TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 05-11-2012


Israel triển khai khẩu đội phòng thủ Vòm Sắt thứ 5

Bộ Quốc phòng Israel ngày 4/11 thông báo Không quân nước này sẽ triển khai khẩu đội chống tên lửa Vòm Sắt thứ 5 trong những tuần tới.
 
Trong một tuyên bố, Cục Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng thuộc bộ trên cho biết đã "hoàn tất thành công các cuộc thử nghiệm đối với khả năng tác chiến nâng cấp của hệ thống Vòm Sắt."
 
Trong vài ngày qua, Tổ chức Phòng thủ Tên lửa của Israel (IMDO) đã tiến hành "một loạt thử nghiệm nhằm mở rộng và tăng cường các khả năng tác chiến trong bối cảnh Israel đang đối mặt với một loạt mối đe dọa chưa từng có."
 
Trong năm triển khai trực chiến đầu tiên, bốn khẩu đội di động Vòm Sắt được bố trí ở các khu vực gần Dải Gaza đã đánh chặn thành công hơn 80% rocket Grad và Kassam được bắn đi từ khu vực duyên hải này nhằm vào các mục tiêu ở Israel.
 
Kể từ khi Israel rút quân khỏi Dải Gada năm 2005, các chiến binh Palestine thuộc một loạt tổ chức, trong đó có phong trào Hồi giáo Hamas cai quản Gaza, đã bắn hơn 10.000 quả rocket và đạn cối vào các đô thị trong một phạm vi tới 40 km, gây nhiều thương vong và thiệt hại cho Israel./.

(Vietnam+)
---------
Ngoại trưởng Nga tới Cairo tìm giải pháp cho Syria

Ngày 4/11, hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang trên đường đến Cairo trong khuôn khổ chuyến công du con thoi nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria đã kéo dài từ 19 tháng qua.
 
Tại Cairo, ông Lavrov sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi và Ngoại trưởng nước này Mohammed Kamel Amr.
 
Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga cũng sẽ có các cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL) Nabil al-Arabi và Đặc phái viên chung Liên hợp quốc-AL về vấn đề Syria, Lakhdar Brahimi.
 
Bên cạnh vấn đề Syria, các cuộc gặp này cũng sẽ tập trung thảo luận về tình hình Libya một năm sau cuộc nổi dậy lật đổ chế độ của cố Tổng thống Muammar Gaddafi.
 
Ông Lavrov dự kiến sẽ rời Cairo vào ngày 5/11 để tới Jordan hội đàm với Quốc vương Abdullah II và Ngoại trưởng nước này Nasser Judeh./.

(TTXVN)
----------
Al Arabiya: Iran đã ngừng làm giàu urani cấp độ 20%

Ngày 4/11, kênh truyền hình Al Arabiya của Arập Xêút dẫn lời một nghị sĩ quốc hội Iran cho biết Tehran đã ngừng làm giàu urani ở cấp độ 20% nhằm thôi thúc các nước Phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.
 
Hãng tin ISNA dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại và An ninh Quốc gia thuộc Quốc hội Iran Mohammad Hossein Asfari khẳng định động thái trên là một cử chỉ "thiện chí," đồng thời hy vọng các nước Phương Tây sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống nước này.
 
Trước đó, hôm 13/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast tuyên bố Tehran sẵn sàng ngừng làm giàu urani ở cấp độ 20% nếu như nước này nhận được nguồn nguyên liệu hạt nhân từ các quốc gia khác./.

(TTXVN)
----------
Iran cáo buộc Anh tạo xung đột mới ở vùng Vịnh

Press TV dẫn lời thiếu tướng Hải quân Iran Ali Fadavi cáo buộc Anh đang tìm cách tạo xung đột mới ở khu vực vùng Vịnh nhằm đạt được những mục đích quân sự của mình.

Phát biểu trong hôm nay 4.11, chỉ huy quân đoàn hải quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), ông Fadavi nói: “Anh đang cố gắng đạt được những mục đích của mình bằng việc vạch ra mưu tính mới ở vùng Vịnh, nhòm ngó đến ba hòn đảo của Iran dưới danh nghĩa bảo đảm an ninh khu vực”.

Lời cáo buộc được đưa ra ngay sau khi tờ nhật báo The Independent (Anh) hôm 3.11 đưa tin nước này sẽ triển khai máy bay chiến đấu Typhoon ở khu vực vùng Vịnh, tại căn cứ không quân Al Dhafra, thuộc phía nam thủ đô Abu Dhabi của các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất. Quân đội Mỹ và Pháp cũng đang hiện diện tại căn cứ này.

Ông Fadavi cũng tuyên bố với sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực, IRGC sẽ không để các quốc gia phương Tây đạt được mục đích.

Hiện IRGC đã thành lập 5 khu vực hải quân tại vùng Vịnh, từ đảo Qeshm đến phía tây đảo Kish và bao gồm các đảo Greater Tunb, Lesser Tunb, Abu Musa. Đồng thời, Iran cũng kêu gọi sự đoàn kết của các quốc gia vùng Vịnh nhằm ngăn chặn phương Tây mở rộng sự hiện diện tại khu vực này.

Trương Y Vân// Thanh Niên
---------
 Binh sĩ Italy sẽ tiếp tục ở lại Afghanistan đến năm 2014

Hiện có khoảng 3.500 binh sỹ Italy đang làm nhiệm vụ tại Afghanistan.

 Lực lượng binh sỹ Italia sẽ tiếp tục đồn trú tại Afghanistan cho đến hết năm 2014 – Đó là khẳng định của Thủ tướng Italia Mario Monti với người đồng cấp Afghanistan Hamid Karzai nhân chuyến thăm chớp nhoáng đến Afghanistan ngày 4/11.

Phát biểu sau cuộc hội đàm giữa hai bên ở thủ đô Kabul, Thủ tướng Monti bày tỏ cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ Afghanistan trong quá trình phục hồi và ổn định đất nước, ngay cả khi các lực lượng an ninh quốc tế do NATO đứng đầu rời khỏi quốc gia này vào năm 2014. Ông Monti nhấn mạnh, sự hòa bình và ổn định của Afghanistan nền tảng cho sự ổn định tại khu vực Nam Á.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Monti tới Afghnistan kể từ khi nhậm chức. Ông sẽ tới thăm lực lượng Italy hiện đang đồn trú tại khu vực phía Tây nước này. Hiện có khoảng 3.500 binh sỹ Italy đang làm nhiệm vụ tại Afghanistan. Italy cũng là một trong những quốc gia có các khoản viện trợ lớn đối với Afghanistan với số tiền lên tới 500 triệu đôla Mỹ./.

Thu Hiền/VOV – Trung tâm tin
Theo Tân hoa xã
----------
Philippines sẽ nêu vấn đề tranh chấp biển tại ASEM

Theo AFP, Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 4/11 cho biết ông sẽ nêu vấn đề tuyên bố chủ quyền quốc gia đối với vùng chồng lấn ở Biển Đông tại Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) diễn ra trong hai ngày tại Lào, khai mạc vào 5/11.

Theo Tổng thống Aquino, ông dự kiến sẽ có các cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU), Ba Lan, Thụy Sĩ, Na Uy và Italy tại hội nghị tới.

Ông chỉ rõ Philippines sẽ tìm kiếm "đề xuất về các phương cách nhằm đạt được một thỏa thuận công bằng và hòa bình về Biển Tây Philippines (Biển Đông)."

Trong số các vấn đề khác được đưa ra bàn thảo, các nhà lãnh đạo sẽ đề cập đến việc tăng cường hợp tác kinh tế và tìm kiếm các cách thức hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng tài chính đang ảnh hưởng tới một số nước châu Âu./.

(Vietnam+)
--------
Úc, Philippines tăng cường hợp tác quốc phòng

 Ngày 4.11, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Úc sẽ đến nước này vào đầu năm 2013 để bàn thảo về vấn đề tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng và cho phép lực lượng quân đội Úc đến Philippines để phối hợp tập trận theo một hiệp ước mới.

Thượng viện Philippines hồi tháng 7.2012 đã trình Quốc hội nước này bản dự thảo hiệp ước, theo đó cho phép lực lượng quân đội Úc đến Philippines để tham gia những buổi huấn luyện hay tập trận chung, theo tin tức từ hãng tin AP ngày 4.11.

Dự thảo hiệp ước này từ lâu được các nhà làm luật Philippines ủng hộ sau những vụ căng thẳng tranh chấp lãnh thổ tại bãi cạn với Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin ngày hôm nay (4.11) cho biết, ông và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith sẽ bàn thảo phương hướng tăng cường các cuộc trập trung chung giữa hai nước vào đầu năm 2013.

Theo AFP, đây được cho là một động thái của Manila nhằm thuyết phục Úc trở thành đồng minh quân sự với Philippines.

Hiện chỉ có Washington có một hiệp ước quốc phòng chính thức với Philippines, cho phép lực lượng quân đội Mỹ đến Philippines để phối hợp tập quân sự, tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng.

Phúc Duy// Thanh Niên
----------
Nhật phát triển máy bay không người lái dò tìm tên lửa

Nhật Bản đang có kế hoạch phát triển một máy bay không người lái có thể giúp phát hiện cuộc tấn công tên lửa của Triều Tiên và đối phó với sự tăng cường quân sự của Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản yêu cầu chi 3 tỉ yen (372 triệu USD) trong vòng 4 năm tới để phát triển máy bay này, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động năm 2020 - tờ Yomiuri Shimbun cho biết.

Việc phát triển máy bay không người lái có trang bị bộ cảm biến hồng ngoại để dò tìm các loại tên lửa tầm thấp, diễn ra sau khi Nhật Bản thất bại trong việc phát hiện vụ phóng tên lửa bất thành của Triều Tiên hồi tháng 4. Mặc dù Bình Nhưỡng khẳng định đưa vệ tinh vào quỹ đạo, song các nhà lãnh đạo thế giới đều cho rằng đó là một vụ thử tên lửa đạn đạo trá hình.

Trong lần thử này của Triều Tiên, Nhật Bản phải dựa vào thông tin của Mỹ và các phương tiện truyền thông bởi hệ thống phát hiện tên lửa của Nhật Bản không hoạt động. Sau đó, giới chức Nhật Bản nói rằng hệ thống cảnh báo không thể phát hiện được tên lửa bởi nó bay ở độ cao thấp.

Ngoài ra Nhật Bản cũng vướng vào tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hôm nay (4.11), tiếp tục lại có 4 tàu Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển này.

Tàu hải giám Trung Quốc đi vào khu vực 12 hải lý cách Uotsurijima, hòn đảo chính thuộc Senkaku/Điếu Ngư vào khoảng trưa nay. Trong hai tháng qua, tàu Trung Quốc thường xuyên xuất hiện tại khu vực, nhất là sau khi Tokyo quốc hữu hóa 3/5 hòn đảo.

Tranh chấp lãnh thổ khiến quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Nhật Bản và Trung Quốc sẵn sàng cho vòng đàm phán thứ 3 về vấn đề này, song có thông tin cho biết Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda có khả năng sẽ không đàm phán song phương với Thủ tướng Ôn Gia Bảo bên lề Hội nghị cấp cao Á-Âu tại Lào trong tuần tới.

Theo CNA , LĐ
----------
 Lào tăng cường an ninh trước thềm hội nghị ASEM

Nước này đã huy động cảnh sát để giữ gìn an nình và tuyên bố 2 ngày nghỉ ở Vientiane nhằm hạn chế lượng giao thông.

Hôm 4/11, an ninh được thắt chặt ở bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở thủ đô Vientiane (Lào) trước thềm Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 9.

 Nguyên thủ các nước châu Âu, châu Á cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Uỷ ban châu Âu và Tổng thư ký Hiệp hội ASEAN tham dự Hội nghị.

Nhà chức trách Lào đã huy động cảnh sát, lực lượng an ninh làm nhiệm vụ, đồng thời tuyên bố Thủ đô Vientiane có 2 ngày nghỉ vào mùng 5-6/11 nhằm hạn chế việc tắc nghẽn giao thông trên đường phố.

Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) được thiết lập vào năm 1996 với 52 thành viên với mục đích tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội giữa hai châu lục./.

Trần Nga/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters
----------
Trung Quốc khiến cho Nhật "căng thẳng thần kinh"

Tờ New York Times của Mỹ dẫn lời giới phân tích nói rằng Trung Quốc đang áp dụng chiến lược mới trong cuộc tranh chấp ở Biển Hoa Đông với Nhật Bản.

Trong những ngày qua, lực lượng tuần duyên Nhật Bản thông báo các tàu của Trung Quốc đã nhiều lần xâm nhập vào vùng biển 22 km xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi đó, nhiều tàu khác của Trung Quốc gần như hiện diện thường trực ở gần khu vực này.

Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh áp dụng một chiến lược mới, dài hạn, mang tính thách thức Nhật Bản.

Các nhà phân tích cho rằng dường như Trung Quốc đã tìm cách làm cho Nhật Bản căng thẳng thần kinh, mệt mỏi trong các nỗ lực giải quyết tranh chấp. Qua việc đưa nhiều tàu đến hoạt động trong khu vực, Bắc Kinh hy vọng là có thể xóa tan đi một thực tế là Tokyo đang quản lý thực sự các hòn đảo hoang ở Senkaku.

NY Times dẫn lời chuyên gia Kunihiko Miyake thuộc Viện Canon nghiên cứu toàn cầu ở Tokyo cho biết: "Đây là bước khởi đầu của một cuộc chiến tranh hao mòn, cuộc đọ sức có thể kéo dài, Trung Quốc sẽ tránh khiêu khích Nhật Bản nhưng tìm cách làm cho Nhật Bản nản lòng trong việc cố gắng tiếp tục duy trì kiểm soát các hòn đảo."

Cũng theo giới phân tích, ít có khả năng Trung Quốc dùng vũ lực bất ngờ đánh chiếm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Ngược lại, theo ông Kevin Maher, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện là cố vấn chính cho công ty tư vấn NMV có trụ sở tại New York, mục đích của Trung Quốc là tìm cách bác bỏ sự khẳng định chủ quyền của Nhật Bản dựa theo luật pháp quốc tế, đồng thời tạo dựng cơ sở pháp lý cho các tuyên bố đòi hỏi của Bắc Kinh./.

(Vietnam+)
-----------
Mỹ hậu thuẫn thành lập "chính phủ lưu vong Syria"

Theo AFP, ngày 4/11, Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) đối lập đã khai mạc hội nghị kéo dài bốn ngày tại thủ đô Doha của Qatar.

Tại hội nghị này, Mỹ sẽ hối thúc hoạt động kiện toàn của SNC với mục đích lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Chương trình nghị sự của hội nghị sẽ tập trung vào các kế hoạch nhằm tái định hình SNC trở thành một chính phủ lưu vong mang tính đại diện, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng hội đồng đối lập nói trên chưa mang tính chất này.

Hiện Washington đang hối thúc việc định hình cho hội đồng đối lập này, trong đó nhà bất đồng chính kiến Riad Seif được cho là nhiều khả năng sẽ là người đứng đầu chính phủ lưu vong mới có tên là Sáng kiến Dân tộc Syria.

Trước đó hôm 1/11, ông Seif cùng khoảng 20 nhân vật đối lập hàng đầu khác đã tề tựu tại thủ đô Amman của Jordan và đưa ra các đề xuất về một thể chế mới nhằm đại diện cho các nhóm chống đối Tổng thống Assad./.

(Vietnam+)
---------
Iran phát triển thành công UAV lên thẳng

Các nhà khoa học Iran đã phát triển thành công một loại máy bay không người lái có khả năng cất và hạ cánh theo chiều thẳng đứng và dự định sẽ giới thiệu mẫu máy bay này vào đầu năm sau.

Abbas Jam, chuyên gia phụ trách dự án máy bay không người lái (UAV) của Iran, cho biết loại máy bay mới sở hữu công nghệ siêu tiên tiến lần đầu tiên được sản xuất trên thế giới. Bởi vì UAV mới có thể cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng, nên nó không cần đường băng.

Ông Abbas Jam cho biết chiếc UAV lên thăng đã được thử nghiệm vào ngày hôm qua (3/11) và dự định sẽ được chính thức ra mắt vào dịp kỷ niệm 34 năm chiến thắng của Cách mạng Iran, bắt đầu từ ngày 31/1/2013.

Theo đài Press TV, các nhà khoa học của Iran gần đây thiết kế và phát triển một loại UAV mang tên Liko, có thể tránh được sự theo dõi của radar và có khả năng chở theo 100 kg hàng hóa trong quãng đường dài khoảng 100km. Liko cũng có thể bay liên tục trong 3 giờ và chỉ cần đường băng ngắn khi hạ cánh.

Trước đó vào tháng 9/2012, Iran đã trình làng một loại UAV mang tên Shahed 129, có thể thực hiện nhiệm vụ do thám lẫn tác chiến với khả bay liên tục 24 giờ mà không cần tiếp nhiên liệu.

Máy bay không người lái đầu tiên do Iran sản xuất, được giới thiệu vào tháng 8/2010, có khả năng mang theo rocket để thực hiện các sứ mệnh ném bom các mục tiêu mặt đất. Nó cũng có thể thực hiện nhiệm vụ do thám.
(Khám Phá)
----------
Cuộc khủng hoảng Iraq và vấn đề người Sunni

 Tháng 12-2011, quân đội Mỹ đã rút khỏi Iraq, để lại đằng sau họ một đất nước chia rẽ sâu sắc, nơi thường xuyên xảy ra bạo lực và một cuộc khủng hoảng xã hội, chính trị sâu sắc.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng nhất đến tình hình hiện nay của Iraq là việc người Hồi giáo dòng Sunni bị gạt ra bên lề trong suốt cuộc chiếm đóng của Mỹ. Vấn đề người Sunni đã phá hoại triển vọng của một sự hòa hợp dân tộc lâu dài và nhất là nó lại làm nổi lên mối đe dọa về một sự phân chia đất nước Iraq.

Nồi da nấu thịt

Theo tạp chí “Politique etrangere,” khi rời khỏi đất nước Iraq vào tháng 12-2011, Mỹ đã không để lại đằng sau họ một “thành quả nổi bật” nào và càng không để lại một “nhà nước có chủ quyền ổn định, với một chính phủ được bầu lên đại diện cho người dân Iraq,” như Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố trong bài diễn văn đọc tại căn cứ quân sự ở Fort Bragg, Bắc Caroline ngày 14-12-2011. Đất nước Iraq vẫn chia rẽ sâu sắc và nhất là vẫn ở trong tình trạng bạo lực triền miên mà cả các lực lượng nước ngoài lẫn quân đội mới của Iraq đều không ngăn chặn được. Vì vậy, trong khi những đội quân cuối cùng của Mỹ hoàn tất việc rút quân thì đất nước Iraq lại chìm trong một cuộc khủng hoảng chính trị mới: Thủ tướng theo dòng Shiite Nouri Al – Maliki đã thông báo lệnh bắt giữ Phó Tổng thống Tariq al – Hashimi và cũng yêu cầu Phó Thủ tướng Saleh al – Mutlaq từ chức, hai gương mặt theo dòng Sunni thuộc khối đối lập Iraqiya, hiện nay là lực lượng chính trị lớn thứ hai của Iraq.

Những diễn biến này đã gây ra sự tức giận của nhiều người Sunni. Hàng nghìn người Sunni đã biểu tình phản đối ông Maliki ở Iraq, khiến nhiều nhà quan sát lo ngại là Iraq sẽ bị rơi vào một cuộc chiến tranh tín ngưỡng mới, giống đã từng diễn ra tại đất nước này vào mùa Xuân năm 2006 sau vụ khủng bố vào thánh đường của người Hồi giáo dòng Shiite ở Samara. Sau một giai đoạn chiếm đóng mang đặc trưng là người Sunni gần như hoàn toàn bị gạt ra ngoài lề của diễn đàn chính trị, một số người đã công khai nêu lên nguy cơ xảy ra một cuộc “trả thù” của người Sunni chống di sản do người Mỹ để lại này. Bằng chứng về điều đó là các cuộc khủng bố đẫm máu tiếp tục diễn ra nhằm mục tiêu vào những người Shiite.

Tất nhiên, cuộc khủng hoảng mới của Iraq khó có thể dẫn đến một cuộc đối đầu mang bản chất tôn giáo giữa người Shiite và người Sunni mà các guồng máy của nó vốn rất phức tạp và đa dạng. Nhưng điều chắc chắn là việc người Sunni bị gạt ra bên lề từ khi chế độ Saddam Hussein bị sụp đổ vào tháng 4-2003 là một trong những nhân tố có ảnh hưởng nhất đến tình thế bế tắc chính trị hiện nay ở Iraq.

Sự tái hòa nhập luôn bị trì hoãn

Vào đầu năm 2005, sau các cuộc bầu cử đầu tiên của thời kỳ hậu Saddam Hussein mà người dân ở tỉnh Al – Anbar và các lực lượng chính trị đã tẩy chay hàng loạt sau sự vây hãm về quân sự của Mỹ tại thành phố Fallouja, những người Sunni là những người bị mất mát nhiều trước thắng lợi mang tính lịch sử của các đảng Shiite chính (Dawa và Hội đồng tối cao cách mạng Hồi giáo Iraq) ở Baghdad. Tuy nhiên, một số phong trào Sunni, gây ra những hậu quả thảm họa tiềm tàng về lâu dài khi rút lui, đã kêu gọi huy động các cử tri của họ. Việc người Sunni bị gạt ra bên lề khi đó đã đe dọa biến thành hiện tượng mang tính cơ cấu, nhất là tại đất nước Iraq mới này. Vì vậy, đây là lần đầu tiên, người Sunni đã tìm cách hàn gắn lại và hợp nhất ban lãnh đạo của họ, nhất là bằng cách tham gia công việc soạn thảo Hiến pháp mới trong suốt mùa hè năm 2005.

Tuy nhiên, những điểm tranh chấp giữa các thành phần sắc tộc và tôn giáo của Iraq khi đó quá nhiều, liên quan đến cả vấn đề liên bang cũng như sự phân chia mới các nguồn của cải, nhất là dầu lửa, hoặc bản sắc của đất nước, mà người Sunni vẫn coi là Arab. Những nỗ lực được tiến hành để cứu vãn tiến trình hiến pháp khỏi bị thất bại đã sụp đổ mà không thể cứu vãn được, vì các nhà thương lượng người Sunni tố cáo liên minh Shiite và người Kurk cầm quyền đã phớt lờ tất cả những yêu cầu của họ để công nhận một văn bản không hợp pháp và gây nguy hại đến sự thống nhất của đất nước Iraq bằng cách truất quyền sở hữu mọi đặc quyền chính trị và tiếp cận các nguồn kinh tế của đất nước của họ.

Vào dịp diễn ra cuộc bầu cử thứ hai vào tháng 12-2005, các lực lượng Sunni lần đầu tiên đã tập hợp nhau lại thành liên minh vì họ ý thức được rằng một sự phân tán ngày càng tăng tiếng nói của họ sẽ chỉ làm gia tăng tình trạng bế tắc mà họ chính là nạn nhân. Lực lượng có ảnh hưởng nhất trong số đó là Mặt trận hòa hợp Iraq, liên minh Hồi giáo – dân tộc do đảng Hồi giáo Iraq lãnh đạo, với tiền thân là phong trào lịch sử của Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Iraq. Mặt trận này muốn chấm dứt sự chiếm đóng, thực hiện việc thành lập một chính phủ dân tộc và bãi bỏ hệ thống hạn ngạch sắc tộc và tín ngưỡng được hình thành ở Baghdad vào năm 2003. Liên minh lớn khác, ra đời từ sự từ chối gia nhập Mặt trận hòa hợp sau khi đảng Hồi giáo quyết định ủng hộ Hiến pháp, là Mặt trận Iraq vì sự đối thoại dân tộc, do Saleh al – Mutlaq, cựu thành viên đảng Baath, lãnh đạo.

Mặc dù vậy, lòng nhiệt tình chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Những lợi ích bầu cử của các đảng Sunni vẫn rất ít ỏi vì họ chỉ giành được vài chục ghế ở Quốc hội mới. Đồng thời, những kết quả này không không khiến người ta quá ngạc nhiên khi thấy rằng những vụ bạo lực diễn ra hàng ngày và việc không mất an ninh đã khiến nhiều cử tri người Sunni không muốn đi bầu cử. Ngoài ra, trong số 275 ghế trong Quốc hội, hơn hai phần ba ghế đã được phân chia giữa 18 tỉnh của Iraq dựa trên cơ sở số cử tri ghi tên trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 1-2005 mà đa số người Sunni đã tẩy chay.

Bạo lực và bế tắc chính trị

Những niềm hy vọng của người Sunni về một sự trở lại diễn đàn chính trị đã bị tắt ngấm hẳn vào mùa xuân năm 2006 khi xảy ra một vụ khủng bố tại lăng mộ của người Shiite ở Samara mà mạng lưới khủng bố Al-Qaeda nhận trách nhiệm. Cuộc xung đột Iraq ngay từ đó đã rơi vào những nỗi dằn vặt của một “cuộc chiến tranh các đền thờ Hồi giáo” thực sự. Xuất hiện ở Iraq vào năm 2003 và do nhân vật thánh chiến nổi tiếng người Jordan là Abu Musab al-Zarqawi tiến hành, tổ chức Al Qaeda luôn nuôi dưỡng mục tiêu, cùng với cuộc chiến gay gắt chống Mỹ, loại bỏ người Shiite của Iraq. Nhằm mục tiêu này, các thành viên của tổ chức trên đã kích động mối hận thù và tâm trạng bất mãn của nhiều người Sunni để lôi kéo họ vào sự nghiệp của mình. Kể từ năm 2005, mạng lưới Al Qaeda đã từng bước “Iraq hóa” hàng ngũ của mình, chỉ tuyển mộ những tay súng Hồi giáo địa phương, để chống lại những người thường tố cáo họ là phụ thuộc nước ngoài. Khi đó mạng lưới này đã nỗ lực bám rễ trong thanh niên người Sunni và thay thế một cách nhanh chóng các thành phần nước ngoài bằng một đội quân tiên phong Iraq mới.

Năm 2007 đã được đánh dấu bằng những sự bế tắc không ngừng về chính trị do việc người Sunni phản đối các đạo luật và các cuộc cải cách của Chính quyền Al – Maliki và các đối tác gây ra. Các thành viên của Mặt trận hòa hợp Iraq đã nhiều lần tẩy chay chính phủ, nhất là sau việc sa thải Vụ trưởng Vụ Tôn giáo người Sunni Ahmad Abdel Ghafour al–Samarrai, người đã tố cáo Thủ tướng khuyến khích các tay súng Shiite tấn công người Sunni. Các đảng Sunni đã tố cáo thái độ ngạo mạn của Al – Maliki và sự phớt lờ các yêu cầu của họ - xác định một lịch trình rút quân Mỹ, thả các tù nhân người Sunni không phạm tội, phân chia công bằng các nguồn tài nguyên của đất nước.

Dù có những chia rẽ về mặt tư tưởng, người Sunni vẫn hợp nhất với nhau vì họ cùng có một mối oán hận đối với di sản chính trị của kẻ chiếm đóng và vì họ cùng bị gạt ra bên lề. Những binh lính Mỹ cuối cùng đã ra đi, thời điểm thanh toán lẫn nhau có thể đã đến...

Minh Tâm
PL&XH
---------
Chính quyền Syria đối diện nhiều sức ép mới

 Israel tố Syria xâm nhập khu phi quân sự giữa 2 nước trong khi có nguồn tin Mỹ sẽ đề nghị thành lập nhóm đối lập mới ở Syria.

Quân đội Israel cho biết, xe tăng của Syria hôm 3/11 đã tiến vào khu vực phi quân sự giữa hai nước trên cao nguyên Golan và đã gửi đơn khiếu nại lên Liên Hợp Quốc. Theo các nhà phân tích, vụ việc này tiếp tục tạo thêm một sức ép nữa đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, khi vừa phải giải quyết cuộc khủng hoảng trong nước, lại vừa phải đối mặt với sự căng thẳng của các nước láng giềng.

Quân đội Israel hôm 3/11 đã được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi các xe tăng Syria tiến vào một ngôi làng chỉ cách tiền đồn của lực lượng lực lượng phòng vệ Israel vài ki-lô-mét. Lực lượng phòng vệ Israel cũng đã gửi đơn khiếu nại tới Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trong khu vực. Israel chiếm cao nguyên Golan của Syria trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận. Sáu năm sau, hai bên quyết định thiết lập vùng phi quân sự nhưng không ký thỏa thuận hòa bình. Vì vậy, về mặt kỹ thuật, hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Những động thái này diễn ra trong bối cảnh các lực lượng nổi dậy Syria đang đẩy mạnh chiến dịch tấn công nhằm vào các cứ điểm trọng yếu của quân chính phủ, trong đó có cả các căn cứ phòng không - không quân ở phía Bắc nhằm mục đích từng bước cô lập thành phố chiến lược Allepo. Bên cạnh việc đẩy mạnh các vụ tấn công, phe đối lập Syria còn có kế hoạch nhóm họp tại thủ đô Doha của Qatar trong ngày hôm nay để bàn về giải pháp chính trị cho Syria trong thời gian tới.

Có thể thấy, cuộc khủng hoảng kéo dài 19 tháng qua tại Syria vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, trong khi cộng đồng quốc tế vẫn còn chia rẽ, chưa thể thu hẹp bất đồng trong vấn đề này.

Một số nguồn tin hôm qua cho biết, tại cuộc họp của phe đối lập, Mỹ sẽ yêu cầu thành lập lực lượng đối lập mới ở Syria có đủ khả năng tập hợp các tiếng nói khác nhau và đại diện cho cuộc nổi dậy hiện nay ở Syria.

Trong bối cảnh này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thống nhất lập trường nhằm tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria: “Cộng đồng quốc tế cần hợp tác đầy đủ và hỗ trợ những nỗ lực trung gian hòa giải của đặc phái viên quốc tế Brahimi trên tinh thần trách nhiệm, coi đây là nhiệm vụ khẩn cấp và nỗ lực đạt được những bước tiến thật sự trong thực thi quyết định tại Genevamới đây, cũng như kế hoạch 6 điểm của cựu đặc phái viên quốc tế Annan và các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.”

Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng tại Syria đang có những diễn biến ngày càng phức tạp, với quá nhiều phe phái, xung đột quyền lợi với nhau, chưa kể là mạng lưới khủng bộ al-Qaeda cũng đang lợi dụng tình hình nhằm gây bất ổn. Vì thế, sự thống nhất của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng không những giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria mà còn giúp xây dựng một đất nước Syria ổn định sau này./.

Thu Hoài/VOV-Trung tâm tin

--------
Hàng loạt sĩ quan tàu chiến Mỹ bị cách chức vì say rượu

Chỉ huy tàu khu trục USS Vandergrift (FFG-48) của Mỹ và 3 sĩ quan khác hôm qua bị cách chức vì say rượu và có những hành vi vô kỷ luật trong chuyến thăm Nga gần đây.

Bà Tamsen Reese, người phát ngôn Hải quân Mỹ thông báo, trung tá Joseph R. Darlak bị cách chức chỉ huy trưởng tàu Vandergrift ở căn cứ Guam sau khi một cuộc điều tra xác định rằng, nhiều sĩ quan đã uống rượu say và có hành vi vô kỷ luật khi tàu chiến này thăm cảng Vladivostok của Nga hồi tháng 9. Đại úy John L. Schultz được bổ nhiệm thay thế vị trí của ông Darlak.

Darlak, tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ năm 1990, được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng tàu Vandegrift hồi tháng 7 ở Singapore. Ông là chỉ huy thứ 17 của tàu chiến này.

Hải quân Mỹ cũng đã cách chức 3 sĩ quan khác gồm sĩ quan chấp hành, sĩ quan tác chiến và máy trưởng của tàu "vì hành vi cá nhân và uống rượu". "Các sĩ quan này đã có những biểu hiện sai trái như uống rượu say, vô kỷ luật và không tuân thủ những quy tắc lập ra", người phát ngôn Hải quân Mỹ cho biết.

Trang tin của Hải quân Mỹ cho biết, đây là lần đầu tiên Hải quân Mỹ cách chức hàng loạt sĩ quan tàu chiến kể từ tháng 3/2011.

Tàu Vandegrift rời San Diego hồi tháng 5 trong chuyến hành trình kéo dài 7 tháng tới Tây Thái Bình Dương và cập cảng Vladivostok vào ngày 21/9 trong một chuyến thăm. Tại đây, các sĩ quan tàu chiến này đã vi phạm kỷ luật.

THANH HƯƠNG

Theo Infonet
-----------
Xe tăng Syria rầm rập tiến vào biên giói Israel

 Ba xe tăng của Syria đã tiến vào vùng phi quân sự ở Cao nguyên Golan nằm trên khu vực biên giới giữa Syria và Israel, khiến Lực lượng Phòng vệ Israel phải nâng cao mức cảnh báo ở khu vực này.

Thông tin trên vừa được một người phát ngôn của văn phòng Lực lượng Phòng vệ Israel đưa ra hôm qua (3/11) đưa ra.

Đoàn xe tăng này của Syria đã tiến vào một ngôi làng nằm cách trạm chốt của Lực lượng Phòng vệ Israel khoảng vài km. Israel đã đệ đơn khiếu nại lên lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở vùng Cao nguyên Golan sau khi Syria triển khai xe tăng đến khu vực.

Người phát ngôn trên không cho biết đoàn xe tăng này được triển khai đến Cao nguyên Golan để tiến hành nhiệm vụ gì, tuy nhiên, theo giới truyền thông Israel, các xe tăng này đến tham gia vào cuộc giao tranh tại ngôi làng Beer Ajam (Syria) nhằm vào quân nổi dậy đang cố gắng lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Truyền thông Israel còn cho biết, ngoài đoàn xe tăng trên còn có 2 xe chở quân bọc thép khác của Syria đã tiến vào khu vực.

Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan từ tay Syria trong cuộc chiến năm 1967 và đã thôn tính khu vực này. Vùng Phi quân sự trên được thiết lập sau cuộc chiến năm 1973.

Đan Khanh - (theo Xinhua, VNmedia)
---------
Tổng thống Mexico lập Trung tâm Tình báo quốc gia

Ngày 3/11, Tổng thống đắc cử Mexico Enrique Peña Nieto đã cam kết ngay sau khi nhậm chức vào ngày 1/12 tới, ông sẽ trực tiếp chỉ đạo việc thành lập Trung tâm Tình báo quốc gia.

Theo ông Peña Nieto, cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ tất cả các cơ quan an ninh hiện có để đảm bảo an ninh tuyệt đối cho nước này, đặc biệt trước làn sóng bạo lực gia tăng do các băng nhóm tội phạm hoạt động mạnh tại ít nhất 8 trong tổng số 32 bang của Mexico.

Ông Peña Nieto còn tuyên bố sẽ tiến hành cơ cấu lại các đơn vị tình báo kinh tế-tài chính và cảnh sát điều tra cấp liên bang trong một nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả cuộc chiến chống rửa tiền, khi loại hình tội phạm này đang có xu hướng gia tăng, đe dọa quá trình phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc gia, song song với việc hợp nhất một số cơ quan chuyên ngành phục vụ công tác điều tra và thống kê.

Ngoài ra, Mexico cũng thắt chặt công tác an ninh cửa khẩu nhằm ngăn chặn các luồng vũ khí được đưa lậu từ lãnh thổ Mỹ vào Mexico, đồng thời cải thiện mối quan hệ hợp tác với cảnh sát mạng của Mỹ và các nước khác trong khu vực Mỹ Latinh.

Việc Tổng thống đắc cử Peña Nieto công khai cam kết trên là một động thái khôn khéo nhằm trấn an dư luận trong và ngoài nước, sau khi Viện Thống kê và Địa lý quốc gia Mexico (INEGI) công bố số liệu thống kê dưới thời cựu Tổng thống Felipe Calderon, cho thấy hơn 90.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống bạo lực và ma túy trên toàn lãnh thổ nước này kể từ năm 2006 tới nay./.

(TTXVN)
-------
Hơn 10 vạn người Syria tỵ nạn tại Lebanon

Con số trên được dự đoán có thể còn tăng tới 12 vạn người.

Trong thống kê mới nhất công bố hôm 3/11, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn cho biết, người Syria chạy sang nước láng giềng Lebanon đã lên tới con số hơn 106.000.

Theo thống kê này, hiện có gần 77.000 người Syria đăng ký tỵ nạn tại Lebanon với Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn và khoảng 30.000 người đang chờ để đăng ký.

Phần lớn người Syria đăng ký tại miền Bắc Lebanon, tại các trung tâm tỵ nạn ở Bekaa và ở thủ đô Beirut.

Trong bối cảnh chiến sự tiếp diễn ác liệt tại Syria, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn dự báo đến cuối năm nay số người tỵ nạn Syria tại Lebanon sẽ lên đến 12 vạn người./.

Hoàng Lê/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te