TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tủ sách biển Đông: Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý...

“Với tất cả tâm huyết và lòng tin mạnh mẽ vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ xin gửi tập sách này đến quý độc giả…”

 

 

Bìa cuốn sách

 “Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” nằm trong Tủ sách “Biển đảo Việt Nam” tập hợp các công trình nghiên cứu, bài báo và tư liệu về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành vào cuối năm 2011, sau sự việc Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 và Viking II đang làm nhiệm vụ trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.



Chủ quyền Việt Nam từ các tư liệu thế giới

Đề cập tới vấn đề Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam dưới cả góc độ lịch sử lẫn pháp lý, bố cục cuốn sách cũng theo đó phân chia thông tin theo mỗi góc độ.

Chúng ta không chỉ đi tìm chủ quyền trong cổ sử Việt Nam, mà ngay cả cổ sử Trung Quốc cũng ghi nhận cương vực lãnh hải chỉ tới đảo Hải Nam. Đó là chuyện các học giả Việt Nam đi tìm chủ quyền của mình từ chính sử sách Trung Quốc và phản biện các luận điểm sai lệch, cố tình bóp méo lịch sử của các học giả nước này.

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đăng tải các bản đồ cổ do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giới thiệu và một số văn kiện xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa từ thời Pháp thuộc đến trước 30/4/1975. Tất cả những điều này làm nên điểm khác biệt của cuốn sách.

Cũng trong cuốn sách, ngoài các bài viết đề cập tới quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam, đáng chú ý, sử liệu mới từ Pháp chứng minh chủ quyền biển đảo Việt Nam được cung cấp bởi ông Adré Hồ Cương Quyết – một người Pháp được công nhận là công dân Việt Nam.

Ông viết, trong trang 70 của cuốn sách này, hai tài liệu mà ông đã cất công sưu tầm được trích từ báo chí xưa của Pháp. Đầu tiên là bài “Trên Biển Đông”, trích từ báo Công giáo La Croix, số ra ngày 15/3/1934 trong đó có ghi rõ sự chiếm đóng và thực thi chủ quyền của Hoàng đế Gia Long, sau đó là chính quyền Pháp nối tiếp xây dựng chùa chiền, hải đăng…

Tư liệu thứ hai là bài đăng trên tờ Le Figaro (Pháp), số ra ngày 5/7/1938 do chính ông lược dịch, có đoạn viết “Những cơ quan thẩm quyền Pháp khi được hỏi đã lưu ý rằng các hòn đảo Hoàng Sa đã được vương triều An Nam chiếm giữ từ đầu thế kỷ trước, được xem như một phần phụ thuộc của vương triều này”.
 

 

Trang đầu cuốn sách Compendio di Geografia (trái) in năm 1850 
và phần viết về chủ quyền của Việt Nam trong cuốn sách cổ. Ảnh: Trần Doãn Trang

Bên cạnh tài liệu của Pháp, ở trang 82 – 86, là những ghi chép của hai tác giả Trần Doãn Trang & Nam Tuân trên con đường đi tìm chủ quyền từ các thư viện quốc tế. Trong đó giới thiệu các sách cổ mà họ tìm thấy trong tu viện Santa Maria al Monte thuộc thành phố Torino, miền Bắc nước Italy.

Cất công tìm hiểu để đưa ra các trích đoạn trong những cuốn sách địa lý của các nhà địa lý nổi tiếng thế giới như Adriano Balbi hay Biagio Soria, trong các phần nói về đế chế An Nam đều chỉ rõ “Thuộc về đế chế này còn có quần đảo Hoàng Sa (Paracel), quần đảo Pirati và quần đảo Côn Sơn (Pulo Condor)”.  

Đây chỉ là một trong số ít những tài liệu phương Tây có đề cập tới Hoàng Sa như một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam, trong các bài sau này, Đất Việt sẽ lần lượt giới thiệu tới các bạn những tài liệu phương Tây khác hiện được lưu trữ tại nhiều thư viện trên thế giới

. Nói như vậy để thấy rằng, chủ quyền của Việt Nam không chỉ được ghi rõ trong sử cổ nước ta mà còn được các nhà địa lý, hàng hải khác trên thế giới công nhận, một cái nhìn khách quan mà Trung Quốc không thể chối bỏ.

Trung Quốc bóp méo lịch sử

Trong bài nghiên cứu của mình (trang 120), nhà nghiên cứu Phạm Hân đã nêu ra 5 “bằng chứng” mà các học giả Trung Quốc đưa ra để làm chỗ dựa cho cái gọi là “hành xử chủ quyền” của Trung Quốc. Nhưng rốt cuộc, các sử sách mà họ trích dẫn chỉ là “gán ghép câu chữ, khoác địa danh nơi này cho nơi kia để sửa lại ý của người xưa, làm sai lệch lịch sử, sao còn có giá trị là ‘bằng chứng’ chứng minh chủ quyền?!”.

Điển hình là việc Chính phủ Trung Quốc sai thủy quân đi “tuần tiễu” các đảo Nam Hải, kỳ thật là cuộc hành quân của quân Nguyên đi đánh Java (còn gọi là Chà Và, nay là Indonesia) năm 1293. Có lẽ phải hiểu đây là một phép chơi chữ để đánh tráo các khái niệm, từ một hành động xâm lược lại trở thành một hành động thực thi chủ quyền. Đó là còn chưa xét đến việc các học giả Trung Quốc cố tình gán ghép tên các địa danh không liên quan để biến thành “Tây Sa” (tức là Hoàng Sa của Việt Nam).

Nhà nghiên cứu cổ sử Việt Nam – Trung Quốc Phạm Hoàng Quân cũng nghiên cứu kỹ lưỡng hầu hết các tổng chí (chép về cả nước), thông chí (chép về một tỉnh) và địa phương chí (chép về phủ, châu, huyện…), ông cho biết, các sách này hầu hết đều chỉ rõ cực Nam của Trung Quốc là huyện Nhai, Hải Nam.

Mặt khác, các địa đồ hành chánh Trung Quốc thể hiện điểm cực nam của Trung Quốc trong cương vực tổng thể vẫn không quá đảo Quỳnh Châu, Hải Nam (xem chi tiết ở trang 146). Một loạt các địa đồ được ông dẫn chiếu như địa đồ hành chánh tỉnh Quảng Đông, Thiên Hạ Toàn Đồ, Hoàng Triều Dư Địa Toàn Đồ, Duyên Hải Thất Tỉnh Khẩu Ngạn Hiểm Yếu Đồ (Các nơi hiểm yếu ở bảy tỉnh ven biển), địa đồ quân sự Quảng Đông Thủy Sư Doanh Quan Binh Trú Phòng Đồ (Các đồn biên phòng của thủy quân Quảng Đông)…

Dưới góc độ luật pháp quốc tế, PGS.TS Nguyễn Hồng Thao cũng phản biện ý kiến của các học giả Trung Quốc về đường lưỡi bò, "liếm đến 75% diện tích biển Đông, 25% còn lại chia đều cho năm quốc gia ASEAN" theo diễn giải của Trung Quốc: "Một biển lớn sao lại có thể rơi vào quyền tài phán của một quốc gia như thế? Nghe thôi đã thấy một sự kệch cỡm".

 

Ngô Kiến Dân, Viện sĩ Viện Khoa học châu Âu, Viện sĩ Viện Khoa học Âu Á, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải.

Lại có ý kiến được đề cập tới của các học giả Trung Quốc giải thích cho đường yêu sách đứt khúc của họ là nhằm phù hợp với các biến đổi nếu có trong tương lai.

Biên giới của một quốc gia không phải là chất co giãn theo thời tiết, huống hồ gì nước lớn như Trung Quốc đang ở vị thế của nền kinh tế thứ hai thế giới, lại còn lăm le tính chuyện xâm lược nơi khác hay sao? Trích lời của ông Ngô Kiến Dân, Viện sĩ Viện Khoa học châu Âu, Viện sĩ Viện Khoa học Âu Á, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải thì “Nếu Nam Hải thật sự trở thành của Trung Quốc thì, nói hơi ngoa một chút, người nước họ bơi ra biển là đã “xuất ngoại” xâm phạm lãnh hải nước khác ư?!”.

 


Đài Trang
Theo Đất Việt

Tin bài mới hơn
    Luật Biển Việt Nam
    Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
    Mời hợp tác kinh doanh
    Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
    Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
    Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
    Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te