Nhật Bản chia sẻ quan ngại về Trung Quốc với Mỹ
AP đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto ngày 9/11 cho biết Tokyo muốn xúc tiến thảo luận với phía Mỹ để cập nhật nguyên tắc chỉ đạo chung về quốc phòng và chia sẻ quan ngại về chính sách biển đang gây quan ngại của Trung Quốc.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Morimoto nói rằng ông muốn các cuộc thảo luận được khởi động vào tháng 12 tới và nội dung thảo luận sẽ liên quan tới một loạt vấn đề; trong đó có tính đến biện pháp Nhật Bản có thể áp dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Ông cũng lưu ý đến những quan ngại về sức mạnh biển ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như chủ nghĩa khủng bố và tội phạm mạng.
Theo Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ, Mỹ có nghĩa vụ hỗ trợ Nhật Bản phòng vệ trong trường hợp Tokyo bị tấn công. Mỹ hiện có khoảng 52.000 binh sỹ đồn trú tại Nhật Bản./.
(Vietnam+)
------
Nga thay Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hôm qua đã bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang mới của Nga.
Theo đó, Thượng tướng Valery Gerasimov, 57 tuổi, cựu Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh quân khu trung ương, sẽ đảm nhiệm vị trí Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, thay cho tướng Nikolai Makarov, 63 tuổi.
Hãng Itar-TASS dẫn nguồn tin từ Bộ Tổng tham mưu Nga cho biết, sáng 8.11, tân Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu đã có cuộc gặp riêng tại Bộ Quốc phòng với Thượng tướng Valery Gerasimov. Hiện Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu đang hội đàm với các sĩ quan chỉ huy cao cấp của lực lượng vũ trang, trong đó có xem xét đến vấn đề nhân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cũng vừa mới được bổ nhiệm hôm 6.11 sau khi ông Anatoly Serdyukov bị cách chức để phục vụ công tác điều tra hình sự vụ tham nhũng có liên quan đến một công ty thuộc Bộ Quốc phòng nước này.
Theo DPA, LĐ
Nhật, Hàn diễn tập chung trên biển
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Hàn Quốc vừa tiến hành cuộc diễn tập chung thường niên nhằm đối phó với thảm họa trên biển, trong bối cảnh quan hệ song phương vẫn căng thẳng do vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Cuộc diễn tập được tổ chức ở vùng biển ngoài khơi Shimonoseki, phía Tây Nhật Bản, với sự tham gia của 130 nhân viên của cả hai nước, lấy bối cảnh là một tàu chở khách bị cháy. Từ đầu năm đến nay, lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước đã hợp tác đối phó với 3 vụ tai nạn trên biển.
Tuy nhiên, hiện tại quan hệ song phương Nhật - Hàn vẫn căng thẳng do tranh chấp tại quần đảo mà Nhật Bản gọi là Takeshima, trong khi đó Hàn Quốc gọi Dokdo trên Biển Nhật Bản.
Trong một diễn biến khác, ngày 8/11, các quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết hội nghị Bộ trưởng hàng năm về du lịch giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11 này, đã bị hoãn vô thời hạn trong bối cảnh quan hệ giữa Tôkiô và Bắc Kinh đang căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền một quần đảo trên Biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Phía Trung Quốc nói rằng không thể tham gia hội nghị vì lịch trình bận rộn của Bộ trưởng.
Từ năm 2006, ba nước trên đã tiến hành hội nghị bộ trưởng hàng năm nhằm thúc đẩy hợp tác du lịch giữa ba nước. Trong hội nghị gần đây nhất ở Hàn Quốc hồi tháng 5/2011, ba nước đã nhất trí tiến hành hội nghị năm 2012 ở vùng Đông Bắc Nhật Bản, coi đó là một nỗ lực ủng hộ quá trình tái thiết khu vực bị tàn phá bởi động đất và sóng thần cũng như hậu quả của sự cố hạt nhân Fukushima hồi tháng 3 năm ngoái.
TTXVN/Tin tức
--------
Quân đội Nga mua máy bay vận tải L-410 của Séc
Đài Tiếng nói nước Nga và hãng tin Interfax ngày 9/11 dẫn lời Tổng Giám đốc công ty khai khoáng luyện kim Ural, ông Andrei Kozitsyn cho biết Bộ Quốc phòng Nga đã ký với công ty sản xuất máy bay của Séc Aircraft Industries (với thương hiệu hoạt động Kunovice LET) hợp đồng cung cấp 4 máy bay vận tải tầm ngắn L-410.
Theo ông Kozitsyn, người hiện đang nắm giữ 51% cổ phiếu của LET, máy bay quân sự L-410 sẽ được giao cho phía Nga vào năm 2013.
Trong thỏa thuận này bao gồm cả vấn đề mua thêm 4 chiếc máy bay L-410. Tuy nhiên, ông Kozitsyn không nói rõ những chiếc máy bay này sẽ được chuyển giao hoàn chỉnh hay từng bộ phận cho Bộ Quốc phòng Nga.
Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, Không quân Nga hiện đang sở hữu 7 chiếc L-410./.
(Vietnam+)
--------
Ấn Độ mở ban quốc phòng tại đại sứ quán ở Seoul
Để tiếp tục mối quan hệ quốc phòng với Hàn Quốc, Ấn Độ đã mở một ban quốc phòng tại đại sứ quán ở Seoul và cử một sĩ quan hàm đại tá là tùy viên quân sự thường trú tại đây.
Động thái này được đưa ra nhằm đáp lại quyết định của Hàn Quốc mở một cơ quan tương tự tại đại sứ quán ở New Delhi hồi đầu năm 2012.
"Trong quá trình thực hiện quyết định trong tháng 3/2012, một ban quốc phòng đã được thành lập như một phần của đại sứ quán Ấn Độ tại Seoul. Đại tá Ajay Chandpuria đã theo lệnh trong vai trò là tùy viên quân sự đầu tiên của Ấn Độ được phía Hàn Quốc thừa nhận", nguồn tin ngoại giao cho biết.
Quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Hàn Quốc đã có những bước tiến lớn trong những năm gần đây. Mối quan hệ này đã được nâng lên mức đối tác chiến lược trong tháng 1/2010 trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.
Quan hệ đối tác này hứa hẹn sẽ phát triển thành quan hệ đa chiều và vấn đề an ninh quốc phòng sẽ trở thành một thành phần quan trọng của hợp tác trên. Hợp tác Ấn Độ và Hàn Quốc có được sự ủng hộ tuyệt đối của cả 2 quốc gia thông qua một loạt sự kiện chính trị và không ngừng được tăng cường trong những năm qua.
Đàm Thuận (theo Defence Now, ĐVO)
----------
Bốn tỉnh miền Nam Trung Quốc tuần tra chung ở Biển Đông
Theo Bắc Kinh nhật báo, mới đây, 4 tỉnh, thành phố miền Nam Trung Quốc đã tiến hành buổi tuần tra chung đầu tiên ở Biển Đông với tàu tuần duyên lớn nhất của nước này.
Cuộc tuần tra chung trên biển lần đầu tiên của 4 tỉnh Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến và khu tự trị Quảng Tây được tiến hành hôm 7/11, nhằm mục đích đảm bảo an toàn giao thông hàng hải và bảo vệ chủ quyền quốc gia, Shen Chunsheng, Phó Giám đốc Cục An toàn hàng hải của khu tự trị Quảng Tây cho biết.
Được biết, tàu tuần tra hàng hải lớn nhất Trung Quốc có tên Haixun 31 dẫn đầu nhóm tàu thực hiện tuần tra trên hành trình 500 hải lý, kiểm tra điều hướng, cầu cảng và hoạt động của tàu thuyển trong vùng Biển Đông, kiểm tra môi trường hàng hải ở khu vực biên giới Trung Quốc – Việt Nam.
Tàu Haixun 31 có trọng tải 3.000 tấn và được coi là tàu tuần duyên lớn và hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay. Tàu có khu vực để trực thăng hạ cánh, và có tháp điều phối hoạt động bay. Haixun 31 có thể thực hiện hành trình lên đến 6.000 hải lý mà không cần tiếp nhiên liệu.
Linh Phương (Theo China Daily)
------------
Hàn Quốc tố Triều Tiên sắp thử hạt nhân và tên lửa tầm xa
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-Jin hôm qua cho biết Triều Tiên đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân khác và phóng thử các tên lửa tầm xa trong tương lai.
Phát biểu với các phóng viên, ông Kim Kwan-Jin nói: "Nhiều công tác chuẩn bị đã được thực hiện cho vụ thử hạt nhân thứ ba", song thời gian tiến hành còn phụ thuộc vào "một quyết định chính trị."
Ông Kim Kwan-Jin cũng dự đoán Bình Nhưỡng sẽ nỗ lực tiến hành phóng thử tên lửa tầm xa vào một thời điểm nào đó sau khi vụ phóng tên lửa hồi tháng 4 thất bại.
Hồi tháng 9, trang web 38 North của Mỹ đăng các bức ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đã ngừng công việc tại một khu vực có khả năng phóng các tên lửa liên lục địa, làm dấy lên khả năng dự án này có thể bị hoãn tới 2 năm.
Trang web của Viện Mỹ-Hàn không cho biết nguyên nhân dừng công trình trên, mặc dù có một số ý kiến cho rằng mưa to có thể là nguyên nhân gây trì hoãn.
Theo trang web này, bệ phóng mới được xây dựng ở phía Đông Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ hoàn tất vào khoảng năm 2015. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp việc hoàn công chậm trễ, Bình Nhưỡng vẫn có thể phóng thử tên lửa tầm xa tại một căn cứ khác ở phía Tây Bắc nước này.
Hồi tháng Tư, Triều Tiên từng tiến hành một vụ phóng tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh địa tĩnh nhưng bất thành. Vụ việc đã gây phản ứng của các nước khu vực Đông Bắc Á và làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra ở Bán đảo Triều Tiên, khu vực duy nhất trên thế giới về mặt kỹ thuật vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.
Linh Giang
Theo AFP, Daan Trí
--------
Iran nổ súng tấn công máy bay không người lái của Mỹ
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc George Little cho biết, vụ việc xảy ra vào ngày 1/11 và đây là lần đầu tiên Iran nổ súng tấn công một máy bay không người lái của Mỹ. Little nói rằng chiếc máy bay MQ1 Predator không mang theo vũ trang và bị Iran “đánh chặn” khi đang thực hiện “do thám thường lệ” trên Vịnh Péc-xích. Theo ông Little, chiếc máy bay đã không bị trúng đạn và không vi phạm không phận của Iran.
Ông Little cho biết, hai máy bay phản lực của Iran đã khai hỏa hai lần nhưng đều trượt. Chiếc MQ1 Predator sau đó quay đầu và an toàn đáp xuống một vị trí không được tiết lộ. Phản lực cơ của Iran tiếp tục bay theo MQ1 Predator một thời gian ngắn rồi không truy đuổi nữa.
George Little, người phát ngôn Lầu Năm Góc xác nhận một máy bay không người lái của Mỹ đã bị Iran tấn công.
Khi được hỏi nước Mỹ sẽ phản ứng thế nào trước vụ việc, ông Little nói: “Chúng tôi có rất nhiều lựa chọn, từ biện pháp ngoại giao cho tới quân sự”. Với câu hỏi liệu đây có được xem là hành động chiến tranh, ông Little nói rằng ông không muốn “vướng vào những đặc điểm pháp lý” của vụ việc.
Tuy nhiên, ông Little nhấn mạnh chiếc MQ1 Predator đang bay ở vị trí cách bờ biển Cô-oét 16 hải lý, ở vùng biển quốc tế chứ chưa hề xâm phạm giới hạn 12 hải lý thuộc chủ quyền của Iran.
Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra thông báo về vụ việc trên khi chính quyền nước này vừa áp đặt một vòng cấp vận tài chính mới đối với Iran. Đây là những cấm vận đầu tiên được áp dụng kể từ khi Tổng thống Obama tái đắc cử hôm thứ Ba.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, động thái này của Washington “liên quan đến những vi phạm nhân quyền, hậu thuẫn khủng bố của chính phủ Iran và lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran”.
Vụ đụng độ ngày 1/11 diễn ra sau khi hồi năm ngoái một máy bay không người lái của Mỹ cũng bị Iran buộc phải hạ cánh. Iran tuyên bố đã bắn hạn nó nhưng các quan chức Mỹ nói rằng chiếc máy bay này bị rơi do trục trắc kỹ thuật. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, sau vụ việc nước này vẫn sẽ tiếp tục các sứ mệnh do thám ở khu vực.
(Soha)
---------
Iran tập trận phòng không quy mô lớn cuối tháng 11
Kênh truyền hình Pess TV ngày 8/11 đưa tin, Chỉ huy Căn cứ phòng không Khatam al-Anbia của Iran, ông Farzad Esmaili, cho biết Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và quân đội sẽ tổ chức một cuộc tập trận phòng không quy mô lớn kéo dài 7 ngày ở các khu vực miền Đông nước này.
Phát biểu với các phóng viên, ông Esmaili cho biết cuộc tập trận mang tên "Modafe' an-e Aseman-e Velayat 4" sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 với sự tham gia của các đơn vị thuộc IRGC và các lực lượng khác của quân đội Iran.
Ông còn cho hay cuộc tập trận sẽ được tiến hành trong một khu vực rộng hơn 850.000 km2 và sẽ phô diễn toàn bộ sức mạnh và sự sẵn sàng của lực lượng phòng không Iran nhằm bảo vệ các đường biên giới của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Theo ông Esmaili, các trạm radar tầm xa và hệ thống giám sát điện tử sẽ được thử nghiệm trong cuộc tập trận.
Ông cho biết thêm các đơn vị sẽ thực hành những chiến thuật hiện đại nhằm đối phó với những mối đe dọa gần đây từ các khu vực nào đó của thế giới./.
(Vietnam+)
-----------
Nga yêu cầu Mỹ đảm bảo về lá chắn tên lửa
Moscow hy vọng Washington có thể đưa ra những đảm bảo lâu dài về lá chắn tên lửa sau khi Tổng thống Obama tái đắc cử - Phó Thủ tướng Nga Rogozin cho biết hôm nay (8.11).
“Chúng tôi cần những đảm bảo, tốt hơn là trên giấy tờ, rằng hệ thống lá chắn tên lửa đang được xây dựng ở châu Âu là nhằm vào các tên lửa tầm ngắn và tầm trung” – ông Rogozin nói tại một cuộc hội thảo quốc tế về vũ khí hạt nhân và an ninh toàn cầu.
Nga không muốn những lời hứa bằng miệng và mong có những đảm bảo trên giấy tờ rằng lá chắn tên lửa “không nhằm vào Nga” – ông Rogozin nói thêm.
Tuy nhiên những giới hạn đã tuyên bố về chương trình lá chắn tên lửa đã bao phủ toàn bộ lãnh thổ Nga hiện tại và có thể chặn được những tên lửa hạng nặng của Nga. “Hệ thống lá chắn tên lửa có thể không nhằm vào chúng tôi nhưng nó liên quan tới chúng tôi” – hãng tin Interfax trích lời ông Rogozin.
Moscow liên tục yêu cầu những đảm bảo ràng buộc pháp lý rằng lá chắn tên lửa của NATO do Mỹ đứng đầu sẽ chỉ nhằm vào các mối đe dọa tên lửa từ bên ngoài khu vực châu Âu – Đại tây dương, tức là không từ Nga.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2010 ở Lisbon, Bồ Đào Nha, các nhà lãnh đạo đã nhất trí lắp đặt lá chắn tên lửa đạn đạo ở châu Âu và liên minh này mời Nga liên quan tới chương trình này.
Phương Hà (theo Xinhua, GDTĐ)
-------
Triển lãm vũ khí tại Indonesia thu hút 600 công ty đến từ 50 nước
Triển lãm vũ khí “Diễn đàn quốc phòng, hàng không vũ trụ và hàng hải Indonesia 2012” do Bộ Quốc phòng Indonesia tổ chức từ ngày 7 - 10.11 quy tụ hơn 600 Cty đến từ 50 nước trên thế giới, trong đó có cả những hãng sản xuất quốc phòng lớn nhất thế giới như Lockheed Martin của Mỹ và hãng Sukhoi khổng lồ của Nga.
Phó Tổng thống Boediono cho biết triển lãm thiết bị quân sự lớn nhất Indonesia này nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các công ty quốc phòng trong và ngoài nước. Robert Laing - Giám đốc điều hành Lockheed Martin - nói rằng hãng đã bắt đầu hợp tác với công ty CMI của Indonesia và đang hoàn thiện những bước chuẩn bị cuối cùng để CMI sẵn sàng sản xuất radar giám sát tầm xa FPS-117 và TPS-77.
Còn tập đoàn xuất khẩu vũ khí của Nga Rosoboronexport sẽ mời Indonesia tham gia vào các dự án chung phát triển vũ khí và chuyển giao công nghệ. Rosoboronexport mang đến triển lãm các hệ thống phòng không như Buk-M2E, Pantsir-S1và Igla-S. Triển lãm không chỉ là nơi trưng bày các thiết bị quân sự tối tân nhất mà còn là dịp để Indonesia “khoe” các loại khí tài quân sự mới nhập khẩu.
Nhà sản xuất xe tăng Đức Rheinmetall trưng bày hai loại xe tăng chiến đấu chủ lực và xe chiến đấu bộ binh mà Indonesia đã đặt hàng 100 chiếc, trị giá 280 triệu USD. Indonesia đã cố gắng nâng cấp trang thiết bị quân sự trong những năm gần đây và năm 2013 có thể sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 8 tỉ USD.
(LĐ)