Trung Quốc đã không chuyển đổi sự cởi mở thương mại của mình với phương Tây thành sự chấp thuận các chuẩn mực chính trị của phương Tây.
Bảy giờ chiều ngày thứ Sáu, 28/9, buổi tối trước khi Trung Quốc bắt đầu kỳ nghỉ kéo dài cả tuần lễ nhân dịp quốc khánh, Tân hoa xã đưa tin về số phận Bạc Hy Lai - một quan chức cấp cao có tiếng của Trung Quốc, người thậm chí trước đó còn được đề cử vào danh sách thành viên Ban thường vụ bộ Chính trị Trung Quốc.
Ông Bạc bị cáo buộc lạm dụng quyền lực, tham nhũng và quan hệ không lành mạnh. Cựu bí thư thành uỷ Trùng Khánh còn bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc - một động thái có lẽ là mở đường cho việc xét xử ông.
Thêm vào đó, Tân Hoa xã đã đưa tin về ngày giờ cụ thể tổ chức Đại hội Đảng của Trung Quốc - đó là 8/11.
Việc chuyển giao quyền lực cao nhất tại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh có nhiều bất ổn: vụ Bạc Hy Lai - được coi là bê bối chính trị lớn nhất Trung Quốc nhiều năm nay; một nhà hoạt động bất đồng chính kiến trốn vào đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh; hàng loạt cuộc biểu tình bạo động mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc ở các thành phố khắp Trung Quốc sau khi Nhật tiến hành mua ba trong số nhóm đảo tranh chấp ở Hoa Đông...
Trong khi không một sự kiện nào của năm qua có thể đặt ra mối đe doạ trực tiếp với đảng cầm quyền Trung Quốc, thì chúng cũng chứng tỏ những phức tạp và bất ổn trong xã hội nước này và cần phải được giải quyết một cách thích hợp.
Mô hình Quảng Đông
Một trong những người có thể là cộng sự của phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Ban Thường vụ bộ Chính trị Trung Quốc dường như hiểu rõ điều này và có một số ý tưởng để thực hiện. Đó là Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Đông Uông Dương.
Đầu óc cải cách của ông Uông được thể hiện rõ vào năm trước ngay trong cách thức giải quyết vụ bạo động liên quan đến đất đai ở làng Ô Khảm với những biện pháp mềm dẻo và không gây đổ máu. Dân làng Ô Khảm đã kết thúc 10 ngày biểu tình và sau đó tham gia bầu cử lại ở địa phương. Tại đại hội Đảng tỉnh Quảng Đông, ông Uông đồng ý với chuyện mở rộng hơn nữa các loại thị trường, nới lỏng các biện pháp quản lý xã hội.
Ông Uông nói, đảng và chính phủ không nên được coi là chịu trách nhiệm mang lại hạnh phúc cho người dân. "Chúng ta nên từ bỏ quan niệm sai lầm rằng hạnh phúc của nhân dân là sự ban phát của Đảng và Chính phủ... Phải tôn trọng sáng kiến của người dân, tạo điều kiện để người dân tự tìm thấy hạnh phúc của mình", ông khẳng định.
Trong cái gọi là "Mô hình Quảng Đông", Uông nỗ lực thực hiện việc để xã hội dân sự dẫn dắt - ít nhất là tới một mức độ khiêm tốn. Bí thư Uông còn nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt về việc thành lập những tổ chức phi chính phủ, khuyến khích nghiệp đoàn ở các tập đoàn nhà nước hoạt động tích cực nhân danh công nhân và minh bạch ngân sách thủ phủ Quảng Châu để kiểm tra công khai...
Tiếng tăm lớn nhất của ông, trong mắt các nhà cải cách, là phản ứng với cuộc nổi dậy ở làng Ô Khảm cuối năm ngoái, khi người dân địa phương bất bình vì những vụ mua bán đất đai trái phép của họ giữa các quan chức địa phương. Uông đã chấm dứt bế tắc và sau đó sa thải các quan chức liên quan, chấp thuận để dân làng lựa chọn người thay thế.
Người không "phải", không "trái"
Về phần mình, Tập Cận Bình là người không thiên về "phải" hay "trái" cho dù có những liên quan với Quảng Đông thông qua người cha - cựu thủ tướng Tập Trọng Huân, người đưa ra ý tưởng thành lập các đặc khu kinh tế trong tỉnh đầu những năm 1980.
Sự nghiệp ban đầu của Tập thăng tiến qua nhiều vị trí khác nhau trong quân đội và ông vẫn được tin là có nhiều mối quan hệ với giới quân sự hơn là chủ tịch đương nhiệm của Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Sự nghiệp dân sự của Tập là dành phần lớn thời gian cho các tỉnh thịnh vượng duyên hải như Giang Tô, Phúc Kiến và Chiết Giang cùng thời gian ngắn là bí thư thành ủy Thượng Hải trước khi được cho là ứng viên sáng giá nhất cho chức chủ tịch tương lai tại Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 17 năm 2007.
Trong ý nghĩa này, Tập không chỉ là người thắng cuộc để dẫn dắt Trung Quốc mà còn là ứng viên của những người chiến thắng trong toàn bộ quá trình cải tổ kinh tế ở nước này. Bản đồ sự nghiệp của ông chính xác nằm ở những nơi xuất hiện nhiều triệu phú nhất ở Trung Quốc.
Trái lại, sự nghiệp của Chủ tịch sắp mãn nhiệm Trung Quốc Hồ Cẩm Đào lại chủ yếu khởi nguồn từ các tỉnh phía tây xa xôi nghèo đói như Cam Túc, Quý Châu và Tây Tạng. Dấu ấn khi ông cầm quyền là một chương trình nghị sự điều phối lại nền kinh tế, sự can thiệp của nhà nước trong phát triển kinh tế và ngân sách an ninh tăng mạnh.
Trong khi "lý lịch" của các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đưa ra ý tưởng về tầm nhìn và phong cách của họ, thì khó có thể hiểu rõ thực tế họ sẽ làm gì.
"Di sản"
Mối quan tâm hàng đầu của Bắc Kinh hiện nay là các mục tiêu tăng trưởng. Một phần của vấn đề là thực trạng toàn cầu, và châu Âu chiếm tỉ lệ lớn nhất. Trong khi tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sang những phần còn lại của thế giới chậm hơn với dự đoán, thì xuất khẩu sang châu Âu thực sự bị thu nhỏ lại. Điều không may ở đây là nó trùng khớp với nỗ lực của Trung Quốc trong tái cấu trúc kinh tế, từ hướng xuất khẩu sang hướng tiêu dùng.
Doanh thu lớn từ lĩnh vực xuất khẩu được cho là để hỗ trợ việc chi trả một gói phúc lợi toàn diện được thiết kế để khuyến khích dân tiết kiệm ít hơn, chi dùng nhiều hơn. Nhưng sự "sụp đổ" trong doanh thu ấy đã khiến mục tiêu đặt ra khó hoàn thành.
Một vấn đề liên quan là trở lại các biện pháp mà Trung Quốc áp dụng để kích thích nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Trong khi một số tiền kích cầu đến từ chính phủ trung ương, thì phần lớn còn lại xuất hiện dưới dạng các khoản vay chính sách: chính quyền địa phương đệ trình các dự án kinh tế và cơ sở hạ tầng, các ngân hàng địa phương có trách nhiệm cấp tiền cho vay. Về mặt ngắn hạn, gói kích cầu đã có kết quả tích cực, với hàng triệu người thất nghiệp có việc làm trở lại, nhưng nó lại gây ra bong bóng bất động sản lớn.
Khi bong bóng xì hơi vào 2010, nó đã để lại cho các chính quyền địa phương các khoản nợ lớn do đã cam kết các chương trình chi tiêu lớn tương tự. Nhiều chính sách tài chính, ngân hàng, bất động sản khác đã khiến cho nguồn thu của địa phương sụt giảm, kéo theo hệ quả là khó trả nợ ngân hàng.
Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng ở thời điểm hiện tại, dường như có sự đồng thuận cao rằng, một Trung Quốc của Tập Cận Bình khó có đủ khả năng "lôi" phần còn lại của thế giới ra khỏi sự trì trệ kinh tế như một số người đã hy vọng.
Phó chủ tịch Trung Quốc Tập có thể nắm quyền vào đúng lúc quan hệ Trung - Nhật gặp khủng hoảng. Chính phủ Nhật ngày 10/9 đã tuyên bố mua ba trong số nhóm đảo tranh chấp với Trung Quốc (Nhật gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Bắc Kinh coi đây là hành động khiêu khích, đe dọa trừng phạt kinh tế, và những cuộc biểu tình phản đối Nhật đã xảy ra ở nhiều thành phố lớn khắp Trung Quốc. Một số cuộc biểu tình còn có hành động tấn công, phá hoại nhằm vào doanh nghiệp và tài sản của người Nhật ở Trung Quốc.
Trong khi khả năng xung đột vũ trang giữa hai nước ít tồn tại, thì thực tế tranh chấp bùng phát vào đúng lúc Trung Quốc trải qua giai đoạn chuyển giao lãnh đạo đã đặt ra nhiều khó khăn với các nhà lãnh đạo mới. Những liên quan chặt chẽ của Tập Cận Bình với lực lượng quân sự có thể là một lý do lo ngại ở đây, đặc biệt khi quan điểm của Trung Quốc có thể gây ra sự thay đổi tương ứng nghiêng về chủ nghĩa dân tộc đang ngày một lớn mạnh ở Nhật.
Khó khăn kinh tế, khủng hoảng đối ngoại, bất ổn xã hội... sẽ là "di sản" với muôn vàn thách thức mà thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc phải đương đầu.
Tác giả: Nguyễn Huy theo thenational
Nguồn: Tuần Việt Nam