TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Nhật Bản sẽ hạ Trung Quốc trong cuộc chiến trên biển?

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang vô cùng căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhiều người lo ngại về viễn cảnh nổ ra một cuộc chiến trên biển giữa hai cường quốc Châu Á. Và theo nhận định của nhiều chuyên gia, Nhật Bản có đủ khả năng để đánh bại nước láng giềng Trung Quốc.
 
Nguy cơ chiến tranh trên biển
 
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này gần với các tuyến đường biển quan trọng.
 
Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay. Mới đây, căng thẳng giữa hai cường quốc Châu Á lại nổi lên sau khi xảy ra sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc đã đi tàu từ Hồng Kông đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với mục đích là nhằm “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này.
 
Các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đã xông hẳn lên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, phớt lờ cảnh báo từ phía Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản. Họ còn thách thức cắm cả một lá cờ Trung Quốc lên quần đảo vẫn còn nằm trong tranh chấp này.
 
Những động thái trên của các nhà hoạt động Trung Quốc đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Nhật Bản. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã đâm thủng tàu Trung Quốc và bắn súng vòi rồng vào con tàu này. Sau đó, Nhật Bản đã tiến hành bắt giữ tất cả 14 người đi trên tàu Trung Quốc. Kể từ sau sự kiện này, một loạt diễn biến đáng lo ngại đã xảy ra.
 
Tướng diều hâu La Viện của Trung Quốc đã kêu gọi nước này phái 100 tàu đến bảo vệ Điếu Ngư. Tờ Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 20/8 đã cảnh báo: “Nhật Bản sẽ phải trả giá về những hành động của họ... và hậu quả sẽ tồi tệ hơn họ dự đoán rất nhiều”.
 
Không chỉ dừng lại ở lời nói, hồi tháng 7, Hạm đội Hoa Đông Trung Quốc còn tiến hành một cuộc tập trận với bài tập giả định là tấn công đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Giới lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng đã nghĩ đến một điều gì đó. Với việc người biểu tình đổ ra đường để đập phá xe hơi và nhà hàng Nhật Bản, có vẻ như chính quyền đang được người dân ủng hộ. Liệu một cuộc chiến trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể xảy ra hay không và nếu xảy ra, ai sẽ là người có khả năng giành chiến thắng?
 
Ai sẽ giành chiến thắng?
 
Bất chấp việc Nhật Bản ngày nay đang xây dựng hình ảnh một nước hòa bình, hạn chế phát triển quân sự nhưng một cuộc chiến tranh trên biển sẽ không phải là lợi thế đối với Trung Quốc. Trong khi theo đuổi hiến pháp “hòa bình”, trong đó Tokyo tuyên bố “từ bỏ việc dùng chiến tranh như một quyền chủ quyền và đe dọa dùng vũ lực như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế”, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản vẫn trang bị rất nhiều vũ khí thiện chiến. Và lực lượng thủy quân lục chiến Nhật Bản nổi tiếng là chuyên nghiệp. Nếu các chỉ huy Nhật Bản biết khéo léo kết hợp nhân lực, vật lực và những lợi thế về địa lý, họ có thể sẽ “tranh chấp tay đôi ngang sức” với Trung Quốc và thậm chí còn có thể thắng thế.
 
Nếu xét về số lượng vũ khí đơn thuần, Hải quân Trung Quốc vượt xa Hải quân Nhật Bản về “trọng lượng thép”. Hải quân Nhật có 48 tàu chiến đấu nổi trong khi con số này ở Trung Quốc là 73. Trung Quốc còn có 84 tàu bắn tên lửa và 63 tàu ngầm. Tuy nhiên, con số chẳng nói lên điều gì. Thứ nhất, vũ khí giống như “những chiếc hộp đen” mà chỉ khi nó thực sự được đưa vào chiến đấu, người ta mới có thể biết được nó có hoạt động được hay không, hay chỉ là quảng cáo. Khả năng chiến đấu chứ không phải các tiêu chuẩn kỹ thuật là thứ quyết định giá trị của công nghệ quân sự. Không rõ Trung Quốc có che giấu sức mạnh gì hay không nhưng chất lượng vũ khí của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản có thể bù vào lợi thế con số của phía Trung Quốc.
 
Thứ hai, về mặt nhân lực, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản được đánh giá là chuyên nghiệp hơn hẳn Hải quân Trung Quốc. Nếu như lực lượng thủy quân lục chiến Nhật Bản thường xuyên “mài sắc” năng lực của mình bằng những chuyến đi thăm dò liên tục khắp các khu vực biển Châu Á, hoạt động một mình hoặc kết hợp với hải quân các nước khác thì Hải quân Trung Quốc chỉ mới bắt đầu tham gia triển khai chống cướp biển ở vùng Vịnh Aden từ năm 2009. Lính thủy đánh bộ Trung Quốc chỉ được tham gia những chuyến đi hoặc những cuộc diễn tập ngắn, ít có cơ hội rèn luyện tính chuyên nghiệp, sức khỏe. Tóm lại, lợi thế về con người đang nghiêng về phía Nhật Bản.
 
Thứ 3, Nhật Bản còn có lợi thế khác là sự tập trung về mặt lực lượng. Lực lượng Trung Quốc phải chia thành 3 hạm đội dàn trải ra đường biến giới biển kéo dài của nước này. Vì vậy, giới chỉ huy quân sự Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu dồn lực lượng để giành lợi thế trong cuộc đối đầu với Nhật Bản thì Trung Quốc sẽ để hở những lỗ hổng an ninh chết người ở các khu vực biển khác.
 
Ngoài ra, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải cân nhắc kỹ xem liệu một cuộc chiến tranh hàng hải sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu trở thành cường quốc biển của họ như thế nào. Họ còn phải tính đến yếu tố Mỹ bởi nếu một cuộc chiến Trung-Nhật xảy ra, Mỹ sẽ phải nhảy vào vì hiệp ước an ninh chung mà họ đã ký với Tokyo.
 
Tuy nhiên, dù có lợi thế, Nhật Bản cũng chẳng cần phải đánh bại Trung Quốc để giành quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bởi họ vốn đã đang kiểm soát quần đảo này. Tất cả những việc mà Tokyo cần làm là ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận vào quần đảo tranh chấp đó.

 

Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo VNMedia

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te