Gói kích thích kinh tế lần 3 của Mỹ có thể vượt 1.000 tỷ USD
Với việc ông Barack Obama tái đắc cử tổng thống, giới phân tích cho rằng, Mỹ sẽ in thêm tiền để kích thích kinh tế và khó tránh “vách đá tài khóa”.
Đồng sáng lập quỹ đầu tư Quantum, ông Jim Rogers cho rằng, chính sách của ông Obama sẽ khiến giá hàng hóa tăng, USD giảm và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ in thêm tiền, mua thêm nợ và chi tiêu chính phủ sẽ nhiều hơn.
Chuyên gia kinh tế tại chính tại at JPMorgan và Pierpont Securities cho rằng, dưới thời ông Obama, Fed chỉ có lựa chọn thúc đẩy kinh tế và gói kích thích hay nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) có thể vượt 1.000 tỷ USD.
Hồi tháng 9, Fed tuyên bố tung ra QE3 mua 40 tỷ USD trái phiếu và hoán đổi 85 tỷ USD trái phiếu ngắn hạn sang dài hạn mỗi tháng cho đến khi thị trường lao động được cải thiện.
Một số nhà quan sát cho rằng, chương trình kích thích kinh tế này của Mỹ sẽ kéo dài đến nửa đầu 2014. Kinh tế trưởng tại Pierpont, ông Stephen Stanley nhận định, Fed sẽ chưa ngừng kích thích cho đến khi họ chưa thỏa mãn về tình hình kinh tế.
Trong khi đó, chủ tịch Fed tại San Francisco trong tuần này dự báo, quy mô QE3 có thể vượt 600 tỷ USD.
Về việc ông Obama tái đắc cử và khả năng giải quyết “vách đá tài khóa” (do tăng thuế và giảm chi tiêu), cựu chủ tịch Fed Alan Greenspan cho rằng, cuộc bầu cử ngày 6/11 không làm giảm bớt bế tắc chính trị cũng như các thách thức tài khóa của Mỹ.
Nếu không đạt được thỏa thuận về ngân sách vào cuối năm nay, Mỹ sẽ đối mặt với “vách đá tài khóa” hay tăng thuế, giảm chi tiêu tự động trị giá 607 tỷ USD vào đầu năm sau.
( VNC, Gafin)
-----------
Cựu lãnh đạo Libya đối mặt với tội danh giết người
Ngày 7/11, một tòa án quân sự tại thành phố Benghazi, miền Đông Libya, đã lệnh cho các công tố viên điều tra cựu lãnh đạo thời kỳ chuyển tiếp của nước này, ông Mustafa Abdel Jalil, liên quan đến cái chết của Tướng Abdel Fatah Yunes, người đã chỉ huy các lực lượng chống đối hồi năm 2011.
Ông Jalil là cựu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC), một cơ quan chính trị đại diện cho lực lượng chống đối trong cuộc xung đột năm 2011.
Ngày 8/8, NTC đã giải tán sau khi chuyển giao quyền lực cho Quốc hội khóa mới được dân bầu ra, trong một động thái mang tính biểu tượng đánh dấu sự chuyển giao hòa bình sau cuộc lật đổ chế độ 40 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Tướng Yunes là Tổng tư lệnh lực lượng của NTC, và trước đó từng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Nội vụ dưới chính quyền của cựu lãnh đạo Gaddafi. Ông bị sát hại tháng 7/2011 khi đang trên đường trở về thành trì Benghazi theo lệnh của NTC để báo cáo tình hình chiến sự.
Sau khi vụ việc xảy ra, ông Jalil cho biết Tướng Yunes đã bị một nhóm tay súng có vũ trang bắn chết, đồng thời cáo buộc những người ủng hộ ông Gaddafi phải chịu trách nhiệm về cái chết này.
Tòa án trên cho biết phiên xét xử ngày 7/11 được hoãn lại đến ngày 20/2/2013 vì Trưởng Công tố chưa thẩm vấn một số người bị tình nghi là có liên quan đến vụ sát hại ông Yunes.
Cùng ngày, các thành viên thuộc bộ tộc Al-Obeidi của Tướng Yunes cảnh báo sẽ tự giành lại công lý nếu chính quyền mới của Libya tiếp tục "phớt lờ" vụ án này. Họ cho rằng NTC đóng một vai trò nào đó trong vụ ám sát Tướng Yunes./.
(TTXVN)
-----------
"Nền kinh tế Iraq sẽ tăng trưởng nhanh nhất thế giới"
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair vừa nhận định Iraq sẽ là một trong các nền kinh tế có nhịp độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thập niên tới, mặc dù đất nước này vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Ông Blair dự đoán kinh tế Iraq năm nay sẽ tăng khoảng 9% và doanh thu dầu mỏ ước đạt khoảng 100 tỷ USD/năm hiện nay của đất nước có thể sẽ tăng lên gấp ba lần vào năm 2020.
Hiện ngành năng lượng của Iraq đang cố tập trung mọi nguồn lực để tăng nhanh sản lượng dầu mỏ và khí đốt nhằm phục vụ xuất khẩu.
Nguồn cung ứng “vàng đen” của Iraq dự kiến sẽ đạt 8,3 triệu thùng/ngày vào năm 2035 và để hiện thực hóa khả năng cung cấp “vàng đen” đó, cần có sự đầu tư tích lũy khoảng 530 tỷ USD từ nay đến năm 2035.
Iraq đang là nhà cung cấp chính cho thị trường châu Á với mức tiêu thụ gia tăng nhanh chóng. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thu nhập từ xuất khẩu dầu của Iraq có thể mang lại cho nước này tổng cộng gần 5.000 tỷ USD trong giai đoạn 2012-2035.
Với tiềm năng về dầu khí và năng lượng phong phú như vậy, ông Blair đã kêu gọi các doanh nghiệp Anh và các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư tại đất nước này./.
(Stockbiz)
--------
“Ngay sau khi đắc cử, ông Obama sẽ tới Myanmar”
AFP dẫn lời một quan chức chính phủ Myanmar cho biết, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Barack Obama sẽ tới thăm Yangon ngay trong tháng 11, một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Washington với tiến trình cải cách ở quốc gia Đông Nam Á này.
“Obama sẽ tới Yangon ngày 19/11. Ông sẽ gặp Tổng thống và Daw Aung San Suu Kyi tại đây,” quan chức giấu tên nói trên cho biết đồng thời nói thông tin chi tiết sẽ được giữ bí mật để đảm bảo an ninh.
“Daw” là một cách gọi thể hiện sự tôn trọng ở Myanmar.
Hiện Nhà Trắng chưa xác nhận chuyến thăm tới Myanmar của ông Obama.
Theo AFP, sau khi tái đắc cử, ông Obama sẽ hạn chế công du nước ngoài cho tới trước Lễ Tạ ơn ngày 22/11, đồng thời còn vướng bận giải quyết tranh cãi tại Quốc hội Mỹ về vấn đề ngân sách.
Thời gian qua, quan hệ giữa Mỹ và Myanmar đã tan băng kể từ khi Tổng thống Thein Sein lên nắm quyền, rồi sau đó có chuyến công du tại Mỹ dự phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trở thành thành đạo Myanmar đầu tiên phát biểu tại đây.
Tiếp theo đó là hàng loạt chuyến thăm Myanmar của các quan chức Mỹ, gồm cả Ngoại trưởng Hillary Clinton./.
(Vietnam+)
--------
Hy Lạp huy động được 1,3 tỷ euro trái phiếu lãi suất thấp
Ngày 6/11, cho dù vẫn chưa hoàn tất được các chi tiết của gói biện pháp khắc khổ, Hy Lạp đã huy động được 1,3 tỷ euro (1,7 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn 6 tháng, với mức lãi suất giảm nhẹ xuống mức 4,41%.
Khi đã bị đẩy ra khỏi các thị trường trái phiếu dài hạn kể từ năm 2010 và có thể bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 6 liên tiếp, Hy Lạp đã phải dựa vào các khoản cho vay cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và thường xuyên phải phát hành trái phiếu ngắn hạn.
Để được giải ngân 31,5 tỷ euro tiếp theo trong gói cứu trợ để tránh bị phá sản vào giữa tháng 11, Quốc hội Hy Lạp phải bỏ phiếu về gói các biện pháp khắc khổ mới.
Theo Cơ quan quản lý nợ công, Dự luật về các biện pháp khắc khổ đề xuất việc cắt giảm chi tiêu và các cải cách khác trị giá 18,5 tỷ euro (23,6 tỷ USD) đến năm 2016, và đã được chuyển lên Quốc hội vào ngày 5/11 để tiến hành bỏ phiếu vào ngày 7/11.
Dự luật đưa ra các biện pháp khắc khổ như tăng độ tuổi nghỉ hưu từ 65 tuổi lên 67 tuổi, tinh giản biên chế trong lĩnh vực công, "đóng băng" lương tối thiểu ở mức 580 euro/tháng, cắt giảm chi tiêu công và chi cho phúc lợi xã hội, tăng thuế đối với xăng dầu và thuốc lá.
Những biện pháp này là nhằm hạ thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP vào năm 2016 thay vì vào năm 2014 như kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, Hy Lạp sẽ phải tiết kiệm được 13,5 tỷ euro trong số tiền trên vào năm 2014.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã hối thúc Hy Lạp đạt thỏa thuận cuối cùng với bộ ba nhà tài trợ quốc tế, nói các chính đảng của nước này cần đạt được sự nhất trí về luật tư nhân hóa mà các nhà tài trợ đã yêu cầu.
Cuộc họp của các bộ trưởng tài chính châu Âu để quyết định về các quỹ cứu trợ đã được hoãn đến ngày 12/11 để Hy Lạp có thêm thời gian giải quyết các vấn đề còn lại.
TTXVN/ Tin Tức
-------
Séc: 11 chính khách tham gia tranh cử tổng thống
Bộ Nội vụ Séc tối 6/11 đã ngừng nhận hồ sơ của các ứng cử viên ra tranh chức tổng thống mới và có tổng cộng 11 chính khách nước này đã nộp đủ các giấy tờ liên quan.
Cuộc bầu cử tổng thống Séc trực tiếp lần đầu tiên dự kiến sẽ được tiến hành vào hai ngày 11-12/1/2013. Từ nay đến ngày 23/11 tới, Bộ Nội vụ Séc phải hoàn thành việc xem xét hồ sơ tranh cử của 11 chính khách trên để công bố danh sách ứng cử viên chính thức ra tranh cử chức nguyên thủ quốc gia mới.
Theo luật định, mọi ứng cử viên đều phải nộp đủ danh sách 50.000 chữ ký ủng hộ của cử tri Séc và của 20 hạ nghị sĩ hoặc của 10 thượng nghị sĩ. Trong số những chính khách đã nộp đơn có Ngoại trưởng Karel Schwarzenberg, Phó Chủ tịch Thượng viện Premysl Sobotka, cựu Bộ trưởng Kinh tế Vladimir Dloughi và doanh nghiệp gốc Nhật Bản Tomio Ocamura.
Tổng thống đương nhiệm của Séc, ông Vaslaw Klaus đã giữ trọng trách nguyên thủ quốc gia hai nhiệm kỳ liên tục nên theo luật định không được quyền ra tranh cử tiếp.
Dư luận Séc đánh giá hai ứng cử viên Schwarzenberg và Sobotka có nhiều khả năng đắc cử vào đầu năm tới.
TTXVN/Tin tức
-------
Pháp công bố gói biện pháp mới chống khủng hoảng
Trong thời gian từ nay đến năm 2017, Pháp có thể tạo thêm từ 300-400 nghìn việc làm mới nhờ áp dụng các biện pháp ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước. Đây là tuyên bố của Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault ngày 6/11 khi thông báo gói biện pháp mới chống khủng hoảng nhằm vực dậy nền kinh tế nước này.
Chính phủ Pháp đã đưa ra một kế hoạch dự trù cho các công ty nhà nước hưởng một khoản hoàn thuế tổng cộng 20 tỷ ơrô (euro) trong vòng 3 năm, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các công ty này. Để có được 50% khoản chi đặc biệt này, chính phủ dự kiến cắt giảm mạnh chi tiêu công. Số tiền còn lại dự kiến thu được từ việc tăng các sắc thuế khác, trong đó có thuế giá trị gia tăng. Thủ tướng Âyrôn nhấn mạnh rằng để thực hiện các biện pháp này cần phải làm rất nhiều việc trong thời gian dài. Ông đồng thời bày tỏ hy vọng các biện pháp này sẽ giúp vực dậy kinh tế đất nước, qua đó Pháp có thể lấy lại lòng tin của giới đầu tư cũng như thúc đẩy mọi thành phần tham gia thị trường.
Trong bối cảnh khó khăn kinh tế hiện nay, nạn thất nghiệp đang nổi lên như một vấn đề gai góc nhất đối với nước Pháp. Theo số liệu thống kê mới nhất do Bộ Lao động Pháp công bố, số người thất nghiệp tại Pháp tính đến tháng 9 vừa qua đã lên tới 3 triệu 57 nghìn người. Trong 30 năm qua, nước Pháp đã mất đi hơn 2 triệu việc làm trong ngành công nghiệp. Cán cân thương mại từ chỗ thặng dư 3,5 tỷ ơrô trong năm 2002 đã bị thâm hụt ngày càng nhiều, lên tới 71,2 tỷ ơrô trong năm 2011.
TTXVN/Tin tức
------
100.000 người ở Khu Tài chính London mất việc
Số việc làm trong Khu Tài chính London, nơi đặt trụ sở của nhiều công ty và ngân hàng hàng đầu thế giới, dự kiến trong năm tới sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua do các ngân hàng và tổ chức đầu tư tiếp tục cắt giảm nhân lực vì hoạt động yếu ớt.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) Anh cho biết, số người làm việc trong ngành tài chính ở London không kể nhân viên kế toán và luật sư, đã giảm xuống chỉ còn 250.000 người trong năm nay, giảm 11% so với năm ngóai. Con số này là hơn 350.000 người thời kỳ trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính.
CEBR cho biết Khu tài chính đang buộc phải cắt giảm việc làm trong bối cảnh giao dịch trầm lắng trên các thị trường tiền tệ và chứng khoán, cũng như ít có các thương vụ mua lại và sáp nhập doanh nghiệp. Viện nghiên cứu này dự báo nhân lực sẽ tiếp tục bị cắt giảm vào năm tới, xuống còn hơn 237.000 người.
Ông Kevin Burrowes, chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ tài chính của PricewaterhouseCooper chi nhánh ở Anh, cho biết ngành tài chính đang trải qua một sự thay đổi “đau đớn” để có “cân bằng mới”. Ông cho biết những áp lực như yêu cầu mới về vốn và các qui định nghiêm ngặt hơn sẽ dẫn đến việc tiếp tục cắt giảm nhân lực trong năm tới.
Tháng trước, một điều tra chung của PwC cùng với Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) về ngành tài chính cho thấy 60% số các ngân hàng báo cáo số liệu nhân lực giảm trong ba tháng tính đến tháng 9/2012.
Hồi tuần trước, ngân hàng UBS Thụy Sĩ công bố cắt giảm tới 3.000 việc làm tại các chi nhánh của họ ở London, trong kế hoạch cắt giảm nhân lực lên đến 10.000 người của ngân hàng này. Credit Suisse và Deutsche Bank cũng công bố cắt giảm việc làm, trong khi ngân hàng Barclays và Societe Generale cho biết họ sẽ chỉ thu hẹp các hoạt động đầu tư của mình.
Trong khi đó, theo trang web eFinancialCareers, việc làm trong lĩnh vực tài chính ở Anh đã giảm 24% trong ba tháng tính đến tháng 9 năm nay so với năm trước. Trang web này cho biết ở một số nơi trên thế giới, việc làm trong lĩnh vực này đã giảm ở mức hai con số, như ở Australia là 34% và ở Mỹ là 18%.
TTXVN/Tin tức
------
Thị trưởng Montreal từ chức vì bị cáo buộc tham nhũng
Trước các cáo buộc tham nhũng, thị trưởng thành phố Montreal của Canada, ông Gerald Tremblay, đã từ chức.
Theo AFP ngày 6-11, một ủy ban do thẩm phán tòa án tối cao France Charbonneau đứng đầu đã nhận được những cáo buộc rằng đảng của ngài thị trưởng đã nhận tiền lại quả từ việc đấu thầu xây dựng. Ủy ban này đang điều tra các cáo buộc tham nhũng, gian lận đấu thầu và nhận tiền lại quả từ các hợp đồng xây dựng của chính quyền. Các nhân chứng cũng nói với ủy ban rằng ông Tremblay biết rõ về các chi tiêu và hoạt động tài chính trái luật của đảng này.
Là thị trưởng thành phố lớn thứ hai của Canada từ năm 2001, ông Tremblay (70 tuổi) đã lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc.
“Từ lâu, cha tôi đã khuyên tôi đừng theo con đường chính trị bởi nó sẽ hủy hoại tôi. Nhưng tình yêu và cảm xúc của tôi dành cho Quebec và Montreal đã đưa đường dẫn lối tôi đến điều tôi phải lựa chọn” - ông nói.
Ông cũng lấy làm tiếc vì lòng tin của mình bị phản bội nhưng ông chấp nhận “toàn bộ trách nhiệm” về hậu quả.
VIỆT PHƯƠNG
Tuổi Trẻ
-------
Israel chuẩn bị các bước trừng phạt người Palestine
Israel có thể hủy Nghị định thư Paris, một hiệp định kinh tế quan trọng ký với chính quyền Palestine.
Ngày 6/11, các thành viên Nội các Israel cân nhắc các bước đi nhằm trừng phạt người Palestine nếu nước này vẫn quyết tâm theo đuổi chiến dịch nâng cấp quy chế của họ lên “Nhà nước quan sát phi thành viên” tại Liên Hợp Quốc trong tháng 11 này.
Nếu quy chế của Palestine được nâng cấp từ thực thể quan sát viên lên nhà nước quan sát phi thành viên thì Palestine có thể sẽ gia nhập các tổ chức như Tòa án Hình sự quốc tế, điều mà Israel không hề muốn vì khi gia nhập tổ chức này Palestine có thể đệ đơn kiện Israel đã chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine.
Một quan chức Israel giấu tên cho biết, nếu Palestine vẫn thúc đẩy chiến dịch vừa nêu, Israel có thể hủy Nghị định thư Paris, một hiệp định kinh tế quan trọng ký với Chính quyền Palestine, qua đó sẽ giữ lại tiền thuế mà Israel thu hộ cho chính quyền Palestine.
Nỗ lực xin nâng cấp quy chế của Palestine có nhiều khả năng thành công khi Palestine đệ đơn lên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 11 này./.
Trần Nga/VOV-Trung tâm tin
(Theo Reuters)
---------------
Quân nổi dậy sát hại em trai Chủ tịch Quốc hội Syria
Hãng thông tấn SANA của Syria cho biết ngày 6/11, "quân khủng bố" đã chặn xe và xả súng bắn chết ông Mohammad Osama al-Laham, em trai của Chủ tịch Quốc hội Syria đương nhiệm, khi ông này đang trên đường đi làm tại ngoại ô thủ đô Damascus.
Chi tiết của vụ việc này hiện chưa được công bố và vẫn chưa có tổ chức nào tuyên bố nhận trách nhiệm tiến hành vụ tấn công. Tuy nhiên, trước đó, Quân đội Syria tự do (FSA) đã nhận trách nhiệm về hơn một chục vụ tấn công tương tự nhằm vào các quan chức chính phủ và các tướng lĩnh quân đội Syria.
Tuần trước, FSA tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công sát hại Tướng Abdullah Mahmud al-Khalidi thuộc lực lượng không quân Syria.
Vụ sát hại ông al-Laham chỉ diễn ra một ngày sau lễ tang của phát thanh viên truyền hình nổi tiếng người Syria gốc Palextin Mohamed Rafeh, người có quan điểm ủng hộ Chính phủ và công khai phản đối quân nổi dậy vũ trang.
Trong một diễn biến khác, ngày 6/11, hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 7 tướng quân đội Syria đã đào tẩu sang nước này và được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt tại thị trấn Reyhanli, tỉnh Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ./.
Theo Vietnam+, ĐVO