Không quân ném bom Trung Quốc là lực lượng yếu kém nhất và ít được đầu tư phát triển nhất. Hiện không quân chiến lược Trung Quốc chỉ được xếp vào nhóm loại 2 của thế giới, không thể so sánh được với các cường quốc Tây Âu chứ đừng nói đến Nga và Mỹ.
Máy bay hiện có: lạc hậu và sắp hết hạn sử dụng
Hiện các cường quốc trên thế giới đều có lực lượng không quân ném bom chiến lược rất mạnh, là nòng cốt của bộ 3 răn đe hạt nhân, bao gồm: không quân ném bom chiến lược, tàu ngầm hạt nhân chiến lược và căn cứ đạn đạo chiến lược. Ngay cả Nga, trong điều kiện kinh phí quân sự ít ỏi nhưng vẫn phải tái triển khai hoạt động tuần tra chiến lược của TU-160, đủ biết tầm quan trọng của nó thế nào.
Lực lượng không quân và không quân hải quân Trung Quốc chỉ có duy nhất loại máy bay ném bom tầm trung, tốc độ dưới âm H-6, được đưa vào biên chế năm 1968. Đây là phiên bản nội địa của loại máy bay ném bom Tu-16 của Nga sản xuất đầu thập niên 50.
Máy bay ném bom tầm trung H-6H của Trung Quốc
Hiện Trung Quốc có tổng số 120 máy bay thuộc thế hệ H-6 (bao gồm cả máy bay tiếp dầu và 1 vài phiên bản của nó là H-6D, H-6H, H-6K), cơ bản là đã cũ, tầm bay ngắn, tính năng hạn chế, không đáp ứng được với yêu cầu tác chiến chiến lược trong chiến tranh tương lai.
Hiện tại, H-6 cũng đã phục vụ được hơn 40 năm, sắp hết thời hạn sử dụng, số ít các phiên bản cải tiến của nó cũng chỉ còn thời hạn trên 10 năm nữa. Đến năm 2020, đại đa số máy bay H-6 thuộc thế hệ đầu tiên sẽ ngừng sử dụng, chỉ còn duy nhất H-6K. Lúc đó lực lượng không quân ném bom chiến lược của Trung Quốc sẽ suy yếu nghiêm trọng, đến năm 2025 sẽ chẳng còn chiếc nào.
Vì vậy, ngay sau khi H-6 được đưa vào sử dụng năm 1968, Bắc Kinh đã lên kế hoạch xây dựng lực lượng máy bay chiến lược nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến trong thời kỳ mới.
Máy bay tiếp dầu trên không HY-6 được chế tạo trên cùng một nguyên mẫu Tu-16
Họ dự định học theo mô hình của Mỹ: giai đoạn đầu tiến hành cải tạo, nâng cấp một số máy bay H-6 để kéo dài thời hạn phục vụ; giai đoạn 2 sẽ trang bị một loại máy bay quá độ để thay thế các kiểu H-6 đầu tiên đã sắp hết hạn sử dụng; giai đoạn 3 là xây dựng kế hoạch nghiên cứu, chế tạo một thế hệ máy bay ném bom hoàn toàn mới.
Thế hệ máy bay quá độ: tiếp tục vay mượn từ Nga
Tháng 6 năm nay, Nga đã quyết định bán dây chuyển sản xuất máy bay ném bom TU-22M3 cho Trung Quốc với giá 1,5 tỷ USD. Trung Quốc đặt tên là H-10 và dự định sẽ sản xuất 36 chiếc được trang bị tên lửa đạn đạo chống hạm tiên tiến nhất của Trung Quốc “Đông Phong - 21D” (DF-21D), mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”, mẫu thử nghiệm của nó sẽ ra đời vào cuối năm 2013, quá trình điều chỉnh nguyên mẫu đến khi chính thức đưa vào sản xuất cũng phải đến năm 2018 - 2020.
Thực chất TU-22M3 là loại phiên bản của TU-22M, được cải tiến, nâng cấp năm 1983 để kéo dài tuổi thọ nhưng đến nay đã có một số lượng không nhỏ đã ngừng hoạt động. Năm 1993 Nga có 268 chiếc, đến năm 2002 cắt giảm còn 150 chiếc, đến năm 2011 chỉ còn 66 chiếc (số liệu của BQP Mỹ), tức là cứ 10 năm sẽ thải loại khoảng 100 chiếc. Tháng 3 năm nay, trong 66 chiếc đó, Nga đã phải bắt tay vào cải tạo, nâng cấp 30 chiếc thành TU-22M3M để tăng thêm thời hạn sử dụng, tránh xảy ra sự hụt hẫng quá lớn về số lượng máy bay.
Tu-22M3 là loại máy bay được nâng cấp từ Tu-22M năm 1983
Tuy H-10 được coi là máy bay ném bom chiến lược tầm xa nhưng tính năng của nó cũng chỉ nhỉnh hơn H-6 một chút. Với tầm bay dưới 7000km (H-6 là 5760km) và bán kính tác chiến khoảng hơn 3000km (H-6 là 2600km), nó chỉ có thể vượt qua được khoảng cách gần 3000km đến Guam chứ không thể tiến sâu vào nội địa nước Mỹ, còn xa mới đạt đến phạm vi tác chiến toàn cầu.
H-10 ra đời rất phù hợp với giai đoạn thứ 2 trong kế hoạch phát triển không quân chiến lược Trung Quốc. Vì vậy, có thể khẳng định H-10 chỉ đóng vai trò là loại máy bay chuyển tiếp, trang bị cho quân đội Trung Quốc trong giai đoạn họ nghiên cứu, phát triển một thế hệ máy bay ném bom chiến lược tầm xa hoàn toàn mới.
Trước đây, nhà máy sản xuất máy bay ném bom lớn nhất và hiện đại nhất Liên Xô là Kazan trong 1 năm cũng chỉ sản xuất được 15 - 17 chiếc TU-22M3. Hiện Trung Quốc chỉ có duy nhất công ty công nghệ hàng không Tây An là chuyên sản xuất các loại máy bay ném bom (là đơn vị sản xuất máy bay ném bom H-6 và tiêm kích bom JH-7A/B).
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của không quân Nga
Với trình độ thua kém Nga rất xa, cùng với việc đang phải nghiên cứu nhiều hạng mục khác nhau, bao gồm nghiên cứu, chế tạo JH-7B, sản xuất JH-7A và nâng cấp H-6, tối đa 1 năm họ cũng chỉ sản xuất được 6 chiếc. Sau khi nhập khẩu, lắp đặt và thử nghiệm dây chuyền sản xuất, sớm nhất là năm 2025 Trung Quốc mới sản xuất đủ 36 chiếc. Đến lúc đó, đa số máy bay ném bom H-6 đã bị thải loại, số lượng máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc chỉ còn một nửa so với bây giờ.
Thế hệ tương lai: còn chưa định hình
Hiện nay, có rất nhiều thông tin bên lề khẳng định Bắc Kinh đang phát triển loại máy bay ném bom H-8 hoặc H-9 do công ty công nghiệp hàng không Tây An và viện nghiên cứu, phát triển số 8 (Cục hàng không vũ trụ Thượng Hải) hợp tác chế tạo. Thông tin cho biết, đây là loại máy bay ném bom tàng hình chiến lược, có thể bay trên độ cao 36km (chỉ kém mỗi TU-160 của Nga với độ cao 44km), vận tốc gấp 3,7 lần tốc độ âm thanh với 4 động cơ thế hệ mới.
Phòng thực nghiệm của cục hàng không vũ trụ Thượng Hải đang tập trung giải quyết vấn đề mấu chốt trong hạn chế về động cơ máy bay Trung Quốc bằng cách kết hợp động cơ Tuốc - bin cánh quạt với động cơ trục quay để tăng cường công suất của buồng đốt và điều chỉnh kết cấu vỏ động cơ làm một bộ phận của chỉnh thể hệ thống phản lực. Vì tập trung giải bài toán nan giải về động cơ nên các tham số khác của nó vẫn chưa định hình.
Mô hình được cho là máy bay ném bom chiến lược tương lai H-8
Hiện Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển động cơ quốc nội, tuy đã đạt được một số thành công với động cơ WS-10 nhưng với động cơ có lực đẩy cực lớn và độ bền cao của máy bay ném bom tầm xa chiến lược thì trình độ công nghệ của họ vẫn còn khoảng cách rất xa. Một số chuyên gia quân sự đã chỉ ra, một trong các nguyên nhân khiến Trung Quốc mua dây chuyền sản xuất TU-22M3 cũng xuất phát từ yếu tố này.
Hiện chủ lực của không quân Nga là máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-160, còn Tu-22M3 là loại già cũ và công nghệ thấp kém nhất, vậy vì sao Trung Quốc lại chọn mua loại này? Đây quả thực là mũi tên trúng nhiều đích.
Thứ nhất: TU-22M3 tuy cũ kỹ nhưng vẫn còn hơn chán so với H-6 của Trung Quốc; thứ hai là họ cũng cần gấp một số lượng nhỏ máy bay để bù đắp số lượng H-6 sắp bị đào thải; thứ 3 là mục đích chính của Trung Quốc không phải là khả năng tác chiến của nó mà là mổ xẻ một vài chiếc để nhái lại công nghệ chế tạo động cơ của Nga.
Máy bay ném bom tầm xa chiến lược Tu-160 “Thiên nga trắng”
Xét quy trình chế tạo máy bay ném bom của các cường quốc như Nga, Mỹ… thì từ khi xây dựng kế hoạch đến khi được phê chuẩn mất ít nhất 5 năm, từ mẫu thử nghiệm đến khi được chấp nhận thiết kế cũng phải mất hàng chục năm, từ nguyên mẫu đến khi xây dựng xong quy trình sản xuất hàng loạt cũng cần đến 5-7 năm.
Vì thế, thời gian H-8 (hoặc H-9) thử nghiệm xong tính năng tác chiến rồi đưa vào sản xuất hàng loạt nhanh nhất cũng là năm 2030, lúc đó cũng bắt đầu thời điểm chính thức khai tử thế hệ H-6. Như vậy, trong khoảng 10 năm từ 2020 – 2030, Trung Quốc sẽ chỉ còn 36 chiếc H-10 và một phần nhỏ H-6, lực lượng không quân chiến lược của Trung Quốc sẽ xuất hiện khoảng trống mênh mông không thể bù đắp được.