TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 08-11-2012


Nga đề nghị Indonesia lập liên doanh sản xuất vũ khí

Triển vọng của việc thành lập công ty liên doanh Nga-Indonesia liên quan đến sản xuất xe bọc thép và các sản phẩm khác sẽ được thảo luận trong thời gian diễn ra cuộc triển lãm vũ khí Indo Defense-2012, khai mạc ngày 7/11 ở thủ đô Jakarta.
 
Phó Tổng Giám đốc Rosoboronexport, người dẫn đầu phái đoàn Nga dự Indo Defense 2012, ông Victor Komardin đã thông báo tin trên với hãng Interfax.
 
Trả lời câu hỏi về khả năng tiến hành các cuộc đàm phán với đại diện Việt Nam, Malaysia và các nước khác của khu vực Đông Nam Á trong thời gian triển lãm (tới ngày 10/11), ông Komardin nói: "Chúng tôi có lịch trình làm việc rất bận rộn. Chúng tôi sẽ tổ chức đàm phán với gần như tất cả các đối tác của mình trong khu vực"./.

(Vietnam+)
-------
Tầu ngầm Nga lại xuất hiện gần bờ biển Mỹ

Nhà chức trách Mỹ cho biết, đã phát hiện một chiếc tàu ngầm hạt nhân Nga gần bờ biển phía Đông Nam nước Mỹ.

Kênh truyền hình CNN dẫn lời một nguồn tin dấu tên từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hôm thứ tư, 7/11.

Theo CNN, đây là lần thứ 2 phát hiện được tàu ngầm hạt nhân Nga gần bờ biển Mỹ trong vòng 3 tháng gần đây.

Trước đó, vào tháng 8/2012, tàu ngầm tấn công hạt nhân Nga trang bị tên lửa hành trình tầm xa Akula đã hoạt động và di chuyển trong vùng biển chiến lược ở Vịnh Mexico (Mỹ) trong gần một tháng mà không hề bị phát hiện. Hải quân Mỹ đã xác nhận việc này.

Như vậy đây là lần thứ 3 tàu ngầm Nga xâm nhâp được vào vùng biển Mỹ (lần đầu tiên vào năm 2009).

Danh Nguyễn (theo Interfax, ĐVO)
--------
Campuchia diễn tập an ninh cho Hội nghị ASEAN 21

Ngày 7/11, lực lượng quân cảnh Campuchia đã tiến hành diễn tập chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 và các hội nghị liên quan, dự kiến diễn ra từ ngày 15-20/11 tại thủ đô Phnom Penh.

Trả lời báo giới tại thao trường ở Trụ sở quân cảnh Phnom Penh, Thiếu tướng Ya Kim Y, Chỉ huy lực lượng quân cảnh Phnom Penh, cho biết cuộc diễn tập này nhằm tăng cường năng lực và các kỹ năng của lực lượng vũ trang để đảm bảo an ninh cho các nhà lãnh đạo ASEAN cũng như các nhà lãnh đạo thế giới tới Campuchia dự hội nghị.

Cũng theo Tướng Ya Kim Y, một cuộc diễn tập quy mô lớn sẽ được tổ chức vào ngày 8/11 tại Đảo Ngọc ở thủ đô Phnom Penh với sự tham gia của hàng nghìn quân cảnh, cảnh sát và cận vệ.

Trước đó, Bộ trưởng Thông tin Campuchia Khieu Kanharith cho biết ngoài các nhà lãnh đạo các nước thành viên ASEAN dự Hội nghị cấp cao sắp tới, Tổng thống tái đắc cử Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cũng sẽ tới dự sự kiện này.

Hơn 1.600 phóng viên từ các nước trên thế giới đã đăng ký có mặt để đưa tin về sự kiện này./.

(TTXVN)
----
 Ukraina giới thiệu trực thăng tự sản xuất Mi-8MSB và MI-2MSB

 Hôm 6/11, Ukraina đã giới thiệu mẫu trực thăng Mi-8MSB và MI-2MSB đa chức năng do nhà máy Kiev Civil Aviation Plant 410 vừa tự thiết kế và chế tạo.

Tại buổi lễ ra mắt, Ông Nikolai Azarov Thủ tướng Ukraina khẳng định, hai mẫu trực thăng này được thiết kế chủ yếu nhằm phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn.

Trực thăng Mi-8MSB, với động cơ tiết kiệm nhiên liệu và khả năng chuyển tải 6.000-10.000 kg lên tới độ cao 8.200 mét trong lần bay thử hồi tháng Chín, đã lập kỷ lục thế giới trong dòng máy bay cùng loại.

Trực thăng MI-2MSB, trọng lượng 5-7 tấn và có thể bay liên tục 2 giờ mà không cần tiếp dầu, có thể được sử dụng đa mục đích, đặc biệt trong hoạt động cứu hộ khẩn cấp hoặc dập tắt cháy rừng.

Theo tính toán ban đầu hai loại trực thăng này sẽ có tuổi thọ ít nhất 15 năm.
(GDVN)
--------
Malaysia có thể sẽ mua máy bay chiến đấu của Pháp và tên lửa của Na Uy

Tờ New Straits Times đưa tin, Pháp và Na Uy đã chào bán cho Malaysia các trang thiết bị quân sự, động thái này được xem là một phương cách để tăng cường quan hệ thương mại giữa Malaysia với các nước này.

Bên lề Hội nghị cao cấp Á - Âu (ASEM-9) tại Lào ngày 5/11, Tổng thống Pháo Fancois Hollande đã nêu vấn đề cung cấp máy bay phản lực Rafale và trực thăng chiến đấu cho chương trình máy bay chiến đấu đa năng của Không quân Malaysia với Thủ tướng Malaysia Najib Razak.

Đồng thời, Thủ tướng Najib cho biết Pháp coi Malaysia là một quốc gia quan trọng để hợp tác kinh tế và nước này cũng muốn bán thêm máy bay chở khách Airbus cho Malaysia. Ông cũng cho biết Air France sẽ bắt đầu mở đường bay đến sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào tháng 4/2013.

Cùng ngày Thủ tướng Najib cho biết, Thủ tướng Na Uy ông Stoltenberg đã nhấn mạnh rằng các tàu của Hải quân Malaysia có thể sử dụng tên lửa của Na Uy.

Ngoài ra, Oslo cũng mong muốn cung cấp cho Kuala Lumpur các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực dầu khí, qua đó có thể giúp tăng gấp đôi sản lượng dầu.

Trước đó, Thủ tướng Najib đã khai trương chi nhánh đầu tiên của ngân hàng Malayan Banking Berhad (Maybank) tại Vientiane trước khi chứng kiến lễ ký thỏa thuận giữa Chính phủ Lào và công ty Giant Consolidated Ltd của Malaysia về xây dựng một tuyến đường sắt dài 220km tại Lào.
(GDVN)
-------
 Anh bán lô máy bay chiến đấu Typhoon cho hai quốc gia Ả rập

 Trọng tâm các cuộc hội đàm này nhằm tăng cường quan hệ quân sự trước khả năng tình hình trở nên tiêu cực liên quan đến Iran.

Ngày 5/11, Thủ tướng Anh David Cameron đã thảo luận cùng ban lãnh đạo Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) về khả năng bán lại lô máy bay chiến đấu của Không quân Hoàng gia Anh cho quốc gia Arập này.

Theo BBC đưa tin, trọng tâm các cuộc hội đàm này nhằm tăng cường quan hệ quân sự trước khả năng tình hình trở nên tiêu cực liên quan đến Iran.

Ngoài ra, London cũng đặt ra mục tiêu thương lượng hợp đồng mới về cung cấp vũ khí cho UAE và Arập Xêút, trước hết là 100 máy bay chiến đấu Typhoon.

Đây là chuyến công du thứ hai của ông Cameron tới UAE và Arập Xêút. Thủ tướng Anh sẽ có mặt tại khu vực vùng Vịnh trong ba ngày và tới thăm Arập Xêút
(GDVN)
-------
 Không quân Nga trang bị 'lá chắn' chống tên lửa

Tờ Izvestia của Nga số ra ngày 6/11 của Nga dẫn nguồn tin Bộ Tư lệnh Không quân Nga cho biết, đầu năm 2013, lực lượng Không quân Nga sẽ nhận được các tổ hợp đối kháng điện tử hiện đại dòng Vitebsk, do Viện nghiên cứu khoa học Ekran ở Samara chế tạo.

Hệ thống Vitebsk được chế tạo trên cơ sở kĩ thuật số nhằm mục đích bảo vệ các máy bay và máy bay lên thẳng chống tên lửa phòng không và rađa. Việc bảo vệ được thực hiện bằng dàn gây nhiễu quang học và điện tử.

Trước hết, Vitebsk sẽ được trang bị cho máy bay chiến đấu Su-25 và các trực thăng tấn công.

TTXVN/Tin tức

-------
 Ấn Độ và Pakistan đấu súng tại Kashmir

Ngày 6/11, đã diễn ra cuộc đấu súng trên Đường ranh giới kiểm soát (LoC) tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát giữa quân đội Ấn Độ và Pakistan.

Vụ vi phạm lệnh ngừng bắn trên xảy ra tại khu vực Uri, chạy dọc theo LoC và thuộc huyện biên giới Baramulla, cách thành phố Srinagar khoảng 110 km về phía Tây Bắc.

Một quan chức Ấn Độ cho biết vào tối 5/11, quân đội Pakistan đã nã các loại vũ khí hạng nhẹ và hạng nặng vào các đồn bốt của Ấn Độ ở Uri, và đến sáng 6/11, quân đội Ấn Độ đã tiến hành bắn trả. Các báo cáo sơ bộ cho thấy vụ đấu súng diễn ra trong vài giờ, song không có báo cáo về thương vong và thiệt hại trong vụ đấu súng này.

Cũng theo nguồn tin trên, trong một tháng qua, quân đội Pakistan đã không ngừng xâm phạm lệnh ngừng bắn ở khu vực Uri.

Cách đây một tháng, các binh sĩ Pakistan đã nã súng cối vào làng Churunda thuộc khu vực Uri của Ấn Độ, làm 3 dân thường thiệt mạng. Giới chức Ấn Độ sau đó đã đề nghị có cuộc gặp giữa hai bên để thảo luận về vụ việc, song phía chính quyền Pakistan đã từ chối yêu cầu này.

Năm 2003, New Dehli và Islamabad đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn dọc theo Biên giới Quốc tế và LoC tại Kashmir, tuy nhiên từ đó đến nay, giữa hai bên vẫn xảy ra các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn, bất chấp lệnh này vẫn còn hiệu lực. Khu vực Kashmir thuộc dãy Himalaya, nằm giữa biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.

TTXVN/Tin tức
------
 Nga di rời Bộ Tư lệnh Hải quân từ Moscow đến St. Peterburg

 Nga đang tăng cường xây dựng hải quân với một kế hoạch đầy tham vọng, thông qua tự đóng tàu và mua tàu chiến của nước ngoài.

 Tờ “Nhân Dân nhật báo” Trung Quốc cho biết, ngày 31/10, Bộ Tư lệnh Hải quân Nga chính thức hoàn thành di dời từ Thủ đô Moscow đến St. Peterburg, địa điểm làm việc mới nằm ở trong tòa nhà Bộ Hải quân cũ của Trung tâm thành phố St. Peterburg.

Cùng ngày, Bộ Tư lệnh Hải quân Nga cũng đã tổ chức nghi lễ kéo cờ, Tổng Tư lệnh Hải quân Nga Viktor Chirkov, Thống đốc bang Leningrad Poltavchenko và một số cựu chiến binh tham gia chiến tranh vệ quốc của Liên Xô cùng các đại diện đoàn thể xã hội đã tham dự buổi lễ.

Trong bài phát biểu, ông Viktor Chirkov cho rằng, St. Peterburg có ưu thế ở chỗ, nơi đây đã tập trung các học viện nhà trường của hải quân, cơ quan nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp công nghiệp có liên quan cần thiết cho việc xây dựng và phát triển của Hải quân Nga, làm cho Hải quân Nga có thể giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề huấn luyện và ứng dụng trong xây dựng, phát triển.

Ông bày tỏ tin tưởng Bộ Tư lệnh Hải quân Nga sẽ tiếp tục làm việc có hiệu quả ở địa điểm mới. Hiện nay tất cả các nhân viên, thiết bị và hồ sơ tài liệu đều đã “vào đúng vị trí”.

Viktor Chirkov nói, trong Bộ Tư lệnh mới đã lắp hệ thống chỉ huy và thông tin truyền hình hiện đại, trong văn phòng làm việc của cá nhân ông đã có một bộ thiết bị truyền thông video mạch kín (đóng mạch). Ông cũng chỉ ra, việc di dời sẽ không ảnh hưởng tới sự vận hành của toàn bộ Bộ Tư lệnh.

Hiện nay, St. Peterburg đã vạch ra khu nhà ở độc lập cho hầu hết các sĩ quan của Hải quân Nga, đã lần lượt cung cấp căn hộ và nhà ở tập thể cho các sĩ quan cấp trung đoàn và cấp phân đội.

Di dời Bộ Tư lệnh Hải quân Nga từ Moscow đến St. Peterburg là một nội dung quan trọng trong cải cách lực lượng vũ trang Nga. Đề nghị này đã sớm được nguyên Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Gryzlov đưa ra từ năm 2007. Công tác di dời được khởi động từ năm 2010, nhưng bị kéo dài đến nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có thiếu kinh phí.

Khi trả lời phòng vấn báo chí, nhà nghiên cứu Viện Khoa học Nga Evseev chỉ ra, việc di dời Bộ Tư lệnh Hải quân Nga lần này là một hành động mang tính chiến lược, không chỉ có ý nghĩa tượng trưng, mà còn có ý nghĩa thực tế.

Trước hết, ông giải thích cho biết, St. Peterburg ngay từ thời kỳ Sa Hoàng thống trị đã là thủ đô của nước Nga, tại đây Peter đại đế đã mở ra cánh cửa tới châu Âu. Trong thời kỳ Liên Xô, ở đây cũng đã xây dựng các công trình phục vụ cho Hải quân, trong đó có rất nhiều nhà máy đóng tàu.

Thứ hai, trong vòng cải cách quân sự những năm gần đây, sau khi 6 đại quân khu lực lượng vũ trang Nga sát nhập, đã thành lập 4 Bộ Tư lệnh chiến lược lớn, trong đó Bộ Tư lệnh chiến lược miền trung và tây cũng ở St. Peterburg.

Ngoài ra, còn có một nguyên nhân chính là, Moscow là thủ đô, đã đảm đương rất nhiều chức năng, cho nên cơ quan quân chính lớn có sự phân tán thích hợp sẽ rất cần thiết cho sự phát triển cân bằng của toàn bộ nền kinh tế đất nước.

Tàu chiến Igor Belousov hạ thủy ngày 31/10/2012. Chiếc tàu này dài 97,8 m, rộng 17 m, tốc độ tối đa 15 hải lý/giờ, hành trình 6.482 km. Tàu Igor Belousov sẽ được biên chế cho Hạm đội Phương Bắc, Hải quân Nga vào năm 2014.

Ngay từ năm 2008, Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga đã quyết định di dời từ Moscow đến St. Peterburg. Theo tờ Kommersant Nga, Tòa án Tối cao và Tòa án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga cũng có thể sẽ được chuyển tới St. Peterburg trước cuối năm 2014.

Evseev nhấn mạnh, di chuyển các cơ quan lớn tới nơi khác, phải bỏ ra rất nhiều kinh phí. Theo các phương tiện truyền thông Nga, số tiền dự định chi cho di dời Tòa án Tối cao Nga là 221 triệu rúp (1 nhân dân tệ tương đương 5,02 rúp), nhưng chi tiêu thực tế là 5,3 tỷ rúp. Evseev nói: “Việc di dời Bộ Tư lệnh Hải quân rốt cuộc đã tiêu bao nhiêu tiền, hiện vẫn chưa biết. Nhưng chắc chắn rằng, cái lợi của việc đầu tư này lớn hơn là cái hại”.

Ngày 31/10, Viktor Chirkov còn tham dự lễ hạ thủy tàu chiến Igor Belousov tại St. Peterburg. Ông tiết lộ, hiện nay Nga đang thực hiện kế hoạch đóng tàu, sẽ cấp nhiều tàu chiến hơn cho hải quân, dự kiến mỗi năm sẽ có 5 tàu chiến và tàu hỗ trợ hạ thủy.

Năm nay, Hải quân Nga đã tiến hành đổi mới trang bị quân sự quy mô lớn lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ đến nay, cả năm tổng cộng sẽ có 10-15 tàu chiến mới được biên chế cho Hải quân.

Theo cương yếu phát triển vũ khí trang bị của quân Nga, trước năm 2020, Hải quân Nga sẽ tiếp tục trang bị 8 tàu ngầm trang bị tên lửa chiến lược, 8 tàu ngầm hạt nhân, 20 tàu ngầm đa năng và khoảng 50 tàu chiến mặt nước. Năm 2012, tàu ngầm hạt nhân lớp Yuri Dolgoruky và Severodvinsk sẽ được biên chế cho Hải quân Nga.

Ngoài ra, Nga còn hợp tác với các cường quốc hải quân phương Tây, thông qua mua sắm tàu chiến và trao đổi công nghệ để bù lại những điểm yếu của bản thân mình. Chẳng hạn, hợp đồng Nga mua tàu đổ bộ Mistral của Pháp đang được tiến hành, Nga sẽ lần lượt tiếp nhận hai chiếc tàu này vào các năm 2014 và 2015. Nga cũng đã giành được giấy phép của Pháp, sẽ chế tạo loại tàu đổ bộ này tại trong nước.
(GDVN)
-------
Gruzia bắt giữ nhiều quan chức quân sự cấp cao

Đêm 6 và rạng sáng 7/11, Chính quyền Gruzia đã bắt giữ nhiều quan chức quân sự cấp cao của nước này, trong đó có Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Georghi Kalandadze, Tư lệnh lữ đoàn 4 Zurab Shamatava, cựu Bộ trưởng Quốc phòng đồng thời là cựu Bộ trưởng Nội vụ Bacho Akhalaia.

Các quan chức nói trên bị bắt giữ sau nhiều giờ bị thẩm vấn tại Viện Tổng Công tố (Kiểm sát) Gruzia vào chiều 6/11. Lệnh bắt giữ được Bộ trưởng Tư pháp Gruzia Tey Sulukiani ký phê chuẩn trước sự chứng kiến của Tổng Công tố viên Archila Kbilashvili.

Ông bị Akhalaia cáo buộc liên quan đến vụ điều tra lạm dụng chức quyền và ngược đãi tù nhân.

Ông Kalandadze và ông Shamatava hiện chưa bị buộc tội chính thức, nhưng luật pháp Gruzia cho phép tạm giữ nghi phạm trong vòng 48 giờ mà không phải công bố tội trạng.

TTXVN/ Tin Tức
---------
Vụ không kích Sudan là lời cảnh báo dành cho Iran

Cuộc không kích nhắm vào nhà máy vũ khí của Sudan bị cáo buộc là do Israel tiến hành, được đánh giá là một cuộc tập dượt cho kịch bản tấn công Iran.

 Để thực hiện cuộc không kích vào nhà máy vũ khí Yarmuk ở miền Nam Khartoum, Sudan, lực lượng tấn công đã lên kế hoạch rất chu đáo, tất nhiên không thể thiếu vai trò của công nghệ cao trong kịch bản này. Theo một giả thiết gần đây, đầu tiên lực lượng tấn công (theo một số nguồn tin là Israel) sử dụng vệ tinh gián điệp EROS-B thuộc dự án Sentinel của đồng minh nhằm giám sát nhất cử nhất động tại Sudan.

Vệ tinh gián điệp EROS-B được trang bị các cảm biến giám sát với độ phân giải rất cao. Thông qua việc sử dụng vệ tinh EROS-B giới tình báo phía tấn công đã phát hiện được rất nhiều thùng hàng lạ được tập kết bên ngoài nhà máy quân sự Yarmuk.

Từ lâu, Sudan đã bị một số quốc gia thù địch coi là nơi cung cấp vũ khí cho quân du kích Hamas hoạt động ở dải Gaza. Nghi ngờ các thùng hàng này chứa vũ khí cung cấp cho Hamas, lực lượng tấn công đã được điều động tiêu diệt mối nguy hiểm này.

Theo tính toán, các tiêm kích của lực lượng tấn công đã bay một quãng đường dài gần 1.600km đến khu vực nhà máy vũ khí Yarmuk. Điểm đáng chú ý, khoảng cách này cũng tương đương với quãng đường từ trung tâm Israel đến các khu vực cơ sở hạt nhân của Iran.

Một khó khăn khác là khu vực nhà máy quân sự Yarmuk nằm sâu trong lãnh thổ Sudan và được bảo vệ rất kỹ càng bằng mạng lưới phòng không dày đặc.

Tuy vậy, sau khi cuộc không kích vào nhà máy quân sự Sudan diễn ra, Bộ trưởng Thông tin Sudan đã cáo buộc các máy bay Israel sử dụng các biện pháp chế áp điện tử để bịt mắt hệ thống radar của Sudan.

Một số nguồn tin quân sự tiết lộ, các tiêm kích của lực lượng tấn công đã bay qua “khu vực chết” (điểm mù của các hệ thống radar) nơi họ không bị phát hiện bởi các hệ thống radar. Như vậy, phe tấn công đã nghiên cứu rất kỹ về tần số của các hệ thống radar phòng không Sudan và tìm ra điểm chết của nó.

Điều này chứng minh được khả năng to lớn của phe tấn công (được cho là Israel) trong việc thu thập thông tin tình báo để đánh giá, phân tích, kết quả này chắc chắn có sự trợ giúp đắc lực của đồng minh.

Các hình ảnh vệ tinh sau vụ không kích cho thấy, toàn bộ những mục tiêu quan trọng trong kế hoạch không kích đều bị tiêu diệt. Điều này chứng minh khả năng chỉ thị và tấn công mục tiêu rất chính xác bằng các loại vũ khí công nghệ cao.

Các nhân chứng gần khu vực nhà máy quân sự Yarmuk cho biết, họ nhìn thấy máy bay bay rất thấp qua khu vực nhà máy quân sự nhưng không thấy bất kỳ ánh sáng nào phát ra từ máy bay. Nhiều khả năng cuộc tấn công được thực hiện bằng bom thông minh, một loại bom như JDAM được biên chế trong Không quân Mỹ và Israel.

Sau khi cuộc tấn công kết thúc, các nhân chứng lại nhìn thấy máy bay bay qua khu vực này. Các nhân chứng nghĩ rằng sẽ có một cuộc tấn công nữa. Nhưng đó có thể là các UAV của phe tấn công được điều động đến hiện trường để đánh giá thiệt hại. Một lần nữa, lực lượng tấnc công chứng minh được năng lực đột phá mạng lưới phòng không Sudan lần thứ 2.

Cuộc không kích vào Sudan đã cho thấy kết quả của sự phối hợp rất nhiều công tác khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Từ tìm kiếm, phân tích, chỉ thị mục tiêu, đến vạch đường bay cho các tiêm kích đột phá mạng lưới phòng không Sudan mà không bị phát hiện. Công tác đảm bảo hậu cần tiếp nhiên liệu trên không cho các tiêm kích quay về căn cứ, điều động UAV đánh giá thiệt hại của mục tiêu.

Tất nhiên, năng lực phòng không của Iran chắc chắn tốt hơn nhiều so với Sudan, nhưng cuộc không kích vào Sudan cho thấy tiềm năng to lớn của Israel trong những vi phụ tương tự. Tehran sẽ phải đánh giá một cách nghiêm túc, nguy cơ một cuộc không kích tương tự vào Iran hoàn toàn có khả năng xảy ra. Đó là một nguy cơ thực sự chứ không còn là nguy cơ tiềm năng.
 
(Đất Việt)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te