TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 04-11-2012


Iran tự chế tạo máy bay trực thăng không người lái

Kênh truyền hình Press TV của Iran ngày 3/11 cho biết các chuyên gia Iran đã chế tạo được loại máy bay trực thăng không người lái, sử dụng công nghệ siêu hiện đại và được chế tạo lần đầu tiên trên thế giới.

Chiếc máy bay này dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 1/2013.

Chuyên gia chế tạo Abbas Jam cho biết chiếc máy bay này được thử nghiệm trong ngày 3/11 và sẽ ra mắt trong dịp kỷ niệm lễ hội Bình Minh kéo dài trong 10 ngày, bắt đầu từ ngày 31/1/2013 nhân kỷ niệm chiến thắng Cách mạng Hồi giáo Iran. Máy bay nói trên không cần đường băng và trong mọi trường hợp có thể cất cánh và hạ cánh như máy bay trực thăng.

Theo Press TV, gần đây các nhà nghiên cứu Iran đã thiết kế và chế tạo một máy bay tàng hình lên thẳng mới, với tên gọi Liko, có thể chuyên chở 100 kg hàng hóa trên hành trình 100 km. Với trọng lượng chỉ có 53 kg, loại máy bay này có thể đạt được độ cao là 4.800 km, bay liên tục trong vòng 3 giờ và sử dụng đường băng hạ cánh ngắn nhất.

Tháng 9 vừa qua, Iran cũng đã cho ra mắt loại máy bay không người lái hoàn toàn do nước này chế tạo với tên gọi Shahed 129.

Máy bay này có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu và do thám liên tục trong vòng 24 giờ. Trước đó, vào tháng 8/2010, nước cộng hòa Hồi giáo này đã công bố chiếc máy bay không người lái tầm xa đầu tiên của Iran mang tên Karra, có thể mang đầu đạn tên lửa thực hiện nhiệm vụ ném bom các mục tiêu dưới mặt đất, bay tầm xa với tốc độ cao và thu thập thông tin./.

(TTXVN)
--------
Anh nâng cảnh báo khủng bố với công dân ở Ai Cập

Bộ Ngoại giao Anh (FCO) vừa nâng mức cảnh báo khủng bố từ "bình thường" lên mức "cao" đối với các công dân của nước này ở Ai Cập, cho rằng hiện đang có "nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công cao."

Động thái này được đưa ra ngay sau khi có những báo cáo tin cậy về một âm mưu do nhóm khủng bố Al-Qaeda khởi xướng nhằm tấn công vào các khách du lịch đến từ các nước phương Tây.

Các du khách người Anh đã được cảnh báo không nên đi lang thang bên ngoài các khu nghỉ dưỡng vốn vẫn đang được bảo vệ cẩn thận như ở Sharm el Sheikh.

Một phát ngôn viên của FCO cho biết hiện đang có nguy cơ khủng bố cao trên khắp nước Ai Cập, trong đó có cả bán đảo Sinai.

Số lượng khách du lịch nước ngoài đến Ai Cập, trong đó có các du khách phương Tây, đã tăng mạnh trở lại sau khi nước này tiến hành cuộc cách mạng vào năm 2011, lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak - người đã cầm quyền trong suốt 30 năm qua.

Các nhà chức trách Ai Cập cho biết cảnh sát nước này vừa chặn đứng một âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào các du khách ở Bắc Sinai, tiếp giáp với Dải Gaza.

Nguy cơ tấn công khủng bố lên cao trong những gần đây khi có hơn 1.000 người theo đạo Hồi tập trung ở thủ đô Cairo và kêu gọi việc thực hiện luật Hồi giáo sharia. Những người biểu tình cho rằng sự chia rẽ trong xã hội là những yếu tố tiêu cực làm ảnh hưởng đến việc hình thành một nước Ai Cập mới.

Hàng loạt các cuộc va chạm cũng đã xảy ra giữa những người theo chủ nghĩa tự do và những người Hồi giáo do tranh cãi về vai trò của đạo Hồi. Hiện những người theo đạo Hồi đang chiếm số đông ở Quốc hội nước này - cơ quan đang tiến hành xây dựng một bộ hiến pháp mới. Hiến pháp mới này sẽ phải được thông qua tại một cuộc trưng cầu dân ý trước khi một cuộc bầu cử quốc hội có thể được tổ chức./.

Huy Hiệp/London (Vietnam+)
---------
Nga phóng thành công 2 vệ tinh viễn thông vào vũ trụ

Cơ quan vũ trụ liên bang Roscosmos của Nga cho biết hai vệ tinh viễn thông của Nga đã được tên lửa đẩy Proton-M phóng thành công lên vũ trụ từ trung tâm vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan sáng 3/11.

Người phát ngôn của Roscosmos cho biết 9 phút sau khi phóng vào lúc 1 giờ 13 giờ Mátxcơva (4 giờ sáng 3/11 giờ Việt Nam), bộ phận đẩy Briz-M đã tách khỏi tên lửa và đưa hai vệ tinh vào đúng quỹ đạo.

Vệ tinh Yamal-300K tách khỏi Briz-M vào lúc 10 giờ 19 giờ địa phương, trong khi vệ tinh Luch 5B tách ra vào lúc 10 giờ 33.

Vệ tinh viễn thông Yamal-300K sẽ kết nối với mạng lưới của Hệ thống vũ trụ Gazprom (GSS) của tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom. Vệ tinh này có tầm hoạt động trên diện tích 95% lãnh thổ Nga.

Còn vệ tinh Luch 5B được thiết kế để chuyển tiếp dữ liệu từ các tàu vũ trụ và theo dõi đường bay của những vật thể bay khác trong vũ trụ.

Cả hai vệ tinh trên đều do công ty vũ trụ Reshetnev chế tạo./.

(TTXVN)
------------
"LB Nga đã trở thành cầu nối của Diễn đàn Á - Âu"

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định Nga đã trở thành cầu nối của Diễn đàn Á-Âu (ASEM), hai trung tâm quan trọng nhất của nền chính trị và kinh tế thế giới.

Đăng bài trên nhiều tờ báo và phương tiện truyền thông Nga ngày 3/11, Thủ tướng Medvedev nêu rõ từ khi gia nhập ASEM vào năm 2010, Nga đã trở thành cầu nối cho diễn đàn, nơi phản ánh nổi bật hai hướng phát triển chủ yếu của thế giới gồm một bên là quá trình toàn cầu hóa và gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau, còn bên kia là sự phát triển của khu vực và vai trò tăng lên của những khu vực phát triển mạnh nhất.

Là quốc gia trải dài trên cả hai lục địa Âu-Á, có nền văn hóa đa dạng và tiềm năng kinh tế hùng mạnh nên Liên bang Nga không thể không trở thành cầu nối cho quá trình phát triển này của thế giới và ASEM.

Trong những năm tới và các thập kỷ tới, nước Nga đang đặt ra một nhiệm vụ lịch sử quan trọng là bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh chóng theo hướng hiện đại hóa trên cơ sở phát triển hài hòa các khu vực trong toàn liên bang, trước hết là Siberia và Viễn Đông.

Việc thực hiện nhiệm vụ này cho phép Nga tham gia tích cực hơn vào quá trình phát triển châu Á-Thái Bình Dương, khu vực đã trở thành trọng tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bảo đảm gần 55% tổng thu nhập toàn cầu và gần 1/2 tổng kim ngạch thương mại của thế giới.

Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh Nga có diện tích chiếm gần 1/3 lục địa Á-Âu, nhưng tiềm lực giao thông - vận tải và vận tải quá cảnh của Nga chưa được sử dụng triệt để.

Mạng lưới giao thông - vận tải của Nga phát triển khá mạnh gồm các tuyến đường sắt và đường bộ xuyên Siberia và Baikal-Amur, BAM hàng năm có thể chuyên chở 100 triệu tấn hàng, các hải cảng ở Thái Bình Dương, Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương với thời gian vận chuyển từ Viễn Đông sang châu Âu chỉ mất hai tuần so với 35 ngày đêm của các tuyến đường vận tải đối trọng, hệ thống sân bay và đường vận tải hàng không ngắn nhất nối liền hai lục địa Âu-Á...

Thủ tướng Medvedev cho rằng ASEM là diễn đàn thích hợp để thảo luận các vấn đề này cùng mọi vấn đề cấp bách nhất của sự phát triển hiện nay tại lục địa Á-Âu cũng như trên thế giới gồm phát triển kinh tế ổn định, sử dụng công nghệ mới và đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu...

Thủ tướng Medvedev khẳng định Nga sẵn sàng phối hợp hành động chặt chẽ trong khuôn khổ ASEM nhằm thúc đẩy sự phát triển đi lên của lục địa Á-Âu./.  

(TTXVN)
------------
Phe đối lập Mauritania kêu gọi chuyển giao chính trị

Ngày 2/11, 10 chính đảng ở Mauritania đã kêu gọi các lực lượng chính trị tại nước này tiến hành quá trình "chuyển giao đồng thuận" trước khi tổ chức bầu cử.

Phát biểu trước hàng nghìn người biểu tình tại thủ đô Nouakchott, các nhà lãnh đạo của 10 đảng thuộc tổ chức Phối hợp phe đối lập (COD) nhấn mạnh sự cần thiết phải bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp để tránh cho các thể chế đất nước khỏi rơi vào tình trạng tê liệt do Tổng thống nước này, ông Mohamed Ould Abdel Aziz, đã vắng mặt trong một thời gian dài.

Bà Khadiata Malik Diallo, Phó chủ tịch đảng đối lập Liên minh các lực lượng tiến bộ (UFP), kêu gọi quân đội dừng can dự vào chính trường sau hơn 40 năm nắm quyền tại Moritani, đồng thời bày tỏ lo ngại khả năng quân đội sẽ được triển khai ở thủ đô.

Ngoài ra, phe đối lập cũng yêu cầu làm sáng tỏ về tình hình sức khỏe của Tổng thống Abdel Aziz và liệu ông có đủ khả năng để lãnh đạo đất nước hay không.

Ông Abdel Aziz bị trúng đạn vào ngày 13/10 và đã được đưa sang Pháp chữa trị vết thương. Các nguồn tin cho biết ông Abdel Aziz đã ra viện ngày 24/10, nhưng ông chưa về nước và cũng chưa xuất hiện kể từ đó đến nay.

Tạp chí "Afrique" cùng ngày dẫn một nguồn tin an ninh Pháp giấu tên cho biết Tổng thống Mauritania Abdel Aziz sẽ ở lại Pháp điều trị thêm nhiều tuần lễ nữa.

Trước đó một ngày, Chủ tịch Quốc hội Mauritania Messaoud Ould Boulkheir, đồng thời là thủ lĩnh đảng đối lập Liên minh vì tiến bộ (APP), đã lên tiếng trấn an dư luận rằng tình hình sức khỏe của Tổng thống Abdel Aziz tiến triển tốt và kêu gọi dân chúng đoàn kết và thống nhất./.

(TTXVN)
----------
Hàn Quốc xuất khẩu tàu chiến cho Israel

Israel đã bày tỏ quan tâm tới việc mua bốn tàu khu trục nhỏ của Hàn Quốc và lên kế hoạch gửi một nhóm các quan chức tới Seoul vào tháng tới để theo đuổi hợp đồng tiềm năng này.

Vị quan chức của Chương trình Mua bán Quốc phòng (DAPA) của Hàn Quốc cho biết "Gần đây Israel bày tỏ quan tâm tới việc mua bốn tàu khu trục nhỏ".

Vị quan chức giấu tên này nói thêm rằng Israel sẽ "gửi nhóm chuyên trác tới hai nhà máy lắp ráp tàu chiến của Hàn Quốc vào giữa tháng tới".

Các tàu khu trục nhỏ dưới 1400 tấn đang thương lượng với Israel có giá khoảng 100 triệu USD mỗi chiếc.

Vị quan chức của DAPA nói thêm rằng Israel sẽ gửi thư nói về thương vụ này vào tháng tới.

Hải quân Hàn Quốc có tiềm lực sản xuất tàu chiến đáng nể trong khu vực và tại Đông Á.

Các tàu khu trục lớp Great (KD-II) của Hàn Quốc có trang bị tên lửa Aegis có thể mang theo nhiều tên lửa hơn là các thiết kế cùng hạng của Mỹ, Nhật và Trung Quốc.

Đặc biệt, tàu đổ bộ Dokdo tải trọng 18.000 tấn trông rất giống một tàu sân bay cỡ nhỏ với nhiều tiện ích.

    Lê Thu (theo Korea Herald/ Yonhap)
VietnamNet
-------
Chuyên gia Nga ngứa mắt với sự xuất hiện của J-31

Giới chuyên gia quân sự Nga đã có những bình luận không vui vẻ gì trước sự xuất hiện của J-31, mẫu thứ hai tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc.

 Điển hình trong các ý kiến này là bài viết của tác giả Ilya Kramnik, đăng trên trang mạng vz.ru.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Trung Quốc đã khiến cả thế giới ngạc nhiên bằng chiếc tiêm kích thế hệ mới. Nhưng điều khiến chiếc tiếm kích này nổi tiếng hơn là nó có quá nhiều điểm giống với những mẫu tiêm kích tương tự của Nga và Mỹ.

Những thông tin cụ thể về loại máy bay này vẫn chưa được tiết lộ, tuy nhiên nhìn vào hình dáng, thì đây là một chiếc tiêm kích 2 động cơ với kích cỡ tương tự MiG-29 và F-16. Máy bay cũng sử dụng công nghệ tàng hình với hệ thống vũ khí được giấu trong khoang. Bề ngoài máy bay khá giống với tiêm kích F-35 của Mỹ, ngoại trừ động cơ (F-35 chỉ dùng một động cơ).

Hiện chưa có khả năng chế tạo ra loại động cơ có sức kéo cần thiết, các kỹ sư Trung Quốc buộc phải sử dụng sơ đồ 2 động cơ. Tiêm kích có thể sử dụng động cơ RD-93 của Nga, hoặc (khả năng này là rất nhỏ) sử dụng một động cơ nội địa tương tự WS-13.

Nhìn chung , cũng giống như J-20, chiếc tiêm kích thế hệ mới của Trung Quốc được tạo nên bởi công nghệ “vay mượn” từ nước ngoài, cũng giống như việc chế tạo J-11, một sản phẩm “ăn cắp” công nghệ Su-27SK trắng trợn.

Với J-31, Trung Quốc đã có hai mẫu tiêm kích thế hệ thứ năm. Trong khi đó, nước Nga mới chỉ có mẫu PAK FA Su-T-50.

Vấn đề “ăn cắp” ý tưởng từ vũ khí Liên Xô/Nga không phải lần đầu diễn ra, và cũng không phải chỉ với Su-27.

Trước kia, từ những năm 1940-1960, Trung Quốc nhận được khá nhiều vũ khí và các dây chuyền sản xuất vũ khí từ Liên Xô. Họ đã nhanh chóng sản xuất được các loại vũ khí xuất xứ Xô Viết và không hề hoãn lại quá trình đó, kể cả khi mối quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc rơi vào tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, làm ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự.

Trung Quốc sản xuất hầu như là tất cả các loại vũ khí, gồm: súng, pháo cối, pháo hạng nặng, xe chiến đấu bọc thép, trong đó có cả xe tăng, hệ thống phòng không và máy bay. Họ thậm chí đã sao chép cả máy bay ném bom tầm xa mang tên lửa Tu-16 của Nga.

Những loại vũ khí này sau đó được Trung Quốc xuất khẩu sang các nước thứ ba, những nước vì lý do chính trị không thể mua vũ khí từ Liên Xô, phương Tây như Albani, Campuchia thời kỳ Pol Pot… Họ chẳng hề thận trọng khi bán vũ khí, giống như Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

Những loại vũ khí này sau đó được dùng để chống lại Liên Xô. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho mối quan hệ Xô-Trung trở nên căng thẳng vào những năm 1960-1980.

Quá trình sao chép hàng Xô Viết lại tiếp tục diễn ra ngay sau khi hai nước bình thường hóa mối quan hệ. Trung Quốc lần lượt giới thiệu các loại sản phẩm tương tự như của Liên Xô là tên lửa hành trình, động cơ máy bay, và tiêm kích Su-27 cùng nhiều loại vũ khí khác.

Đáng tiếc, hiện việc điều chỉnh mối quan hệ Nga - Trung trong lĩnh vực này chưa được thực hiện. Việc “vay mượn” công nghệ của nước ngoài lâu nay đã trở thành hướng đi chính của ngành công nghiệp và quân sự Trung Quốc và trong tương lai, chính sách này khó mà thay đổi được.

Nga và Trung Quốc cũng đã ký những bản hợp đồng cung cấp vũ khí, kèm theo điều khoản không được tự ý sao chép công nghệ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Trung Quốc tỏ ra không thiết tha với những vụ mua bán kiểu đó nữa. Bên cạnh đóm những điều khoản này không cấm Trung Quốc sao chép công nghệ để bán cho nước thứ ba.

Hiện tại, mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc đã không còn là ưu tiên chính yếu của nền công nghiệp quốc phòng Nga và vì thế liệu Nga có thực sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác với Trung Quốc để tiếp tục bị “ăn cắp” sản phẩm?
-----------
Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls – cứu tinh cho Chính phủ Pháp

Một câu hỏi đang được đặt ra tại Pháp: Chính khách nào có tỉ lệ dân chúng ủng hộ cao nhất? Câu trả lời khá bất ngờ: Không phải Tổng thống Francois Hollande, cũng chẳng phải Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, càng không phải chính khách cực hữu đang lên Marine Le Pen. Người đó chính là Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls.

Kết quả một số cuộc thăm dò gần đây nhất đều cho thấy ông Manuel Valls luôn là người dẫn đầu và bỏ xa các chính khách khác. Cụ thể, tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Valls theo kết quả thăm dò của tờ Paris Match là 75%; còn tỉ lệ ủng hộ ông thấp nhất trong các cuộc thăm dò khác là 57%. Trong khi đó, Tổng thống Hollande và Thủ tướng Ayrault - những chính khách từng được cử tri tín nhiệm cao, kỳ vọng nhiều cách đây vài tháng, với tỉ lệ ủng hộ trên 60%, nay tụt xuống chỉ còn 40%.

Theo giới phân tích, hiện tượng tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Valls cao như vậy có nhiều nguyên do. Trước hết, đó là do việc Tổng thống Hollande và Thủ tướng Ayrault bị mất điểm nghiêm trọng do hơn 4 tháng qua đã chậm thực hiện những lời cam kết trước cử tri. Đà mất điểm này được dự báo là sẽ còn tiếp tục. Các giải pháp chính phủ đưa ra trong kế hoạch năm 2013 nhằm mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, như tăng thuế nhà giàu và cắt giảm chi tiêu ngân sách, không hứa hẹn sẽ sớm giải quyết được tình trạng kinh tế trì trệ và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao. Trong khi đó, Valls được công chúng ủng hộ nhờ việc bảo đảm cho họ khỏi phải lo lắng về an ninh.

Trong nhiều tuần lễ qua, Valls luôn túc trực ở thành phố Marseille để trực tiếp xử lý tình trạng thanh toán đẫm máu giữa các băng đảng tội phạm, đồng thời trực tiếp chỉ đạo, giám sát việc "thay máu" toàn bộ lực lượng Cảnh sát Marseille do dính líu vào các bê bối lại quả, buôn lậu ma túy và tống tiền. Bên cạnh đó, Valls còn chỉ huy một chiến dịch chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan dẫn đến việc phá vỡ một ổ khủng bố vào đầu tháng 10. Valls tiếp tục không khoan nhượng sau vụ ám sát một luật sư ở đảo Corse vào trung tuần tháng 10, nghi can là một tên tội phạm có tổ chức theo quan điểm dân tộc cực đoan.

Năm nay 50 tuổi, Manuel Valls sinh ra tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, trở thành công dân Pháp vào năm 1982. Ông từng làm cố vấn cho 2 đời Thủ tướng Pháp Michel Rocard (1988-1991) và Lionel Jospin (1997-2001). Năm 40 tuổi (2002), Valls đã được bầu vào Quốc hội Pháp và sau đó làm quận trưởng khu vực Evry, vùng ngoại ô nghèo khó, phức tạp của Paris. Trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vừa qua, Valls cũng "bon chen" xin ra ứng cử nhưng không vượt qua được vòng bầu cử nội bộ của đảng Xã hội, đành dồn sự ủng hộ cho ông Hollande.

Từ khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ vào tháng 5/2012, Valls đã cho thấy một thái độ cứng rắn, không khoan nhượng với tội phạm và tình trạng mất an ninh trật tự xã hội. Giới quan sát so sánh ông với người tiền nhiệm trước đây là Nicolas Sarkozy (sau là Tổng thống Pháp vừa mãn nhiệm) vì giữa 2 người có khá nhiều điểm giống nhau. Điểm giống đầu tiên là cả hai đều không phải người Pháp chính gốc: Sarkozy gốc Hungary, còn Valls gốc Tây Ban Nha. Điểm giống thứ 2 là cả hai cùng nổi tiếng và được đông đảo cử tri ủng hộ khi ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng Nội vụ, với công việc bảo đảm trật tự trị an quốc gia.

Tuy Valls không phát ngôn kiểu "đao to búa lớn" như Sarkozy nhưng cả hai đều có lập trường quan điểm giống nhau là cứng rắn trong công tác phòng chống tội phạm. Và Valls đã làm đúng như những gì ông Sakorzy từng nói: thời nào, lúc nào cũng vậy, đa số cử tri Pháp lo lắng nhất là vấn đề an ninh, và họ sẽ bỏ phiếu cho nhà lãnh đạo nào quan tâm nghiêm túc tới sự lo lắng đó bằng hành động cụ thể. Valls đã cho triển khai trở lại chính sách của ông Sarkozy trước đây là lục soát các trại tị nạn của người Digan và trục xuất tất cả những ai không có giấy tờ tùy thân. Tiếp đến, tháng 8/2012, Valls đích thân đến khu vực bạo loạn liên quan các dự án nhà ở Amiens, đưa ra những lời hứa đồng thời cảnh cáo trật tự sẽ phải được tái lập. Sau đó, Valls đã phái các đơn vị cảnh sát đến để thực thi lời nói của mình.

Valls đã hiểu được vai trò quan trọng của vấn đề an ninh trong chính trị Pháp vào dịp đầu năm 2002, khi đó ông từ chỗ là một phát ngôn viên kiêm cố vấn truyền thông cho Thủ tướng Lionel Jospin tham gia vào chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Jospin. Sai lầm của ông Jospin là ở chỗ, mặc dù ông có các biện pháp mềm mỏng mà hiệu quả trong đấu tranh với tội phạm, nhưng trong phát biểu tranh cử ông lại chê bai quan điểm cứng rắn của phái bảo thủ khiến cho cử tri Pháp cảm thấy lo sợ không dám bỏ phiếu cho ông, vì người ta không có suy nghĩ giống như ông và không dám tin vào các giải pháp an ninh của ông. Rốt cuộc, cử tri đã bỏ phiếu cho ông Jean-Marie Le Pen vào vòng 2 với ông Jacques Chirac. Sai lầm đó đã khiến cho đảng Xã hội phải mất đến 10 năm để gượng dậy.

Bây giờ, khó khăn lắm đảng Xã hội mới giành lại quyền hành, do đó Valls, và cả ông Hollande, không muốn đi lại vết xe đổ của ông Jospin, nhất là khi chính khách cực hữu Marine Le Pen (con gái ông Jean-Marie Le Pen) đang muốn vượt lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dân tình bất mãn với các chính sách khắc khổ kém hiệu quả. Cả hai đang tìm cách "nương theo" chính sách cực đoan của bà Marine Le Pen, đồng thời dựa vào uy tín đang lên cao của Valls để hy vọng tiếp tục duy trì sự ủng hộ của cử tri dành cho đảng Xã hội.

Theo chiều hướng này thì Tổng thống Hollande buộc phải nghĩ đến một nước cờ thay tướng - chấp nhận hy sinh Ayrault và thay vào đó là Valls

  An Châu (tổng hợp)
ANTG
---------
Iran và 100 ngày thử thách khắc nghiệt

Những biện pháp cấm vận khắc nghiệt của phương Tây 100 ngày qua đã bắt đầu khiến Iran "thấm mệt". Nước này đang lên một kế hoạch "báo thù" trong khi các cường quốc phương Tây lại bắt đầu điều chỉnh chiến lược với Tehran.

Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu lệnh cấm vận dầu lửa triệt để đối với Iran kể từ ngày 1/7/2012, nhằm hỗ trợ những trừng phạt tài chính do Mỹ đề ra vào cuối năm 2011 chống các thể chế tài chính quốc tế có giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran. Tiếp đó, ngày 15/10 vừa qua, các ngoại trưởng EU lại thông qua những biện pháp trừng phạt bổ sung chống Iran, đặc biệt là cấm nhập khẩu khí đốt của quốc gia Hồi giáo này.

Sau 100 ngày áp dụng, đâu là những tác động của lệnh cấm vận với Iran? Theo giới quan sát, có thể chia tác động ra làm hai lĩnh vực. Thứ nhất về sản xuất và xuất khẩu dầu lửa của Iran: Lệnh cấm vận của châu Âu và những sự trừng phạt tài chính của Mỹ đã tỏ ra có hiệu quả. Sự phối hợp mạnh mẽ giữa Mỹ và EU  xung quanh các biện pháp hạn chế về hệ thống trả tiền và bảo hiểm, đã cho phép ngăn chặn một cách rất có hiệu quả việc thực hiện buôn bán giữa Iran với các nước thứ ba. Hậu quả là sản lượng dầu và xuất khẩu dầu của Iran đã giảm một cách đáng kể.

Theo các số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sản lượng dầu của Iran chỉ còn 2,8 triệu thùng/ngày vào mùa hè năm 2012 so với 3,6 triệu thùng/ngày vào mùa thu năm 2011. Xuất khẩu dầu thô của Iran trong tháng 9/2012 giảm xuống còn chưa đầy 1 triệu thùng/ngày so với sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày của năm 2011. Hậu quả trên không những là do lệnh cấm vận của châu Âu mà cả do việc giảm buôn bán với các khách hàng truyền thống khác như Nhật Bản, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc.

Hồi năm 2011, trước khi có lệnh cấm vận, mỗi ngày EU nhập của Iran 450 nghìn thùng dầu. Nhưng theo OPEC, việc giảm sản lượng dầu của Iran không ảnh hưởng đến sản lượng dầu của cả tổ chức này vì nó được bù lại bằng cách tăng sản lượng của Arập Xêút lên mức rất cao (gần 10 triệu thùng/ngày), sản lượng dầu của Iraq cũng tăng (đạt trên 3,3 triệu thùng/ngày), và như vậy, tổng sản lượng của OPEC vẫn đạt hơn 31,5 triệu thùng/ngày, trong khi mục tiêu chính thức chỉ là 30 triệu thùng.

Lĩnh vực tác động thứ hai liên quan tới tình hình trong nước: từ trước tới nay thu nhập từ việc bán dầu mỏ chiếm 85% thu nhập ngoại tệ của Iran. Vì vậy, việc giảm sản lượng dầu và giảm xuất khẩu dầu đã dẫn đến một bức tranh xám xịt của nền kinh tế và xã hội Iran. Hậu quả về kinh tế nhãn tiền nhất là lạm phát gia tăng tới 23,5% và sự sụt giảm giá của đồng nội tệ rial (Iran). So với đồng USD thì đồng rial của Iran bị mất 40% giá trị trong những tuần qua, và mất 60% nếu tính từ đầu năm. Sự xấu đi của tình hình tài chính này đã làm dấy lên nỗi bất bình trong dân chúng và các cuộc biểu tình thậm chí là bằng bạo lực đã diễn ra để phản đối việc chính quyền quản lý đất nước một cách kém hiệu quả.

Những sự trừng phạt quốc tế mới, nhất là những sự trừng phạt mà EU vừa thông qua hôm 15/10, chắc chắn sẽ càng làm gia tăng những khó khăn của Iran, đến mức mới đây Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã nói rằng "cuộc chiến tranh kinh tế" do phương Tây tiến hành chống Iran, và vì thế Iran cần phải thiết lập một nền "kinh tế chiến tranh".

Ngoài ra, các chuyên gia còn dự đoán rằng mọi tiến triển của vấn đề Iran trong những tháng tới sẽ ảnh hưởng mạnh đến sự cân bằng thị trường dầu lửa toàn cầu, và đưa ra 3 khả năng từ nay đến cuối năm 2012. Thứ nhất là tiếp tục những sự trừng phạt, song phương Tây không vì thế mà đoạn tuyệt đối thoại với Iran. Giả thiết có thể xảy ra nhất là một cuộc đối đầu kéo dài, Iran phải chịu những sự trừng phạt quốc tế ngày càng cứng rắn hơn.

Các biện pháp né tránh lệnh cấm vận có hiệu quả hơn sẽ cho phép Iran ổn định được việc xuất khẩu dầu của mình khoảng 1 triệu thùng/ngày. Việc cung cấp cho Iran 12 tàu chở dầu lớn chế tạo tại Trung Quốc từ nay đến đầu năm 2013 sẽ tạo thuận lợi cho nhiệm vụ này vì nó cho phép Iran bảo đảm trực tiếp một phần xuất khẩu của mình. Ngay cả trong tình hình gia tăng những khó khăn về kinh tế thì chính quyền Iran vẫn sẽ cố duy trì cho được sự kiểm soát về an ninh và chính trị trong nước. Tóm lại, đây là một kịch bản giống như Iraq của Saddam Hussein trong thời kỳ "đổi dầu lấy thực phẩm" của những năm 90, thế kỷ XX .

Việc sản lượng dầu của Iran thấp có nghĩa là sự cân bằng thị trường dầu lửa thế giới sẽ phải dựa vào sản lượng dầu của Arập Xêút. Điều này chỉ có thể giải quyết được trong thời hạn ngắn chứ không thể kéo dài mãi được.

Thứ hai là không loại trừ khả năng trước những khó khăn về kinh tế và xã hội ngày càng tăng, các phần tử cứng rắn của chế độ Iran sẽ thực hiện một chiến lược phản ứng tổng lực. Chẳng hạn Iran có thể quyết định ngừng hẳn việc xuất khẩu dầu nhằm mục đích gây mất ổn định nền kinh tế của các nước nhập khẩu dầu lửa. Hoặc nữa, Iran có thể thực hiện các hành động trả thù như tấn công vào các cơ sở hạ tầng tại các nước Trung Đông hoặc phong tỏa eo biển Hormuz (gần 20% lượng dầu tiêu dùng trên thế giới hàng ngày được vận chuyển qua đây). Trong trường hợp này, thị trường dầu lửa thế giới sẽ bị rối loạn, tác động đến mọi nền kinh tế.

Và khả năng thứ ba là sẽ có một thỏa thuận về hạt nhân, theo đó đến khi "không chịu được nữa", cuối cùng Iran sẽ phải nhượng bộ trước những sức ép của quốc tế và chấp nhận thương lượng nghiêm túc về việc ngừng chương trình hạt nhân. Đây đương nhiên là phương án khả dĩ nhất cho tất cả, kể cả Iran.

Về phần mình, các cường quốc phương Tây hiện đang xem xét khả năng sẽ đề nghị Iran hạn chế chương trình hạt nhân nếu muốn các lệnh cấm vận được nới lỏng. Đây là một chiến lược điều chỉnh đang được phương Tây cân nhắc nhằm hướng tới một giải pháp thương lượng, giúp chấm dứt tiến trình đàm phán kéo dài hơn 1 thập niên qua xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Giải pháp trên được đưa ra bàn thảo nhằm chuẩn bị cho vòng đàm phán mới với Iran dự kiến nối lại sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 6/11 tới. Ba vòng đàm phán trước diễn ra trong năm nay đều rơi vào bế tắc.

Về phía Iran, Kênh truyền hình Press TV của nước này hôm 23/10 cho biết, Quốc hội Iran đã soạn thảo một "gói cấm vận ba bước" đối với một số nước châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này. Theo đó, trong bước đầu tiên, các nước mà Iran xác định là thù địch sẽ không được phép mua các loại dầu chất lượng cao của nước này. Bước thứ hai là cấm nhập khẩu hàng hóa từ những nước châu Âu nào tham gia các lệnh trừng phạt chống Iran. Cuối cùng, Iran sẽ cấm công dân của mình đi du lịch tại các nước nói trên.

Iran cũng cho biết, hiện có gần 70 nhà máy lọc dầu ở châu Âu và các nơi khác trên thế giới phụ thuộc vào nguồn dầu thô của Iran và tiết lộ một số công ty lọc dầu của châu Âu đang phải nhập khẩu dầu thô Iran thông qua các trung gian.

Cho tới nay, Iran luôn phủ nhận mọi cáo buộc về việc nước này đang theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và từ chối đáp ứng các yêu cầu đòi họ phải hạn chế chương trình phát triển hạt nhân. Thay vào đó, Iran yêu cầu phương Tây phải nới lỏng các lệnh cấm vận nhằm vào nước này. Tuy nhiên, các cường quốc phương Tây không đồng ý đề nghị của Iran và nỗ lực đưa ra những sáng kiến hạn chế tập trung vào vấn đề hợp tác kỹ thuật, đồng thời tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép buộc Iran quay lại bàn đàm phán

  M.T. (tổng hợp)
ANTG
-------
Mỹ cảnh cáo về tấn công Iran    

“Mùa xuân Ảrập” đã khiến những nhà cầm quyền thân Mỹ trong khu vực lo sợ về tác động có thể xảy ra từ một cuộc tấn công của Israel vào lãnh thổ Iran. Các tư lệnh quân sự Mỹ vừa cảnh cáo những người đồng cấp Israel rằng bất kỳ hành động chống Iran nào cũng sẽ hạn chế nghiêm trọng khả năng của các lực lượng Mỹ trong khu vực do sự cắt giảm hỗ trợ hậu cần từ các đồng minh ở vịnh Ảrập.

Lực lượng mặt đất, hải quân và không quân Mỹ phụ thuộc các căn cứ quân sự, các nguồn cung cấp và tiếp nhiên liệu vào các nhà cầm quyền vịnh Ảrập. Những nhà chức trách vịnh Ảrập tuy đang hết sức lo ngại về tiến độ Iran thực hiện trong chương trình hạt nhân nhưng cũng lo thách thức tăng lên cho các chế độ của họ do một vụ tấn công của Israel nhằm vào Iran mang lại.

Hạm đội 5 của Mỹ đóng ở Bahrain và lực lượng không quân của họ có nhiều căn cứ chính ở Qatar, Kuwait, Bahrain, các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Oman. Mỹ tin rằng nếu Israel hành động trước, các hoạt động quân sự của họ chống lại Iran sẽ không thể nhờ cậy hoàn toàn vào những căn cứ này.

Báo Người Bảo vệ của Anh hôm 31-10-2012 dẫn lời một nguồn tin trong khu vực nói: “Một nỗi lo lớn của các quốc gia vùng vịnh là Iran có vũ khí hạt nhân. Nỗi lo nữa là một cuộc chiến tranh sẽ làm bất ổn khu vực”.

Các nhà lãnh đạo Israel ám chỉ họ có thể tiến hành hành động quân sự để đẩy lui chương trình hạt nhân của Iran, nhưng đe dọa đó đã rút lui hồi tháng 9 khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc rằng những tiến triển trong việc làm giàu uranium của Iran sẽ chỉ chạm vào “vạch đỏ” trong mùa xuân hoặc mùa hè tới. Tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak phát biểu ở London rằng quyết định trong năm nay của Iran là chuyển đổi 1/3 kho uranium đã làm giàu 20% thành nhiên liệu cho việc tạo vật liệu để chế tạo bom nguyên tử khó khăn hơn và tốn thời gian hơn từ “tám đến mười tháng”.

Những bình luận của ông Barack dường như tỏ ý rằng vạch đỏ mới của Israel là khi 200kg uranium làm giàu 20% của Iran được chuyển đổi đủ để chế tạo một trái bom. Các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng chuẩn thời gian để Iran làm tinh khiết kho uranium tới 90% (cấp độ chế tạo vũ khí) phải mất vài tháng nữa, sau đó có lẽ mất một năm mới phát triển được một đầu đạn hạt nhân nhỏ đủ để lắp vào tên lửa.

Hôm 31-10, Tổng thống Pháp François Hollande đã gặp ông Netanyahu ở Paris, nhưng từ chối thúc đẩy hành động quân sự. Người Bảo Vệ dẫn bình luận của ông Hollande nói: “Đó là một đe dọa Pháp không thể chấp nhận”. Ông Hollande thúc giục tăng cường cấm vận đi đôi với đàm phán.
     
      HỒNG PHƯƠNG// CAO
---------
Liệu có hòa bình cho miền Nam Philippines?    
     
 Một hy vọng kết thúc cuộc chiến lâu dài và đẫm máu với phiến quân ở Philippines. Sau 16 năm đàm phán lúc có lúc không, chính phủ Philippines và nhóm phiến quân Hồi giáo chủ lực ở khu vực miền nam Mindanao, Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro, đã đồng ý những phác thảo cho thỏa hiệp hòa bình. Hai phía đã ký kết hiệp ước chính thức ngày 15-10. Người ta hy vọng động thái này sẽ kết thúc hơn bốn thập niên chiến tranh bởi lực lượng Hồi giáo đòi độc lập từ một quốc gia phần lớn người dân theo đạo Thiên Chúa.

Cuộc xung đột ở Mindanao đã giết chết khoảng 120.000 người, làm cho hơn hai triệu người phải di tản. Mindanao là vùng đất của phần lớn người Hồi giáo trong nước, họ chiếm khoảng 5% trong số dân khoảng 100 triệu người. Đây không phải là một thỏa thuận hòa bình cuối cùng, nhưng nói theo mô tả của Tổng thống Benigno Aquino là “một thỏa thuận khung” và phần trước gọi là một “bản đồ đường đi”. Cả hai bên đều tin rằng nó mở đường cho điều ông Aquino hy vọng sẽ chứng minh “một hòa bình kéo dài, chung cuộc” cho Mindanao.

Kế hoạch hòa bình dự tính thành lập một khu vực Hồi giáo tự trị ở Mindanao, gọi là Bangsamoro. Vùng Bangsamoro sẽ có ngân sách tự trị và một phần lợi nhuận duy nhất từ tài nguyên của miền nam; có lực lượng cảnh sát riêng và duy nhất luật Hồi giáo Sharia. Để đổi lấy sự tự trị, mặt trận sẽ kết thúc chiến dịch vũ trang của họ. Chính phủ quốc gia sẽ kiểm soát chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia.

Kế hoạch hòa bình dự tính Bangsamoro sẽ hơi lớn hơn khu vực Hồi giáo tự trị hiện tại ở Mindanao, đã từng được hình thành vào năm 1996, như một phần ghi nhận hòa bình với những người tiền nhiệm của mặt trận để đạt tới một nền tảng cơ bản cho sự độc lập của Hồi giáo, Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro. Khu vực tự trị hiện tại đã trở thành một vũng lầy của bạo lực và tham nhũng, đến mức chính phủ của ông Aquino phải tiếp quản nó.

Một số sự cố hiển nhiên vẫn giữ nguyên. Những chính khách địa phương tích cực bảo vệ những khu vực của người Cơ Đốc giáo ở Mindanao nay đã chùn bước. Họ lo sợ bất kỳ nỗ lực nào cũng có thể vượt quá giới hạn mà họ quan tâm về lãnh thổ của họ. Kế hoạch hòa bình nói về việc “không sử dụng” các lực lượng phiến quân, chính phủ muốn nói tới con số 11.000 tay súng vũ trang.

Đây là vấn đề quyết định. Ghi nhận ban đầu cho thấy, mặc dù một số tay súng đã gia nhập quân đội và cảnh sát, vẫn còn một số khác đi lang thang trên khắp đất nước. Hòa bình có vẻ như vẫn chưa nắm chắc được, trừ khi mặt trận có thể điều động được những thành viên của họ theo sát với quá trình. Nếu có mâu thuẫn xảy ra, Phong trào tự do Hồi giáo Bangsamoro sẽ từ chối những cuộc đàm phán hòa bình và vi phạm lệnh ngừng bắn. Cũng không thể có dàn xếp hòa bình đối với vô số nhóm vũ trang ở Mindanao: một số băng găngxtơ, một số phiến quân Hồi giáo, phần nhiều là cả hai.
     
      VĂN KHANH (Economist, CAO)
-------
 Cuba lên án các nhà ngoại giao Mỹ

 Ngày 2/11, Cuba cáo buộc Mỹ sử dụng văn phòng đại diện tại thủ đô La Havana để thực hiện các hành động chống chính phủ Cuba.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Cuba nêu rõ, các nhà ngoại giao của văn phòng đại diện cho lợi ích Mỹ tại Cuba có những hành động bất hợp pháp như khuyến khích, hướng dẫn, đào tạo, hỗ trợ tài chính cho một số người có hành động chống chính phủ Cuba, trong đó có việc huấn luyện, thành lập trung tâm Internet trái phép trong các văn phòng của họ.

Cuba yêu cầu Mỹ dừng ngay các hoạt động này, đồng thời cam kết sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hợp pháp để bảo vệ an ninh  nước này./.

Phạm Hà/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
-------------
Mỹ phản đối Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ sắp thăm dải Gaza

Mỹ cho rằng chuyến thăm này không có lợi cho hòa bình và an ninh trong khu vực.

Ngày 2/11, Mỹ lên tiếng phản đối chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới dải Gaza vì cho rằng, động thái này có thể hủy hoại hòa bình và an ninh trong khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho rằng, Phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát dải Gaza vẫn là một lực lượng gây bất ổn trong khu vực. Vì vậy, Mỹ phản đối tất cả các hoạt động hợp tác với Hamas. Chuyến thăm này không có lợi cho hòa bình và an ninh trong khu vực. Mỹ hối thúc thất cả các bên đóng vai trò tích cực trong việc mang lại sự ổn định cho khu vực.

Tuyên bố của Mỹ đưa ra sau khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết “có ý định thăm Dải Gaza” và sẽ lên kế hoạch cho chuyến thăm này.

Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan cũng hoan nghênh chuyến thăm tới Gaza gần đây của Quốc vương Qatar. Bà Nuland cho biết thêm, Mỹ sẽ tham vấn với Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) để thảo luận sâu hơn về chuyến thăm này./.

Phạm Hà/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
------------------
Iran tuyên bố không đầu hàng Mỹ

Chỉ huy Lực lượng Basij thuộc Quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran – Thiếu tướng Mohammad-Reza Naqdi hôm qua (2/11) tuyên bố, Iran sẽ không nhượng bộ hay đầu hàng trước Mỹ.

Đất nước Iran sẽ không khoan nhượng trước Mỹ nếu như giới cầm quyền Mỹ không thay đổi chính sách của họ đối với các nước khác trên thế giới, Chỉ huy Lực lượng Basij tuyên bố. Basij là lực lượng tình nguyện bán vũ trang được điều hành bởi Quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo tinh nhuệ của Iran.

Để thiết lập quan hệ với Mỹ, người Mỹ “nên chấp nhận các điều kiện của người Iran” trong đó có việc “xem xét lại chính sách của họ” đối với các nước khác trên thế giới và nên “đóng cửa những căn cứ quân sự của họ ở 50 quốc gia” trên khắp thế giới, Thiếu tướng Naqdi cho biết.

Theo lời vị chỉ huy của Lực lượng Basij, người Iran sẽ không bao giờ đầu hàng trước áp lực trừng phạt của Mỹ và cũng không đầu hàng trước “các âm mưu” của Mỹ chống lại nước này.

Ông Naqdi cho rằng, Iran đã đạt được mọi tiến bộ bằng cách chống lại những chính sách của Mỹ và đối đầu với chúng. Ông này nhấn mạnh, sẽ là “không hợp lý” nếu Iran phải nhượng bộ Mỹ trong khi sức mạnh quân sự của Mỹ “đang suy giảm” và “đang bị đánh bại” ở khu vực trong những năm qua. Người Mỹ “thậm chí đang yếu đi” so với cách đây 32 năm khi quan hệ ngoại giao giữa Iran và Mỹ bị cắt đứt.

Tuyên bố trên được ông Naqdi trong một cuộc mít tinh được tổ chức ở thủ đô Tehran nhằm kỷ niệm sự kiện sinh viên Iran “chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ” cách đây 33 năm.

Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran năm 1980 sau khi một nhóm sinh viên Iran bắt giữ khoảng 60 nhà ngoại giao Mỹ năm 1979. Trong cuộc khủng hoảng con tin đó, 52 nhà ngoại giao Mỹ đã bị giam giữ trong suốt 444 ngày.

Hôm 2/10, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cho biết, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Iran và Mỹ về quan hệ song phương “có thể được tiến hành nhưng một số điều kiện cần phải được đáp ứng". Theo lời ông Ahmadinejad, những mối quan hệ quốc tế dựa trên “nguyên tắc đối thoại” nhưng các cuộc đối thoại nên dựa trên “công lý và sự tôn trọng”. Sẽ là “sai lầm” nếu một bên thúc ép bên kia vào bàn đàm phán bằng “áp lực”.

Mặc dù Tổng thống Ahmadinejad đã hé mở khả năng đối thoại trực tiếp với Mỹ nhưng Ngoại trưởng Iran – ông Ali-Akbar Salehi sau đó hôm 21/10 đã lên tiếng bác bỏ những thông tin báo chí đưa ra gần đây về việc Mỹ và Iran sẽ lần đầu tiên đàm phán trực tiếp với nhau về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước CH Hồi giáo.

Kiệt Linh - (theo THX, VNmedia)
-------
Ai Cập triệt phá 4 nhóm khủng bố, bắt 12 nghi phạm

Nhật báo Al-Masry al-Youm ngày 2/11 cho biết lực lượng an ninh Ai Cập vừa triệt phá thành công bốn nhóm khủng bố, bắt giữ 12 nghi phạm trong đó có một thủ lĩnh nhóm thánh chiến Hồi giáo, một chuyên gia chất nổ người Tunisia và một cựu sỹ quan quân đội người Ai Cập tại Nasr City, New Cairo và Sayeda Zeinab thuộc thủ đô Cairo.

Kết quả điều tra cho thấy 12 nghi phạm trên đã nhận tiền và mệnh lệnh từ một đối tượng sinh sống ở nước ngoài để tiến hành các hoạt động lật đổ chính phủ.

Các nhà điều tra cũng nghi ngờ các mạng lưới khủng bố trên có các chân rết bên ngoài Bán đảo Sinai với nhiệm vụ tuyển dụng các chiến binh từ các nước khác như Libya và Tunisia để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố tại Ai Cập.

Theo thông báo của Bộ Nội vụ Ai Cập, các bị can trên đã bị bắt giữ cùng một khối lượng rất lớn vật liệu nổ, súng bắn tỉa và vũ khí tự động, bệ phóng tên lửa, tên lửa chống tăng, bom, kíp nổ, thắt lưng và điện thoại di động gài thuốc nổ... cùng nhiều tài liệu hướng dẫn cách thức chế tạo và cài đặt bom, các mạch điện tử dùng để chế tạo bom./.

(Vietnam+)
 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te