các nhà sản xuất silicium EU. Chất này là một trong những thành phần quan trọng nhất để chế tạo pin quang điện.
(Thanh Niên)
--------
Mỹ rời khỏi top 10 quốc gia phồn thịnh nhất TG

Nước Mỹ đã lần đầu tiên rời khỏi top 10 trên bảng xếp những quốc gia phồn thịnh nhất năm 2012 do Viện nghiên cứu Legatum công bố.

Theo bảng xếp hạng chỉ số phồn thịnh năm 2012 của 142 quốc gia trên thế giới do Viện nghiên cứu Legatum có trụ sở tại Anh vừa công bố, Na Uy vẫn giữ vững vị trí số 1 trong 4 năm liên tiếp. Tuy nhiên, nước Mỹ đã rời khỏi tốp 10 nước đứng đầu khi tụt xuống thứ 12.

Viện Legatum đã đánh giá sự phồn thịnh của của 142 quốc gia dựa trên 8 lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, tính năng động kinh doanh và cơ hội việc làm, quản lý, y tế, tự do cá nhân, an toàn và an ninh, và quan hệ xã hội.

Cùng với Na Uy, 2 quốc gia vùng Scandinavia là Đan Mạch và Thụy Điển tiếp tục độc chiếm 3 vị trí cao nhất trong BXH. Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, nhưng Hà Lan, Ireland và Đức vẫn đạt được những bước tiến trên bảng xếp hạng khi lần lượt xếp hạng thứ 8, 10 và 14.

Nhóm các “con hổ” mới nổi của châu Á mới nổi, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia đều đạt được những bước thăng tiến trong bảng xếp hạng chỉ số phồn thịnh năm 2012 (Việt Nam được xếp hạng ở vị trí thứ 53).

Trong khi đó, Hong Kong, Singapore và Đài Loan đều nằm trong top 25.

Ông Jeffrey Gedmin, chủ tịch của Viện nghiên cứu Legatum, cho biết: “Bảng xếp hạng chỉ số phồn thịnh năm 2012 cho phép chúng ta vẽ ra một bức tranh tổng thể về những gì một quốc gia đã đạt được trong năm vừa qua và phỏng đoán được xu hướng phát triển của của các quốc gia trong tương lai.
(Khám Phá)
----------
Thụy Sĩ mở Đại sứ quán tại Myanmar

 Trong năm tới, viện trợ nhân đạo của Thụy Sĩ cho Myanmar sẽ lên tới 20 triệu USD.

Hôm 3/11, Thụy Sĩ mở Đại sứ quán tại Yangoon nhằm tăng cường quan hệ với Myanmar. Việc khai trương tòa đại sứ tại Myanmar diễn ra nhân chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Ngọai giao Thụy Sĩ Didier Burkhalter.

Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter tuyên bố, Thụy Sĩ sẽ hỗ trợ Myanmar phát triển sau khi quốc gia Đông Nam Á này tiến hành nhiều cải cách về kinh tế, chính trị.

Thụy Sĩ sẽ cấp gói hỗ trợ trị giá 8 triệu USD cho Myanmar và con số này sẽ tăng lên 20 triệu USD trong năm tới.

Hôm qua tại cuộc gặp ở Nay Pyi Taw, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Didier Burkhalter và Tổng thống Myanmar Thein Sein đã thảo luận về mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 nước, đặc biệt là hợp tác trong phòng chống thiên tai, đào tạo nghề, y tế, sản xuất thực phẩm…

Tháng 6 năm nay, nhà lãnh đạo đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi đã có chuyến thăm lịch sử tới 5 nước châu Âu, trong đó có Thụy Sĩ nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ về kinh tế, chính trị cuả các nước châu Âu đối với Myanmar trong quá trình cải cách. Thụy  Sỹ cùng với Canada, Australia đã bãi bỏ hầu hết lệnh cấm vận đối với Myanmar nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với các nỗ lực cải cách sâu rộng của Myanmar.

Tháng 6 vừa qua, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Geneva (Thụy Sĩ) cũng bãi bỏ những lệnh cấm vận kéo dài hơn 10 năm qua đối với Myanmar nhằm công nhận những tiến bộ của nước này trong lĩnh vực cải cách lao động./.

Trần Nga/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
----------------
Bị tố đói kém, Triều Tiên lên tiếng phản bác

 Báo cáo từ đại diện Liên Hiệp Quốc ở Triều Triên được công bố ngày 3-11, khẳng định, đời sống người dân nước này dưới thời Kim Jong-un vẫn không có gì cải thiện, tình trạng vi phạm nhân quyền vẫn diễn ra. Trong khi đó, phía Triều Tiên lên tiếng phản bác thông tin này và cho rằng vẫn tự hào về hệ thống chính quyền của mình.

Ông Marzuki Darusman, phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Triều Tiên đã báo cáo với Liên Hiệp Quốc rằng Triều Tiên có nhiều hành vi vi phạm nhân quyền. Họ vẫn dành phần lớn tài lực và vật lực cho quân đội khiến cho nhiều người dân sống trong tình trạng đói kém, thiếu vệ sinh, không đủ nước để sinh hoạt, thuốc chữa bệnh… “Triều Triên sử dụng rộng rãi các trại tù chính trị nhưng điều kiện nhà tù nghèo nàn. Các tù nhân bị trấn, nhục hình và bị bắt lao động khổ sai” – ông Marzuki Darusman chỉ trích.
 
Theo báo cáo trên, tình hình nghèo khó của Triều Triên vẫn không hề được cải thiện kể từ khi Kim Jong-un lên lãnh đạo đất nước này. Marzuki Darusman phàn nàn Triều Tiên không hợp tác trong quá trình ông ở đây đánh giá tình hình nhân quyền theo chỉ đạo từ Liên Hiệp Quốc. Ông này cũng kêu gọi chính quyền Bình Nhưỡng chuyển một phần của cải từ quân đội sang phục vụ người dân.

Ngay lập tức, ông Kim Song, đại diện của Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng phản bác toàn bộ báo cáo trên. Đồng thời, ông này cho rằng những nhận định trong bản báo cáo vô căn cứ và có dụng ý chính trị.

“Chúng tôi không có gì phải che giấu hay sợ hãi. Trái lại, chúng tôi rất tự hào về hệ thống chính quyền của mình vì đảm bảo tốt quyền con người, giáo dục và y tế miễn phí cho mọi người. Chúng tôi vẫn sẽ phát triển và tăng cường hệ thống xã hội đảm bảo thúc đẩy và bảo vệ quyền cho người dân nước mình” – ông Kim Song cho biết.

M.Khuê (Theo Reuters,NLĐ)
-----------------
Myanmar ban hành luật đầu tư

 Nhà lãnh đạo Myanmar hôm 2.11 đã kí ban hành luật đầu tư nước ngoài đang được mong đợi, trong khi Ngân hàng thế giới (WB) cam kết sẽ giúp đỡ đất nước vừa nổi lên sau nhiều thập kỷ quân đội cầm quyền.

Các hãng lớn từ Coca-Cola đến Visa đang xếp hàng để vào đất nước nghèo nhưng giàu tài nguyên này, khi mà các nước phương Tây dở lệnh cấm vận đối với Myanmar.

WB công bố sẽ bơm 245 triệu USD tài trợ vào Myanmar, nối lại cộng tác sau khi tạm ngưng suốt một phần tư thế kỷ.

Định chế tài chính này đóng cửa văn phòng vào năm 1987, và ngưng cho vay mới sau khi chính quyền quân sự ngưng trả nợ hàng trăm triệu USD từ các chương trình trợ giúp.

Việc ban hành luật đầu tư diễn ra sau nhiều tuần lễ tranh luận về mức độ mở cửa cho các hãng hải ngoại, với tư tưởng cánh hẩu trong kinh doanh có từ thời quân đội cầm quyền đối lập với sự thay đổi nhanh.

“Các nhà đầu tư chờ đợi luật này để được vào. Đó là lí do tổng thống đã ký ban hành luật thật nhanh khi ông có thể,” AFP dẫn lời Zaw Htay, một quan chức thuộc tổng thống phủ.

Ông cho biết viên cựu tướng muốn ký ban hành trước khi bay đi Lào dự hội nghị thượng định Á - Âu khai mạc vào ngày 5.11.

Một phiên bản thuận lợi cho kinh doanh của luật đã được quốc hội thông qua hôm 1.11, sau khi Thein Sein đệ trình lại một dự luật cho các đại biểu giữa những mối lo lắng là luật còn bảo hộ quá.

Giới hạn liên doanh về vốn ở mức 50% trước đây đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được hạ thấp, và phiên bản mới cho phép tỉ lệ đầu tư do các đối tác nước ngoài và trong nước quyết định, các nghị sĩ cho biết.

Các qui định chi tiết cho các lĩnh vực sẽ do ủy ban Đầu tư Myanmar soạn thảo.

Một trong những than phiền chủ yếu đối với các doanh nghiệp đầu tư trước đây vào Myanmar là nước này thiếu một khung pháp lý.

“Tôi nghĩ rằng luật sẽ thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến Myanmar,” đại biểu Aung Kyi Nyunt trong đảng đối lập Liên minh quốc gia dân chủ của bà Aung San Suu Kyi, nói.

Thein Sein cam kết đặt nền kinh tế vào trung tâm của làn sóng cải cách mới, tiếp theo những thay đổi chính trị đầy kịch tính sau gần nửa thế kỷ theo chế độ binh trị chấm dứt hồi năm ngoái.

“Cơ hội việc làm khan hiếm trong nước chúng tôi,” tổng thống phát biểu hồi tháng trước trong cuộc họp báo đầu tiên của ông kể từ khi lên cầm quyền cách nay 18 tháng.

“Để có được những cơ hội này chúng tôi xác định là cần đến đầu tư nước ngoài,” ông nói.

Myanmar được nhiều nhà đầu tư xem như là biên giới thị trường sắp tới trong vùng và họ nhắm tới dầu, khí, những tài nguyên thiên nhiên khác và vị trí chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Đất nước này từng được biết đến như là vựa lúa của châu Á vì đất đai màu mỡ. Nhưng quản trị kinh tế sai lầm của tập đoàn quân sự trong gần 50 năm đã làm đất nước nghèo xơ xác.

Khởi Thức
SGTT
---------------
 Nhật mua đất hiếm Kazakhstan để bớt lệ thuộc vào Trung Quốc

Kể từ tháng 1/2013, công ty Sumitomo Corp của Nhật, với sự hỗ trợ của chính phủ, sẽ mua kim loại đất hiếm ở Kazakhstan.

Các nhà lãnh đạo cơ quan kinh tế của Nhật Bản và Kazakhstan đã ký kết thỏa thuận này vào tháng 5, nhưng mới công bố ngày tháng bắt đầu giao hàng.

Sumitomo Corp sẽ mua ở Kazakhstan khoảng 1,5 tấn kim loại đất hiếm mỗi năm, xấp xỉ bằng 7,5% lượng tiêu thụ hàng năm. Các nhà sản xuất Nhật Bản sử dụng kim loại đất hiếm khi sản xuất các loại thiết bị điện tử công nghệ cao.

Các phương tiện truyền thông Nhật Bản cho biết, hợp đồng này nhằm giảm sự lệ thuộc của Nhật Bản vào các đợt cung cấp kim loại đất hiếm từ Trung Quốc.

Trung Quốc xuất khẩu ra thị trường thế giới 90% kim loại đất hiếm, và tận dụng lợi thế của mình bằng cách áp dụng những hạn chế khác nhau. Hành động này khiến Nhật Bản, Mỹ và các nước EU phẫn nộ, và họ đã nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO./.

Theo Đài Tiếng nói nước Nga
VOV
------------
 Nga tiếp tục đầu tư phổ biến tiếng Nga toàn thế giới

Nước này đang thực thi chương trình Nhà nước quảng bá tiếng Nga đến năm 2015.

Hôm 3/11, Thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố Chính phủ Nga sẽ tiếp tục đầu tư để phổ biến rộng rãi ngôn ngữ Nga trên thế giới.

Phát biểu trong Đại hội của Quỹ "Thế giới Nga" ở Moscow, ông Medvedev cho biết hiện nay đang thực thi chương trình Nhà nước dành quảng bá tiếng Nga đến năm 2015.

Chính phủ hoạch định khái niệm hỗ trợ phát triển ngôn ngữ Nga và giúp đỡ các trường học tiếng Nga ở nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh rằng củng cố và bảo lưu vị thế quốc tế của tiếng Nga cần phải là nhiệm vụ chính của Quỹ "Thế giới Nga".

"Quan tâm đến ngôn ngữ Nga đang ngày càng tăng, kể cả trong những quốc gia mà tiếng Nga hiện nay không có vị chế chính thức hoặc bị mai một”, ông nói. “Bbất chấp tình hình chính trị và hiện thực kinh tế, ở nhiều nước người ta vẫn duy trì mối quan tâm đến ngôn ngữ Nga”, ông Dmitry Medvedev khái quát.

Quỹ “Thế giới Nga” được thành lập năm 2007 nhằm thúc đẩy phổ biến ngôn ngữ Nga như là giá trị di sản văn hóa quốc gia của Nga và là bộ phận quan trọng cấu thành nền văn hóa Nga và thế giới, cũng như triển khai chương trình hỗ trợ dạy và học tiếng Nga tại Nga và các nước ngoài.

Trong số những thành viên tham dự Đại hội thường niên có hơn nghìn đại diện của “Thế giới Nga” ở nước ngoài, các giảng viên ngôn ngữ và văn học Nga, những nhà hoạt động khoa học và xã hội Nga nổi tiếng, và số liệu về văn hóa và các nhà lãnh đạo của đồng bào và giới truyền thông Nga, đại diện kiều bào và các cộng đồng nói tiếng Nga, các chuyên viên, nhà ngoại giao và giáo sĩ./.

Theo Đài Tiếng nói nước Nga
VOV
----------------
LHQ: Triều Tiên vẫn đói ăn dưới thời Kim Jong-Un

Ngày 3/11, Liên hợp quốc đã công bố bản báo cáo của Đại diện của cơ quan này về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, ông Marzuki Darusan khẳng định tình hình đời sống của người nước này "không có gì được cải thiện" dưới thời tân lãnh đạo Kim Jong-Un.

Theo ông Darusan, nguyên là Trưởng Công tố Indonesia, Triều Tiên vẫn thi hành chính sách "tiên quân," dành phần lớn tài lực và vật lực cho quân đội, khiến trên 60% dân số (16 triệu trong tổng số 25 triệu dân) đang bị thiếu ăn, nhiều người phải sống trong cảnh thiếu vệ sinh, không đủ nước sinh hoạt và thuốc chữa bệnh...

Ông Darusan kêu gọi chính quyền Bình Nhưỡng chuyển một phần của cải vật chất của quân đội sang phục vụ đại đa số dân chúng.

Ngay lập tức, ông Kim Song, Đại diện của Triều Tiên tại Liên hợp quốc đã lên tiếng phản đối bản báo cáo trên, đồng thời cho rằng nó "phi sự thật" và có "dụng ý chính trị."

Ông Kim nói: "Chúng tôi không có gì phải giấu giếm, không có gì phải sợ hãi, trái lại, người Triều Tiên rất tự hào về hệ thống chính quyền của mình vì đã bảo đảm rất tốt quyền con người, và tổ chức hệ thống giáo dục và y tế miễn phí cho mọi người"./.

(Vietnam+)
----------
 Đức hối thúc EU nghiêm túc thực hiện thỏa thuận tài chính

Thủ tướng nước này cho rằng các nước EU cần chứng minh cho quốc tế thấy khoản đầu tư của họ vào EU là hiệu quả.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 3/11 đã lên tiếng thúc giục các nước Liên minh châu Âu phải tuân thủ chặt chẽ các thỏa thuận về ổn định và tăng trưởng, vốn liên tiếp bị vi phạm trong thời gian qua.

Bà Merkel cũng yêu cầu khu vực tài chính phải có đóng góp cho thu nhập nhà nước.

Phát biểu tại Hội nghị đảng Liên minh Dân chủ - Cơ đốc giáo (CDU), Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: “Các hiệp ước ổn định và tăng trưởng đã liên tiếp bị vi phạm và chúng ta cần phải thay đổi điều này. Chúng ta cần sự nghiêm túc của các nước để thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng, khoản đầu tư của họ vào Liên minh châu Âu có giá trị và hiệu quả. Tôi tin tưởng chúng ta sẽ làm được điều này.”

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cảnh báo: Khủng hoảng nợ và những khó khăn tài chính tại châu Âu sẽ không sớm kết thúc./.

Hoàng Lê/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters
-------------
Người châu Á chọn Obama hay Romney?

Đa phần người Trung Quốc và Nhật bản mong muốn ông Obama tái đắc cử. Trong khi đó, quan điểm cứng rắn của ông Romney đối với các cường quốc châu Á đã làm sứt mẻ hình ảnh của ông.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không chỉ “nóng” với những người trong cuộc mà còn gây sự chú ý và quan tâm đặc biệt ở châu Á. Bởi bất cứ sự thay đổi vị trí quyền lực Nhà trắng sẽ ảnh hưởng đến những chính sách của Mỹ áp dụng với châu Á.

Hiện, tỷ lệ ủng hộ cho ông Obama ở các nước châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản và Ấn Độ cũng cao hơn so với đối thủ Romney, đặc biệt là ở những người trong lứa tuổi từ 20-30.

Trong khi đó, Romney cũng “được lòng” với những người nhiều tuổi Trung Quốc và ở những thành phố kém phát triển hơn. Pakistan là nước duy nhất có tỷ lệ ý kiến ủng hộ ứng cử viên Cộng hòa cao hơn. Tuy nhiên, trong hơn 2.000 người Pakistan được khảo sát, cũng chỉ có 14% số ý kiến thích ông Romney, hơn ông Obama khoảng 3%. Số người còn lại không đưa ra ý kiến bình luận.

Một cuộc điều tra do Ipsos Hong Kong thực hiện cho thấy có tới 86% người Nhật ủng hộ đương kim Tổng thống đảng Dân chủ, trong khi chỉ có 12,3% ủng hộ cho ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney.

Nguyên nhân của sự chênh lệch lớn này có khả năng liên quan đến bình luận công khai của ông Romney trước đó khi rằng nền kinh tế của Nhật đang tụt dốc. Trong khi người Nhật vón có lòng tự tôn dân tộc rất mạnh mẽ nên họ có thể phản ứng tiêu cực đối với công bố kiểu này.

Người dân Trung Quốc có vẻ kém rõ ràng hơn, nhưng 63% số người được hỏi muốn Obama nắm quyền thêm 4 năm nữa, theo cuộc thăm dò thực hiện trên mạng từ tháng 9-10 vừa qua.

“Có khả năng quan điểm cứng rắn của Romney về tiền tệ và thương mại, cũng như kế hoạch củng cố thêm khả năng quân sự ở Thái Bình Dương đã khiến người Trung Quốc tin rằng tốt hơn hết là giữ nguyên như tình trạng như hiện nay”, trợ lý giám đốc Ipsos Hong Kong, Andrew Lam, cho hay.

Khảo sát cũng cho hay châu Á muốn Obama giành chiến thắng, nhưng Trung Quốc có nhiều người ủng hộ Romney hơn Nhật.

Cuộc điều tra của AFP-Ipsos cho thấy hầu hết người Nhật (81,8%) và người Trung Quốc (58,3%) cho rằng Obama sẽ là tổng thống Mỹ tốt nhất cho sự phát triển kinh tế của châu Á, bác bỏ ý kiến cho rằng ông Romney là một nhà quản lý kinh tế mạnh mẽ hơn.

Khi được hỏi ứng viên nào tốt hơn cho hòa bình và an ninh châu Á, 85,3% người Nhật và 56,3% người Trung Quốc chọn Obama.

Thiên Yết (t/h)
Người Đưa Tin
--------
 EU và Singapore hoàn thành FTA trong năm nay

Liên minh châu Âu hiện có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Singapore.

Kênh truyền hình Tin tức châu Á (Channel NewsAsia) hôm 3/11 cho biết, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Singapore tuyên bố sẽ hoàn thành việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nước này trong năm nay.

Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Singapore Marc Ungeheuer cho biết thêm, Hiệp định thương mại tự do giữa 2 bên sẽ có danh mục về đầu tư bởi nó sẽ đảm bảo môi trường an toàn cho các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào quốc đảo này. Liên minh châu Âu hiện có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Singapore, chiếm khoảng 65% tổng vốn đầu tư của khối này cho các nước ASEAN.

Nếu Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu được ký kết theo đúng lộ trình từ nay đến cuối năm, Singapore có thể trở thành nước đầu tiên trong ASEAN đạt được thỏa thuận này.

Liên minh châu Âu cũng đang khẩn trương đàm phán với các nước ASEAN khác là Malaysia và Việt Nam, dự kiến khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Thái Lan và Indonesia vào năm sau. Ông Ungeheuer cho rằng các Hiệp định thương mại tự do này sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng Hiệp định giữa Liên minh châu Âu và ASEAN./.

Diệu Hương/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
------------
Nhật Bản từ chối tham dự hội chợ du lịch Trung Quốc

Nhật Bản rút khỏi hội chợ du lịch quốc tế quy mô lớn diễn ra tại Thượng Hải, trong bối cảnh tranh chấp giữa hai nước xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn đang căng thẳng.

Các đại lý du lịch Nhật được Cơ quan Du lịch Nhật Bản yêu cầu hủy bỏ việc tham dự Hội chợ Du lịch Quốc tế Trung Quốc mà không đưa ra giải thích chi tiết, đài truyền hình NHK của Nhật đưa tin.

Ngoài các đại lý, 29 sở du lịch địa phương Nhật Bản có ý định tham gia hội chợ ở Thượng Hải cũng rút lui.

Theo Fox News, trước đó, Nhật Bản hy vọng thông qua hội chợ có thể quảng bá, thu hút khách du lịch Trung Quốc, vốn giảm sút mạnh về số lượng sau khi căng thẳng về tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông bùng phát.

Hội chợ Du lịch Quốc tế Trung Quốc sẽ diễn ra trong các ngày 15-18/11, dự kiến có hơn 100.000 lượt khách tới thăm quan.

Quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á xấu đi sau khi chính phủ Nhật thông qua kế hoạch mua lại chuỗi đảo không người mà Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, từ các chủ sở hữu tư nhân của Nhật, hồi tháng 9. Mục đích của việc mua lại này, theo chính phủ Nhật là để ổn định tình hình, tránh gây xáo trộn hiện trạng. Tuy nhiên hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản nổ ra khắp Trung Quốc, khiến sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị trì hoãn và công việc làm ăn của nhiều công ty Nhật tại Trung Quốc bị đình trệ.

Các tàu tuần tra của Trung Quốc liên tục xuất hiện tại vùng nước gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang quản lý trên thực tế. Các đảo không người này được cho là nằm trong vùng nước giàu tài nguyên khoáng sản và có trữ lượng hải sản lớn. Các tàu của hai bên thường xuyên chạm mặt và tuyên bố đang làm nhiệm vụ trong lãnh hải nước mình, đồng thời yêu cầu tàu của đối phương rút lui.

Vũ Hà
VNexpress
-----------------------------
Hàng ngàn luật sư sẽ theo dõi bỏ phiếu bầu cử Mỹ

Theo Đài RFI, ngày 3/11, ba ngày trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ, hàng nghìn luật sư đã đổ về tiểu bang Ohio và một số tiểu bang chủ chốt khác.

Sứ mệnh của họ là đảm bảo không có bất cứ trường hợp bất hợp lệ nào xảy ra tại các phòng bỏ phiếu, cản trở chiến thắng của ứng cử viên mà họ đại diện.

Hai ứng cử viên Barack Obama và Mitt Romney có trong tay hàng nghìn luật sư. Những người này sẵn sàng phản đối mọi kết quả mà họ cảm thấy nghi ngờ. Các luật sư của hai ứng viên sẽ theo dõi quá trình diễn ra cuộc bỏ phiếu, kiểm tra xem các máy bỏ phiếu có vận hành tốt hay không, xem có gian lận không và để cho không có bất cứ cử tri hợp lệ nào bị gạt ra ngoài.

Tiểu bang Ohio, nơi có thể trở thành điểm quyết định kết quả bầu cử, chắc chắn sẽ đón nhiều luật sư nhất. Êkíp tranh cử của Obama đã cử 600 trên tổng số 2.300 luật sư của mình đến Ohio.

Kể từ cuộc bầu cử năm 2000, khi Tòa án Tối cao ra quyết định về người thắng cuộc, sau hàng tuần tranh cãi về các kết quả tại tiểu bang Florida, các ứng cử viên tổng thống Mỹ bắt đầu cần đến sự trợ giúp của nhiều chuyên gia pháp lý.

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay đặc biệt sít sao, cho nên chắc chắn sẽ có rất nhiều khiếu nại.

Trong khi đó, cuộc thăm dò dư luận mới nhất do NBC News/Wall Street Journal/Marist tiến hành hôm 2/11 cho thấy đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục dẫn điểm trước đối thủ Cộng hòa, Thượng nghị sỹ Mitt Romney, tại hai bang then chốt là Ohio và Florida.

Kết quả cuộc thăm dò cho thấy ông Obama đang nắm lợi thế 6 điểm khi dẫn trước ứng cử viên Romney tỷ lệ 51%-45% ở bang Ohio. Tại Florida, ứng cử viên đảng Dân chủ nhận được sự ủng hộ 49% so với 47% của ông Romney. Chiến thắng tại hai bang này sẽ đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 6/11 tới vì bang Ohio và Florida lần lượt có 18 và 29 phiếu đại cử tri./.

(Vietnam+)
--------
 Nga trở thành cầu nối của ASEM

Truyền thông Nga ngày 3-11 dẫn lời Thủ tướng Mét-vê-đép (Dmitry Medvedev) khẳng định, Nga đã trở thành cầu nối của Diễn đàn Á-Âu (ASEM), nơi phản ánh nổi bật hai hướng phát triển chủ yếu của thế giới gồm một bên là quá trình toàn cầu hóa và gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau, còn bên kia là sự phát triển của khu vực và vai trò tăng lên của những khu vực phát triển mạnh nhất.

Theo Thủ tướng Mét-vê-đép, là quốc gia trải dài trên cả hai lục địa Âu-Á, có nền văn hóa đa dạng và tiềm năng kinh tế hùng mạnh nên Nga không thể không trở thành cầu nối cho quá trình phát triển này của thế giới và ASEM. Thủ tướng Mét-vê-đép cho rằng, ASEM là diễn đàn thích hợp để thảo luận mọi vấn đề cấp bách nhất của sự phát triển hiện nay tại lục địa Á-Âu cũng như trên thế giới. Thủ tướng Mét-vê-đép khẳng định, Nga sẵn sàng phối hợp hành động chặt chẽ trong khuôn khổ ASEM nhằm thúc đẩy sự phát triển đi lên của lục địa Á-Âu.

TTXVN

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te