Kawamura cho rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc với Nhật Bản, nếu tàu Liêu Ninh được điều đến biển Hoa Đông thì nó sẽ chỉ “làm mồi” cho tàu ngầm của Nhật Bản.
Nhiều nhà quan sát Nhật Bản cho rằng mục tiêu mà Trung Quốc nhắm tới trong cuộc tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku với Nhật Bản chính là nguồn tài nguyên phong phú xung quanh nhóm đảo trên biển Hoa Đông này.
Tuy nhiên, tờ Japan Times của Nhật Bản dẫn lời ông Sumihiko Kawamura, cựu Tư lệnh Liên đội Không quân săn tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cho hay, trong vấn đề này Bắc Kinh có một mục tiêu quan trọng và khó nhìn thấy hơn mà nếu đạt được, họ sẽ có thể có được đoạt được ưu thế vượt trội về chiến lược quân sự từ tay Mỹ tại Thái Bình Dương.
Cựu Chỉ huy trưởng Liên đội Không quân săn tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản Sumihiko Kawamura. |
Ông Kawamura tin rằng Bắc Kinh đang tìm cách biến Biển Đông thành “ao nhà” cho lực lượng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo có thể bắn tới nước Mỹ. Để đạt được mục đích này thì việc chiếm được Senkaku, nhóm đảo nằm cách Đài Loan 190 km về phía đông và sát với cửa ngõ phía bắc của Biển Đông là vô cùng cần thiết.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) được coi là lựa chọn khả thi duy nhất của Trung Quốc để duy trì khả năng răn đe hạt nhân mạnh mẽ đối với Mỹ, vì Mỹ đã xác định được tất cả các căn cứ tên lửa đạn đạo của Trung Quốc và có thể phá hủy chúng dễ dàng bằng một cuộc tấn công hạt nhân phòng ngừa.
Theo ông Kawamura, nếu Bắc Kinh duy trì được khả năng phản công Mỹ bằng tên lửa SLBM, điều đó sẽ có thể ngăn chặn Mỹ can thiệp vào một cuộc xung đột lớn có sự tham gia của Trung Quốc.
Vị cựu Hiệu phó Trường Sĩ quan Tham mưu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản này cho hay: “Điều này liên quan trực tiếp tới chiến lược hạt nhân của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ Senkaku.”
Ông khẳng định “Đây mới chỉ là khởi đầu. Thậm chí dù có mất đến 100 năm, Bắc Kinh cũng sẽ tìm cách chiếm được những hòn đảo này” để biến Biển Đông thành nơi trú ẩn an toàn cho lực lượng tàu ngầm trang bị tên lửa chiến lược của mình.
Kawamura nhận định rằng cùng với hải quân Mỹ, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có khả năng kiềm chế lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc trong Biển Đông, một khu vực gần như khép kín với sự bao quanh của Đài Loan, Philippines, Malaysia và Việt Nam.
Khi phối hợp với hải quân Mỹ, những chiếc tàu ngầm phi hạt nhân “siêu tĩnh” của Nhật Bản có thể phát hiện, theo dõi và thậm chí là đánh chìm bất cứ tàu ngầm Trung Quốc nào tìm cách đi qua tuyến đường biển chạy dọc từ các hòn đảo lớn Nhật Bản qua Okinawa và Đài Loan xuống tận Philippines để tiến vào Thái Bình Dương. Hải quân Trung Quốc gọi tuyến biển này là "Chuỗi đảo Thứ nhất", thể hiện tầm quan trọng chiến lược của nó.
Bản đồ Chuỗi đảo Thứ nhất (First Island Chain). |
Trong cuốn sách xuất bản hồi tháng Tám về khả năng nổ ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên nhóm đảo Senkaku, ông Kawamura cho hay: “Nhật Bản có thể đánh chìm tàu ngầm Trung Quốc vào bất cứ lúc nào chúng tôi muốn nếu xung đột nổ ra. Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm cách biến Biển Đông thành nơi trú ẩn an toàn và bảo vệ lực lượng tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của mình ở đó.”
Theo tờ The New York Times, cựu Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Hùng Quang Khải năm 1995 đã đe dọa Mỹ rằng Trung Quốc sẽ xem xét việc phát động cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào Los Angeles nếu Mỹ tìm cách can thiệp vào cuộc xung đột Đài Loan.
Năm 2005, Thiếu tướng Chu Thành Hổ tuyên bố với các phóng viên rằng Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành một chuộc tấn công hạt nhân phòng ngừa vào các thành phố của nước Mỹ nếu Trung Quốc đối mặt với khả năng thất bại trong cuộc xung đột trên đảo Đài Loan.
Gần đây, Trung Quốc bắt đầu gọi Biển Đông là một trong những “lợi ích cốt lõi” của mình, một dấu hiệu cho thấy nước này sẽ không chấp nhận thỏa hiện và họ sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để “bảo vệ lợi ích” của mình trong khu vực này.
Trung Quốc cũng đã cho mở cửa một căn cứ hải quân lớn trên đảo Hải Nam được cho là có thể chứa tới 20 chiếc tàu ngầm. Ông Kawamura cho rằng đây là một phần trong chiến lược tạo nơi trú ẩn an toàn cho lực lượng tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân của Trung Quốc.
Một chiếc tàu ngầm của hải quân Trung Quốc. |
Các chuyên gia tin rằng tên lửa SLBM của Trung Quốc có tầm bắn tối đa khoảng 8000 km. Điều này đồng nghĩa với việc 48 bang của nước Mỹ có thể nằm ngoài tầm với của tên lửa Trung Quốc phóng đi từ tàu ngầm trên Biển Đông.
Tuy nhiên Trung Quốc đang tìm cách nới rộng tầm bắn của tên lửa SLBM để có thể đánh trúng nước Mỹ mà không phải điều tàu ngầm ra quá xa ngoài Thái Bình Dương. Ông Kawamura tin rằng Trung Quốc đang buộc phải áp dụng theo chiến thuật mà hải quân Liên Xô đã từng sử dụng trong Chiến tranh lạnh. Khi đó hải quân Liên Xô đã biến Biển Okhotsk thành một “pháo đài” cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân của mình với một lực lượng tàu chiến và tàu ngầm đông đảo ở đó.
Trung Quốc hiện vẫn chưa đạt được công nghệ “tàng hình” cho tàu ngầm. Ngoài ra tàu ngầm của họ còn ồn hơn và dễ phát hiện hơn tàu ngầm của Liên Xô. Ông Kawamura nói: “Khi hoạt động, tàu ngầm của Trung Quốc phát ra tiếng động như khua chiêng gõ mõ.” Ông cho rằng tại thời điểm hiện nay, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có ưu thế vượt trội hơn hải quân Trung Quốc, đặc biệt là khả năng tác chiến chống tàu ngầm ưu việt của lực lượng này.
Tác chiến tàu ngầm có thể trở thành yếu tố mang tính quyết định trong chiến tranh trên biển hiện đại. Hiện nay, Trung Quốc mới chỉ có 4 máy bay chống tàu ngầm, trong khi 77 chiếc máy bay săn ngầm P-3C của Nhật Bản vẫn thường xuyên tuần tra trên các vùng biển xung quanh Nhật Bản.
“Trong tác chiến tàu ngầm hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa có khả năng làm được những gì chúng tôi đã làm cách đây 30 năm (để chống lại tàu ngầm Liên Xô). Họ lạc hậu hơn chúng tôi 30 năm,” ông Kawamura tuyên bố.
Trung Quốc vừa đưa vào hoạt động chiếc tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên, tuy nhiên ông Kawamura cho rằng phạm vi hoạt động của con tàu này sẽ bị hạn chế trong Biển Đông khi một cuộc chiến thực sự nổ ra vì các hạn chế về mặt kỹ thuật của nó.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. |
Đồng quan điểm với các nhà phân tích quân sự khác, ông Kawamura nhấn mạnh rằng Trung Quốc hiện chưa có công nghệ phóng để có thể trợ giúp những chiếc phản lực nặng cất cánh được từ tàu sân bay.
Tàu ngầm Trung Quốc hiện cũng quá ồn nên khó có thể bảo vệ được tàu sân bay. Ông Kawamura cho rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc với Nhật Bản, nếu tàu Liêu Ninh được điều đến biển Hoa Đông thì nó sẽ chỉ “làm mồi” cho tàu ngầm của Nhật Bản.
Hiện nay nếu Trung Quốc tấn công và chiếm giữ Senkaku, họ có thể chiếm đóng tạm thời được nhóm đảo này. Tuy nhiên việc chiếm đóng sẽ không kéo dài được lâu và cuối cùng Trung Quốc sẽ thất bại vì Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có thể dễ dàng cắt đứt đường tiếp tế trên biển của lực lượng chiếm đóng.
Ông Kawamura nhận định: “Nếu Trung Quốc bình tĩnh phân tích khả năng của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, tôi không cho rằng họ sẽ dùng đến vũ lực. Nhưng vẫn có thể có tình huống leo thang bất ngờ” dẫn tới xung đột quân sự trên vùng biển này. Đồng thời, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng có thể tìm cách sử dụng vũ lực tấn công Senkaku để làm chuyển hướng chú ý của người dân trong nước.
Kawamura kêu gọi chính phủ Nhật Bản xem xét sửa đổi luật để cho phép Lực lượng Phòng vệ Biển và Cảnh sát biển Nhật Bản có quyền nổ súng cảnh cáo đối với tàu nước ngoài đến gần những hòn đảo này. Nếu không, tàu công vụ Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục quay lại Senkaku trong nhiều năm tới để thể hiện quyền kiểm soát hiệu quả của họ đối với vùng lãnh thổ này.