Cáo buộc tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên “xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku”, tờ Yomiuri Shimbun hôm 5/11 đã kêu gọi chính phủ Tokyo củng cố sức mạnh của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển.
Tàu Trung Quốc lại đi vào vùng tranh chấp với Nhật
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết, 4 tàu của chính phủ Trung Quốc hôm 4/11 lại đi vào vùng lãnh hải quanh quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Các tàu hải giám của Trung Quốc đã lượn lờ ở khu vực trong phạm vi 12 hải lý ngoài khơi Uotsurijima – hòn đảo chính nằm trong dãy đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào lúc trưa qua (khoảng 10h theo giờ Hà Nội).
4 tàu của Trung Quốc chỉ rời khu vực sau 3 giờ đồng hồ, tức là vào lúc 13h chiều qua. Tuy nhiên, những con tàu này vẫn ở vùng tiếp giáp lãnh hải, cách đảo Uotsurijima khoảng 24 hải lý, một quan chức thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản – ông Chikao Kawai “đã gọi điện cho Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo - ông Cheng Yonghua để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước việc tàu Trung Quốc xâm phạm vào vùng lãnh hải của Nhật Bản và mức độ ngày càng tăng của những hoạt động này”.
Ông Kawai cho rằng, “hành động khiêu khích lặp đi lặp lại” của Trung Quốc sẽ làm phương hại đến các cuộc tiếp xúc giữa hai nước nhằm làm dịu căng thẳng trong cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Đáp lại, Đại sứ Trung Quốc tái khẳng định lập trường riêng của Bắc Kinh trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư đồng thời cho biết, ông đang tìm kiếm việc giải quyết cuộc tranh chấp này thông qua đối thoại. Tàu Trung Quốc đã ra vào khu vực mà Nhật Bản tuyên bố là thuộc chủ quyền lãnh thổ của họ trong suốt 2 tháng qua kể từ khi Tokyo chính thức mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay những người chủ sở hữu tư nhân. Đây là ngày thứ 16 liên tiếp, tàu thuyền Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải tranh chấp.
Hôm 2/11, 6 tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải xung quanh đảo Uotsurijima. Ngày hôm sau, 3/11, một tàu của Trung Quốc tiếp tục đi vào khu vực này. Trước đó, hôm 1/11, 4 tàu hải giám Trung Quốc cũng đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải ngay bên ngoài vùng biển ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trung Quốc gần đây đang đẩy mạnh các hoạt động tuần tra gần quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản. Hoạt động này đã dẫn đến một cuộc đối đầu trên biển hôm 30/10 giữa hai nước nhưng rất may, không bên nào sử dụng đến vũ lực. Khi đó, các tàu của Trung Quốc được cho là đã xua đuổi một loạt tàu thuyền của Nhật Bản ra khỏi vùng lãnh hải gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Nhật Bản sẽ củng cố sức mạnh của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển?
Tờ Yomiuri Shimbun hôm nay đã lấy lý do về việc tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên “xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku trong suốt 50 ngày qua” để kêu gọi chính phủ có kế hoạch cụ thể nhằm củng cố sức mạnh cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển nước này.
Tờ báo của Nhật Bản cho rằng, hành động của Bắc Kinh trong việc liên tục đưa tàu thuyền vào khu vực tranh chấp là nhằm thể hiện Tokyo không thực sự kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. “Để ngăn cản điều đó, chính phủ nên đưa ra kế hoạch tầm trung và tầm xa để củng cố sức mạnh của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển”.
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) đang triển khai các tàu thuyền của mình từ khắp cả nước để tăng cường các hoạt động tuần tra xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, JCG cần phải thực hiện các cuộc tuần tra như vậy theo định kỳ để có thể giải quyết các vụ tai nạn hàng hải, chống buôn lậu và bảo vệ các nhà máy hạt nhân và nhiều nhiệm vụ khác, tờ Yomiuri Shimbun viết.
Tờ báo trên cũng bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc đang tăng mạnh số lượng tàu hải giám của nước này. Hiện tại JCG đang vượt qua Trung Quốc về số lượng tàu lớn với trọng tải từ 1.000 tấn trở lên. Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt Nhật Bản trong lĩnh vực này vào một thời điểm nào đó.
Về nguyên tắc, tàu tuần tra của JCG chỉ được thay thế khi nó cũ. Điều này cho phép Nhật Bản sẽ duy trì được con số 360 tàu tuần tra. Tuy nhiên, với con số này, JCG sau này có thể sẽ không đối phó nổi với đội tàu được tăng cường thêm của Trung Quốc.
Tờ Yomiuri Shimbun cho biết, ngân sách mà Lực lược Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản nhận được trong năm tài chính 2012 chỉ là 170 tỉ yên, tương đương với giá của một chiếc tàu khu trục được trang bị hệ thống Aegis của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải. Đây là con số không đủ cho JCG thực hiện các cuộc tuần tra hiệu quả ở khu vực biển của nước này.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sử dụng 17 tỉ yên từ nguồn ngân sách dự trữ cho năm tài chính 2012 để đóng thêm các tàu tuần tra mới, trong đó có 4 con tàu lớn.
Theo tờ Yomiuri Shimbun, quyết định trên của chính phủ là thích hợp nhưng tờ báo này cũng kêu gọi lập ra một quỹ dự phòng đặc biệt cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản để chuẩn bị cho viễn cảnh giai đoạn căng thẳng với Trung Quốc bị kéo dài.
Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là Senkaku.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này chưa có người sinh sống nhưng lại sở hữu nguồn cá dồi dào và được cho là chứa một nguồn trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo trên là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung - Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng.
Kiệt Linh - (theo Yomiuri Shimbun, Daily Times, VNmedia)