TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Ai sẽ đưa kinh tế Mỹ trở lại Quỹ đạo?

Chiến dịch vận động tranh cử ghế chủ nhân Nhà Trắng đã bước vào giai đoạn nước rút. Mỗi bên đều có lí lẽ của mình và việc làm thế nào để thuyết phục cử tri rằng họ sẽ đưa kinh tế Mỹ trở lại sẽ là một lợi thế.

  

Dù cuộc đua này ai là người cán đích trước, thì những tranh cãi về việc làm và cắt giảm thuế vẫn là bài toán mà người thắng cuộc cần tiếp tục giải đáp. Liệu những chính sách mới sẽ giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng hay tiếp tục lâm vào ngõ cụt?

Obama chưa giữ lời

Thừa hưởng nền kinh tế đang trong tình trạng tụt dốc không phanh từ người tiền nhiệm, kèm những khó khăn chung do suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến những chính sách của đương kim tổng thống Obama chỉ như "muối bỏ bể". Những lời hứa khi nhậm chức cách đây 4 năm của ông Obama mà ông chẳng thực hiện được bao nhiêu, khiến đối thủ tranh cử M.Romney có cớ để chỉ trích rằng ông Obama chẳng những không giúp nền kinh tế Mỹ khởi sắc hơn mà còn gây thiệt hại cho một số ngành chế tạo, khiến người Mỹ vẫn mãi lao đao trong cơn "khát" việc làm.

Cùng với những lời hứa làm thay đổi hình ảnh một nước Mỹ hiếu chiến trong mắt thế giới, tại kỳ tranh cử trước, ông Obama đã làm nức lòng dân Mỹ khi xác định "việc làm là ưu tiên hàng đầu trong năm 2010". Tuy nhiên, cho đến nay, khi nhiều chính sách đã được thực hiện nhưng lời hứa về một nước Mỹ "khỏe mạnh" dường như vẫn còn rất xa xôi khi con số thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng cao, đạt kỉ lục ở mức 8,3%. Có vẻ như ông Obama không mấy lợi thế khi đứng trước cựu Thống đốc bang Massachusetts. Ông Romney đã tập trung tấn công vào việc hàng triệu người thất nghiệp và xem đó như một lời chất vấn cho đảng Dân chủ.

Theo số liệu mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố, trong quý II vừa qua, nền kinh tế số 1 thế giới chỉ đạt mức tăng trưởng 1,3%, thấp hơn mọi dự đoán của giới chuyên gia. Đây cũng là mức tăng GDP trong một quý thấp nhất kể từ quý I/2011. Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cũng công bố số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuy đã giảm 26.000 đơn nhưng vẫn còn 359.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 22/9 vừa qua.

Trước đó, FED đã quyết định áp dụng những biện pháp mới nhằm tìm cách kích thích nền kinh tế đang trì trệ của Mỹ, theo đó mỗi tháng sẽ mua 40 tỷ USD chứng khoán. Không đặt ra thời hạn chót cho các giao dịch mới này, FED cũng nói rằng nếu thị trường lao động trong nước "không cải thiện đáng kể," thì ngân hàng sẽ sử dụng thêm các công cụ tài chính để thúc đẩy nền kinh tế. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, FED đã mua hơn 2.000 tỷ USD trái phiếu của Mỹ và các khoản cho vay thế chấp mua nhà, nhưng đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ vẫn không có dấu hiệu cải thiện đáng kể.

Lời hứa của ông Romney

Như vậy, tuy không thành công mấy trong thời gian qua nhưng hình như ông Obama vẫn đang rất tin tưởng sẽ xoay chuyển được cục diện kinh tế hiện nay. Việc chiếm sự đồng cảm của người dân, đặc biệt là những cử tri da trắng, cũng như các bộ phận của tầng lớp trung lưu vẫn đang được đương kim Tổng thống đánh giá rất cao. Ông cho rằng, vẫn nên đánh thêm thuế cho những người giàu và gia hạn thêm một năm giảm thuế cho những hộ gia đình có thu nhập dưới 250.000 USD và những cá nhân thu nhập dưới 200.000 USD mỗi năm.

Tuy nhiên, ông Romney lại cho rằng tốc độ tăng trưởng vừa qua là "không thể chấp nhận được". Theo ông Romney, những đề xuất mang tính bảo trợ cho tầng lớp trung lưu sẽ vô tình làm thiệt hại đến lợi ích các tiểu doanh nghiệp, vì họ là những người tạo ra việc làm cho lao động Mỹ.

Ông Romney tuyên bố: "Tổng thống đã không có những chính sách giúp các gia đình có công việc. Tôi sẽ làm. Tôi sẽ giúp những người Mỹ có việc làm trở lại". Ông này đưa ra kế hoạch bao gồm việc sẽ duy trì cắt giảm thuế, tiếp tục sản xuất năng lượng trong nước đồng thời giảm mạnh mức chi tiêu chính phủ hàng năm.

Mặc dù ông Romney chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể nào cho những dự định giảm thuế sắp tới, nhưng theo báo cáo của Trung tâm chính sách thuế thì gánh nặng của những chính sách tương lai đang dần đeo lên vai tầng lớp trung lưu. Điều này đã bị đương kim tổng thống hết sức phản đối. Vì người giàu và người nghèo đều chịu chung một mức thuế sẽ là bất công, bởi số thuế đánh vào tầng lớp giàu có không đủ làm ảnh hưởng đến tài sản của các tỷ phú. Chưa kể đến tầng lớp trung lưu lại không quá giàu để đóng góp sức mình cũng như không "đủ nghèo" để hưởng các ưu đãi từ chính phủ.

Những nỗ lực cuối cùng

Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy ông Obama đang dẫn trước đối thủ 5% trên tất cả các bang, và con số này còn cao hơn nhiều ở những bang có nhiều cử tri đang lưỡng lự.

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Cộng hòa Romney tại các bang quan trọng là khá thấp, được coi là hệ quả của vụ rò rỉ một đoạn clip tai tiếng mà trong đó ông gọi quá nửa dân số Mỹ là “những kẻ ăn bám Chính phủ”.

Ông Romney chỉ trích chủ trương của chính quyền Obama cắt giảm gần 500 tỷ USD ngân sách quốc phòng trong 10 năm tới, cho rằng việc làm đó không chỉ làm giảm sức mạnh của quân đội Mỹ, gây tổn hại tới an ninh quốc gia. Trong khi đó, ông Obama cho biết một trong những nội dung cơ bản trong kế hoạch kinh tế trong bốn năm tới của ông là cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu. Thừa nhận kinh tế Mỹ hiện vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng ông khẳng định nước Mỹ sẽ phồn thịnh hơn và cuộc sống của tầng lớp trung lưu ở Mỹ sẽ tốt đẹp hơn.

Minh Anh
Theo TGVN

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te