TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Chiến lược đáp trả của Hoa Kỳ trước sức mạnh Hải quân Trung Quốc

Vừa qua, nhóm Đối tác vì nền an ninh Hoa Kỳ (PSA), một nhóm phi lợi nhuận do các cựu nghị sĩ Mỹ thành lập, đã có bài viết về sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc và đưa ra đề xuất về chiến lược mà Hoa Kỳ cần áp dụng để đối phó.

Hai thập kỷ qua đã chứng kiến sự chuyển đổi của cán cân quyền lực thế giới và Tổng thống Mỹ Obama đã vừa tìm cách tái cân bằng các lực lượng và sự tập trung của Mỹ vào khu vực Vành đai Thái Bình Dương.

Sự tăng trưởng nhanh chóng và to lớn về kinh tế và vị thế của Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã giúp nước này có thể phát triển những năng lực quân sự mới và tiên tiến. Năng lực quân sự mới của Trung Quốc sẽ giúp nước này có thêm nhiều sự lựa chọn để giải quyết các cuộc tranh chấp theo hướng có lợi cho mình, khiến mối quan hệ giữa nước này và Hoa Kỳ trở nên phức tạp hơn và có tính ganh đua hơn bao giờ hết.

Chiến lược đáp trả của Hoa Kỳ trước sức mạnh Hải quân Trung Quốc

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc – Năng lực hải quân của Quân đội giải phóng nhân dân ngày đang lớn mạnh một cách nhanh chóng.

Mục tiêu ban đầu là Đài Loan

Trước đây Trung Quốc chỉ tập trung các nguồn lực của Quân đội cho các lợi ích trước mắt về lãnh thổ, đáng chú ý nhất là Đài Loan. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, nước này mở rộng năng lực hải quân để phục vụ những lợi ích ở tầm rộng lớn hơn và vươn xa ngoài lãnh thổ của mình.

Trong khi một số nội dung trong phát triển năng lực hải quân của Trung Quốc là có lợi cho Hoa Kỳ như các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, chống cướp biển và hoạt động cứu trợ nhân đạo và thảm họa thì một số mục đầu tư khác của Trung Quốc lại đối đầu với những lợi ích của Mỹ trong khu vực, khiến Hoa Kỳ và các đồng minh khó tiếp cận các vùng biển trong khu vực hơn.

Đến nay vẫn chưa rõ trong tương lai Trung Quốc sẽ sử dụng năng lực ngày càng lớn mạnh của mình như thế nào- liệu hải quân Trung Quốc lớn mạnh là vì vấn đề Đài Loan, Biển Đông hay vì các vấn đề cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.

Trong vài thập kỷ qua, vấn đề lớn nhất trong quan hệ Mỹ - Trung là Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố thuộc về chủ quyền lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, kể từ năm 2008, đã có 2 bước tiến quan trọng trong vấn đề này: cuộc bầu cử của Tổng thống Mã Anh Cửu, người ngày càng thân mật với Trung Quốc hơn; và bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào kêu gọi nhìn nhận một cách linh hoạt về vị thế quốc tế của Đài Loan. Kết quả là, Đài Loan được gia nhập vào Tổ chức sức khỏe thế giới với tư cách quan sát viên theo sự chấp thuận của Trung Quốc.

Tuy nhiên, do Trung Quốc mở rộng năng lực hải quân nên nước này ngày càng dễ dàng sử dụng các hệ thống chống tiếp cận mới và tiên tiến (Area denial) của mình, hoặc là để chống lại Đài Loan hoặc là để phòng ngừa Mỹ trợ giúp Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. Tình hình đó khiến mối quan hệ Đài Loan, Trung Quốc và Hoa Kỳ trở nên phức tạp hơn.

Thêm vào đó, Trung Quốc đã đặt hơn 1.000 tên lửa nhắm đến Đài Loan, thể hiện quyết tâm kiểm soát chính trị với hòn đảo này và đây có thể trở thành điểm nóng xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tương lai.

Tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc

Chỉ trong một thập kỷ vừa qua, ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc đã tăng hơn 339%. Trong khi đó ngân sách quốc phòng của Mỹ chỉ tăng 70%.

Sự xuất hiện của các tên lửa đạn đạo chống tàu và tàu ngầm mới, việc các tàu cũ được hiện đại hóa cùng sự cải thiện lớn về chất lượng nhân sự, các cuộc diễn tập và vận tải quân sự cho thấy Trung Quốc đang theo đuổi những lợi ích chủ quyền lớn hơn.

Ví dụ như, nếu xảy ra một cuộc xung đột với Đài Loan thì tàu sân bay có thể có tác dụng, nhưng do Đài Loan ở gần đại lục nên Trung Quốc chỉ cần điều máy bay trực tiếp từ đất liền. Do đó, tàu sân bay có giá trị hơn nếu thực hiện các dự án giúp mở rộng quyền lực Trung Quốc ra xa hơn Đài Loan.

Trung Quốc cũng đã mua các tàu khu trục loại Sovremenny và triển khai các tàu khu trục cũng như tàu chiến kiểu mới. Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn tập trung vào nâng cao năng lực tự chế tạo. Tàu chiến của Trung Quốc có các hệ thống tương tự với các hệ thống Aegis đời đầu và các tàu khu trục loại Luyang-II có tên lửa dẫn đường có thể phô diễn sức mạnh khủng khiếp của mình trước các nước láng giềng.

Thêm vào đó, Bộ quốc phòng Mỹ tin rằng Trung Quốc đã có một thiết kế tên lửa đạn đạo chống hạm khá tốt có thể phá hỏng tàu sân bay của Mỹ và nước này cũng đang chế tạo các phương tiện không người lái dưới nước.

Rõ ràng là chỉ cần nhìn lướt qua cũng đủ thấy các chương trình hiện đại hóa và nâng cao năng lực quân sự, đặc biệt là hải quân, của Trung Quốc trở thành mối lo ngại của Hoa Kỳ và các nước láng giềng.

Trên thực tế, cuộc đối đầu vừa qua giữa Trung Quốc và Philippines là ví dụ mới nhất cho thấy sự quyết liệt ngày càng tăng của Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền trên biển. Trong hội nghị thượng định ASEAN vừa qua, Trung Quốc cũng tìm cách để vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông không được đưa ra bàn bạc chính thức.

Việc Trung Quốc thành lập thành phố trên Biển Đông, điều 3 tàu đến vùng biển tranh chấp trên biển Hoa Đông bất chấp sự giận dữ của Nhật Bản và hơn 20 vụ việc nghiêm trọng khác ở Biển Đông trong 3 năm qua đã cho dư luận nhận ra những tham vọng của Trung Quốc cũng như nguy cơ xảy ra xung đột trong khu vực.

Chiến lược đáp trả của Hoa Kỳ trước sức mạnh Hải quân Trung Quốc

Hoa Kỳ cần có chiến lược đáp trả thế nào?

Với tình hình năng lực quân sự của Trung Quốc vươn lên tầm cao mới và những nỗ lực vừa qua của nước này nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình, an ninh hàng hải sẽ khó có thể được đảm bảo nếu Hoa Kỳ không có một chiến lược dài hạn và mạch lạc

Bất kỳ chính sách dài hạn nào về chiến lược hải quân của Hoa Kỳ nhắm đến Trung Quốc đều nên tập trung vào 4 yếu tố then chốt: dùng sức mạnh để giữ hòa bình, đảm bảo và mở rộng quan hệ đồng minh trong khu vực, củng cố cấu trúc của khu vực và tăng cường quan hệ Mỹ - Trung.

Xét về yếu tố “dùng sức mạnh để gìn giữ hòa bình”, điều quan trọng là chính quyền Obama và chính quyền tương lai phải tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ và cùng cố năng lực của hải quân Hoa Kỳ, ngay cả trong thời kì thắt lưng buộc bụng.

Các kế hoạch phát triển tàu chiến phải tập trung vào chế tạo những con tàu có thể thực thi chiến lược Hải - Không chiến.

Thứ nhất, chiến lược Hải - Không chiến là ý niệm tập trung vào “tấn công có chiều sâu, theo mạng lưới và tích hợp để chặn đứt, phá hủy và đánh bại mối đe dọa chống tiếp cận/phong tỏa AD/A2”. Điều cần thiết thực hiện ý niệm này là các lực lượng như không quân và các công cụ khác như chiến tranh mạng cần phải được coi trọng trong thời kỳ nguồn lực hạn chế như hiện nay.

Thứ hai, các nhà làm chính sách cũng cần phải cam kết duy trì qui mô hiện nay của hạm đội hải quân Hoa Kỳ đồng thời củng cố thêm năng lực của hạm đội. Để thực hiện điều đó, cần phải tiếp tục triển khai 11 tàu sân bay, hỗ trợ cho việc xây dựng và chế tạo tàu ngầm tấn công, các tên lửa hành trình mới và đa năng hơn có thể phóng từ nhiều loại bệ khác nhau và chế tạo các tàu khu trục có trang bị hệ thống ra đa Aegis.

Chiến lược "dùng sức mạnh gìn giữ hòa bình" cũng có thể đòi hỏi phải hành động vượt ra ngoài khía cạnh hải quân thông thường và thực hiện bằng cách phân bổ các lực lượng ở Tây Thái Bình Dương ở qui mô rộng hơn và linh hoạt hơn. Các ví dụ cụ thể của chiến lược này có thể thấy ở thỏa thuận vừa qua với Australia về việc triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ ở gần Darwin, đồn trú luân phiên ở Singapore và tăng cường hoạt động huấn luyện và hợp tác quân sự với Philippines.

Một chính sách đúng đắn để đối phó với sự vươn lên của hải quân Quân đội giải phóng nhân dân (Trung Quốc) không thể chỉ dựa vào chạy đua vũ trang.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khu vực mà Mỹ có tới 5 đồng minh quân sự gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Australia. Điều đó giúp Mỹ có sẵn nền tảng để củng cố năng lực của mình. Các quốc gia này đều ngày càng lo sợ sự hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc và đều hoan nghênh chiến lược lấy châu Á làm trọng tâm của Mỹ.

Thêm vào đó, trong những năm gần đây Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ đối tác về ngoại giao và chiến lược với một số nước trong khu vực gồm Việt Nam, Indonesia, Singapore và Ấn Độ. Các hoạt động hợp tác như hỗ trợ an ninh, tập trận chung, trao đổi và đào tạo nhân sự cần phải được tăng cường.

Hoa Kỳ cũng có thể giúp cung cấp các hệ thống vũ khí quốc phòng, như hệ thống ra đa tiên tiến, các tên lửa chống máy bay và chống tàu hiện đại và các hệ thống ra lệnh – chỉ huy giúp các nước nhỏ có thể thực hiện chiến lược ngăn chặn tiếp cận/phong tỏa hiệu quả hơn để đối phó với Trung Quốc.

Hoa Kỳ cũng cần phải thể hiện vai trò tích cực hơn, và nếu cần thiết phải lớn hơn nữa, trong việc thúc đẩy sự lớn mạnh của các diễn đàn đa phương trong phu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) cũng như xây dựng các mối quan hệ kinh tế song phương và đa phương. Khi đó, Hoa Kỳ sẽ giúp xây dựng một cấu trúc cho khu vực này, theo đó mỗi quốc gia kể cả Trung Quốc, sẽ được khuyến khích làm theo các luật lệ chứ không tìm cách giải quyết bất kỳ vấn đề gì bằng biện pháp quân sự.

Điều quan trọng là các vấn đề hiện nay từ an ninh hàng hải, cấm phổ biến vũ khí cho tới tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực phải được giải quyết ở cấp đa phương.

Các nhà làm chính sách và ngoại giao Hoa Kỳ cũng phải gắn bó trực tiếp hơn với Trung Quốc và đảm bảo với Bắc Kinh rằng lợi ích của Mỹ trong khu vực ngày càng gia tăng không nên được Trung Quốc nhìn nhận với thái độ thù địch.

Xét đến cùng, Hoa Kỳ và khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ cần phải tìm ra một vị trí lớn trong cấu trúc khu vực dành cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ không thể dựa vào lòng nhân từ của Trung Quốc để mở một con đường hòa bình đến an ninh và thịnh vượng. Các nhà làm chính sách Mỹ phải tiếp tục chiến lược trọng tâm của mình, củng cố năng lực của các đồng minh, tăng cường hỗ trợ Hải quân cùng các cơ sở hậu cần để Hoa Kỳ có thể hành động quân sự trong trường hợp cần thiết.

LÊ DUNG
Theo InfoNet

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te