Nga giới thiệu nhiều súng mới tới thị trường Indonesia
Tại Jakarta, từ ngày 7 đến ngày 10/11 diễn ra cuộc triển lãm quốc tế công nghệ quốc phòng và thiết bị quân sự Indo Defense-2012, ban lãnh đạo Izhmash dự định sẽ tiến hành hàng loạt cuộc thảo luận với các đối tác, trong đó có thứ trưởng Bộ Nội vụ Indonesia.
Ngoài AK-101 đã quen thuộc với thị trường Indonesia, Izhmash muốn giới thiệu đến thị trường này loại carbin Saiga-MK. Loại vũ khí này đang được Quân đội Nga thử nghiệm và sẽ được hoàn thiện theo yêu cầu của lực lượng vũ trang Nga.
Đáp lại, lực lượng biên phòng Indonesia cũng tỏ ý quan tâm tới các sản phẩm của Izhmash.
Tại cuộc triển lãm lần này, Izhmash đem tới giới thiệu nhiều mẫu súng như AK-100, súng bắn tỉa SVD, SVDS, SV-98, SV-99, súng máy Vityaz-SN và hàng loạt các sản phẩm dàng cho lực lượng quân sự và giữ gìn trật tự. Đây là lần thứ 3 Izhmash tham gia vào triển lãm này.
Triển lãm IndoDefense được Indonesia tiến hành từ năm 2004, do Bộ Quốc phòng và Bộ Công nghiệp và Thương mại Indonesia tổ chức.
Mục tiêu của cuộc triển lãm là giới thiệu những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh quân sự.
Hiền Thảo (theo VPK, ĐVO)
---------
Họp Nhóm nghiên cứu về chống phổ biến vũ khí hủy diệt
Tham dự cuộc họp có các đại biểu đến từ các nước thành viên CSCAP, chuyên gia Liên Hợp Quốc, chuyên gia tư vấn độc lập.
Trong các ngày 7-8/11/2012, Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Diễn đàn Thái Bình Dương (Mỹ) chủ trì tổ chức Cuộc họp lần thứ 16 của Nhóm nghiên cứu về Chống phổ biến vũ khí hủy diệt của Hội đồng hợp tác an ninh Châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP) tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự Cuộc họp có các đại biểu đến từ các nước thành viên CSCAP cũng như chuyên gia của một số tổ chức quốc tế có liên quan như Liên Hợp Quốc và các chuyên gia tư vấn độc lập.
CSCAP là cơ chế ngoại giao bán chính thức lớn nhất tại Châu Á – Thái Bình Dương, quy tụ các quan chức, chuyên gia, cố vấn và học giả đến từ các nước Châu Á – Thái Bình Dương để đối thoại về các vấn đề an ninh đang nổi lên ở khu vực, qua đó tăng cường xây dựng lòng tin, kiến nghị chính sách cho chính phủ và các thể chế khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) nhằm duy trì hòa bình, ổn định khu vực, ứng phó với các thách thức khu vực.
Nhóm nghiên cứu về Chống phổ biến vũ khí hủy diệt là một trong những nhóm nghiên cứu quan trọng và lâu nhất của CSCAP, do Việt Nam và Mỹ đồng chủ trì, có mục tiêu nâng cao nhận thức và hợp tác của khu vực phòng chống nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và đề ra các biện pháp tăng cường an ninh, an toàn trong sử dụng công nghệ hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình.
Cuộc họp lần thứ 16 tập trung vào các vấn đề như đánh giá những thách thức an ninh đang nổi lên có liên quan đến vũ khí hủy diệt và những tiến triển gần đây trong công cuộc hợp tác chống phổ biến vũ khí hủy diệt ở Châu Á – Thái Bình Dương, những điểm nóng khu vực như vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chương trình hạt nhân của Iran và các sáng kiến, cơ chế hợp tác đa phương như Sáng kiến An ninh phổ biến (PSI), Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT)…
Đồng thời, cuộc họp cũng đã trao đổi những vấn đề cùng quan tâm khác như an toàn hạt nhân trong bối cảnh khủng hoảng hạt nhân Fukushima năm 2011 và những sự kiện quốc tế lớn như Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân Seoul.
Song song với Cuộc họp CSCAP lần này Việt Nam và Mỹ cũng đồng tổ chức Cuộc họp đầu tiên của Nhóm chuyên gia năng lượng hạt nhân (NEEG), nhằm đánh giá các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và tìm kiếm các biện pháp mới để thúc đẩy hợp tác trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển những nguồn năng lượng mới để phục vụ nhu cầu phát triển trong tương lai, các vấn đề liên quan đến chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt như an ninh, an toàn hạt nhân, ngày càng có ý nghĩa thực tiễn và cấp thiết đối với Việt Nam.
Học viện Ngoại giao đồng chủ trì với Nhóm nghiên cứu về chống phổ biến vũ khí hủy diệt là nỗ lực hội nhập khu vực và quốc tế trong vấn đề an ninh, an toàn hạt nhân, mở rộng mạng lưới hợp tác phục vụ lợi ích quốc gia của Việt Nam, đồng thời thể hiện phương châm của Việt Nam “chủ động, tích cực, có trách nhiệm” với các vấn đề chung của khu vực và thế giới./.
Ngọc Thành/VOV online
-----------------
Bà Suu Kyi hối thúc chính phủ chấm dứt bạo loạn
Theo AFP, thủ lĩnh đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi ngày 8/11 đã lên tiếng hối thúc chính phủ nước này điều thêm quân tới miền Tây để khôi phục hòa bình tại khu vực đang chìm trong bạo loạn sắc tộc giữa các Phật tử và tín đồ Hồi giáo.
Bà Suu Kyi kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo loạn ở bang miền Tây Rakhine, vốn làm ít nhất 180 người thiệt mạng và 110.000 người phải sơ tán kể từ tháng 6 tới nay.
Trong một tuyên bố, bà Suu Kyi nhấn mạnh: "Mọi người đều có trách nhiệm tôn trọng nhân quyền, không phân biệt đa số hay thiểu số, sắc tộc và tôn giáo". Biểu tượng dân chủ Mianma cho rằng cần điều động thêm lực lượng an ninh để khôi phục "hòa bình, ổn định và trật tự luật pháp" ở Rakhine.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi hội nghị của Ủy ban Luật pháp và Bình ổn của Quốc hội Myanmar nhóm họp dưới sự chủ trì của bà Suu Kyi./.
(Vietnam+)
---------
Thái Lan: Bị bắn gần 50 phát đạn, thị trưởng thiệt mạng
Tờ Bangkok Post của Thái Lan đưa tin ông Peera Tuntiseranee, thị trưởng thành phố Songkhla đã bị những kẻ đi xe bắn chết đêm 7-11. Vụ việc được cho là có liên quan tới các xung đột chính trị địa phương.
Tối 7-11, ông Peera Tuntiseranee dự một cuộc họp tại trung tâm thanh niên thành phố cùng với thành viên của các tổ chức phi chính phủ để thảo luận tiến bộ đạt được trong một vụ việc liên quan tới việc gây sức ép lên công ty tư nhân Schlumberger Overseas S.A Limited nhằm chuyển chất thải phóng xạ ra khỏi thành phố.
Sau cuộc họp, ông Peera đang bước ra xe ô tô thì bị ít nhất ba người đàn ông trên một xe tải dùng súng tự động M16 và súng ngắn bắn chết tại chỗ. Trước khi chạy trốn, bọn chúng còn bắn xối xả vào xe của nạn nhân.
Cảnh sát cho biết gần 50 vỏ đạn được tìm thấy tại hiện trường. Thi thể và đầu nạn nhân chịu nhiều vết đạn bắn.
Cảnh sát cho biết động cơ của các tay sát thủ có thể đến từ các vấn đề chính trị địa phương, đặc biệt là chính quyền của thành phố Songkhla. Gần đây, cả bốn phó thị trưởng thành phố đã xin từ chức vì thất vọng với phong cách làm việc của thị trưởng Peera.
Ông Peera từng chỉ thị đình chỉ công tác của 8 quan chức thành phố khiến họ đệ đơn khiếu nại lên tỉnh trưởng Songkhla Kritsada Boonrat.
Cảnh sát cũng đang xem xét các khả năng liên quan giữa quan hệ của ông Peera với Công ty Schlumberger Overseas và các xung đột cá nhân khác.
Đỗ Quyên (Theo Bangkok Post, NLĐ)
----------
Nga bắn thử tên lửa siêu thanh hiện đại nhất từ tàu ngầm
Tối 7/11, tại Bạch hải, tàu ngầm nguyên tử đa chức năng Severodvinsk của Hải quân Nga đã bắn thử thành công tên lửa có cánh siêu thanh hiện đại nhất Kalibr vào một mục tiêu trên biển.
Tên lửa siêu chính xác Kalibr chưa có đối trọng trên thế giới hiện nay, có thể bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 2.500 km và ở cự ly bắn hơn 1.000 km thì độ sai lệch mục tiêu chỉ dưới 2-3 mét. Tên lửa Tomahawk của Hải quân Mỹ hiện chỉ có thể bắn trúng mục tiêu ở cự ly gần 1.150 km.
Trong khi đó, tàu ngầm thế hệ thứ tư Severodvinsk thuộc dự án 885 đã được hạ thủy ngày 15/6/2010 và năm nay đã hoạt động liên tục trên đại dương hơn 100 ngày đêm tính đến cuối tháng 10 vừa qua. Năm 2011, tàu ngầm này có lúc đã hoạt động liên tục trên biển gần 120 ngày đêm.
Tàu có lượng choán nước 9.500 tấn, dài 120 mét, có thể lặn sâu 600 mét, tốc độ 31 hải lý/giờ, được trang bị 24 tên lửa các loại và có thủy thủ đoàn gồm 85 người. Tàu Severodvinsk có khả năng tiêu diệt mọi loại tàu ngầm và tàu chiến của đối phương, trước hết là những tàu ngầm mang tên lửa chiến lược và các tàu sân bay cũng như các căn cứ quân sự và mục tiêu khác trên bờ.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2012, Hải quân Nga sẽ được trang bị thêm 3 tàu ngầm chiến lược thế hệ thứ tư gồm tàu Yuri Dolgoruki, tàu Alexander Nevsski và tàu Severodvinsk.
TTXVN/Tin tức
--------
Không quân Nga 'trẻ hóa' khả năng không vận
Không quân Nga gần đây cho biết họ đang có kế hoạch “trẻ hóa” lại phi đội máy bay chuyên chở đang bị già hóa của nước này.
Kế hoạch trên đã được hoàn thiện với đơn đặt hàng 170 máy bay cho giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong đó bao gồm 20 chiếc An-124s, 39 chiếc II-476s, 11 chiếc An-140s, 30 chiếc L-410s , 50 chiếc II-124s và 20 chiếc An-148s.
Hiện nay, lực lượng không quân Nga phụ thuộc rất nhiều vào các phương tiện chuyên chở từ thời Chiến tranh Lạnh như An-124s, An-22s, II-76s, An-12, An-72, An-24 và An-26s. Nhiều chiếc trong số này đã không thể hoạt động được vì tuổi quá cao hoặc hoạt động cầm chừng vì chi phí bảo trì bảo dưỡng quá lớn.
Một vài máy bay An-124s và II-76s sẽ được tân trang lại để tiếp tục sử dụng, hầu hết số còn lại sẽ bị loại bỏ vì quá cũ, ngốn quá nhiều chi phí bảo dưỡng hoặc đơn giản hơn là đã không còn được tin dùng nữa.
Chiếc An-124 là mẫu máy bay chuyên chở lớn nhất thế giới, nó có thể mang tới 120 tấn. Nga đã cố gắng sản xuất lại mẫu máy bay này trong suốt thập kỷ qua. Trong khi đó, mẫu máy bay II-476 có thể mang tới 60 tấn và cũng chính là bản nâng cấp từ chiếc II-76.
Mẫu An-140 là mẫu máy bay chuyên chở turbo kép của Ukraine có thể mang theo 5 tấn vật liệu cùng với 52 người trong phi hành đoàn.
Mẫu L-410 là mẫu tương tự như An-140 nhưng nhỏ hơn và chỉ có thể mang được 1,5 tấn hàng hóa cùng 19 người trong phi hành đoàn.
Mẫu II-124 là mẫu máy bay chuyên chở động cơ phản lực kép vẫn đang được phát triển thêm nhằm đạt mục tiêu mang 20 tấn vật liệu.
Cuối cùng, An-148 là mẫu máy bay phản lực chuyên chở hành khách có khả năng chứa được 80 người hoặc mang theo 9 tấn hàng hóa.
Loại máy bay này sẽ thường chỉ để dùng chuyên chở các VIP như Tổng tư lệnh hay các chuyên viên cao cấp của chính phủ trong các chuyến công vụ của họ.
Những mẫu máy bay mới rõ ràng là đáng tin cậy và tiết kiệm hơn khi triển khai. Nếu Nga không chịu chi tiền để mua sắm lượng máy bay kể trên trong thập kỷ này (trị giá khoảng 10 tỷ USD) thì số lượng máy bay chuyên chở của Không quân Nga sẽ cực kỳ hạn chế.
Lê Hương (theo Strategy Page, ĐVO )
----------
Trung Quốc triển khai vũ khí hạt nhân với tàu ngầm
Theo hãng tin Reuters, dự thảo báo cáo của Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung ngày 7/11 cho biết trong vòng hai năm tới, Trung Quốc có thể sẽ triển khai vũ khí hạt nhân phóng từ tàu ngầm.
Từ đó sẽ bổ sung một khả năng mới vào kho vũ khí hạt nhân của nước này. Động thái này có thể dẫn tới các cuộc đàm phán về cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Theo bản dự thảo của báo cáo năm 2012 sẽ được Ủy ban trên trình lên Quốc hội Mỹ, Trung Quốc là nước duy nhất trong số các quốc gia chính thức sở hữu vũ khí hạt nhân mở rộng sức mạnh răn đe đến vậy.
Bản dự thảo cho rằng Bắc Kinh đang tiến sát tới việc "sở hữu bộ ba (răn đe) hạt nhân đáng tin cậy bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và bom hạt nhân thả từ máy bay".
Dự thảo cho biết từ nhiều thập kỷ qua, khả năng tên lửa đạn đạo dành cho tàu ngầm chủ yếu mang tính biểu tượng, nhưng giờ đây Bắc Kinh mới chủ trương thiết lập khả năng "răn đe chiến lược trên biển."
Việc triển khai khả năng trên vào kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể dẫn đến các hậu quả đáng kể tại Đông Á và xa hơn nữa, cũng như có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc vẫn đứng ngoài các quy ước về hạn chế và kiểm soát vũ khí quan trọng như Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược (START) mới ký vào tháng 4/2010 và Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987.
Lầu Năm Góc đã từ chối bình luận trực tiếp về bước đi hướng tới bộ ba răn đe hạt nhân của Trung Quốc./.
(Vietnam+)
------------
Số hóa Т-90 Ấn Độ
Các hệ thống này do Uralvagonzavod hợp tác với tập đoàn Sozvezdiyye phát triển sẽ cho phép số hóa Т-90. Nhờ vậy, các xe tăng có thể liên kết thành một mạng thông tin thống nhất.
Hệ thống mới có tên Sozvezdiyye-2М. Đây là hệ thống chỉ huy tự động hóa, cho phép các chỉ huy chỉ huy các phân đội ở thời gian thực.
Nguồn tin trong công nghiệp quốc phòng cho biết, Sozvezdiyye-2М có các màn hình hiển thị thông tin chiến thuật. Hiện nay, đang sản xuất 2 biến thể của hệ thống chỉ huy tự động hóa này dành cho xe tăng thông thường và xe tăng chỉ huy.
Hệ thống dành cho chỉ huy bao gồm một số màn hình dùng để hiển thị thông tin về vị trí của các lực lượng địch-ta.
Việc đàm phán bán Sozvezdiyye-2М cho Ấn Độ được tiến hành trong năm 2011.
Theo nguồn tin, trong quá trình thử nghiệm, đã phải thay thế một phần thiết bị và phần mềm, cũng như đã bảo đảm được sự tương thích giữa Sozvezdiyye-2М với các khí tài của Т-90 do Ấn Độ sản xuất.
Trong khi đó, các hệ thống số dành cho Т-90 chưa vượt qua được thử nghiệm nhà nước ở Nga.
Trong cuộc tập trận Kavkaz-2012, người ta đã phát hiện ra ở Sozvezdiyye-2М gần 150 khiếm khuyết. Bộ Quốc phòng Nga khăng khăng đòi đóng dự án, nhưng sau đó lại quyết định tiếp tục phát triển hệ thống này và chi thêm tiền cho dự án.
PM (theo Izvestia, Lenta, ĐVO)
---------
Triển lãm vũ khí quốc phòng và hàng hải Indonesia
Ngày 7/11, triển lãm vũ khí "Diễn đàn Quốc phòng, hàng không vũ trụ và hàng hải Indonesia 2012" lần thứ năm đã khai mạc tại Jakarta với sự tham gia của hơn 550 công ty đến từ 42 quốc gia trên thế giới.
Đại diện Việt Nam, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội, Trung tướng Võ Văn Tuấn, tham dự với tư cách khách mời của Bộ Quốc phòng Indonesia.
Phát biểu khai mạc Triển lãm, Phó Tổng thống Indonesia Boediono cho biết việc tổ chức triển lãm vũ khí thường niên nhằm tạo cơ hội cho ngành công nghiệp quốc phòng Indonesia cải thiện năng lực, cả từ góc độ kinh tế lẫn an ninh, và tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài, bởi Indonesia mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu, trị giá tới 1.738 tỷ USD (theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm).
Phó Tổng thống cho biết chi tiêu quân sự của nước này vẫn còn thấp, chỉ chiếm 0,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới.
Ông Boediono nói rằng mặc dù ngân sách quốc phòng của Indonesia đã tăng từ mức gần 2 tỷ USD năm 2007 lên khoảng 8 tỷ USD năm 2012 và dự kiến trên 8,5 tỷ USD năm 2013, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đảm bảo sức mạnh phòng thủ tối thiểu cần thiết của quốc gia.
Mức chi ngân sách cho quốc phòng 0,7% GDP của Indonesia là rất thấp so với 4,7% GDP của Mỹ, hay thậm chí tới 10% GDP của Ảrập Xêút.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro cho biết, nước này đứng thứ 15 trong danh sách các quốc gia nhập khẩu các thiết bị quân sự trên toàn cầu, và điều này cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng Indonesia còn nhiều cơ hội cũng như có nhiệm vụ tăng cường phát triển để đáp ứng nhu cầu của đất nước.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 10/11./.
(TTXVN)
---------
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công mục tiêu của PKK ở Iraq
Vụ tấn công đã khiến hai thường dân Iraq thiệt mạng và 3 người khác bị thương tại làng Rania.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin quân đội nước này đã tiến hành một cuộc truy quét qua biên giới trong 2 ngày (6 và 7/11) nhằm vào các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurk (PKK) tại miền Bắc Iraq.
Theo Đài truyền hình NTV, lính đột kích Thổ Nhĩ Kỳ, được máy bay yểm trợ, đã tiến sâu vào lãnh thổ Iraq khoảng 5 km để tấn công các căn cứ của nhóm nổi dậy. Đảng Công nhân người Kurk cho biết, vụ tấn công đã khiến hai thường dân Iraq thiệt mạng và 3 người khác bị thương tại làng Rania.
Ngày 11/10 vừa qua, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua đề xuất của chính phủ cho phép quân đội nước này tiếp tục tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm vào các tay súng đảng Công nhân người Kurk tại Iraq thêm 1 năm nữa./.
Theo TTXVN
-----------
Pháp – Na Uy chào mời Malaysia mua vũ khí
Theo Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Razak, trong cuộc thảo luận với Tổng thống Pháp Francois Hollande, ông này đã nêu lên vấn đề cung cấp tiêm kích Rafale cho chương trình máy bay chiến đấu đa năng và cung cấp trực thăng chiến đấu tiên tiến cho Không quân Hoàng gia Malaysia.
Cuộc thảo luận được tổ chức bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Lào.
Ông Najib cho biết thêm, Pháp cũng muốn bán nhiều hơn máy bay chở khách Airbus cho hàng không dân dụng Malaysia. “Pháp coi Malaysia là một đối tác quan trọng trong hợp tác kinh tế”, ông Najib nói.
Ngoài ra, Thủ tướng Najib có cuộc thảo luận vấn đề thương mại với Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg sau khi tổ chức cuộc đàm phán song phương với Thủ tướng Pakistan Raja Pervez Ashraf.
Ông Najib cho biết, Thủ tướng Stoltenberg “chào mời” Hải quân Hoàng gia Malaysia sử dụng tên lửa chống hạm do Na Uy phát triển sản xuất. Phía Na Uy cũng mong muốn được cung cấp cho Malaysia công nghệ mới trong khai thác dầu khí.
“Công nghệ này được cho là có thể tăng gấp đôi tỷ lệ khai thác dầu khí. Na Uy đã phát triển khai thác dầu dưới biển bằng cách dùng công nghệ robot mà không cần xây dựng dàn khoan dầu”, ông Najib nói thêm.
Thiên Minh (theo News Strait Times, ĐVO)
-----------
Thổ Nhĩ Kỳ : Yêu cầu NATO cung cấp tên lửa Patriot
Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) sẽ chính thức yêu cầu NATO cung cấp tên lửa Patriot để triển khai dọc biên giới với Syria, ngăn ngừa bạo lực tràn qua TNK, một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao TNK cho biết hôm thứ Tư.
Cư dân đi bộ giữa những cao ốc bị phá hủy sau khi máy bay phản lực chiến đấu của lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad bắn ên lửa Houla, gần Homs, vào ngày 6.11. 2012
Nếu được chấp nhận, việc triển khai là một bước xa hơn cho thấy quan hệ đang xấu đi giữa TNK và Syria – từng là đồng minh thân thiết – và thêm vũ khí đổ vào vùng, nơi căng thẳng vốn đã cao. Anh cũng tỏ thái độ cứng rắn đối với Syria hôm thứ Tư khi Ngoại trưởng William Hague nói ông đã ra lệnh cho các nhà ngoại giao Anh nói chuyện trực tiếp với phe nổi dậy ở Syria. Thái độ trước đây của Anh là chỉ nói chuyện với các đại diện của đối lập.
Quang Hùng (theo Reutes, CAO)