Trong “kế hoạch củng cố sức mạnh quốc phòng trung hạn” 2006-2011 vừa qua, Nhật Bản đã đưa vào trang bị cho các đơn vị quân đội nhiều loại vũ khí, thiết bị kỹ thuật hiện đại đáp ứng nhu cầu chiến lược của Nhật Bản là trở thành một cường quốc quân sự trong khu vực, trong tương lai.
Hải quân
Hải quân Nhật Bản được Cục phòng vệ nước này rất chú trọng bởi vậy lực lượng này được trang bị rất nhiều loại tàu chiến, tàu ngầm cũng như các loại vũ khí hải quân hùng hậu và hiện đại.
Hải quân Nhật Bản hiện đang biên chế hai tàu chở trực thăng loại 18 nghìn tấn lớp Hyuga. Tàu có thể chở 11 trực thăng cùng đơn vị đổ bộ. Lực lượng này còn được trang bị hai tàu lớp Atago, hai tàu lớp Kongo, hai tàu lớp Hatakaze, một tàu lớp Tachikaze, hai tàu lớp Shirane, hai tàu lớp Haruna, năm tàu lớp Takanami, sáu tàu lớp Murasame, bảy tàu lớp Asagiri, chín tàu lớp Hatsuyuki.
Nhật Bản là một trong những quốc gia sở hữu số lượng tàu ngầm tương đối lớn trong khu vực châu Á cũng như trên thế giới. Các tàu ngầm lớp Soryu, Harushio và Oyashio của Nhật Bản sở hữu những đặc điểm kỹ-chiến thuật tương đối cao và sở hữu vũ khí điện tử, ngư lôi và tên lửa hiện đại. Hiện Hải quân Nhật đang sở hữu ba tàu ngầm tấn công lớp Soryu , 11 tàu lớp Oyashio và hai tàu lớp Harushio dùng cho nhiệm vụ huấn luyện thủy thủ.
Hải quân Nhật Bản còn được trang bị loại tàu quét mìn, bao gồm: hai tàu lớp Uraga, ba tàu lớp Yaeyama, bảy tàu lớp Uwajima, ba tàu lớp Hirashima và 12 tàu lớp Sugashima. Tàu đổ bộ hiện đại như ba tàu đổ bộ lớp Osumi, hai tàu đổ bộ phục vụ lớp I-Go, hai tàu đổ bộ lớp Yura cũng đang thuộc biên chế của lực lượng này. Chính phủ Nhật Bản hiện có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm từ 16 lên 20-22 chiếc và nâng số khu trục lên 47-48 chiếc.
Chiếc thủy phi cơ US-2, được mệnh danh là “Thần biển”, loại vũ khí mà nhiều quốc gia Đông Nam Á đang vướng vào các cuộc tranh chấp lãnh hải rất “để mắt”. Đó vũ khí loại hiện đại nhất hiện nay của Hải quân Nhật Bản.
Đây là loại thủy phi cơ do Nhật Bản tự nghiên cứu và chế tạo. Sau khi nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản cũng bày tỏ sự sẵn lòng cung cấp vũ khí ra nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Á - Thái Bình Dương. Bởi Nhật Bản cũng đồng quan điểm với Mỹ khi nhận định rằng các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nếu sở hữu một sức mạnh “đảm bảo” thì sẽ duy trì được sự ổn định lâu dài tại khu vực này.
Lục quân
- Nhật Bản đã tiến hành loại bỏ 126 xe tăng T-74 và trang bị mới cho các Sư đoàn, Lữ đoàn bộ binh ở phía Bắc Nhật Bản 49 xe tăng T-90. Với việc trang bị loại xe tăng T-90 này cho các đơn vị, làm cho tỷ lệ loại xe tăng này trong các đơn vị Lục quân phía Bắc Nhật Bản tăng lên 69%. Điều này cũng làm cho khả năng cơ động và khả năng tấn công của các đơn vị xe tăng tăng lên rõ rệt so với trước đây.
Nhật Bản cũng đã tiến hành loại bỏ 38 xe bọc thép chở quân T-73 và trang bị cho các Sư đoàn và Lữ đoàn bộ binh cơ động chiến lược 104 xe bọc thép chở quân T-96 có sức cơ động cao hơn. Nhờ đó, sức cơ động của các đơn vị này đã được tăng lên gấp đôi so với trước đây.
Bên cạnh đó, Lục quân Nhật Bản cũng đưa vào sử dụng trang bị cho các Sư đoàn, Lữ đoàn bộ binh cơ động chiến lược 700 xe bọc thép hạng nhẹ, bảo đảm cho sức cơ động của các đơn vị được tăng lên đáng kể.
- Nhật Bản cũng đã tiến hành loại bỏ toàn bộ loại hỏa tiễn 130mm 30 nòng “kiểu 75”' và trang bị cho các đơn vị ở phía Tây Nhật Bản chín giàn hỏa tiễn tự hành 227mm, 12 nòng có tính năng cao hơn. Trang bị cho các Trung đội súng cối thuộc Đại đội bộ binh và các Đại đội súng cối thuộc Lữ đoàn bộ binh 90 khẩu súng cối 81 và 120 mm.
- Nhật Bản còn tiến hành loại bỏ 80 hỏa tiễn chống tăng “kiểu 64” và trang bị cho các đơn vị 400 hỏa tiễn chống tăng loại nhẹ “kiểu 01” hiện đại hơn, nhằm tăng cường khả năng chiến đấu chống xe tăng, xe bọc thép của các lữ đoàn bộ binh.
Nhật Bản cũng tiến hành loại bỏ 60 tên lửa phòng không Howk và trang bị cho các đơn vị phòng không 54 tên lửa đất đối không “kiểu 03’’, trang bị cho các Tiểu đoàn cao xạ thuộc các Sư đoàn bộ binh 25 bệ phóng tên lửa đất đối không tầm ngắn “kiểu 93”, ba tên lửa đất đối không “kiểu 81”, trang bị cho các Tiểu đoàn xe tăng thuộc Lữ đoàn pháo binh khu vực phía Bắc Nhật Bản 108 tên lửa phòng không vác vai “kiểu 91”. Nhờ đó, khả năng phòng thủ phòng không của các đơn vị này đã được nâng lên rõ rệt.
Trang bị cho đơn vị ở Kyodo 10 tên lửa đa năng tầm trung kiểu mới. Loại tên lửa này có thể tiêu diệt được nhiều mục tiêu, như: tàu chiến, xe tăng, xe bọc thép, lô cốt, công sự vững chắc, con người. Việc đưa vào sử dụng loại đầu đạn kiểu mới đã nâng cao khả năng xuyên phá của loại tên lửa này. Ngoài ra, Lục quân Nhật Bản còn trang bị cho các đơn vị nhiều loại máy bay trinh sát, trực thăng, trong đó có trực thăng vũ trang.
Không quân
Kế hoạch hiện đại hoá không quân của Nhật Bản đã được chia ra từng giai đoạn, theo đó trong những năm tới Nhật Bản sẽ đặt mua 42 chiếc máy bay F-35 từ Mỹ. Chính phủ Nhật Bản xem đây là hợp đồng thương mại giữa Nhật Bản với các công ty sản xuất vũ khí của Mỹ nhưng đồng thời là nỗ lực của sự hợp tác song phương giữa hai chính phủ nhằm “làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác song phương với các nước đồng minh”.
Mỹ cũng muốn thông qua các hợp đồng mua bán vũ khí với Nhật Bản để tăng khả năng chiến đấu, trách nhiệm và sự phối hợp của nước này đối với tình hình an ninh khu vực, hỗ trợ cho chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Ichikawa cho rằng, để tăng tiềm lực quốc phòng hướng đến một cường quốc quân sự trong khu vực thì ngoài những nổ lực của chính phủ trong việc nới lỏng xuất khẩu vũ khí dần tiến tới loại bỏ lệnh cấm trên, Nhật Bản cần thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ các tập đoàn công nghiệp tham gia các chương trình hợp tác, nghiên cứu, sản xuất vũ khí; liên kết với các tập đoàn nước ngoài, tham gia vào câu lạc bộ xuất khẩu vũ khí trên thế giới; vấn đề can dự, trong quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước Đông Nam Á cũng là một trong những biện pháp chính, được ưu tiên để giúp lực lượng quân sự Nhật Bản tăng cường khả năng hiện diện quân sự và đối phó với mọi thách thức trong khu vực.
NGUYỄN NHÂM