TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 09-11-2012


 Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ từ chức

Ngày 8.11 (theo giờ Việt Nam), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã xác nhận rằng Ngoại trưởng Hillary Clinton dự kiến sẽ rời khỏi chức vụ đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ.

Trước đó, Ngoại trưởng Clinton đã nhiều lần bày tỏ ý định từ chức để nghỉ ngơi và dành thời gian cho cuộc sống riêng. Bà Clinton có kế hoạch từ chức vào cuối nhiệm kỳ kéo dài 4 năm của bà vào tháng 1.2013 tới. Hiện Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice là một trong số cái tên có khả năng kế nhiệm bà Clinton.

Một ứng cử viên khác có thể vào vị trí ngoại trưởng Mỹ là Thượng nghị sĩ John Kerry, người hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và từng là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.

T.T
Theo AP, DV
--------
Bạo lực tiếp tục leo thang ở Afghanistan và Pakistan

Bạo lực tiếp tục xảy ra tại nhiều nơi ở Afghanistan và Pakistan trong ngày 8/11, gây nhiều thương vong.

Nguồn tin nhà chức trách Afghanistan cho biết ba cảnh sát đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết ở tỉnh Kandahar miền Nam nước này.

Theo người phát ngôn chính quyền Kandahar, thủ phạm đánh bom liều chết lao môtô vào trạm kiểm soát của cảnh sát và kích nổ bom cài trên người, làm ba cảnh sát thiệt mạng và hai người bị thương.

Hiện chưa nhóm nào nhận đã gây ra vụ tấn công này, song trước đó phiến quân Taliban thường thừa nhận là thủ phạm các vụ tấn công tương tự.

Tại tỉnh Laghman miền Đông Afghanistan, một vụ đánh bom ven đường tại thủ phủ Mehtarlam của tỉnh làm năm binh sĩ thiệt mạng và một người bị thương.

Làn sóng bạo lực đang có chiều hướng gia tăng mạnh tại quốc gia Nam Á này trong bối cảnh lực lượng an ninh Afghanistan đang trong quá trình tiếp quản nhiệm vụ an ninh trong nước, đẩy mạnh cuộc chiến chống Taliban.

Tại nước láng giềng Pakistan, một vụ đánh bom xe liều chết xảy ra tại Karachi, thành phố lớn nhất nước này, làm nhiều người bị thương.

Nhà chức trách cho biết một kẻ đánh bom liều chết đã lái xe tải chở 150kg thuốc nổ lao vào cổng khu nhà dân sự nằm trong tổ hợp bán quân sự ở ngoại ô phía Bắc thành phố, làm 26 người bị thương.

Theo nguồn tin trên, những biện pháp an ninh chặt chẽ được áp dụng tại khu vực này đã giúp làm giảm mức độ thiệt hại của vụ tấn công vì xe ôtô của kẻ đánh bom liều chết không vào được bên trong khu tổ hợp.

Karachi hiện đang trong tình trạng bất ổn do thường xuyên xảy ra các vụ bạo lực liên quan đến mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo và chính trị./.

(TTXVN)
---------
 Thủ tướng Đức: 'Rút khỏi EU không có lợi cho Anh'

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Merkel cho biết bà muốn Anh ở lại trong EU. Theo bà Merkel, sẽ là tốt cho xứ sở Sương mù nếu Luân Đôn quyết tâm ở lại trong khối, bởi vì trong một thế giới 7 tỷ người, trong đó một thế hệ mới với các nền kinh tế đang nổi lên, nước Anh sẽ trở nên lạc lõng đơn độc nếu ở ngoài EU.

Tuyên bố nói trên được bà Merkel đưa ra sau khi nhà lãnh đạo đảng Độc lập nước Anh (UKIP), ông Nigel Farage kêu gọi về một cuộc “ly hôn thân thiện” giữa Brussel và Anh. Trong khi đó, một số nghị sĩ đảng Bảo thủ của ông Cameron đã cùng với Công đảng đối lập thông qua kiến nghị yêu cầu Thủ tướng có ý kiến cắt giảm ngân sách của EU tại hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới. Chính phủ của Thủ tướng Cameron đang tiến hành chính sách cắt giảm chi tiêu ngân sách, vì thế Luân Đôn sẽ nỗ lực bằng mọi cách ngăn chặn việc tăng phần đóng góp của nước này cho các cơ cấu của châu Âu.

Tối 7/11 tại Luân Đôn, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đang ở thăm Anh, đã có cuộc hội đàm về vấn đề ngân sách gây tranh cãi của Liên minh châu Âu (EU), vốn có nguy cơ gây chia rẽ giữa Anh và phần còn lại của lục địa "già".

Phát biểu tại buổi họp báo chung sau cuộc hội đàm kéo dài 1 giờ, Thủ tướng Cameron nhấn mạnh lãnh đạo hai nước nhất trí cho rằng các nước châu Âu nói chung và EU nói riêng cần đạt đồng thuận. Luân Đôn cho rằng sẽ không hợp lý nếu tăng ngân sách EU trong bối cảnh lãnh đạo các nước thành viên phải thông qua các giải pháp khó khăn nhằm cân bằng ngân sách. Theo ông, tốt nhất là nên cắt giảm ngân sách, còn trong trường hợp xấu nhất thì nên giữ nguyên.

Về phần mình, Thủ tướng Merkel tuyên bố tiền ngân sách EU cần phải được sử dụng hiệu quả, đồng thời cảnh báo việc rút khỏi EU không có lợi cho nước Anh. Bà Merkel cũng lên tiếng kêu gọi người đồng cấp Anh hợp tác nhằm tránh để vấn đề này rơi vào bế tắc tại hội nghị thượng đỉnh EU sẽ được tổ chức vào cuối tháng này.

Vấn đề ngân sách EU đang gây bất đồng sâu sắc giữa các nước thành viên EU, trong đó nhóm nước do Đức đứng đầu đề xuất ngân sách ở mức 1% tổng GDP của EU (gần 960 tỷ euro), trong khi nhóm còn lại gồm Anh, Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan, CH Séc đòi cắt giảm mạnh ngân sách này, chỉ để ở mức không quá 900 tỷ euro.

TTXVN/Tin tức
-----------
Tổng thống Pakistan bị điều tra tham nhũng

 Hãng Reuters đưa tin, theo yêu cầu của Tòa án Tối cao Pakistan, Chính phủ nước này vừa gửi thư đề nghị Thụy Sĩ mở lại cuộc điều tra về những cáo buộc tham nhũng liên quan đến Tổng thống Asif Ali Zardari.

Tòa án Tối cao Pakistan đặt thời hạn chót đến ngày 14-11 chính phủ phải gửi thư cho phía Thụy Sĩ và thu hồi lại bức thư cũ được Bộ trưởng Tư pháp Malik Qayyum gửi năm 2007 có nội dung đề nghị miễn truy tố đối với ông Zardari.

Động thái này được cho sẽ giúp tháo gỡ những căng thẳng lâu nay giữa chính phủ với Tòa án Tối cao Pakistan sau khi cơ quan tư pháp cao nhất nước phế truất tư cách của Thủ tướng tiền nhiệm Yousuf Gilani hồi tháng 6 vừa qua vì tội danh coi thường tòa án.

Tổng thống Pakistan Zardari đang phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng liên quan những vụ việc xảy ra từ những năm 1990, khi ông và vợ là cố Thủ tướng Benazir Bhutto bị nghi dùng tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ  để giấu 12 triệu USD tiền hối lộ. Sau đó ông được ân xá cùng với một loạt chính trị gia khác, nhờ sắc lệnh của Tổng thống cầm quyền khi đó là ông Pervez Musharraf.

P.NAM// SGGP
------
Hàn Quốc thả truyền đơn, bao cao su sang Triều Tiên

Hàng chục nhà hoạt động Hàn Quốc đã thả bong bóng mang theo truyền đơn chống Bình Nhưỡng, bao cao su và băng vệ sinh qua biên giới Triều Tiên vào hôm qua 07/11.

Sự việc này diễn ra bất chấp việc Bình Nhưỡng đe dọa tấn công quân sự không khoan nhượng đối với các hoạt động tuyên truyền tương tự.

Các nhà hoạt động này đã sử dụng 20 quả bóng bay chứa 150.000 tờ rơi và 5.000 bao cao su qua biên giới phía tây tại huyện Yeoncheon.

Phát biếu với hãng tin AFP, Bong Tae-Hong, người đứng đầu nhóm các nhà hoạt động cánh hữu Right Korea cho biết: “Chúng tôi nghe nói ở Triều Tiên rất khó tìm bao cao su”. “Người Triều Tiên cần chúng để tránh thai và tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục”.

Trong những quả bóng bay được thả qua biên giới Triều Tiên này còn có cả băng vệ sinh, đèn pin điện, đồ ngọt, đồ lót, tất và kem đánh răng.

Hồi tháng trước, cảnh sát Hàn Quốc cũng đã phải ngăn chặn một hoạt động rải truyền đơn tương tự chống lại Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ đáp trả hành động này bằng một cuộc tấn công quân sự.

Phạm Khánh
Infonet
-------
 Puerto Rico muốn là tiểu bang thứ 51 của Mỹ

Cử tri ở đảo Puerto Rico - là lãnh thổ thuộc Mỹ, sử dụng tiền USD và công dân đi lại bằng hộ chiếu Mỹ - vừa qua đã ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý để trở thành tiểu bang thứ 51 của nước Mỹ.

Gần 80% cử tri hòn đảo này tham gia cuộc trưng cầu dân ý trên, vốn là cuộc trưng cầu thứ tư trong vòng 45 năm qua. Kết quả là gần 2/3 người muốn hòn đảo này có cương vị đầy đủ của một tiểu bang nước Mỹ.

Bất cứ sự thay đổi nào đều cần phải được quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua nhưng chưa từng có lãnh thổ nào bị khước từ đơn gia nhập Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Đến thăm hòn đảo này vào năm ngoái, Tổng thống Barack Obama tuyên bố ông sẽ tôn trọng nguyện vọng của người Puerto Rico nếu đó là đa số rõ rệt dân chúng ở đây.
Trong trường hợp quốc hội Mỹ tán thành, người dân Puerto Rico sẽ có quyền đi bỏ phiếu trong tất cả mọi cuộc bầu cử ở Mỹ nhưng cũng phải đóng các loại thuế liên bang – điều hiện nay họ được bỏ qua.
 
Được biết, Puerto Rico nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ vào năm 1898 khi Tây Ban Nha mất hòn đảo này vào thời điểm chấm dứt cuộc chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ.

Mối quan hệ được củng cố năm 1917 khi người dân Puerto Rico trở thành công dân Mỹ và được phép phục vụ trong quân ngũ.

Theo Lục San (NLĐO / AP)
-------
Malaysia-Nga ký thỏa thuận về hàng không, du lịch

Tại Kuala Lampur ngày 7/11, hãng hàng không Nga Vladivostok và công ty du lịch Tourism Vacation Resources Sdn Bhd của Malaysia đã ký thỏa thuận về hoạt động của các chuyến bay thuê bao giữa Nga và Malaysia.

Theo thỏa thuận, sẽ có 15 chuyến bay thuê từ Vladivostok đến Malaysia trong thời gian ba tháng, kể từ ngày 17/12/2012.

Phát biểu với báo giới sau lễ ký kết, Bộ trưởng Du lịch Malaysia Ng Yen Yen cho biết thỏa thuận nhằm thu hút nhiều hơn nữa du khách Nga tới Malaysia.

Dự kiến, hơn 2.200 khách du lịch Nga đến Malaysia thông qua các chuyến bay, bao gồm chín chuyến bay đến thành phố Kota Kinabalu của bang Sabah và sáu chuyến còn lại sẽ đến đảo Langkawi, khu nghỉ dưỡng sang trọng của Malaysia.

Theo bà Ng Yen Yen, hiện nay, không có các chuyến bay trực tiếp từ bất kỳ thành phố nào của Nga tới Malaysia.

Bà Ng Yen Yen cũng cho biết, trong nửa đầu năm 2012 Malaysia đã đón gần 24.200 khách Nga, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2011. Dự kiến, quốc gia Đông Nam Á này sẽ đón khoảng 45.000 du khách Nga trong năm 2012, tăng hơn 6.000 khách so với năm 2011.

Đại sứ Nga tại Malaysia Lyudmila Vorobyeva tỏ ý tin tưởng du lịch là một trong những lĩnh vực chính có thể giúp thúc đẩy quan hệ giữa Nga và Malaysia. Bà nói, du lịch luôn là bước đầu tiên trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế vì nó sẽ mang đến những du khách từ các nước bên ngoài và ngược lại, họ có thể nhận ra tiềm năng đầu tư ở những nơi mà họ đã đến thăm.

Trong khi đó, Cuba và Nga đã ký tại thủ đô Havana một loạt các thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và khoa học song phương trong vòng tám năm tới. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm Cuba của Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước Cuba Ricardo Cabrisas và Bộ trưởng Manturov đã ký văn kiện xác định hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, công nghiệp và nông nghiệp.

Văn kiện thỏa thuận cũng bao gồm hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, tài chính, năng lượng và niken. Nhân chuyến thăm này, quan chức hai bên cũng ký kết nhiều văn kiện về chương trình hợp tác trong các lĩnh vực hải quan, cấp phép hàng hải và cung cấp các thiệt bị điện, cùng nhiều lĩnh vực khác.

Nga hiện là đồng minh chính trị quan trọng nhất của Cuba, đồng thời là đối tác thương mại lớn của quốc gia Trung Mỹ này ở Trung và Đông Âu./.
 
Kim Dung/Kuala Lumpur (Vietnam+)
-------
Fitch cảnh báo hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ

Tổng thống tái đắc cử Obama sẽ phải làm việc với quốc hội để nâng trần nợ công và có những biện pháp tránh vách đá tài khóa vào đầu năm 2013.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch vừa cảnh báo rằng Mỹ có thể bị hạ xếp hạng tín nhiệm trong năm tới trừ khi các nhà làm luật đưa ra những chính sách giúp tránh vách đá tài khóa và nâng trần nợ công trong thời gian thích hợp.

Đơn vị xếp hạng Moody's thông tin rằng sẽ tìm hiểu thêm những ảnh hưởng kinh tế khi vách đá tài khóa xảy ra để có những đánh giá tốt nhất.

Vách đá tài khóa đề cập tới việc cắt giảm mạnh chi tiêu chính phủ và tăng thuế để giảm thâm hụt ngân sách. Dự định đầu năm 2013, việc này sẽ được tiến hành.

Quốc hội Mỹ và ông Obama sẽ có được 600 tỷ USD từ việc tăng thuế và giảm chi tiêu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ đẩy nước Mỹ vào vòng xoáy suy thoái mới khi con số ước tính 2 triệu người bị mất việc làm do cắt giảm chi tiêu.

Trước đó, Standard & Poor's đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ khỏi mức cao nhất AAA xuống AA+ vào tháng 8/2011 do những tranh cãi chính trị không dứt về quyết định nâng trần nợ công.

Trần nợ công của Mỹ theo dự báo sẽ bị thủng vào cuối năm 2012, theo thông tin chính thức từ bộ tài chính Mỹ. Nếu nợ công vượt quá trần, nước Mỹ sẽ bị coi là vỡ nợ và đây sẽ là thảm họa của cả thế giới.
(Stox)
------
NASA quyết lên mặt trăng sau khi Obama tái cử

 Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ công bố kế hoạch xây căn cứ ở phía trên mặt trăng sau khi Tổng thống Barack Obama tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ.

NASA từng thông báo họ muốn thiết lập một căn cứ "lơ lửng" ở phía trên nửa tối vĩnh cửu của mặt trăng. John Logsdon - giáo sư danh dự của Đại học George Washington tại Mỹ - nói rằng chính quyền Obama đã phê chuẩn chương trình này, nhưng trước cuộc bầu cử tổng thống hôm 6/11, giới chức NASA không thảo luận về nó nữa vì họ nghĩ rằng nếu Mitt Romney thắng cử, ông sẽ hủy chương trình, Space đưa tin.

"Họ hoãn việc công bố tham vọng xây căn cứ phía trên vùng tối của mặt trăng tới tận sau bầu cử tổng thống, bởi Romney từng cam kết rằng ông ấy sẽ đánh giá lại và thay đổi các mục tiêu, định hướng của NASA", Logsdon nói.

Tổng thống Obama từng chỉ đạo NASA hướng tới việc đưa phi hành gia lên một thiên thạch gần địa cầu vào năm 2025 và lên sao Hỏa sau năm 2030. Để thám hiểm những thiên thể xa xôi như thế, NASA đang chế tạo loại tên lửa đẩy cỡ lớn (mang tên SLS) và một loại phi thuyền mới (mang tên Orion). Theo kế hoạch, phi thuyền Orion sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2021.

Nhưng vào năm ngoái, một số nguồn tin trong NASA tiết lộ rằng cơ quan này muốn xây dựng một căn cứ ở phía trên nửa tối của mặt trăng. Những phi hành gia trên căn cứ có thể hỗ trợ hoạt động thám hiểm trên mặt trăng. Căn cứ cũng có thể đóng vai trò là bàn đạp để NASA thực hiện các chuyến bay đưa người tới những đích xa hơn, như sao Hỏa.

Theo Minh Long
vnexpress
------
Pakistan đề nghị mở lại hồ sơ chống Tổng thống

Đài truyền hình Pakistan ngày 7/11 đưa tin chính phủ nước này đã chính thức gửi thư đề nghị nhà chức trách Thụy Sĩ mở lại hồ sơ cuộc điều tra cáo buộc tham nhũng nhằm vào Tổng thống Asif Ali Zardari, động thái quan trọng giúp chấm dứt những tranh cãi lâu nay giữa Tòa án Tối cao và chính phủ về vấn đề này, đồng thời đặt ông Zardari đứng trước nguy cơ bị truy tố sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2013.

Theo đài PTV, Chính phủ Pakistan đã gửi bức thư trên tới Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ từ ngày 5/11 sau khi đã chấp thuận yêu cầu của Tòa án Tối cao về việc mở lại cuộc điều tra này. Đích thân Thủ tướng Raja Pervaiz Ashraf đã chỉ thị cho Bộ trưởng Luật pháp Farooq H. Naek chuyển thư cho giới chức Thụy Sĩ.

Trước đó, Tòa án Tối cao Pakistan đặt thời hạn chót đến ngày 10/11 chính phủ phải gửi thư cho phía Thụy Sĩ và thu hồi bức thư đề nghị trước đó do Bộ trưởng Tư pháp Malik Qayyum gửi năm 2007.

Những cáo buộc tham nhũng nhằm vào ông Zardari được đưa ra từ năm 2007, liên quan những vụ việc từ những năm 1990, khi ông và vợ là cố Thủ tướng Benazir Bhutto bị nghi sử dụng tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ để rửa khoản tiền 12 triệu USD được cho là tiền hối lộ của các công ty muốn có các hợp đồng thanh tra hải quan. Tuy nhiên, sau đó ông được ân xá cùng với một loạt chính trị gia khác nhờ sắc lệnh của Tổng thống cầm quyền khi đó là ông Pervez Musharraf.

Năm 2008, nhà chức trách Thụy Sĩ cũng khép lại hồ sơ vụ án chống ông Zardari sau khi ông được bầu làm Tổng thống Pakistan. Tuy nhiên đến năm 2009, Tòa án Tối cao đã bãi bỏ sắc lệnh của cựu Tổng thống Musaráp, đồng thời liên tục hối thúc chính phủ đề nghị phía Thụy Sĩ mở lại hồ sơ xét xử, bất chấp chính phủ đã nhiều lần từ chối với lý do Tổng thống được miễn truy tố khi đang tại nhiệm.

Mâu thuẫn giữa Tòa án Tối cao và chính phủ về vấn đề này căng thẳng tới mức cơ quan tư pháp này từng quyết định phế truất tư cách thủ tướng của ông Yousuf Gilani hồi tháng Sáu vừa qua./.

(TTXVN)
---------
Chủ tịch Hạ viện Úc mất chức vì... mê trai

Chủ tịch Hạ viện Australia Peter Slipper vừa mới tuyên bố từ chức sau khi bị người trợ lý cũ tố giác tội quấy rối tình dục bằng hàng loạt những tin nhắn "tục tĩu" cùng việc dính líu tới bê bối công quỹ quốc gia. Cuộc bỏ phiếu kín về quyết định để Slipper ra đi diễn ra tại Quốc hội cho kết quả rất sít sao với 69 phiếu thuận và 70 phiếu chống. Tuy nhiên, một số nghị sĩ tự do vào phút chót đã quyết định thay đổi vì họ đã mất lòng tin vào Slipper sau những bê bối "không thể chấp nhận được".

Peter Slipper vốn là nghị sĩ của đảng Tự do, phục vụ cựu Thủ tướng John Howard trong vai trò thư ký Quốc hội, thẩm tra tư cách đại biểu và chủ tịch Hội đồng cố vấn. Ông cũng qua lại với đảng Quốc gia, nhờ thế lực và tiền, mới có chân trong cơ cấu hội đồng lãnh đạo của đảng này. Năm 2011, Slipper về "đầu quân" cho Thủ tướng Julia Gillard và nhanh chóng được bà cất nhắc vào vị trí Chủ tịch Hạ viện. Điều này khiến phe đối lập là đảng Tự do của ông Tony Abbott mất một phiếu, trong khi quyền lực của Gillard được củng cố. Vì thế, bê bối của Chủ tịch Hạ viện đang châm ngòi cho một cuộc tranh cãi rất gay gắt tại Quốc hội Úc, khi ông Abbott tuyên bố rằng "nếu Gillard tiếp tục bảo vệ Slipper thì Chính phủ sẽ chết vì xấu hổ"…

Thuê trợ lý làm "đồ chơi tình dục"

Trợ lý cũ của Slipper là James Ashby, vốn là một người đồng tính 26 tuổi, đã đệ đơn lên Tòa án liên bang, cáo buộc ông quấy rối tình dục và lợi dụng chức vụ để săn đuổi những mối quan hệ tình dục với các nam nhân viên. Các tài liệu của tòa án đã tiết lộ những tin nhắn ve vãn mà Slipper gửi cho Ashby và những tin nhắn này khiến các chính trị gia Úc không khỏi sửng sốt. Đặc biệt, khi Slipper chính là người được Thủ tướng Jullia Gillard tin tưởng giao cho vị trí Chủ tịch Hạ viện.

Ashby bị Slipper quấy rối tình dục từ tháng 1 đến tháng 3/2012. Tại cơ quan điều tra, Ashby công khai hàng trăm tin nhắn làm chứng Slipper là "gã bệnh hoạn" kỳ thị phụ nữ. Ông ta nhắn những nội dung dè bỉu bộ phận sinh dục của phụ nữ rất tục khiến không thể viết lên mặt báo. Ashby tiết lộ thêm: Từ tháng 6 đến tháng 8/2011, một người giấu tên mời anh đến nhà Slipper. Trong lúc nói chuyện, Ashby ta tiết lộ mình là "gay" và được Slipper mời nhận chức cố vấn báo chí nhưng Ashby đã từ chối. Tuy nhiên, đến tháng 12, Ashby nhận lời và được "lệnh" của Slipper phải chuyển tới ở trong căn hộ của ông tại Canberra.

Tối ngày 4/1/2012, Slipper "nhờ" Ashby mát xa cổ và ông chỉ mặc quần đùi nằm trên giường. Khi Ashby mát xa, ông ta bắt đầu "rên rỉ" và có động tác rất muốn được thỏa mãn dục vọng, khiến Ashby bị sốc và khó chịu nên rời phòng. Slipper từng trách Ashby kỳ lạ và "bày đặt đoan trang như đàn bà", lại còn yêu cầu Ashby đi tắm phải mở cửa! Nghị sĩ này từng hỏi thẳng về chuyện chăn gối của Ashby, nhưng chỉ nhận được lời đáp thẳng thừng: "Làm nghị sĩ ông không nên hỏi người ta những câu như thế".

Khi bị Ashby từ chối, Slipper dọa nạt và tìm đủ mọi cách bắt ép anh ta làm mọi trò tiêu khiển nhưng không thành. Ashby bị căng thẳng, anh cảm thấy nhục nhã, sức khỏe suy yếu và phải nhờ đến bác sĩ tâm lý. Có lần Ashby từng tính chuyện lao vào xe tải tự tử. Anh phải uống 6 ly rượu mạnh mỗi đêm, vì sợ hãi đến độ tiểu ra máu, thường xuyên nôn mửa và tiêu chảy. Qua luật sư riêng, Ashby nói rằng Slipper, dù đã có gia đình, vẫn cố tình thuê anh "làm đồ chơi tình dục". Ashby đã đề nghị sếp cũ bồi thường tổn thất tinh thần và còn đề nghị tòa buộc Slipper phải đi tư vấn khám bệnh bên cạnh việc trải qua một khóa huấn luyện nhân cách.

Peter Slipper (phải) bị trợ lý đồng tính James Ashby (trái) cáo buộc lạm dụng tình dục.

Peter Slipper cũng tìm mọi cách chống lại những cáo buộc quấy rối tình dục của Ashby dù không còn được chính phủ tài trợ sau khi chính phủ liên bang đã giải quyết vụ này với số tiền bồi thường là 730.000 đôla. Cả Slipper lẫn các luật sư đã cùng làm việc để xin hủy vụ kiện với lý do đây là một sự lạm dụng thủ tục và gây phiền toái. Trước đó, Slipper cũng gửi lời xin lỗi về những tin nhắn quá khiêu khích cho Ashby, nói đó chỉ là chuyện riêng tư giữa hai người và phần nhiều trong số này được gửi đi trước khi ông lên chức Chủ tịch Hạ viện. Tuy nhiên, Ashby quyết tâm kiện cả Chính phủ liên bang cũng như Slipper, cho rằng chính phủ cần phải chịu trách nhiệm về hành vi của Slipper vì anh ta đã được Chủ tịch Hạ viện thuê mướn nhân danh chính phủ.

Còn nhớ năm 2003, Slipper là trợ lý tin cẩn của Thủ tướng John Howard, từng được bồi dưỡng để ngồi vào ghế thủ tướng nhưng cũng do "mê trai" mà đường công danh chệch hướng. Nữ nhân viên Megan Hobson của Slipper đã nộp cho Tony Nutt (cố vấn cấp cao của Howard) một đoạn băng video, trong đó chiếu cảnh Slipper từ cửa sổ chui vào phòng ngủ của một nam nhân viên. Nutt khuyên Hobson: "Quên chuyện đó đi" với mục đích không để chuyện này phát tán rộng ra dư luận, nhưng cuối cùng Nutt đã báo cáo toàn bộ với Howard. Và sau đó, cuốn băng đã được chiếu công khai trên các đài truyền hình Úc với câu hỏi bí ẩn: "Ai là chàng trai thân mật của nghị sĩ Hạ viện?".

Bê bối công quỹ và cáo buộc… "nghiện" taxi

Slipper trở thành Chủ tịch Hạ viện trong những ngày cuối năm 2011, khi người tiền nhiệm Harry Jenkins từ chức. Đến tháng 4/2012, Slipper vướng phải một vụ bê bối liên quan tới chi tiêu công quỹ. Một cuộc điều tra do tờ Daily Telegraph tiến hành cho thấy Slipper đã "ném" 77.000 đôla vào các chuyến đi sang trọng, bao gồm phí thuê xe Limousine và taxi liên tục trong 18 tháng. Có lúc, ông từng tiêu tới 1.100 đôla trong chuyến đi taxi kéo dài… 1 ngày tới Brisbane.

Các tài liệu được cung cấp cho thấy Slipper tiêu tiền của Hạ viện từ tháng 1/2010 đến tháng 7/2011 hết sức lãng phí. Người đóng thuế Australia đã phải bỏ ra 1.700 đôla cho chuyến đi của Slipper từ Queensland tới Sydney vào ngày 7/1/2011, chỉ để ông có thể theo dõi một trận đấu cricket của đội Test và ăn bữa trưa với đội này. Ông cũng tiêu hơn 3.300 đôla vào việc thuê xe Limousine và đi lại bằng xe hơi trong chuyến đi dài 5 ngày tới Perth hồi cuối tháng 6/2010.

Khi ở Sydney, Slipper thường xuyên gọi taxi mà không sử dụng hệ thống xe công. Trong một chuyến đi khác tới Canbera, ông đã chi tiêu 700 đôla cho các hoạt động khác nhau khi tới đây tham dự một cuộc họp của hội đồng địa phương. Từ tháng 12/2010  đến 1/2011, ông có chuyến "công tác" kéo dài liên tục 6 tuần lễ liền trong đó có 1 tuần rong chơi ở Tasmania. Chuyến đi này ông cũng thuê xe và sử dụng máy bay đi lại vô tội vạ. Theo Daily Telegraph, việc lạm dụng công quỹ của Slipper đã diễn ra trong nhiều năm và ông mới chỉ phải trả lại 22.000 đôla.

Thủ tướng Julia Gillard và Công đảng phải chịu nỗi đau lớn khi đặt niềm tin vào nhầm người.

Slipper tung ra những bản ghi được cho là tài liệu chứng thực các khoản chi tiêu và phiếu đi xe taxi, qua đó khẳng định ông hoàn toàn trong sạch. Tờ Sunshine Coast Daily cho hay, Slipper chối bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc, cùng lời biện dẫn: "Đó chỉ là hậu quả của việc hiểu lầm ý nghĩa công việc hoặc là hiểu sai quy định ghi trong hiến pháp". Dù có xuất hiện các bản viết tay và chữ ký của ông nhưng các câu hỏi về độ chính xác vẫn không thể được giải đáp, đặc biệt là các con số liệu có nguy cơ bị bóp méo hay không. Dư luận hoài nghi Slipper có tay trong, hoặc đã thuê người làm giả tài liệu để "bịp" giới điều tra. Trước tình hình này, Thủ tướng Julia đồng ý để Slipper rời Hạ viện một thời gian, còn chức chủ tịch vẫn đang trong trạng thái "treo".

Nỗi đau của Công đảng

Không thể phủ nhận tài năng của Slipper  ở đảng Tự do khi ông ta chỉ là "lính mới" dưới trướng của Howard. Cựu Thủ tướng Úc trao toàn quyền kiểm soát Ủy ban thường trực Hạ Viện về các vấn đề gia đình và cộng đồng cho Slipper, công khai tiến cử Slipper vào chiếc ghế chủ tịch. Dưới thời Julia Gillard, Peter Slipper tiếp tục tỏa sáng, nắm giữ nhiều cương vị quan trọng tại các hội đồng của nghị viện Úc, đơn cử như chức Phó chủ tịch Ủy ban thường trực về các vấn đề pháp lý và lập hiến.

Vốn là thành viên đảng Tự do, việc Slipper chấp thuận đề cử của Công đảng cho vị trí chủ tịch Hạ viện được coi là hành động phản bội khiến người đứng đầu đảng Tự do Tony Abbott đe dọa khai trừ Slipper khỏi liên minh. Khi không còn gì để lợi dụng, Peter Slipper nhanh chóng rời đảng cũ, nhậm chức mới và về đầu quân cho Công đảng. Ông ta chẳng tốn nhiều công sức để phất lên trong Hạ viện, gây dựng danh tiếng khiến các nghị sĩ phải "nể". Slipper sẵn sàng cắt ngắn các câu hỏi chất vấn, trả lời nước đôi và thẳng tay cho các nghị sĩ nghỉ việc mà không hề báo trước hoặc nêu được lý do chính đáng.

Dù bị mang tiếng "móc túi" nhưng Slipper vẫn được Công đảng lựa chọn làm chủ tịch Hạ viện. Một bộ phận nghị sĩ dậy sóng vì sự lựa chọn "ngẫu nhiên" của Công đảng núp bóng một cuộc bầu cử chính thống. Dư luận thể hiện nhiều phản ứng tiêu cực trước việc một nghị sĩ Hạ viện dính líu tới những lùm xùm tài chính công và bê bối tình dục với  "thế giới thứ ba". Slipper hứng chịu những nghi ngờ về việc hủy hoại Công đảng và sự giám sát từ Ủy ban xem xét các ứng viên bầu cử Úc.

Các đảng đối lập đều đồng loạt bày tỏ động thái yêu cầu Slipper từ chức, trong khi chính phủ nhận định đây là vấn đề có tính chất hình sự nhưng vẫn muốn Slipper ở lại. Ngày 22/4/2012, Slipper quyết định "tạm treo" chức chủ tịch và không còn làm việc tại Văn phòng Hạ viện. Đồng minh trong Công đảng không đưa ra bất cứ bình luận nào, song bày tỏ quan điểm Slipper nên "lui về hậu trường" cho tới khi một giải pháp thỏa đáng được tiến hành trong bối cảnh bê bối đang ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, Slipper trở lại Hạ viện chưa đầy một tuần sau, đọc tuyên bố phủ nhận mọi cáo buộc trước đây và tiếp tục cương vị chủ tịch.

Trong khi đó, bà Julia Gillard không hề có bình luận gì về sự việc song giới phân tích tin rằng bà sẽ ủng hộ Slipper. Julia Gillard hiện đang có tỉ lệ ủng hộ rất thấp nên luôn nuôi hy vọng Slipper có thể mang lại sức sống mới cho chính quyền thiểu số của bà. Quả thực, khi Abbott gây sức ép buộc Slipper từ chức và chỉ trích Công đảng, Gillard không ngần ngại chỉ trích Chủ tịch đảng Tự do là kẻ phân biệt giới tính, tham quyền và đạo đức giả.

Peter Slipper từng ngợi ca Thủ tướng Gillard là một người phụ nữ với sự bền bỉ tuyệt vời. Tuy nhiên, bê bối vỡ lở là dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông, khiến Gillard đau đớn vì đã đặt niềm tin vào nhầm người. Công đảng buộc phải để Slipper ra đi, với bao nuối tiếc và niềm tin dang dở về số phận cầm quyền hiện tại. Còn với Slipper, ông từ chức chỉ bởi vì lợi ích của Quốc hội, vì muốn bảo vệ danh dự cho Công đảng, cho Gillard và thiết lập hòa bình với "người tốt" Tony Abbott...

  Anh Doãn - Thùy Dương (tổng hợp)
Theo ANTG

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te