Giới phân tích quốc tế và một số tướng lĩnh của chính Trung Quốc cũng thừa nhận, dù tình hình trên khu vực quần đảo Senkaku rất căng thẳng nhưng nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự Trung – Nhật là không thể xảy ra bởi xét về mọi yếu tố, Trung Quốc đều gặp bất lợi.
Tờ Sankei của Nhật Bản mới đây đã cho đăng tải một bài phân tích của nhà bình luận chính trị nổi tiếng người Nhật gốc Hoa, Thạch Bình, đánh giá về nguy cơ nổ ra cuộc hải chiến Trung – Nhật liên quan đến vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Tàu Trung Quốc chở theo các nhà hoạt động xâm nhập Senkaku (Điếu Ngư) bị Nhật Bản bắt giữ. |
Trong bài viết của mình, tác giả Thạch Bình khẳng định: “Câu trả lời là không. Một Trung Quốc đang gặp căng thẳng với các láng giềng ở Đông Nam Á và phải ưu tiên cho vấn đề nội bộ là chuyển giao quyền lực cho đến kỳ Đại hội 18 vào mùa thu năm nay cũng như Đại hội Nhân dân toàn quốc vào tháng 3 năm sau sẽ không đủ khả năng để chơi tay bo với Nhật Bản – một cường quốc lân cận”.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn nhớ tuyên bố của người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc Nhạn Cảnh Sinh hôm 31/7 vừa qua rằng “quân đội Trung Quốc sẽ thực thi chức trách của mình”. Tuyên bố này được giới truyền thông Trung Quốc đăng tải lại khá rầm rộ và “nâng tầm quan điểm” cho rằng đó là lời tuyên bố đanh thép thể hiện quyết tâm sẵn sàng của quân đội. Nhưng tác giả Thạch Bình lại cho rằng đó chỉ là một tuyên bố rất bình thường.
Có điều, Nhạn Cảnh Sinh không phải là tiếng nói duy nhất mà trong chính phủ Trung Quốc cũng đã có một vài nhân vật đòi “sử dụng vũ lực” . Ngày 11/7, Phó đội trưởng đội Hải giám Trung Quốc (Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc), Tôn Thư Hiền tuyên bố: “Nếu Nhật Bản cứ tiếp tục khiêu khích trong vấn đề Điếu Ngư thì chúng tôi không thể loại trừ khả năng nổ ra một cuộc chiến”. Nhưng phát ngôn này của ông Tôn Thư Hiền không nhận được nhiều sự chú ý bởi ông này không có chức vụ gì đáng kể trong Đảng hay trong quân đội. Theo một số nhà phân tích, sở dĩ Trung Quốc để cho một vài nhân vật riêng lẻ lên giọng là bởi họ vẫn đang muốn áp dụng chiến thuật “rung cây dọa khỉ” và những phát ngôn này vẫn đủ để gửi thông điệp đến Tokyo nhưng lại không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì với tư cách Chính phủ.
Bên cạnh những tuyên bố “sặc mùi thuốc súng”, chính trường Trung Quốc vẫn có những nhân vật khá tỉnh táo. “Khả năng bùng nổ chiến tranh Trung – Nhật liên quan đến vấn đề Điếu Ngư là không lớn”, Trương Triệu Trung – giáo sư ĐH quốc phòng Trung Quốc nhận định. Tờ Thời báo Hoàn Cầu số ra ngày 19/7 dẫn bình luận của thiếu tướng Trịnh Minh khẳng định: “Hải quân Trung Quốc hiện nay không thể sánh được với lực lượng bảo vệ bờ biển (JCG) và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản về thực lực”. Có thể nói phát ngôn của một sỹ quan cấp cao trong quân đội phản ánh phần nào quan điểm “không muốn phát động chiến tranh vào thời điểm hiện tại” của chính phủ Trung Quốc.
Một số nhà hoạt động Trung Quốc và Đài Loan trèo lên các đảo đá ở Senkaku |
Mặc dù vậy, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn luôn khẳng định Điếu Ngư là lãnh thổ của Trung Quốc bất chấp quần đảo này hiện đang thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản. Xét về thực tế, Trung Quốc gần như không có khả năng nào để giành lại Điếu Ngư ngoại trừ phát động chiến tranh nhưng đó là điều không đơn giản. Nếu không may xảy ra chuyện nghiêm trọng, kẻ thiệt thòi không ai khác chính là Bắc Kinh vì những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc sẽ chĩa mũi dùi vào chính phủ Trung Quốc để đặt câu hỏi ngược: “Tại sao Trung Quốc không thể bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ của mình?” – một câu hỏi khá khó chịu trong bối cảnh đang chuẩn bị có một cuộc chuyển giao quyền lực.
-------------------
Minh Tân
(Theo InfoNet)