Chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng của Trung Quốc và việc gia tăng không ngừng chi tiêu quốc phòng là hồi chuông báo động với khu vực xung quanh và cả với siêu cường quân sự Mỹ.
Vào ngày 4/3, Bắc Kinh tuyên bố gia tăng ngân sách quốc phòng lên 12,7% trong năm 2011, đạt tổng cộng 601,1 tỉ nhân dân tệ (91,48 tỉ USD). Duy nhất trong năm 2010, sau hơn một thập niên, Trung Quốc đã giới hạn việc gia tăng ngân sách quốc phòng dưới hai con số. Theo đó, Bắc Kinh tuyên bố chi tiêu quốc phòng là gần 532 tỉ nhân dân tệ (78 tỉ USD), tăng 7,5%.
Năm 2009, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 14,9%. Với báo cáo vừa công bố, một lần nữa, Bắc Kinh đã trở lại với mức gia tăng hai con số cho chi tiêu quốc phòng.
Trung Quốc khẳng định, họ cần cải tổ các lực lượng vũ trang đã lỗi thời, và kế hoạch của họ không đe dọa bất kỳ quốc gia nào, rằng ngân sách quốc phòng thấp hơn nhiều so với Mỹ. Nhưng giới phân tích cho rằng, con số thực tế sẽ lớn hơn nhiều công bố chính thức mà Trung Quốc đưa ra.
Sau đây là những thực tế về khả năng quốc phòng Trung Quốc, về sự hiện đại hóa quân sự và một số hệ thống vũ khí thu hút sự chú ý của quốc tế:
Không quân
Trong tháng 1, Trung Quốc xác nhận đã tiến hành bay thử loại máy bay chiến đấu tàng hình J-20. Theo giới phân tích, đây là động thái trình diễn sức mạnh trong chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tới Bắc Kinh nhằm mục tiêu xoa dịu căng thẳng quân sự giữa hai cường quốc.
Một số chuyên gia cho rằng, việc phát triển J - 20, loại máy bay tàng hình đầu tiên của Trung Quốc - là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Trung Quốc đã tiến bộ nhiều hơn dự đoán trong việc theo đuổi và phát triển một đối thủ với máy bay siêu thanh tàng hình F-22 Raptor của hãng Lockheed Martin. Đây là loại máy bay tàng hình duy nhất trên thế giới đang hoạt động, được thiết kế để tránh sự phát hiện từ radar của kẻ thù.
Ảnh Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, việc hoàn thiện J-20 có thể còn mất thêm nhiều năm nữa, và ông Gates nói trước chuyến thăm Trung Quốc rằng, ông có những hoài nghi về "khả năng tàng hình thực sự" của J-20 là thế nào.
Cùng với những tiến bộ trong công nghiệp hàng không, Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ công suất động cơ dùng cho các máy bay chiến đấu. Họ sở hữu các máy bay hiện đại nhất, và cũng là đối thủ lớn nhất của Mỹ - đó là các máy bay tiêm kích Su 30 và Su 27 của Nga.
Nỗ lực hiện đại hóa lực lượng không quân còn bao gồm việc nâng cao khả năng tiếp nhiên liệu trong các chuyến bay để giúp cho máy bay chiến đấu hoạt động ở phạm vi xa hơn cũng như hỗ trợ cho máy bay cảnh báo sớm.
Hải quân
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố, hiện đại hóa lực lượng hải quân là ưu tiên của nước này. Nó bao gồm nâng cấp các tàu khu trục, tàu chiến để hoạt động ở phạm vi xa hơn, khả năng chiến đấu lớn hơn.
Trung Quốc có thể trình làng tàu sân bay đầu tiên của họ trong năm nay, theo các nguồn quân sự và chính trị Trung Quốc, sớm hơn một năm so với dự báo của các nhà phân tích quân sự Mỹ, thúc đẩy sức mạnh hàng hải và sự quả quyết của Trung Quốc trên các vùng biển.
Chi phí xây dựng một tàu sân bay trọng tải 60.000 tấn, kích thước trung bình tương tự như tàu lớp Kuznetsov của Nga sẽ cần có hơn 2 tỉ USD. Như vậy, Trung Quốc có thể sở hữu ít nhất hai tàu sân bay.
Trung Quốc đang xây dựng các tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạp "lớp Kim", có khả năng phóng các đầu đạn hạt nhân khi đang trên biển. Họ cũng đã xây dựng một căn cứ hải quân ở Hải Nam - tỉnh phía nam Trung Quốc có thể phục vụ các tàu ngầm.
Tên lửa
Các quan chức Mỹ gần đây rất chú ý tới những tiến bộ trong khả năng quân sự Trung Quốc, bao gồm cả chương trình tên lửa đạn đạo chống hạm, có thể thách thức các tàu sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương.
Thành công của loại tên lửa diệt vệ tinh vào đầu năm 2007 của Trung Quốc đã thể hiện một bước tiến mới trong khả năng quân sự Trung Quốc, và tháng 1 năm ngoái, Trung Quốc đã thành công trong việc thử nghiệm loại công nghệ mới nhằm mục tiêu phá hủy các tên lửa giữa không trung.
Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng tháng 8 năm trước đưa tin, một căn cứ tên lửa mới đã đi vào hoạt động tại Quảng Đông trong bối cảnh căng thẳng ngày một gia tăng xung quanh vấn đề Biển Đông. Căn cứ mới được xây dựng tại Thiều Quan thuộc đơn vị 96166 của Quân đoàn Pháo binh thứ hai (Nhị pháo) quân đội Trung Quốc. Nhị pháo được coi là lực lượng tên lửa chiến lược của quân đội Trung Quốc. Nhiều chuyên gia quân sự tin rằng, căn cứ này sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo DF-21C hoặc tên lửa hành trình tầm xa CJ-10. Cả hai loại tên lửa này được cho là có khả năng đánh trúng mục tiêu cách xa hơn 2.000km, nghĩa là đặt các đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc đang tranh chấp với những nước láng giềng châu Á trong tầm ngắm.
Kho đạn dược của Trung Quốc bao gồm khoảng 100-400 đầu đạn hạt nhân, do Nhị pháo kiểm soát. Trung Quốc đã cam két không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên. Lực lượng đánh chặn của nước này có các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa phóng từ mặt đất và tàu ngầm.
Hiện nay Trung Quốc đang cố gắng chuyển đổi một lực lượng khổng lồ gồm 2,3 triệu quân sang cơ cấu nhỏ hơn, tinh nhuệ hơn, hiện đại hơn và có khả năng chống lại đối phương với vũ khí công nghệ cao.
- Hôm thứ Năm (3/3), Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cho biết, hai máy bay Trung Quốc đã bay cách quần đảo Senkaku (tiếng Nhật) còn gọi là Điếu Ngư (tiếng Trung Quốc) chỉ 55km. Ông khẳng định, các máy bay này không tiến vào không phận Nhật Bản và đã rút lui khi bị đối đầu. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự và tuyên bố Nhật Bản sẽ giám sát tình hình. "Chính xác là máy bay Nhật Bản đã được điều động khi hai máy bay quân sự Trung Quốc bay trên biển Hoa Đông", ông Edano nói với báo giới. "Nói một cách khác, hai máy bay đang bay ngoài không phận Nhật Bản và không vi phạm luật pháp quốc tế cũng như vấn đề an toàn, nên chúng tôi không ở vị trí phải lên án. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn theo sát tình hình". - Ngày 2/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối việc gần đây Trung Quốc diễn tập quân sự tại khu vực quần đảo Trường Sa. Trước đó, ngày 25/2/2011, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đưa tin ngày 24/2/2011, biên đội tàu hộ vệ số 8 hải quân Trung Quốc đã tiến hành diễn tập chống cướp biển ở khu vực quần đảo Trường Sa. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phản đối hoạt động này của phía Trung quốc. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ việc Trung Quốc diễn tập quân sự ở khu vực quần đảo Trường Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, hoàn toàn trái với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002. - Quan chức Philippines ngày 3/3 cũng cho hay, lực lượng vũ trang nước này đã điều hai máy bay trong đó có một máy bay ném bom tới vùng biển tranh chấp tại Biển Đông sau khi một tàu thăm dò dầu khí Philippines phát tín hiệu báo rằng, họ đã bị hai tàu tuần tra của Trung Quốc quấy nhiễu. Theo Trung tướng quân đội Philippines Juancho Sabban thì, 2 tàu tuần tra của Trung Quốc sau đó đã bỏ đi và không có bất kỳ phản ứng nào. Phía Philippines cho biết thời gian qua các tàu Trung Quốc đã ít nhất 2 lần tiến lại gần và dường như cố tình đâm vào tàu của Philippines. Các tàu Trung Quốc chỉ bỏ đi sau khi tiến vào rất sát. |