Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chứng minh một điều, cường quốc lớn vẫn có thể ngã quỵ trước sức mạnh dân tộc.
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta đã giành được thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975. Để đi đến thắng lợi cuối cùng, dân tộc ta đã phải trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, mất mát và hy sinh, đồng thời cũng đã lập nên biết bao chiến công hiển hách và "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" là một trong những chiến công như thế.
Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Nhà sử học Dương Trung Quốc về thắng lợi này.
PV: Cuối năm 1972, chúng ta và Mỹ đã đi tới hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, nhưng Mỹ đã bội ước, đưa máy bay chiến lược B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng. Xin ông cho biết, thời điểm đó, Mỹ đã vịn vào cớ gì để mở cuộc tập kích trên không vào tháng 12/1972?
Ông Dương Trung Quốc: Tổng thống Johnson sau những thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam thì ông đã quyết định không ra ứng cử Tổng thống và tạo cơ hội cho Nixon của Đảng Cộng hòa lên cầm quyền.
Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: Petro Times) |
Trong những điều Nixon phát biểu, ông ta sẽ sử dụng biện pháp cứng rắn hơn, sẵn sàng sử dụng con át chủ bài là B52 để buộc Việt Nam phải chấp thuận tất cả các điều kiện để Mỹ rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam.
Điều đó là một chuyện không bình thường, bởi B52 là một loại máy bay chiến lược - 1 trong 3 con át chủ bài của Mỹ cùng với tàu ngầm nguyên tử và tên lửa đạn đạo. Các vũ khí này chủ yếu để đối phó với Liên Xô và khối quân sự Warszawa trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Thiết kế ban đầu của B52 chủ yếu là ném bom nguyên tử, nhưng sau này cuộc chiến tranh Việt Nam mở rộng, Mỹ cải tiến loại máy bay này để sử dụng ném một số loại bom thông thường với số lượng lớn để tạo ra sức uy hiếp đối phương.
Đến giữa tháng 12/1972, cả thế giới và những người trong cuộc ở Việt Nam và Mỹ đều nghĩ rằng, Hiệp định Paris được ký kết, hai bên đang chuẩn bị cho việc ký kết đấy thì Mỹ bất ngờ lấy một lý do rất vu vơ là sức ép của chính quyền Sài Gòn đòi hỏi và sửa lại một số điều của bản Hiệp định.
Phía chúng ta nói rằng, Hiệp định đã bàn thảo kỹ không thể thay đổi được. Mượn lý do đấy, bất ngờ vào đêm 18/12, Mỹ huy động một lực lượng lớn máy bay B52 cùng các lực lượng không quân chiến thuật khác tập kích vào hai địa điểm xung yếu của ta là thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng.
PV: Trước một đế quốc Mỹ hùng mạnh với vũ khí hủy diệt hiện đại, nhưng chúng ta đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Là một nhà nghiên cứu sử học, xin ông cho biết nguyên nhân chính đưa đến thắng lợi này?
Ông Dương Trung Quốc: Một trong những nguyên nhân thắng lợi của chúng ta là Bác Hồ đã nhìn ra rất sớm ý đồ của Mỹ và Người đã có những tiên liệu từ trước.
Năm 1962, lúc B52 đang nằm trong kho vũ khí tuyệt mật của Mỹ, không ai nghĩ sẽ sử dụng cho những cuộc chiến tranh cục bộ cả. Bác đã hỏi các đồng chí lãnh đạo phòng không không quân là đã biết B52 chưa, đã nghiên cứu chưa và nhắc nhở phải nghiên cứu.
Đến năm 1965, khi Mỹ bắt đầu ném bom bằng máy bay B52, Bác đã đến những đơn vị đầu tiên của chúng ta đương đầu với B52 và nói rằng, chúng ta sẽ quyết tâm đánh thắng, kể cả máy bay B52.
Có thể nói, chính trên cơ sở, sự chỉ đạo ấy mà quân chủng phòng không không quân đã có sự chuẩn bị rất sớm trong tìm hiểu và đưa ra các phương án tác chiến mặc dù B52 chưa đến.
Đến năm 1967, trong một lần trao đổi với các đồng chí lãnh đạo phòng không không quân, Bác đã đưa ra lời tiên đoán rằng, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của chúng ta sẽ kết thúc trên bầu trời Hà Nội. Mỹ sẽ sử dụng B52 và coi đó là đòn chiến lược, thử sức với chúng ta lần cuối.
Bác đã ra đi từ năm 1969, nhưng tất cả những gì diễn ra đúng như sự định liệu của Bác. Vì thế, đến khi chúng ta đối phó với B52 không có gì bất ngờ.
Cho đến giờ, mới chỉ có ở Việt Nam là nơi duy nhất máy bay B52 bị bắn hạ. Sau này, Mỹ tiếp tục sử dụng trong một số cuộc chiến tranh ở Trung Đông, lúc đó vũ khí tên lửa của các quốc gia này được trang bị rất hiện đại mà hầu như chưa có một chiếc máy bay B52 nào bị bắn hạ, chỉ bị rơi do yếu tố kĩ thuật, tai nạn…
PV:Chiến thắng vẻ vang Hà Nội- “Điện Biên Phủ trên không” mang ý nghĩa như thế nào đối với tiến trình lịch sử chống xâm lược của nước ta, thưa ông?
Ông Dương Trung Quốc: Khi Mỹ đã sử dụng đến con bài cuối cùng, con bài dự trữ chiến lược vào trong một trận chiến tranh ở Việt Nam mà thất bại, thì rõ ràng điều đó làm Mỹ không thể chịu đựng nổi. Cộng với sức ép của dư luận thế giới, trong đó có cả dư luận của nhân dân Mỹ, cuối cùng Nixon phải chấp nhận kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Việc rút lui quân là tiền đề quân và dân ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng ta kết thúc thắng lợi của toàn bộ tiến trình lịch sử, ít nhất là gắn với Cách mạng tháng 8 và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Cho nên “Điện Biên Phủ trên không” không chỉ là một trận thắng của một chiến dịch mà là bước ngoặt của lịch sử. Phải gắn chặt “Điện Biên Phủ trên không” với tổng tiến quân nổi dậy mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” của mùa xuân năm 1975 thì chúng ta mới thấy hết được tầm vóc của nó. Tầm vóc của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chỉ quan trọng đối với lịch sử dân tộc Việt Nam mà nó làm cho thế giới hiểu rằng, có những sức mạnh có thể chiến thắng được các cường quốc lớn: Đó là sức mạnh của lòng yêu nước, triệu người như một, là bản lĩnh Việt Nam đã làm nên thắng lợi của chiến tranh nhân dân.
PV: Xin cảm ơn ông!./.