Ở Trung Nam Hải hiện vẫn tranh luận về cơ chế 7 (Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 gồm 7 người) và 7+2 (Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 gồm 7 người, hai nhân vật không vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 là Phó Chủ tịch nước và Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc).
Ngày 8/11, Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (Đại hội 18) sẽ khai mạc. Trước thời điểm nhạy cảm của việc chuyển giao quyền lực giữa thế hệ lãnh đạo thứ tư và thế hệ lãnh đạo thứ năm, nhân sự cấp cao chính trị và quân đội Trung Quốc đã định hình, với sự chia sẻ, cân bằng quyền lực giữa các phe phái.
Ông David Zweig, chuyên gia khoa học chính trị thuộc đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nhận định rằng danh sách các vị trí lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thể hiện sự cân bằng giữa một bên là những ứng viên ý thức được sự cần thiết phải cải cách, nhưng sẽ tiến hành từng bước về chính trị và nhanh về kinh tế. Các ứng viên khác được lựa chọn dường như có uy tín trong Đảng hơn là trong lĩnh vực cải cách.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (phải) và người được cho là "nhân vật kế nhiệm", Phó Chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình
Cơ chế Thường vụ Bộ chính trị 7 người hay 7+2?
Cuộc đua vào Thường vụ Bộ Chính trị trong tháng 9/2012 diễn ra khá căng thẳng thể hiện rõ nét trong tranh luận về cơ chế 7 (Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 gồm 7 người) và 7+2 (Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 gồm 7 người, hai nhân vật không vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 là Phó Chủ tịch nước và Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc).
Tập Cận Bình và người ủng hộ ông là Thủ tướng đương nhiệm Ôn Gia Bảo đều chủ trương hai nhân vật là Du Chính Thanh và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông đương nhiệm Uông Dương sẽ theo mô hình Đại hội 14, không vào Thường vụ Bộ Chính trị, lần lượt đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch nước và Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc, hình thành cơ chế "7+2".
Cơ chế “7+2” có thành hiện thực hay không hiện vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng theo tạp chí Minh Kính của Hong Kong, đối với Du Chính Thanh, chức Phó Thủ tướng là một thách thức. Thứ nhất, tuổi của Du Chính Thanh đã cao (Du Chính Thanh sinh năm 1945). Hai là làm Phó Thủ tướng sẽ khiến Du Chính Thanh rơi vào cảnh lực bất tòng tâm. Ba là so với các ứng cử viên Phó Thủ tướng khác, Du Chính Thanh không có ưu thế nào.
Trong khi đó, tờ Nhật báo Tinh Đảo cũng của Hong Kong số ra ngày 25/10 dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh tiết lộ ngày 15/11 tới, Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 sẽ ra mắt với thứ tự: Tập Cận Bình (Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước đương nhiệm), Lý Khắc Cường (Phó Thủ tướng Thường trực đương nhiệm), Trương Đức Giang (Phó Thủ tướng kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh đương nhiệm), Du Chính Thanh (Bí thư Thành ủy Thượng Hải đương nhiệm), Lưu Vân Sơn (Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương đương nhiệm), Trương Cao Lệ (Bí thư Thành ủy Thiên tân đương nhiệm) và Vương Kỳ Sơn (Phó Thủ tướng đương nhiệm).
Trong danh sách Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18, có một sự thay đổi lớn trong 15 năm qua (từ thời Lý Bằng làm Ủy viên trưởng Nhân đại Toàn quốc), Thủ tướng luôn đứng thứ 3 trong Thường vụ Bộ Chính trị.
Về trường hợp của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lý Nguyên Triều (62 tuổi) và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương (57 tuổi), nguồn tin từ Bắc Kinh nói với tờ "Nhật báo Tinh đảo" rằng hai nhân vật này "còn trẻ", có thể đợi, tới Đại hội 19 (năm 2017) vẫn có hi vọng vào Thường vụ Bộ Chính trị. Nhưng Uông Dương sẽ được điều về Trung ương công tác và vị trí mà nhân vật này có thể đảm nhiệm là Phó Thủ tướng.
Theo tờ Minh Kính, trước Hội nghị Bắc Đới Hà tháng 8/2012, dư luận phổ biến cho rằng Bí thư Thành ủy Thượng Hải đương nhiệm Du Chính Thanh sẽ tấn thăng vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 và đóng vai trò "anh cả". Vì trong các ứng cử viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18, không có ai có được bề dày trải nghiệm chính trị hơn Du Chính Thanh và cũng không ai giống Du Chính Thanh có tới hai cơ hội tấn thăng vào ban lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại Đại hội 14, Đặng Tiểu Bình sắp xếp để Du Chính Thanh vào Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhưng ngay cả chức Ủy viên Trung ương, Du Chính Thanh cũng không giành được. Tại Đại hội 17, Hồ Cẩm Đào từng đề nghị cùng đưa Du Chính Thanh và Lý Khắc Cường vào Thường vụ Bộ Chính trị nhằm để sau này Lý Khắc Cường với ưu thế về độ tuổi sẽ trở thành người kế nhiệm của Hồ Cẩm Đào, làm Tổng Bí thư. Không ngờ ẩn số Tập Cận Bình xuất hiện và Du Chính Thanh chỉ có thể liên nhiệm chức Ủy viên Bộ Chính trị.
Sau Hội nghị Bắc Đới Hà, sự xuất hiện của Du Chính Thanh trong bản danh sách Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 đã gây ra nhiều tranh cãi. Lý Bằng nói rằng sự kiện Du Cường Thanh đào tẩu sang Mỹ đã xảy ra được một thời gian dài, nhưng ảnh hưởng vấn rất xấu, nếu Du Chính Thanh tấn thăng vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18, chắc chắn sẽ có kẻ làm ầm lên sự kiện Du Cường Thanh, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, Du Chính Thanh tuổi đã cao, cho nên tốt nhất là không để nhân vật này vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18.
Nhưng điều làm mọi người ngạc nhiên nhất vẫn là sự thay đổi thái độ của Giang Trạch Dân. Vốn luôn được coi là người ủng hộ ở hậu trường của Du Chính Thanh, nhưng theo truyền thông Hong Kong, mới đây ông Giang Trạch Dân nói rằng Du Chính Thanh làm tới chức Ủy viên Bộ Chính trị là đủ, không cần thiết vào Thường vụ Bộ Chính trị.
Theo nguồn tin từ Bắc Kinh tiết lộ với tạp chí “Minh Kính” dù không có tên trong Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng Du Chính Thanh vẫn có hi vọng làm Phó Thủ tướng, xếp sau Phó Thủ tướng Thường trực Trương Cao Lệ. Đây là sắp xếp mang tính chất an ủi đối với Du Chính Thanh và nhân vật này vẫn chưa biểu lộ thái độ liên quan tới khả năng này. Tuy nhiên, những người trong cuộc đều biết rõ, Du Chính Thanh đang hướng tới việc trở thành Phó Chủ tịch nước trong cơ chế “7+2” mà Trung Nam Hải đang tranh cãi.
Võ Vân (Gt)
Theo Tổ Quốc