TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 06-11-2012


 Nhật Bản tìm kiếm nguồn năng lượng mới

Nước này đang xem xét xây dựng đường ống dẫn khí 5 tỷ USD từ vùng Viễn Đông Nga tới gần Tokyo.

Theo công ty Tokyo Gas của Nhật hôm 5/11 thông báo, đường ống dẫn khí dự kiến dài 1.400km, bắt đầu tại đảo Sakhalin của Nga, chạy dọc bờ biển Nam Thái Bình Dương và kết thúc tại một trung tâm công nghiệp gần thủ đô Tokyo.
Sau thảm họa hạt nhân Fukushima, Nhật Bản đang tìm kiếm nguồn năng lượng mới để đáp ứng nguồn năng lượng thiếu hụt sau khi tạm ngừng điện hạt nhân (Ảnh: Reuters)

Một nhóm các công ty của Nhật Bản gồm Tokyo Gas, Công ty Thăm dò dầu mỏ Nhật Bản (Japan Petroleum Exploration) cùng Tập đoàn Sắt Nippon và Kim loại Sumitomo đang nghiên cứu dự án.

Nếu được thông qua, việc xây dựng đường ống dẫn khí sẽ mất khoảng từ 5 đến 7 năm với chi phí lên tới 5 tỷ USD giúp giảm chi phí nhập khẩu khí đốt vận chuyển bằng tàu biển.

Hiện Nhật Bản đang tích cực tìm kiếm nguồn cung năng lượng mới để đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng thiếu hụt sau khi đóng cửa các lò phản ứng điện hạt nhân do hậu quả của thảm họa hạt nhân Fukushima. Hiện chỉ có 2 trong tổng số 50 lò phản ứng hạt nhân mở cửa trở lại./.

Vũ Anh Tuấn/VOV-Trung tâm tin
(Theo AFP)
--------
Myanmar đón nhận 'cơn bão' đầu tư

Lần đầu tiên trong vòng 25 năm trở lại đây, World Bank đồng ý hỗ trợ 80 triệu USD (tương đương với 50 triệu GBP ) và một khoản vay cam kết dành cho Myanmar.

Ngân hàng Thế Giới (WB) cho biết khoản tiền hỗ trợ này sẽ được tập trung vào xây dựng cầu, đường xá, trường học và các cơ sở y tế cho Myanmar. Nguồn quỹ được hỗ trợ cho Myanmar sau khi quốc gia này bắt đầu thực hiện các cuộc cải cách kinh tế, chính trị và một số cuộc cải cách khác.

Cách đây một tháng, Mỹ đã bãi bỏ lệnh cấm vận và nới lỏng các khoản cho vay tài chính đối với Myanmar. Chủ tịch World Bank, ông Jim Jong Kim trong một tuyên bố của mình cho biết : “Cá nhân tôi hiện tại thực sự thấy thu hút với quá trình cải cách đang diễn ra ở Myanmar và sự quyết tâm cũng như nỗ lực mạnh mẽ của chính phủ quốc gia trong công cuộc cải cách này”. Phó chủ tịch ngân hàng Thế Giới tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bà Pamela Cox trong một cuộc hội đàm với các nhà báo cho biết:  Myanmar sẽ có thêm một khoản hỗ trợ khác trị giá 165 triệu USD ngay khi quốc gia này thanh toán xong khoản nợ quá hạn cho ngân hàng. Trong thời gian tới, các bên sẽ tiếp tục thảo luận về việc phân bổ nguồn quỹ tài trợ này.

Bà Cox cho hay: “Chúng tôi đang cố gắng thực hiện mục tiêu tạo ra cơ hội cho tất cả người dân Myanmar, đặc biệt là những người dân nghèo và kém may mắn’’. Các cuộc cải cách bắt đầu diễn ra tại Myanmar vào thời điểm bầu cử hồi tháng 11/2010, khi các điều lệ quân sự được thay thế bởi nhà nước dân sự trên danh nghĩa có sự hậu thuẫn của quân đội, mà người đứng đầu là ông Thein Sein.

Kể từ khi Myanmar tập trung vào công cuộc cải cách, cộng đồng quốc tế càng ngày càng đẩy mạnh đầu tư vào quốc gia này. Điều đó đã khiến cho Qũy tiền tệ quốc tế IMF nhận định “Đây là một trong những quốc gia nghèo nhất khu vực châu Á”

Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, ông Jose Manuel Barroso là chính trị gia cao cấp gần đây nhất. Ông sẽ có cuộc viếng thăm tới Myanmar và dự kiến sẽ tới thăm thủ đô Nay Pyi Taw vào hôm thứ 6. Theo nguồn tin từ phóng viên Jonathan Head thuộc đài BBC khu vực Đông Nam Á, Uỷ Ban Châu Âu đang trong giai đoạn chạy đua với Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác trong việc giành cơ hội thương mại và đầu tư tại Myanmar, đặc biệt trong bối cảnh khi mà các lệnh cấm vận đối với quốc gia này đang được tháo bỏ.

Theo VEF
-------------------
Ông Blair kêu gọi doanh nghiệp Anh đầu tư vào Iraq

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair vừa kêu gọi các doanh nghiệp của nước này tăng cường đầu tư và tận dụng các cơ hội kinh tế ở Iraq bởi vì các binh sĩ Anh từng chiến đấu ở quốc gia Trung Đông này với một "tinh thần anh hùng và sự hy sinh."

Phát biểu tại Hội nghị của Hội đồng Doanh nghiệp Anh-Iraq, ông Blair - người đã quyết định để Anh tham gia vào cuộc chiến ở  Iraq nhằm hạ bệ Tổng thống Saddam Hussain - cho rằng Anh không nên né tránh làm ăn ở đất nước từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề này.

Theo cựu Thủ tướng, cuộc chiến tranh là một trong những "lí do bắt buộc" tại sao các công ty của Anh nên tham gia vào công cuộc tái thiết tương lai ở Iraq, nơi mà Hàn Quốc hiện đang là nhà đầu từ nước ngoài lớn nhất.

Ông Blair cho biết cuộc chiến đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, đồng thời gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn đối với nền kinh tế Iraq.

Tuy nhiên, nền kinh tế Iraq đang trến đà phục hồi với tốc độ tăng trưởng vào khoảng 9%/năm, trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ em cũng đang giảm mạnh

Nhiều công ty dầu mỏ cũng đã bắt đầu vào làm ăn tại Iraq sau khi ông Saddam Hussain bị lật đổ vào năm 2003. Theo dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Iraq sẽ vượt qua Nga để trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới vào những năm 2030.

Năm 2009, Tập đoàn dầu khí Anh BP và một liên doanh cũng đã giành được hợp đồng để khai thác mỏ dầu lớn nhất của Iraq.

Ông Blair từng bị chỉ trích gay gắt khi để Anh tham gia vào cuộc chiến ở Iraq sau khi cho rằng nước này đang sở hữu "vũ khí giết người hàng loạt." Tuy nhiên, các cuộc điều tra sau đó cho thấy cáo buộc này là không có cơ sở./.

Huy Hiệp/London (Vietnam+)
---------
TQ phản bác tuyên bố của LHQ về vấn đề Tây Tạng

Theo AFP và Tân hoa xã, Trung Quốc ngày 5/11 đã phản bác những chỉ trích mới đây của Cao ủy Nhân quyền của Liên hợp quốc về tình trạng trấn áp buộc người Tây Tạng phải tự thiêu để phản đối, đồng thời khẳng định người dân khu tự trị này đang được hưởng đầy đủ quyền lợi và đa số cảm thấy hài lòng.

Phát biểu họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ cái gọi là Tuyên bố về Tây Tạng. Phần lớn người dân khu vực Tây Tạng hài lòng với tình hình hiện nay. Các quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo của người dân đang được tích cực bảo vệ."

Cũng theo ông Hồng Lỗi, Trung Quốc cực lực phản đối mọi hình thức ủng hộ của các nước cũng như bất kỳ cá nhân nào đối với hoạt động ly khai của thủ lĩnh tinh thần Tây Tạng Đạtlai Lạtma.

Phản ứng trước việc Đạtlai Lạtma có chuyến thăm Nhật Bản 10 ngày, ông Hồng nhấn mạnh: "Đạtlai Lạtma đơn thuần là một phần tử lưu vong chính trị từ lâu đã tham gia vào các hoạt động nhằm chia rẽ Trung Quốc núp dưới vỏ bọc tôn giáo."

Cùng ngày, trả lời báo giới tại Yokohama (Nhật Bản), Đạtlai Lạtma nhận định nhà lãnh đạo sắp tới của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, sẽ không mang lại điều gì mới ngoại trừ một số thay đổi về mặt chính trị"./.

(Vietnam+)
------
Hội nghị G20 khó đạt được các thỏa thuận trọng yếu

Mục tiêu của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm G20, đang diễn ra ở thành phố Mexico, là trấn an mối lo ngại về xu hướng sa sút của kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh cơn "bão nợ" tại châu Âu chưa tan và nước Mỹ cận kề "vực thẳm tài chính."

Đa số các hãng thông tấn và nhiều quan chức đến dự hội nghị đều dự đoán rằng hội nghị lần này khó có thể đạt được thỏa thuận về chất, vì diễn ra trong bối cảnh không thuận lợi (trùng với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18).

Một quan chức Mexico nhận định sự vắng mặt của một số bộ trưởng tài chính - trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Brazil - sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình thương thảo và kết luận cuối cùng. Bên cạnh đó là việc Mỹ, quốc gia hiện đang tập trung vào bầu cử tổng thống, chưa đạt được một thỏa thuận chính trị khả quan nào để giúp cường quốc này bước qua "vực thẳm tài chính."

Hai năm đã trôi qua kể từ khi Hy Lạp nhận được gói cứu trợ quốc tế trị giá nhiều tỷ euro, song "tâm bão" khủng hoảng nợ công vẫn chưa rời khỏi nước này, đặt ra những bài toán nan giải cho giới lãnh đạo châu Âu.

Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras cảnh báo nước này có nguy cơ bị "trục xuất" khỏi Eurozone nếu Quốc hội Hy Lạp không thông qua gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới vào ngày 7/11 tới. Hy Lạp đang đàm phán với bộ ba chủ nợ quốc tế - gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - để được giải ngân 31,5 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai mà Liên minh châu Âu (EU) và IMF đã nhất trí dành cho Athens.

Đây là chiếc "phao cứu sinh" mà Hy Lạp cần tiếp nhận vào giữa tháng 11 này, nếu không sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ và buộc phải rút khỏi Eurozone.

Tuần trước, nguồn tin IMF cho biết các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và nhóm "bộ ba" đã rơi vào bế tắc do hai bên không đạt được đồng thuận về điều kiện nhận cứu trợ. Hy Lạp muốn kéo dài thêm hai năm thời hạn đáp ứng các mục tiêu tài chính. Đặc biệt, trong nội bộ liên minh cầm quyền Hy Lạp cũng tồn tại một số bất đồng xung quanh điều kiện nhận cứu trợ.

Tuy nhiên, phát biểu với giới báo tại cuộc họp báo chung với Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Jose Angel Gurrria và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Bộ trưởng Tài chính Mexico Jose Antonio Meade Kuribreña vẫn tỏ ra lạc quan với tình hình hiện nay, cho rằng Mỹ sẽ có động thái kịp thời để tránh rơi xuống "vực thẳm tài chính" và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cũng sẽ tìm ra hướng đi tích cực trong thời gian tới.

Giới chức G20 cho rằng các biện pháp kích thích kinh tế được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và ECB thực hiện gần đây vẫn chưa đủ mạnh để loại bỏ những nguy cơ suy thoái xuất phát từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, chính sách cắt giảm chi tiêu công sắp tới tại Mỹ và đà tăng trưởng chậm lại tại các nền kinh tế mới nổi.

Theo họ, mặc dù những biện pháp mới mà các ngân hàng trên thực hiện đã phần nào giúp bình ổn các thị trường, chính phủ các nước vẫn cần hành động mạnh mẽ hơn nữa bởi vẫn còn nhiều quan ngại về môi trường kinh tế bất ổn cũng như chính sách tiền tệ chưa đủ lực để giúp vực dậy kinh tế toàn cầu.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 được tiến hành kín từ chiều ngày 4 và sáng 5/11. Theo kế hoạch, nước chủ nhà sẽ tổ chức họp báo thông báo kết quả hội nghị vào chiều 5/11./.

Hương Giang (TTXVN)
---------
Trung Quốc điều tra tài sản Thủ tướng Ôn Gia Bảo

Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa đưa ra một cuộc điều tra nội bộ về những cáo buộc của tờ New York Times của Mỹ cho rằng gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo tích lũy được ít nhất 2,7 tỉ USD “của chìm”.

Trong một bức thư gửi đến Ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông Ôn Gia Bảo đã yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra để xóa bỏ những nghi vấn liên quan đến cáo buộc về “của chìm” của gia đình, nhật báo Hong Kong cho hay.

Luật sư của gia đình ông Ôn trước đó có bác bỏ bài báo của tờ New York Times được đăng vào ngày 26-10 cho rằng các hồ sơ của công ty cho thấy mẹ, anh, chị, em ruột của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tích lũy được một lượng lớn tài sản kể từ khi ông Ôn lên làm Phó thủ tướng vào năm 1998.

Tờ South China Morning Post trích lời một nguồn tin giấu tên: “Ban Thường vụ đã chấp thuận yêu cầu của Thủ tướng Ôn”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng việc yêu cầu được điều tra của ông Ôn cho thấy ông đang thúc đẩy “luật minh bạch”, luật công khai tài sản của gia đình các lãnh đạo cấp cao, vốn bị trì hoãn khá lâu.

Tuy nhiên, theo giáo sư He Weifang, một chuyên gia pháp luật tại Đại học Bắc Kinh, lại cho rằng ông nghi ngờ lãnh đạo cấp cao của Đảng sẽ không thực hiện được luật này.

“Ngay cả khi ông Ôn muốn công khai tài sản, tôi không nghĩ rằng các lãnh đạo cấp cao khác, những người có “của chìm”, sẽ cho phép ông làm như vậy bởi điều này có thể gây ra cuộc khủng hoảng lớn”, giáo sư He cho hay.

Phan Yến
Theo Reuters
--------------
 Trung - Nhật nhất trí tiếp tục đối thoại về tranh chấp lãnh thổ

Các quan chức ngoại giao của Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí tiếp tục đối thoại trong bối cảnh quan hệ hai nước trở nên xấu đi liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, đây là kết quả cuộc gặp trong hai ngày 4-5/11 tại Vũ Hán (Trung Quốc) giữa ông Shinsuke Sugiyama - Vụ Trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, và ông Luo Zhaohui (La Triệu Huy) - Vụ Trưởng Vụ châu Á Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Hai bên đã thảo luận về tình hình liên quan đến quần đảo tranh chấp và các vấn đề song phương khác. Kết thúc cuộc gặp, hai bên khẳng định sẽ tiếp tục liên lạc ở các cấp khác nhau, và chuẩn bị cho cuộc đàm phán cấp thứ trưởng sắp tới.

Đây là cuộc gặp Trung - Nhật cấp vụ trưởng lần thứ ba kể từ tháng 9 khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo của quần đảo tranh chấp. Trước đó, hai quan chức ngoại giao này cũng đã gặp nhau tại Tokyo (Tôkiô) hôm 11/10.

Căng thẳng leo thang trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã nhanh chóng ảnh hưởng đến nhiều hoạt động hợp tác đôi bên và tác động xấu đến quan hệ thương mại song phương.

TTXVN/ Tin Tức
--------
Hàn Quốc muốn ‘hồi sinh’ quan hệ với Triều Tiên

Hôm 5/11, nữ nghị sĩ Park Geun-hye, người có triển vọng trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc sau cuộc bầu cử vào tháng 12 tới, đề nghị mở các văn phòng liên lạc giữa thủ đô Seul và Bình Nhưỡng nhằm ‘hồi sinh’ mối quan hệ với Triều Tiên.

Bà Park cho biết, bà đã sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhưng nói rằng Bình Nhưỡng cần phải hồi phục lại cam kết chấm dứt chương trình hạt nhân của mình.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, bà Park cho biết: "Nhằm phục vụ cho sự phát triển liên tục và có hệ thống trong mối hợp tác kinh tế và trao đổi văn hóa xã hội giữa Hàn Quốc – Triều Tiên, tôi sẽ thiết lập các văn phòng hợp tác và trao đổi giữa Hàn Quốc – Triều Tiên tại Seoul và Bình Nhưỡng”.

Bà Park kêu gọi tổ chức một buổi hội thảo nhằm xây dựng một quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Bà cho biết:  "Để xây dựng sự tin cậy, chúng ta phải có nhiều kênh đối thoại khác nhau. Tôi sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Triều Tiên nếu điều đó là cần thiết cho sự phát triển mối quan hệ  giữa Triều Tiên và Hàn Quốc”.

Bà Park cũng bày tỏ quan điểm sẽ tách cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Triều Tiên ra khỏi các vấn đề chính trị. Chính sách này của bà khác hẳn với Tổng thống hiện tại của Hàn Quốc Lee Myung-bak. Ông Lee đã cắt viện trợ cho Triều Tiên khi lên nắm quyền vào năm 2008.

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, kể từ khi bị tàn phá bởi nạn đói năm 1990, nền kinh tế của Triều Tiên vẫn chưa thể phục hồi, và hiện một phần ba dân số nước này đang bị suy dinh dưỡng.

Theo hầu hết các nhà quan sát, Triều Tiên sẽ cần khoảng 5 triệu tấn ngũ cốc và khoai tây để nuôi sống cho người dân những kể từ những năm 1990 đến nay, sản lượng thu hoạch lương thực của đất nước này chỉ đạt 3,5 đến 4,7 triệu tấn mỗi năm.

Phạm Khánh
Infonet
------------------
Hàn Quốc tăng tuyên truyền về đảo Dokdo

 Theo đó, Hàn Quốc tăng ngân sách dành cho việc bảo vệ chủ quyền quần đảo Dokdo lên hơn 5 tỷ won.

Uỷ ban đối ngoại và thống nhất thuộc Quốc hội Hàn Quốc ngày 5/11 cho biết, sẽ yêu cầu chính phủ nước này tăng ngân sách dành cho việc bảo vệ chủ quyền quần đảo Dokdo lên hơn 5 tỷ won (tương đương gần 4,7 triệu USD) trong dự toán ngân sách 2013. Đây là quần đảo tranh chấp với Nhật Bản mà Tokyo gọi là Takeshima.

Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, khoản ngân sách trên chủ yếu dùng cho việc phát hành các tài liệu tuyên truyền về chủ quyền quần đảo tranh chấp. Uỷ ban trên đề nghị xây dựng một trang web gồm 10 ngôn ngữ nhằm tuyên truyền rộng rãi ra thế giới về chủ quyền của Hàn Quốc đối với quần đảo Dokdo.

Căng thẳng gia tăng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản liên quan đến tranh chấp chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima sau khi Tổng thống Hàn Quốc thăm quần đảo này tháng 8 vừa qua./.

Ngọc Khương/VOV-Trung tâm tin
(Theo China news)
----------------
 Nga và Việt Nam cần phát triển quan hệ đối tác tin cậy

Thủ tướng Medvedev cho biết đây là lần thứ ba ông tới thăm Việt Nam. Lần thứ nhất ông đến Hà Nội cách đây khoảng 10 năm, nhưng không phải với tư cách lãnh đạo Nhà nước hoặc Chính phủ Nga.

Nga đã sẵn sàng trở thành cầu nối kinh tế và giáo dục giữa Đông và Tây với tất cả lợi thế và trách nhiệm cao nhất. Vậy xin Thủ tướng cho biết Nga sẽ làm gì để vượt qua những trở ngại và thách thức đang nổi lên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm thực hiện thông điệp đó?

Thủ tướng Dmitry Medvedev: Nga đã thông qua đường lối tham gia phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời đã có chương trình phát triển khu vực Đông Sibiri và Viễn Đông của mình trong mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển của khu vực này. Sẽ là không đúng nếu cho rằng quá trình phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương không gặp nhiều vấn đề khó khăn, kể cả tình trạng nghèo đói, thách thức sinh thái và khó khăn tài chính. Nga sẽ phải đối mặt với những vấn đề này như là một quốc gia nằm ở châu Á. Vì vậy, Nga chủ trương ra sức phát triển quan hệ với các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sẽ tham gia thảo luận tất cả mọi vấn đề liên quan đến quá trình phát triển của khu vực. Trước hết, đó là việc thống nhất các nguyên tắc thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong số những thách thức phải kể đến tình trạng châu Á có nhiều nước đông dân cư - điều khá quan trọng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực. Nga là nước có tiềm năng nông nghiệp hùng hậu nên sẵn sàng thảo luận vấn đề liên quan này để giới thiệu về tiềm năng hợp tác nông nghiệp của Nga.

Hướng hợp tác quan trọng thứ ba là xây dựng mối quan hệ đúng đắn và phát triển hạ tầng cơ sở của các nước tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc các nước trong khu vực sử dụng hành lang vận tải qua lãnh thổ Nga vừa giúp họ tiết kiệm chi phí, vừa góp phần để các xí nghiệp Nga có thêm việc làm và tăng thu nhập./.
(Stox)
-----------
500 cảnh sát Mexico sắp bị sa thải vì không “trong sạch”

Gửi email Gmail Đăng lên Facebook cho bà con cùng xem Đưa bài viết lên linkhay Đưa bài viết lên Google Bookmarks Đăng lên Twitter cho bà con cùng xem Chia sẻIn bài này
.
Ông Luis Aburto Walton - Thị trưởng thành phố Acapulco, một thành phố nổi tiếng về du lịch của Mexico mới tuyên bố, 500 nhân viên cảnh sát sẽ bị sa thải do không vượt qua các đợt kiểm tra “trong sạch”. Những nhân viên này sẽ bị nghỉ việc từ tháng 1/2013. Để duy trì an ninh trật tự của thành phố, ông sẽ đề nghị Chính phủ hỗ trợ lực lượng an ninh.

Những năm gần đây, chính phủ Mexico đẩy mạnh các giải pháp nhằm hạn chế loại tội phạm này, thu hẹp địa bàn hoạt động của bọn chúng. Mặc dù đã tiêu diệt, bắt giữ một số tên đầu sỏ, song một vấn đề nan giải đặt ra đối với chính phủ Mexico đó là tình trạng tham nhũng, hối lộ của lực lượng cảnh sát, các nhân viên cảnh sát rất dễ bị bọn tội phạm ma túy mua chuộc.

Bộ trưởng Nội chính Mexico Alejandro Poire cho biết, hiện nước này có 43.000 nhân viên cảnh sát, bất cứ ai không vượt qua được các đợt kiểm tra "trong sạch" đều cần phải bị sa thải.

Hoàng Hà (theo Xinhua, PLVN)
-------
2,5 triệu tài khoản và tài liệu của chính phủ bị đánh cắp

Nhóm hacker có tên GhostShell đã tuyên bố phát động chiến tranh mạng với Nga, kèm theo đó là danh sách của gần 2,5 triệu tài khoản và tài liệu của chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật, tài chính, y tế, giáo dục đã bị nhóm này đánh cắp… Nhóm này gọi đây là Dự án Ngôi sao đen, nhằm mục đích chống lại chính phủ Nga.

Thông báo này được đăng tải trên trang mạng pastebin.com, thường được dùng để thông báo về những vụ bẻ trộm khóa trên mạng.
 
Tháng 6/2012, nhóm này cũng đã tổ chức một chiến dịch chống lại Trung Quốc. Hoạt động gần đây nhất là nhóm tuyên bố đã bẻ khóa hơn 100 website của các trường đại học hàng đầu thế giới, do không hài lòng với hệ thống giáo dục Mỹ. 
Hiền Thảo (theo Lenta, ĐVO)
--------
 Uy tín của chính phủ Nhật Bản tụt xuống mức thấp kỷ lục

 Kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 4/11 cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Yoshihiko Noda đã tụt xuống còn 17,7%, giảm mạnh so với 29.2% trong tháng 10/2012, trong khi tỷ lệ phản đối tăng lên 66,1%.

Có tới 40% những người được hỏi ý kiến cho rằng Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự Do (LDP) Shinzo Abe phù hợp với cương vị thủ tướng Nhật Bản hơn, trong khi chỉ có 29,3% ủng hộ đương kim Thủ tướng Noda.

Cuộc thăm dò dư luận qua điện thoại này được tổ chức trong hai ngày 3 và 4/11.

Uy tín của nội các Noda tiếp tục sụt giảm một phần là do vụ từ chức của Bộ trưởng Tư pháp Keishu Tanaka đầy bê bối và do việc nhiều nghị sĩ của Đảng Dân chủ Nhật Bản  (DPJ) rời bỏ đảng này.

Uy tín sụt giảm có thể khiến cho Thủ tướng Noda trì hoãn hơn nữa việc giải tán Hạ viện,bất chấp việc ông đã cam kết hồi tháng 8 về việc giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.

Về tranh chấp biển đảo liên quan đến quần đảo Senkaku, 52,4% những người được hỏi ý kiến nói chính phủ Nhật Bản cần có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, ngay cả khi điều này gây phương hại cho quan hệ kinh tế-văn hóa song phương.

Tin rằng bầu cử vào thời điểm hiện nay sẽ khiến cho họ giành được thêm nhiều ghế nghị sĩ, các đảng đối lập đã nhiều lần đòi Thủ tướng Noda giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử trước thời hạn. Nhưng Thủ tướng Noda đã bác bỏ đòi hỏi này và nói rằng trước tiên cần phải thông qua ngân sách chính phủ và sửa đổi qui chế bầu cử. Ông cho rằng phe đối lập không nên tẩy chay các đề xuất dự luật quan trọng nói trên.

Trong một cử chỉ muốn giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay, tuần trước, Chủ tịch Shinzo Abe ngỏ ý rằng LDP sẵn sàng hợp tác với DPJ về dự thảo ngân sách chính phủ, một phần là nhằm tranh thủ thêm sự ủng hộ của cử tri Nhật Bản.

Minh Bích (theo Kyodo, ĐVO)
----------
Châu Á ngày càng có tiềm năng lớn với châu Âu

 Ngược lại, châu Âu là một trong những đối tác quan trọng nhất của châu Á trong các lĩnh vực đầu tư và thương mại.

Tiếp tục chuyến công du châu Á, ngày 4/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso đã có cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, thảo luận việc tăng cường quan hệ và thúc đẩy hợp tác giữa châu Âu và quốc gia Đông Nam Á. Đặc biệt, cuộc gặp tập trung vào các cuộc đàm phán về Thỏa thuận Đối tác Hợp tác (PCA), tìm kiếm cách thức khởi động Thỏa thuận Thương mại Tự do (FTA) giữa châu Âu và Thái Lan.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khẳng định, tiến trình đàm phán đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra nhấn mạnh: “Đàm phán về Thỏa thuận Đối tác Hợp tác Thái Lan – EU đã đạt được tiến triển tốt. Hầu hết các trở ngại được đề cập trong quá trình đàm phán về Thỏa thuận Thương mại Tự do Thái – EU đã được dỡ bỏ”.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso đặc biệt nhấn mạnh vai trò và tiềm năng hợp tác giữa châu Âu với châu Á, trong đó Thái Lan là một thành viên.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso khẳng định: “Chúng tôi tin rằng, châu Á đang ngày càng có tiềm năng rất lớn trong quan hệ với châu Âu. Châu Âu là một trong những đối tác quan trọng nhất của châu Á trong các lĩnh vực đầu tư và thương mại và thực tế trong một số trường hợp là đối tác số một. Bởi vậy, chúng tôi muốn thảo luận các vấn đề này với các bạn châu Á, đặc biệt là những gì chúng ta có thể cùng nhau làm để đối phó với những thách thức toàn cầu”.    

Theo kế hoạch, ngày 5/11, cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Thủ tướng Thái Lan sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu lần thứ 9 (ASEAM 9) tại thủ đô Vientiane của Lào./.

Bá Thi/VOV-Trung tâm tin
(Theo Reuters)
-------------
Kinh tế và an ninh là những chủ đề chính của ASEM 9

ASEM 9 sẽ tập trung vào những tranh luận kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang chao đảo.

Theo Tân Hoa xã, Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 9 (ASEM 9) khai mạc ngày hôm nay (5/11) tại thủ đô Vientiane của Lào sẽ thảo luận một loạt các thách thức toàn cầu mà nổi bật là những vấn đề kinh tế và an ninh.

Với chủ đề "Bạn bè vì hòa bình, Đối tác vì thịnh vượng", ASEM 9 sẽ tập trung vào những tranh luận kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang chao đảo, bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế xảy ra 4 năm trước.

Hội nghị ASEM lần trước tổ chức tại Brussels (Bỉ) năm 2010 cũng đã chủ yếu thảo luận những vấn đề kinh tế như cải cách Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sau cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và sự hồi phục mạnh mẽ của các nền kinh tế châu Á. Trong báo cáo năm 2012 của mình, IMF nhấn mạnh: "Cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày càng trầm trọng bất chấp các hành động chính sách nhằm giải quyết nó".

Liên minh châu Âu (EU) hiện đang có những quan ngại về phản ứng của châu Á, đặc biệt từ Trung Quốc, cũng như cách thức hợp tác để có thể giúp giải quyết vấn đề. Tháng 10 vừa qua, tại một hội nghị ở Bangkok (Thái Lan), các quan chức tài chính cấp cao từ châu Á và châu Âu đã nhất trí rằng, các nền kinh tế châu Á sẽ khó gạt bỏ được những rắc rối kinh tế của phương Tây bởi châu Á và châu Âu đang liên kết chặt chẽ trong thương mại và đầu tư quốc tế.

Trước thềm ASEM 9, Phó Thủ tướng Thái Lan kiêm Bộ trưởng Tài chính nước này Kittiratt Na-Ranong nhận xét: "Với những khó khăn kinh tế tiếp diễn ở một số quốc gia Eurozone, tôi cho rằng sự hợp tác Á-Âu đang mang ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết".

Nhấn mạnh cần thúc đẩy hơn nữa sự can dự giữa phương Đông và phương Tây, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đề nghị củng cố hợp tác giữa các thành viên ASEM.

ASEM 9 cũng sẽ thảo luận những vấn đề cùng được quan tâm như lương thực và an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu và định hướng tương lai của ASEM, một nền tảng cho đối thoại giữa hai châu lục được phát động từ năm 1996.

Trên khía cạnh song phương, căng thẳng Trung-Nhật liên quan tới tranh chấp chủ quyền một quần đảo trên Biển Hoa Đông cũng là chủ đề được dư luận lưu tâm bởi mâu thuẫn này đã bắt đầu tác động tiêu cực đến các quan hệ kinh tế song phương, gây lo ngại sự va chạm giữa hai nền kinh tế lớn của châu Á có thể gây hại cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như bất ổn an ninh cho toàn khu vực./.

Theo TTXVN

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te