TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tân Hoa xa lo "sốt vó" trước các động thái dồn dập của quân đội Mỹ

Báo chính thống Trung Quốc đã đi sâu phân tích các động thái quân sự mới của Mỹ, dành nhiều lời "khuyên", bóng gió răn đe các nước láng giềng và cả Mỹ…
 

Tàu sân bay USS George Washington trên biển Đông

Tân Hoa xã vừa có bài viết cho rằng, trong thời gian gần đây, Mỹ dồn dập “thể hiện cơ bắp” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có thái độ “thiên vị” trong vấn đề đảo Senkaku, đồng thời tăng cường bố trí lực lượng quân sự ở Nhật Bản.

Mỹ đã cử cụm chiến đấu tàu sân bay động cơ hạt nhân USS George Washington đến biển Đông và viếng thăm Philippines, tăng cường “nhuệ khí” cho nước này.

Có thể nói, Mỹ đã thực sự rất coi trọng đối với các khu vực ở xung quanh Trung Quốc. Một loạt các động thái của Mỹ đều mở đường cho chiến lược “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương” của họ.

Quân Mỹ có những động thái khác thường và dồn dập ở xung quanh Trung Quốc

Ngày 17/10, quân Mỹ thừa nhận đóng quân mang tính “nửa vĩnh viễn” ở vịnh Subic của Philippines; ngày 18/10, quân đội hai nước Mỹ-Philippines tổ chức cuộc diễn tập quân sự đổ bộ liên hợp; ngày 22/10, tàu sân bay Mỹ sau khi chạy xuyên qua vùng biển bãi cạn Scarborough đầy khí thế, đã tiến hành diễn tập quân sự với phía Philippines; đầu tháng 11/2012, Mỹ và Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục tiến hành diễn tập ở đảo Irisuna tỉnh Okinawa (dự kiến ban đầu là diễn tập đoạt đảo)…

Tình hình tranh chấp đảo giữa nhiều nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng sự mong muốn chủ động thể hiện vai trò một cách tích cực của các nước như Nhật Bản, Philippines làm cho quân Mỹ ở khu vực này đã phô diễn một tư thế “ứng phó Trung Quốc”.

 

Mỹ đã triển khai 12 máy bay trực thăng/vận tải cánh xoay MV-22 Osprey tại căn cứ Futenma, Okinawa, Nhật Bản.

Từ khi tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh của Trung Quốc được bàn giao cho hải quân nước này ngày 25/9 cho đến nay, sự tương tác giữa quân Mỹ và đồng minh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã trở nên ngày càng dày đặc và tập trung.

Từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Philippines, Singapore, tiếp đến Ấn Độ, Australia, cùng với sự điều chỉnh chiến lược của quân Mỹ tái tập trung ở châu Á-Thái Bình Dương, một chuỗi đảo phong toả lục địa Đông Á đang từng bước được thêu dệt và tăng cường.

Những năm gần đây, cùng với việc thúc đẩy chiến lược “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương”, Mỹ cũng đã tái triển khai và điều chỉnh lực lượng quân sự tại Guam, đã mở thêm căn cứ Darwin ở Australia và triển khai tàu chiến đấu duyên hải ở căn cứ Changi ở Singapore.

Một loạt động thái này đều cho thấy, tiếp tục thêu dệt, tăng cường chuỗi đảo phong toả lụa địa Đông Á là mục tiêu chiến lược quan trọng của Mỹ.

Lục quân Mỹ xem xét tăng cường triển khai luân phiên ở châu Á-Thái Bình Dương

Cùng với việc kết thúc từng bước các chiến dịch ở Afghanistan, một sĩ quan cấp cao của Lục quân Mỹ cho biết, ông hy vọng Lục quân Mỹ bắt đầu có cơ hội triển khai luân phiên từ 30-45 ngày, điều này sẽ có thể giúp cho các quân nhân cùng huấn luyện với các đồng nghiệp ở toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 

Mỹ-Hàn diễn tập bắn đạn thật tại Cheorwon, Hàn Quốc. Quân Mỹ đóng tại Hàn Quốc yêu cầu Lầu Năm Góc tăng số lượng máy bay và tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa

Tại một hội nghị ngày 22/10, Kvitzinski nhấn mạnh, cùng với việc Mỹ thực hiện nguyên tắc chỉ đạo chiến lược mới lấy khu vực châu Á-Thái Bình Dương làm trọng điểm, mở rộng sự tham gia của Lục quân là vấn đề rất quan trọng.

Nhưng ông thừa nhận, bất kể là Mỹ hay đồng minh và đối tác của họ tại khu vực này, đều không có hứng thú với việc xây dựng căn cứ quân Mỹ mới ở đây.

Ông cho biết, điều mong muốn hơn là để cho quân đội triển khai luân phiên để hỗ trợ cho các cuộc diễn tập nhiều hơn và giao lưu với quân đội các nước khác.

Lính thủy đánh bộ cũng đang kết thúc triển khai luân phiên 6 tháng ở Darwin, Australia, hơn nữa tàu chiến đấu duyên hải đầu tiên của Hải quân Mỹ cũng sẽ bắt đầu triển khai luân phiên ở Singapore.

“Bóng ma” Mỹ đằng sau đảo Senkaku

Quan chức ngoại giao Nhật Bản tiết lộ: Tạo ra tranh chấp Trung-Nhật là một phần trong chiến lược của Mỹ.

Một cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản đã chỉ trích Mỹ đã thao túng Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhằm “loại bỏ” những Thủ tướng có ý định tiếp tục phát triển quan hệ với Bắc Kinh.

Vị cựu quan chức này tên là Magosaki Ukeru, từng làm người phụ trách Cục Tình báo Quốc tế, Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Một cuốn sách do ông viết gần đây đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật Bản.

 

Tàu chiến đấu duyên hải của Mỹ sẽ được triển khai ở căn cứ Changi, Singapore vào năm 2013

Cuốn sách mang tên “Chân tướng của lịch sử sau chiến tranh”. Trong cuốn sách cho biết, Mỹ sẽ vĩnh viễn không rút khỏi các các cứ quân sự ở lãnh thổ Nhật Bản, bất kể là người dân địa phương chống đối mạnh mẽ thế nào. Magosaki Ukeru còn cho rằng, một số phe phái ở Mỹ thậm chí càng muốn thấy Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân.

Ngày 30/10, tại Tokyo, Magosaki Ukeru cho biết: “Trong cuốn sách, tôi phân chia các nhà lãnh đạo Nhật Bản ra làm 2 phe: Một phe hy vọng tìm kiếm chính sách ngoại giao độc lập, còn một phe tuân theo chỉ thị và chính sách của Mỹ”.

Ông còn nói: “Người của phe thứ nhất không được Chính phủ Mỹ hoan nghênh, thường nhanh chóng bị loại khỏi cương vị Thủ tướng”.

Ông cho biết, Washington sẽ không trực tiếp hành động, mà là thông qua vai trò ảnh hưởng của một số chính trị gia, truyền thông, quan chức chính phủ và các giám đốc điều hành công ty lớn để thực hiện mục tiêu này.

Triển khai lực lượng ở châu Á-Thái Bình Dương của quân Mỹ phía sau đảo Senkaku

Trong vấn đề quân Mỹ đồn trú ở châu Á-Thái Bình Dương, dư luận bên ngoài rất dễ quan sát được một vấn đề là sự thay đổi về số lượng.

Tháng 6/2012, tại Hội nghị Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố quân Mỹ sẽ bố trí 60% tàu chiến ở khu vực Thái Bình Dương trước năm 2020 để thể hiện Mỹ quyết tâm “dịch chuyển chiến lược sang hướng Đông”.

 

Mỹ-Nhật đã đạt nhất trí triển khai hệ thống radar cảnh báo sớm tên lửa sóng ngắn X-band thứ hai ở phía nam Nhật Bản, đồng thời Mỹ còn dự kiến triển khai ở Đông Nam Á.

Nhưng, ngược dòng lịch sử, việc “tăng quân” lần này càng giống với một cuộc “chạm đáy”, bởi vì trước đó Mỹ thực ra luôn “giảm quân” ở khu vực Đông Á. Sau Chiến tranh Lạnh, trong 20 năm Mỹ tổng cộng đã cắt giảm 40.000 quân đồn trú ở châu Á-Thái Bình Dương.

Nói chung, số lượng quân Mỹ đồn trú ở châu Á-Thái Bình Dương trước hết là dần dần giảm, sau đó dần dần tăng, diễn ra theo xu hướng hình chữ “V”.

Số lượng quân Mỹ đồn trú ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay không phải là cao nhất trong lịch sử, như vậy thì “chất lượng” quân Mỹ có gì thay đổi không?

Cần phải thấy rằng, cùng với việc theo đuổi “đơn giản hóa” triển khai ở tuyến đầu, quân Mỹ luôn quan tâm rất lớn đến việc xây dựng chất lượng, khả năng chiến đấu của quân đồn trú Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương không hề bị suy giảm bởi phương châm “giảm quân”, thậm chí còn được tăng cường ở mức độ nhất định.

Chẳng hạn, số lượng căn cứ quân sự ở Guam đã tăng lên, lần lượt đã xây dựng kho dự trữ nhiên liệu cỡ lớn, bến cảng nước sâu, trung tâm chỉ huy-kiểm soát, triển khai rất nhiều trang bị quân sự kiểu mới, trở thành “trung tâm điều động lực lượng” và “đầu mối trọng yếu về chiến lược” ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

 

Căn cứ Futenma của quân Mỹ tại Nhật Bản. Mỹ tăng cường triển khai những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất tại Okinawa, phục vụ cho chiến lược mới

Nhưng nhìn vào tổng thể, Tân Hoa xã cho rằng, do bị ảnh hưởng bởi các nguồn lực, đặc biệt là tài chính, số lượng “điểm biến đổi về chất” của quân Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương rất ít, nhiều điểm đóng quân chủ yếu là tập trung vào các nội dung đơn lẻ xây dựng hạ tầng cơ sở, đổi mới vũ khí và tăng cường huấn luyện, còn xa mới đạt được hiệu ứng “diện biến đổi về chất” một cách tổng thể.

Cụ thể như cụm căn cứ quân Mỹ ở Okinawa (chỉ cách đảo Senkaku hơn 400 km) cũng có đặc điểm này. Trong nhiều lần cắt giảm, mức độ “giảm quân” ở Okinawa tương đối lớn so với các khu vực khác, nhưng tuyệt đối không phải bị suy yếu mạnh. Trong khi đó, những nỗ lực tăng cường chất lượng của họ đã thu hút sự chú ý, ý đồ đều nhằm vào tác chiến giành thắng lợi trên biển-trên không.

Quân Mỹ ở Okinawa sau “giảm quân” chủ yếu lấy không quân và một phần lực lượng lính thủy đánh bộ làm chính, số lượng hoàn toàn không nổi bật, cơ cấu cũng không hoàn thiện, về chất lượng chỉ có ít vũ khí có ưu thế đối kháng đơn lẻ, ý đồ tác chiến chỉ giới hạn ở tiến hành các cuộc chiến có quy mô trung bình trở xuống.

Kịch bản chia rẽ Nhật - Mỹ

Tân Hoa xã cho rằng, Mỹ là người khởi xướng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đảo Senkaku giữa Trung-Nhật và cũng là thủ phạm mở rộng mâu thuẫn và tranh chấp giữa hai bên.

40 năm trước, Mỹ đã biên kịch và đạo diễn một bộ phim truyền hình nhiều tập “Tranh chấp đảo Senkaku Trung-Nhật” thực sự, hiện nay tranh chấp chủ quyền đảo giữa Trung-Nhật còn bị Mỹ kiểm soát và chi phối.

Báo chí TQ tuyên truyền rằng, mục đích của Mỹ là muốn Trung Quốc và Nhật Bản cãi nhau, chứ không được đánh nhau.

"Mục đích ban đầu thiết kế ra “bộ phim nhiều tập” này chính là “chiến tranh trai cò Trung-Nhật” (không muốn mất ai), còn Mỹ làm “ngư ông đắc lợi”. Chỉ cần khi nào Trung Quốc và Nhật Bản sống yên ổn với nhau, Mỹ sẽ kích hoạt". - THX tuyên truyền.

 

Mỹ-Nhật diễn tập quân sự liên hợp trên biển

Khi tranh chấp đảo đá giữa Trung-Nhật trở nên hết sức gay gắt, Mỹ đã xuất hiện và nói với họ rằng, Mỹ sẽ không đứng về bên nào, không giữ lập trường, đồng thời lại “cố hòa giải”. Nhưng đồng thời, Mỹ-Nhật lại liên tiếp, dồn dập tổ chức các cuộc diễn tập quân sự đoạt đảo.

Ngày 14/10, Mỹ-Nhật quyết định sẽ tổ chức diễn tập quân sự đoạt đảo từ ngày 5-16/11 ở Okinawa (hiện đã bỏ nội dung “đoạt đảo”, nhưng lại không công khai nội dung diễn tập), đây là một cuộc diễn tập quân sự liên hợp kế tiếp cuộc diễn tập trước đó diễn ra trong thời gian 37 ngày trong tháng 8 và tháng 9.

Tân Hoa xã khẳng định, Mỹ sử dụng luật pháp và sức mạnh để điều khiển và cân bằng sự tranh cãi giữa Trung-Nhật, “chiêu” đầu tiên là giảng giải, giảng hòa hai bên, nếu không có hiệu quả thì ra “chiêu” thứ hai.

Chiêu thứ hai chính là thể hiện “cơ bắp” trước mặt các nước đương sự, chẳng hạn hai cụm chiến đấu tàu sân bay đã đến tuần tra, huấn luyện ở vùng biển gần đảo Senkaku và biển Đông, làm cho Trung Quốc và Nhật Bản phải cân nhắc xem nên làm thế nào. - THX tuyên truyền.

 

 
Việt Dũng
Theo báo Giáo dục Việt Nam


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te