Các vụ tranh chấp nổi bật gần đây mà Trung Quốc là người khởi xướng cho thấy ngoài sức mạnh cơ bắp như các biện pháp quân sự-pháo hạm, nước này còn cố tình diễn giải pháp lý theo "kiểu Trung Quốc" sao cho có lợi nhất cho mình, bất chấp những mâu thuẫn trong lập luận.
Cùng sử dụng Công ước Quốc tế về Luật Biển UNCLOS với vấn đề chủ quyền nhưng chính sách và cách áp dụng tại những địa điểm khác nhau thì lại cực kì mâu thuẫn với nhau. Điển hình nhất là yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với ba khu vực đang rất nóng trong thời gian qua là biển Đông, Senkaku (Điếu Ngư) và Bắc Cực. Từ tuyên bố chủ quyền Mâu thuẫn đầu tiên là cách xác định chủ quyền của Trung Quốc với các vùng này. Đối với biển Đông và Senkaku, Trung Quốc dựa vào cơ sở pháp lý của để yêu sách chủ quyền. Khái niệm "vùng nước lịch sử" không được đề cập trong UNCLOS, nhưng được xác định thông qua thông lệ cũng như tập quán quốc tế. Theo đó, "vùng nước lịch sử" có các đặc điểm như sau (i) Là vùng biển có cấu tạo địa lý đặc biệt, ăn sâu vào đất liền hoặc là một bộ phận gắn liền với lục địa; (ii) Ở cách xa đường hàng hải quốc tế; (iii) Có ý nghĩa quan trọng đặc biệt về chiến lược, quốc phòng, an ninh, kinh tế,... đối với quốc gia ven biển; (iv) Về mặt lịch sử, quốc gia ven biển đã chiếm hữu, khai thác, sử dụng từ lâu đời mà không có nước nào phản đối. Chế độ pháp lý của vùng nước lịch sử là tương đương với chế độ pháp lý của nội thủy. Trung Quốc cho rằng quần đảo Điếu Ngư và các vùng nước bao quanh đó là một phần lãnh thổ của họ từ thời "cổ đại" và quần đảo này vốn nằm trong một ngư trường có vai trò quan trọng do tỉnh đảo Đài Loan quản lý từ xưa. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhiều lần tuyên bố lập luận này là "được chứng minh đầy đủ bằng lịch sử và pháp lý", củng cố bằng cách đưa thêm dẫn chứng là những thông tin về quần đảo này đã xuất hiện trên các bản đồ Trung Quốc vào khoảng năm 1400 dưới các tên gọi theo tiếng Trung Quốc. Theo lập luận của Trung Quốc thì các đảo này còn được ghi nhận trong một số bản ghi chép của hải quân thời xa xưa (không nói rõ là thời nào). Các đảo này còn được các chính quyền Trung Quốc khi xưa xem là một phần không gian biển của Trung Quốc. Dân cư Trung Quốc đã đánh cá ở đây từ lâu đời mà không hề bị ai phản đối. Tuy nhiên, lịch sử lại không đứng về phía Trung Quốc khi Hiệp ước San Francisco năm 1951 chỉ đề cập đến việc Nhật trả lại Đài Loan cho Trung Quốc, còn quần đảo Nansei Shoto (trong đó bao gồm cả Senkaku/Điếu Ngư) đã được đặt dưới sự ủy thác quản lý của Mỹ và sau đó chúng được trả lại cho chính phủ Nhật Bản quản lý theo thỏa thuận trao trả Okinawa 1971. Tương tự như vậy đối với biển Đông khi Phó phòng Chính sách Đối ngoại thuộc Vụ Châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zheng Zhenhua khẳng định "những hòn đảo trong khu vực đã có người Trung Quốc sinh sống từ thời Đông Hán (năm 23 tới năm 220 sau Công nguyên)" và rằng "người Trung Quốc đã thiết lập một kiểu chính phủ "giống với hiện tại" từ thời Tống (năm 420 tới năm 478 sau Công nguyên)" như là một bằng chứng cho chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc" đối với những khu vực mà nước này yêu sách tại Biển Đông. Hơn nữa, Bắc Kinh cho rằng từ năm 1947 và qua suốt những năm của thập niên 1960, không có quốc gia nào, bao gồm cả Hoa Kỳ, "từng nêu câu hỏi hoặc nghi ngờ về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" Nhưng về thực chất, Trung Quốc vẫn không có bất cứ một dẫn chứng cụ thể nào để chứng minh cho lập luận của mình, đặc biệt là về dẫn chứng lịch sử. Họ dựa vào những câu nói trong các tác phẩm lịch sử cổ để lại mà ngôn từ trong những tác phẩm đó rất mơ hồ và nhiều khi cũng bị làm cho sai lệch về ý nghĩa hay thêm thắt câu chữ, khiến cho người không am hiểu dễ bị lầm tưởng. Và việc viện dẫn không có nước nào phản đối lại càng vô lý hơn khi trên thực tế, ngay từ Hội nghị San Francisco tháng 9/1951, không một quốc gia tham gia Hội nghị nào đồng ý trao trả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cho Trung Quốc cả, mà thực ra là do Pháp quản lý mà sau đó Việt Nam là nước kế thừa, và kể từ khi "đường lưỡi bò" được Bắc Kinh đưa ra thì ngay sau đó Việt Nam và một số nước ASEAN như Philippines và Indonesia đều đã gửi Công hàm phản đổi lên Liên Hợp Quốc. Còn ở Bắc Cực, mặc dù không thể sử dụng khái niệm "vùng nước lịch sử" do Bắc Cực và vùng nước xung quanh hiện được coi là vùng biển quốc tế và không thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào và Trung Quốc cũng chả liên quan gì về mặt địa lý nhưng nước này lại lên tiếng đòi chủ quyền một cách trắng trợn. Thậm chí Trung Quốc còn đặt câu hỏi và yêu cầu được làm rõ về các đòi hỏi chủ quyền của các nước thành viên trong Hội đồng Bắc Cực- vốn là các nước giáp ranh Bắc Cực và đang tranh chấp chủ quyền chủ yếu tại Bắc Cực hiện nay như Nga, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Mỹ, Thụy Điển, Iceland, Phần Lan. Qua đó cho ta thấy dù ở bất cứ đâu, Bắc Cực, Trường Sa-Hoàng Sa hay Điếu Ngư, Trung Quốc đều bất chấp tất cả để tuyên bố chủ quyền với những lập luận hết sức vô lý. Yêu sách về vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) Nhưng đó chỉ mới là bước dạo đầu của tham vọng, Trung Quốc còn đi xa hơn với các yêu sách về EEZ của mình. Đầu tiên là tước đi quyền tự do hàng hải của các quốc gia khác trên vùng đặc quyền kinh tế rộng 880000 km2 của nước này khi tuyên bố các quốc gia khác cần phải xin phép Trung Quốc để được thực hiện "quyền tự do hàng hải", đây là yêu sách về chủ quyền với EEZ như đối với lãnh hải. Thiệt hại những tưởng đã rất lớn nhưng vẫn chưa phải là tất cả khi Trung Quốc còn yêu sách cho tất cả các đảo, đá và quần đảo của mình có đầy đủ chế độ của lãnh thổ đất liền. Theo đó, tất cả các đảo, đá và quần đảo của Trung Quốc đều có lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế EEZ, mà không phân biệt đảo, đá đó phù hợp quy định chế độ đảo của UNCLOS hay khôngvà nếu trong vùng đặc quyền kinh tế của các đảo đó có một đảo khác thì đảo này sẽ thuộc chủ quyền của Trung Quốc và lại tiếp tục được hưởng chế độ pháp lý đảo như lãnh thổ đất liền. Việc "nối chủ quyền" này đã đe dọa cướp đi các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia khác tại Biển Đông khi không chỉ những đảo của các nước khác nằm trong khu vực 200 hải lý xung quanh các đảo của Trung Quốc sẽ bị Trung Quốc coi là đảo của mình một cách trắng trợn. Hơn thế nữa, ranh giới đường lưỡi bò cũng sẽ được mở rộng hơn 80% biển Đông và thậm chí chỉ cách một số bờ biển của các nước Philippines, Việt Nam,... vài chục km. Đối với Senkaku, Trung Quốc cũng thể hiện sự tham lam khi muốn phân chia theo hướng vùng EEZ của mình phải mở rộng ra về phía đông tiếp nối vùng thềm lục địa Trung Quốc, ăn sâu vào vùng EEZ của Nhật Bản theo đường phân chia ở chính giữa eo biển hai nước. Trong khi xét đến vùng đặc quyền kinh tế EEZ thì về mặt vị trí địa lý thì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cách Trung Quốc khoảng 200 hải lý về phía đông, cách Nhật Bản cũng khoảng 200 hải lý tính từ Okinawa. Nhưng do bề ngang biển Hoa Đông chỉ có 360 hải lý nên vùng đặc quyền kinh tế EEZ của hai quốc gia này đã chồng lấn lên nhau. Thay vì cố gắng đàm phán để cân bằng lợi ích cho cả hai thì Trung Quốc lại muốn lấn sang cả vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Hơn nữa, mặc dù quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đều là các đảo đá, nằm trên thềm đá nên không có nguồn nước ngọt, lại dốc đứng nên việc khẳng định có người ở là điều không tưởng, nhưng Bắc Kinh vẫn khăng khăng về việc có người Trung Quốc từng sinh sống ở các đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mục đích là để yêu sách tất cả các đảo, đá của Senkaku có quy chế và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) như lãnh thổ đất liền, phục vụ cho chiêu bài "nối chủ quyền". Tuy nhiên, phương thức lập luận trên chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Trong khi chính Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế khi tước đi quyền "tự do hàng hải" trên các vùng đặc quyền kinh tế EEZ của nước mình, thì chính nước này cũng lại "vác loa" đi yêu cầu "tự do hàng hải" ở Bắc Cực. Với Biển Đông và Senkaku/Điếu Ngư thì Trung Quốc lại ra sức đòi chủ quyền EEZ, nhưng tại Bắc Cực, Trung Quốc lái tuyên bố của mình theo hướng muốn Bắc Cực cùng với các tuyến hàng hải, nguồn dầu mỏ, khoáng sản và nguồn cá tại đó phải mang quy chế lãnh thổ quốc tế, phải là di sản chung của nhân loại. Xét về bản chất tranh chấp chủ quyền, cả ba khu vực đều gần như nhau. Vì thế có thể thấy Trung Quốc hết sức "kì lạ" trong những yêu sách của mình. Đây được xem là những đòi hỏi hết sức vô lý. Nó đặc biệt mâu thuẫn nếu không muốn nói là trái ngược hoàn toàn khi đem ra so sánh với những lập luận cho yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Khi Trung Quốc liên tục tuyên bố mình có chủ quyền "cố hữu" từ "thời xa xưa" trên Biển Đông, quyết tâm không cho các nước khác "quốc tế hóa" vấn đề này, ra sức giải quyết bằng đàm phán song phương, trong khi ở Bắc Cực thì lại ra sức "quốc tế hóa". Cùng một bản chất tranh chấp mà Trung Quốc lại có hai quan điểm khác nhau ở hai khu vực. Có thể giải thích rằng vì tại Bắc Cực khi hai ông lớn như Nga, Mỹ có liên quan trực tiếp thì Trung Quốc biết rõ mình không thể nắm thế thượng phong. Cho đến chính sách tiếp cận Và sự mâu thuẫn của Trung Quốc thể hiện rõ nhất trongchính sách tiếp cận ở các khu vực khi nước này luôn "nói một đằng làm một nẻo". Tại biển Đông, sự chèn ép của Trung Quốc với các nước láng giềng nhỏ yếu cực kì rõ ràng. Từ quan điểm đàm phán song phương cho tới sự hai mặt trong hành động khi một mặt thì luôn thể hiện rằng Trung Quốc tuân thủ luật pháp một cách "nghiêm túc", luôn kêu gọi các nước kiềm chế, không gây thêm căng thẳng; mặt khác thì lại đơn phương cấm đánh bắt cá tại biển Đông, bắt bớ tàu cá các nước, kêu gọi mời thầu các lô dầu khí thuộc vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cho tàu tới chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines,... Tại Senkaku/Điếu Ngư, khi nước tranh chấp là một cường quốc trong khu vực, đặc biệt lại là đồng minh thân cận của Mỹ, thì Trung Quốc hành xử có phần "nhỏ nhẹ" hơn. Trong thời gian diễn ra tranh chấp, Trung Quốc liên tục cho tàu hải giám, tàu ngư chính "tuần tra" ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư một cách "thận trọng và ôn hòa". Không có những hành động ngang ngược như cấm đánh bắt cá, ngang nhiên mời thầu như ở Biển Đông. Dù thường tổ chức tập trận, nhưng Trung Quốc cũng không dám đưa bất cứ tàu chiến nào vào vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với Nhật Bản. Còn ở Bắc Cực, Trung Quốc đã cho xây dựng trạm nghiên cứu khoa học đầu tiên với diện tích 500m2 với 4 phòng thí nghiệm tại Spitsbergen. Đến năm 2009 Trung Quốc lại thành lập Trung tâm nghiên cứu khoa học vùng cực trên cơ sở cơ quan chuyên trách trước đó với số nhân lực 230 người. Hiện Trung Quốc đã nộp đơn xin làm quan sát viên Hội đồng Bắc Cực từ lâu nhằm tìm kiếm tiếng nói và tính "hợp danh" của mình trong việc yêu sách chủ quyền Bắc Cực. Các bước đi của Trung Quốc rất từ tốn và có phần nhún nhường, không còn hình ảnh ngang ngược, gây hấn bất chấp Luật pháp quốc tế như ở biển Đông. Bởi tranh chấp ở Bắc Cực có sự tham gia của rất nhiều cường quốc, đặc biệt là hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga. Dù vậy, giáo sư lịch sử David Wright của Đại học Calgary cũng như nhiều nhà phân tích khác đã dự đoán rằng trong tương lai Bắc Kinh sẽ trở nên quyết đoán và cứng rắn hơn trong vấn đề Bắc Cực. Tóm lại, có thể thấy một điều rằng, chính sách chủ quyền và cách diễn giải UNCLOS của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sử dụng sức mạnh của nước này trong khu vực. Như tại biển Đông, khi đối đầu với các nước Đông Nam Á nhỏ yếu, Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền tuyệt đối của mình với hơn 80% diện tích biển Đông và đưa ra các bước đi xác quyết chủ quyền đầy ngang ngược như bắt tàu cá, cấm khai thác, đưa tàu đến chiếm đảo,.... Nhưng đối với Điếu Ngư, khi tranh chấp với Nhật Bản là một cường quốc trong khu vực thì giọng điệu và hành vi của Trung Quốc khác hẳn, không còn là kẻ hiếu chiến luôn sẵn sàng bắt nạt người khác, thay vào đó là các bước đi thận trong hơn. Và đối với Bắc Cực, Trung Quốc dường như rơi vào vị thế của Philippines và Việt Nam khi đối đầu với Trung Quốc tại biển Đông, hoàn toàn lép vế trước Mỹ và Nga. Chính sách của Trung Quốc tạo ra cảm giác là chỗ nào có khả năng kiểm soát thì đòi hỏi chủ quyền, chèn ép người khác; chỗ nào yếu thế hơn về lực thì đòi dựa vào luật quốc tế, đòi lợi ích theo ý mình, mặc dù không có cơ sở pháp lý cho sự đòi hỏi đó. Một Trung Quốc không những mâu thuẫn về lời nói, mà còn cả phương thức hành động đang dần dần lộ diện.Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp chủ quyền. Ảnh:maritime security reviews
--------------
Tác giả: Vũ Thành Công - Nghĩa Huỳnh// Nguồn: Tuần Việt Nam