TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

'Sức mạnh mềm' của Nhật Bản tại ASEAN

Với một nền kinh tế trì trệ và cái bóng quá lớn của Trung Quốc, liệu Nhật Bản có thể làm gì để lấy lại thế chủ động ở Đông Nam Á?

Tác giả Jing Sun đã có bài phân tích về sức mạnh mềm của Nhật Bản trong khu vực Đông Nam Á trên The Diplomat.

Dưới đây là nội dung bài viết:

“Từ trái tim tới trái tim”

Công cụ tìm kiếm của Yahoo! cho cụm từ “sức mạnh mềm” bằng tiếng Nhật cho ra 2,5 triệu kết quả. Dù con số này cho thấy đây là một vấn đề được quan tâm ở Nhật Bản nhưng lại không chỉ ra được Tokyo thành công như thế nào trong việc tận dụng sức mạnh mềm xuyên suốt bờ Tây Thái Bình Dương.

Trong khi sự hiện hữu của sức mạnh mềm của Nhật Bản tại Trung Quốc và Hàn Quốc còn khá ít thì Tokyo đã thúc đẩy thành công hình ảnh của mình ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, sức mạnh mềm của Nhật Bản trong khu vực đang bị hạn chế ở các vấn đề kinh tế khi nền tài chính nước này duy trì tình trạng trì trệ. Dù các động thái cứng rắn của Trung Quốc gần đây tạo cơ hội cho Nhật Bản củng cố hình ảnh của mình trước các thành viên ASEAN nhưng có lẽ Tokyo sẽ không tận dụng được cơ hội này.

Trong các thập kỷ đầu sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, sự ràng buộc của Nhật Bản với Đông Nam Á còn hạn chế khi Tokyo đang quan tâm tới Nam Á để tìm kiếm các cơ hội kinh tế. Chỉ đến khi các cơ hội này đã cạn kiệt thì Nhật Bản mới thấy việc gắn bó sâu rộng hơn với Đông Nam .

Trong khi thương mại giữa ASEAN và Nhật Bản tăng trưởng một cách nhanh chóng thì những người dân địa phương lại cảm thấy không hài lòng về sự gia tăng kinh tế này. Thực vậy, những người dân Đông Nam Á đặt biệt danh cho Nhật Bản là “con thú tài chính”. Sự bất bình đó trở nên rõ ràng hơn vào năm 1974 khi cựu Thủ tướng Nhật Bản, Tanaka Kakuei được “chào đón” bởi rất nhiều người biểu tình trong chuyến thăm tới Bangkok và Jakarta. Ông Tanaka bác bỏ rằng những người biểu tình trên cố bắt Tokyo gánh vác những vấn đề nội bộ của họ nhưng đối thủ của ông ở đảng đối lập là Fukuda Takeo lại không đồng ý như vậy. Khi trở thành Thủ tướng, ông Fukuda quyết định thay đổi tình thế, bắt đầu bằng một bài phát biểu bước ngoặt trước Quốc hội Philippines năm 1977. Cho đến ngày nay, bài phát biểu này được nhìn nhận như sự khởi đầu cho “cuộc tấn công tế nhị” của Nhật Bản vào khu vực và các nguyên tắc được liệt kê trong bài phát biểu được gọi là Học thuyết Fukuda.

Các lãnh đạo Nhật Bản hiếm khi có những bài phát biểu cảm xúc nhưng bài nói của ông Fukuda là một ngoại lệ. Thừa nhận sự nghi ngờ và chống đối ngay từ đầu, ông Fukuda cam kết một cách mãnh liệt rằng Nhật Bản sẽ cố gắng và xây dựng một mối quan hệ “từ trái tim đến trái tim” với Đông Nam Á. Kết thúc, ông Fukuda cam kết Tokyo sẽ huy động tất cả các nguồn lực ngoại giao, chính trị, xã hội, văn hóa cũng như kinh tế.

Thậm chí ngay cả trước bài phát biểu trên, ông Fukuda đã bắt đầu “quyến rũ” khu vực này. Khi còn giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao năm 1972, ông Fukuda đã nhận ra chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản chỉ nghiêng về các khía cạnh kinh tế. Vì vậy, ông trở thành người đề xuất thành lập Quỹ tài trợ Nhật Bản, một tổ chức bán chính phủ chịu trách nhiệm thúc đẩy trao đổi văn hóa, xã hội và học thuật. Đông Nam Á trở thành mục tiêu chính cho công việc của tổ chức này.

Chuyến thăm năm 1977 của ông Fukuda đã dẫn tới sự thành lập Quỹ Văn hóa ASEAN, một tổ chức Nhật Bản dành 5 tỷ Yên (63,6 triệu USD) để thúc đẩy trao đổi văn hóa trong khu vực ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước khác. Quỹ văn hóa ASEAN đánh dấu một hình thức ngoại giao mới của Nhật Bản khi Tokyo gắn các sáng kiến của mình trong một khuôn khổ đa phương và giới thiệu chúng như một sự khôn ngoan chung. Trong trường hợp quỹ văn hóa, như một ví dụ, các thành viên ASEAN thậm chí có đầy đủ quyền điều hành hoạt động của quỹ.

Những người kế nhiệm của ông Fukuda có thể đi theo tấm gương của ông với những thành công đáng kể. Theo khảo sát của Bộ Ngoại giao Nhật Bản tiến hành ở 5 quốc gia ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines), những người cảm thấy tội ác chiến tranh của Nhật Bản không thể rơi vào quên lãng đã giảm từ hơn 30% năm 1978 xuống còn 20% năm 2008. Trong cùng kỳ, những người cho rằng quá khứ nên được “yên nghỉ” tăng từ 37% lên 68%. Thêm vào đó, phần lớn người tham gia khảo sát cảm thấy mối quan hệ của quốc gia họ với Nhật Bản là “tốt” hoặc “nhìn chung là tốt”. Gần tương đương số người trả lời đồng ý rằng Nhật Bản có thể “tin tưởng được”.

Cạnh tranh với Trung Quốc

“Cuộc tấn công duyên dáng” của Nhật Bản vững chắc đủ để khuyến khích Thủ tướng Takeshita Noboru cởi mở gọi Đông Nam Á là “cơ sở sức mạnh” của Nhật Bản cuối những năm 1980.

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Takeshita đã cường điệu hóa ảnh hưởng của Nhật Bản tới ASEAN. Vấn đề nan giải của Tokyo là các thành viên ASEAN, dù bị hấp dẫn bởi sự thành công về khoa học và kinh tế cũng như sự cộng hưởng văn hóa của nước này, vẫn cảm thấy ngần ngại trước ảnh hưởng chính trị của Nhật Bản.

Ví dụ, khảo sát năm 2008 của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho thấy sự hợp tác công nghệ và kinh tế là lĩnh vực hàng đầu mà công dân ở 6 quốc gia chủ chốt ở ASEAN (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam) muốn Nhật Bản tiếp tục đầu tư, với 66% chọn mục này. Ngược lại, chỉ có 6% người dân ASEAN sẵn sàng chứng kiến Nhật Bản tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Điều này cho thấy ASEAN còn xa mới là “cơ sở sức mạnh” của Tokyo.

Hình ảnh của Nhật Bản trong khu cực đặc biệt trở nên bất lợi bởi tình hình kinh tế của nước này đang từng bước xấu đi từ những năm 1980, trong khi nền kinh tế Trung Quốc lại tăng trưởng “chóng mặt”. Dù Bắc Kinh không “theo đuổi” các nước ASEAN một cách sốt sắng cho đến cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 nhưng phải nói rằng nước này đã đi nhanh hơn Tokyo khá xa trong thời kỳ gần đây. Và dù Nhật Bản đóng góp nhiều hơn trong các lĩnh vực để giải quyết khủng hoảng kinh tế nhưng Trung Quốc vẫn nhận được nhiều sự ngợi khen.

Ở đây có sự “tiến thoái lưỡng nan” cho “cuộc tấn công” của Nhật Bản: Tokyo không cố gắng đẩy mạnh nỗ lực để quảng bá cho sức mạnh mềm của mình cho đến khi sức mạnh “cứng” của nước này đã trên đà tụt dốc. Nhìn từ viễn cảnh này, cuộc chiến sức mạnh mềm của Nhật Bản dựa trên sự “huy hoàng” đang le lói tắt và thiếu đi các chính sách thực tế. Tình trạng bất ổn của nền kinh tế Nhật Bản dường như vẫn tiếp tục và các chính trị gia của nước này chưa chứng tỏ được nhiều năng lực, Tokyo sẽ rất khó để điều chỉnh hình mẫu của mình trước bất kỳ một khán giả quốc tế nào.

Sự quả quyết gần đây của Bắc Kinh trước các quốc gia Đông Nam Á dường như cho Nhật Bản một cơ hội thể hiện mình là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Nhưng vấn đề này một phần bị cắt xén bởi sự phân chia thái độ trong ASEAN trước Trung Quốc và Nhật Bản.

Cuộc khảo sát ở 6 quốc gia nói trên cho thấy sự chia rẽ này. Người dân ở Singapore, Malaysia và Thái Lan coi Trung Quốc là một đối tác quan trọng nhất và tiếp tục tin tưởng vào tương lai với nước này. Trong khi đó, những người dân ở Indonesia, Philippines và Việt Nam lại coi Nhật Bản là đối tác quan trọng nhất và vẫn tiếp tục tin tưởng vào sự hợp tác trong tương lai.

Vì vậy, mặc dù thái độ của Trung Quốc trước vấn đề biển Đông có vẻ làm hạn chế “cuộc tấn công quyến rũ” của nước này nhưng khả năng Tokyo có thể chiếm lấy cơ hội này là rất hạn chế do tình hình kinh tế ảm đạm và sự không đồng nhất về thái độ trong khối ASEAN.

Phan Anh (theo The Diplomat)
(Theo Báo Đất Việt)

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te