Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đang áp dụng một chiến lược mới, dài hơi, nhằm thách thức Nhật trên hồ sơ Senkaku/Điếu Ngư, khi thời gian qua liên tục cho tàu xâm nhập vào vùng biển 22km quanh quần đảo này.
Kể từ khi xảy ra những căng thẳng ở biển Hoa Đông, đặc biệt từ đầu tháng 9, chưa bao giờ tàu bè của Trung Quốc và thậm chí của cả Đài Loan, lại có mặt ở đây nhiều đến vậy. Các nhà phân tích cho rằng dường như Trung Quốc đã tìm cách làm cho Nhật Bản căng thẳng thần kinh, mệt mỏi trong các nỗ lực giải quyết tranh chấp. Qua việc đưa nhiều tàu đến hoạt động trong khu vực, Bắc Kinh hy vọng là có thể xóa tan đi một thực tế là Tokyo đang quản lý thực sự các hòn đảo hoang ở Senkaku/Điếu Ngư.
Báo The New York Times dẫn lời chuyên gia Kunihiko Miyake, thuộc Viện Canon nghiên cứu toàn cầu ở Tokyo, cho biết, “đây là bước khởi đầu của một cuộc chiến tranh hao mòn”, một cuộc đọ sức có thể kéo dài. Và “Trung Quốc sẽ tránh khiêu khích Nhật Bản, nhưng tìm cách làm cho Nhật Bản nản lòng trong việc cố gắng tiếp tục duy trì kiểm soát các hòn đảo.”
Trong khi đó, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi từ chối trả lời câu hỏi, Bắc Kinh sẽ còn điều tàu tới Senkaku/Điếu Ngư trong bao lâu nữa và tuyên bố rằng hoạt động của các tàu hải giám, ngư chính trong khu vực là “hoàn toàn có cơ sở” để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc.
Đồng thời, Bắc Kinh cũng gia tăng áp lực bằng cách bố trí người đi vận động công luận quốc tế. Tuần vừa rồi, tại Hồng Kông, cựu đại sứ Trung Quốc ở Nhật Bản, ông Trần Kiện (Chen Jian), đã tố cáo Mỹ khuyến khích đồng minh Nhật Bản phục hồi chủ nghĩa quân phiệt.
Giới phân tích cho rằng ít có khả năng Trung Quốc dùng vũ lực bất ngờ đánh chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngược lại, theo ông Kevin Maher, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện là cố vấn chính cho công ty tư vấn NMV, có trụ sở tại New York, thì mục đích của Trung Quốc là tìm cách bác bỏ sự khẳng định chủ quyền của Nhật Bản dựa theo luật pháp quốc tế, đồng thời tạo dựng cơ sở pháp lý cho các tuyên bố đòi hỏi của Bắc Kinh.
Các chuyên gia cảnh báo là cho đến nay, Bắc Kinh và Tokyo không đưa tàu chiến đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng tàu hải giám và ngư chính của Trung Quốc cũng như tàu tuần duyên của Nhật Bản đều có vũ trang. Do vậy, chỉ cần có một hiểu lầm, diễn giải sai là có thể dẫn đến xung đột vũ trang giữa hai bên.
Cho đến nay, Hoa Kỳ, một mặt, tuyên bố đứng trung lập trong cuộc tranh chấp chủ quyền, mặt khác, lại khẳng định là bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc nhắm vào các hòn đảo của Nhật Bản đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của hiệp định hợp tác an ninh quốc phòng Washington-Tokyo. Để tháo gỡ bế tắc, theo giới phân tích, Hoa Kỳ cần phải tỏ ra năng động hơn, không thể giữ thái độ trung lập và cần phải yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các chiến thuật gây sức ép như trên.
Theo AFP, Dân trí