TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Cam Ranh trong quan hệ Việt - Mỹ

Defense - Update mới đây đăng tải một bài viết của tác giả Richard Dudley đánh giá về chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta.

Nội dung bài viết tập trung chủ yếu vào hy vọng của Mỹ về việc Việt Nam mở cửa cảng Cam Ranh cho các tàu quân sự cũng như những "e ngại" của Việt Nam về vấn đề này. Bài viết có tiêu đề: "Vịnh Cam Ranh là món quà hay cái giá của vũ khí sát thương?".

Dưới đây là nội dung bài viết.

Chỉ một ngày sau khi bài phát biểu tại Hội nghị an ninh quốc tế Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã có mặt và đứng trên boong tàu USNS Richard E. Byrd (T-KAE-4), một tàu vận tải của Hải quân Mỹ và nhìn ra Vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Ông Panetta là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Mỹ thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam kể từ sau năm 1975.

Trong chuyến công du Thái Bình Dương trong 8 ngày, ông Panetta đã đến Việt Nam thảo luận với các lãnh đạo ở đây và giải thích kế hoạch củng cố sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong khu vực và mở rộng mối quan hệ hợp tác quân sự, ngoại giao với Việt Nam.

Bộ trưởng Panetta thể hiện cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo tự do hàng hải thông qua các tuyến đường biển trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.

Kế hoạch của chính quyền Obama là tổ chức lại các lực lượng vũ trang ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, gồm những nỗ lực hỗ trợ các quốc gia trong cả hai khu vực này tăng cường khả năng quân sự để đảm bảo khả năng tự bảo vệ mình. Từ trên boong tàu USNS Byrd, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta tuyên bố: "Điều này là rất quan trọng mà chúng tôi có thể làm để bảo vệ tự do hàng hải cho tất cả các quốc gia ở Biển Đông và những nơi khác".

Dù ông Panetta không hề đề cập đến Trung Quốc khi ở Cam Ranh, nhưng chuyến thăm Việt Nam của ông hẳn sẽ là một tín hiệu gửi tới các nhà lãnh đạo Trung Quốc về lợi ích của Mỹ ở Biển Đông.

Việc gia tăng sức manh quân sự và điệu bộ hung hăng của Trung Quốc đã làm dấy lên những mối lo ngại cho cả Mỹ và Việt Nam. Trong đó, Trung quốc đại diện cho mối đe dọa nghiêm trọng.

 

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam.

Quan hệ giữa Việt - Mỹ đã trải qua một ngã rẽ bất ngờ trong hai năm qua, trong đó, vẫn còn một số vấn đề nhạy cảm có khả năng chậm tiến triển hợp tác giữa hai cựu thù.

Theo một số nguồn tin giấu tên, các nhà lãnh đạo Việt Nam dù chào đón sự gia tăng hiện diện của Hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương, nhưng cũng luôn "in dấu" bên trong e ngại dai dẳng rằng, Mỹ có thể cố gắng can thiệp vào các vấn đề trong nước hoặc có thể cố gắng định hình các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam theo cách thức không phù hợp với chính sách của Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng bắt buộc phải xem xét khả năng cải thiện mối quan hệ Việt - Mỹ quá nhanh có thể dẫn đến một phản ứng không mong muốn từ Trung Quốc.

Mỹ và Việt Nam đã đồng ý bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây 17 năm, và cuối năm 2010, hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) cam kết hợp tác trong các vấn đề quốc phòng, gồm các hoạt động tìm kiếm nhân đạo, hoạt động cứu hộ và an ninh hàng hải.

Giờ đây, Mỹ tiếp tục mong muốn mở rộng việc hợp tác cần thiết cho các phương tiện thích hợp để tổ chức một sự gia tăng hiện diện quân sự Mỹ trở nên quan trọng hơn.

 

 

Mỹ sẽ không thiết lập căn cứ thường trực để hỗ trợ bổ sung các lực lượng, do đó không chỉ làm giảm nguy cơ các căn cứ cố định bị tấn công mà còn giảm được sự phản đối của các chính trị gia trong khu vực.

 

Hiện nay, các tàu chiến Mỹ chưa có quyền vào Quân cảng Cam Ranh, trong khi các tàu khác của họ đã tận dụng được lợi thế của những điều kiện thuận lợi trong vịnh.

USNS Byrd là một trong những tàu của Hải quân Mỹ với đội ngũ phục vụ chủ yếu là dân sự, đã được Việt Nam cho phép vào Vịnh Cam Ranh và cảng Đà Nẵng. Từ năm 2003, đã có hơn 20 tàu của Hải quân Mỹ thăm các cảng Việt Nam, trong đó phần nhiều là các tàu dân sự.


Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, Vịnh Cam Ranh được Hải quân Mỹ sử dụng như một cảng nước sâu. Dù ông Panetta không thẳng thắn đề cập tới việc mong muốn được sử dụng cảng, nhưng rõ ràng, chuyến thăm của ông nhằm mục đích chính là thuyết phục giới lãnh đạo Việt Nam mở cửa vịnh để cho các tàu chiến Mỹ được vào bên trong.

Bộ trưởng Panetta nói rằng, Mỹ hy vọng "làm việc với các đối tác của chúng tôi như Việt Nam để có thể sử dụng bến cảng như thế này khi chúng tôi di chuyển tàu chiến từ các cảng bên bờ biển phía Tây tới các cơ sở trên Thái Bình Dương". Ông cũng đã đi thẳng vào vấn đề, việc cho phép các tàu chiến Mỹ vào Vịnh Cam Ranh "là chìa khóa quan trọng của mối quan hệ này (với Việt Nam) và chúng ta thấy một tiềm năng to lớn cho tương lai".

Với việc Việc Nam phát triển Vịnh Cam Ranh thành một cảng thương mại quốc tế, Mỹ hy vọng thuyết phục được các nhà lãnh đạo Việt Nam cho phép quân đội của họ được tiếp cận cảng, và sẽ thúc đẩy lợi nhuận về mặt kinh tế. Trong thời điểm, cảng Cam Ranh của Việt Nam sẽ đóng góp vào thành công trong kế hoạch tăng cường hiện diện của Mỹ trong khu vực.

Trong một cuộc họp báo với Bộ trưởng Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh kêu gọi Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Bộ trưởng Thanh nói rằng, việc gỡ bỏ lệnh cấm "sẽ giúp huy động đầy đủ các mối quan hệ giữa hai nước". Trong khi đó, ông Panetta nói trong chuyến thăm Việt Nam rằng "sẽ làm bất cứ điều gì để có thể tăng cường mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước".

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói rằng, một khi lệnh cấm bán vũ khí sát thương được gỡ bỏ, Việt Nam muốn mua một số thiết bị quân sự của Mỹ để sửa chữa và tân trang vũ khí mà Việt Nam đã thu được sau cuộc chiến năm 1975.

Bộ trưởng Thanh nói thêm, Việt Nam quan tâm đến việc mua "một số loại vũ khí nhất định phục vụ cho quá trình hiện đại hóa quân đội". Tuy nhiên, bất kỳ quyết định nào để mua thêm vũ khí sẽ còn tùy thuộc vào nhu cầu riêng và những ràng buộc tài chính.

 

Phạm Thái
(theo Defense - Update, ĐVO)

 -----------------

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn về Cam Ranh
 

Bên lề Hội nghị Shangri La 2012, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trả lời phóng vấn đài BBC liên quan tới chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Panetta và vấn đề vịnh Cam Ranh 

 Dưới đây là một số thông tin cuộc phỏng vấn do đài BBC thực hiện:

BBC - Xin ông cho biết, trong chuyến thăm tới Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, nghị trình làm việc của ông ấy là gì?


Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Trong chuyến thăm tới Việt Nam lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta,  ông ấy sẽ có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Ông ấy sẽ tới chào xã giao lãnh đạo chính phủ Việt nam.

Ngoài ra, ông ấy sẽ đi thăm khu vực cảng Ba Ngòi (vịnh Cam Ranh). Đây là nơi mà Tập đoàn tàu thủy Việt Nam đang sửa chữa tàu vận tải quân sự của Mỹ.


Và ông Panetta cũng sẽ tới thăm cơ quan MIA (tìm kiếm người nước ngoài mất tích trong chiến tranh Việ Nam). MIA là lĩnh vực hợp tác làm hài lòng cả Việt Nam và Mỹ, đây cũng là một điều mẫu mực cho tất cả các nước trên thế giới về tính nhân đạo của chính phủ Việt Nam.

- Việc ông Panetta tới thăm Cam Ranh, nơi mà Mỹ từng sử dụng trong thời kỳ chiến tranh. Hành động này được cho là mang tính biểu tượng lớn. Vậy có quan ngại rằng một nước thứ ba nào khác (nói thẳng là Trung Quốc) họ sẽ cảm thấy Việt Nam có xích lại quá gần với Mỹ không?

Trước hết, chung ta cần hiểu đúng về vịnh Cam Ranh, đây là khu vực rất lớn, mà quân cảng chỉ là một phần. Trong quân cảng, Việt nam không có hợp tác với nước nào cả, không cho tàu thuyền nước ngoài vào trong.

Bên cạnh quân cảng, trong vịnh Cam Ranh còn có khu kinh tế, thường gọi là cảng Ba Ngòi. Khu này do tỉnh Khánh Hòa quản lý, cho đến nay nó có một nhà máy sửa chữa tàu biến.

 

Trong quá trình phát triển kinh tế đối ngoại, tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn tàu thủy đã ký hợp đồng sửa chửa cho những tàu dân sự và vận tải quân sự không vũ trang của nhiều nước vào đây để bảo dưỡng ở mức tiểu tu và bảo dưỡng nhỏ do trình độ Việt Nam còn ở mức hạn chế. Hiện nay, tàu vận tải quân sự của Mỹ đang được sửa chữa nhỏ tại đây.

Tương lai, cảng ba Ngòi sẽ đón thêm những tàu của Trung Quốc, Nhật Bản hay Nga nếu như đối tác có nhu cầu trên cơ sở hợp đồng kinh tế giữa họ với Tập đoàn tàu thủy Việt Nam.

Vì thế, nếu hiểu tình hình một cách đúng như vậy, tôi cho rằng không có lý do gì để quan ngại, đây là hoạt động kinh tế bình thường từ trước tới nay của Việt Nam.

- Thưa ông, đài BBC đã có cuộc trò chuyện với Thượng Nghị sĩ John McCain, ông này có nói tới khả năng Mỹ có thể bán vũ khí sát thương cho Vìệt Nam trong chừng mực nào đó. Ông có thể bình luận gì về phát biểu này?

Việc Mỹ bỏ cấm vận sát thương cho Việt Nam mang ý nghĩa biểu tượng là chủ yếu. Vì, không thể có mối quan hệ bình đẳng, lành mạnh mà nước này lại cấm vận một thứ với nước kia.

Hành động bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, sẽ tạo ra lòng tin, suy nghĩ rằng nước Mỹ tôn trọng Việt Nam.

Có thể nói, chừng nào Mỹ chưa bỏ cấm vận thì Mỹ chưa thể nói tới quan hệ lành mạnh, bình đẳng, đáng ngưỡng mộ đối với một quốc gia nào khác cả.

Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có nhu cầu mua vũ khí trang bị của Mỹ.

Cảm ơn Thượng tướng về cuộc phỏng vấn!

(Theo ĐVO)


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te