Gương mặt nổi bật nhất được thăng cấp lần này là tướng Mã Hiểu Thiên. Ảnh defence.pk |
Gương mặt nổi bật nhất được thăng cấp lần này là tướng Mã Hiểu Thiên, 63 tuổi, một gương mặt quen thuộc với các giới chức quốc phòng và quân sự thế giới, vì ông này thường xuyên dẫn dầu phái đoàn Quân đội Trung Quốc tham gia các hội nghị quốc tế.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 23/10 vừa qua xác nhận tướng Mã Hiểu Thiên được cử làm Tư lệnh Không quân mới. Vị trí này rất quan trọng vì hầu như chắc chắn ông sẽ được bầu vào Quân ủy Trung ương.
Nhân vật mạnh thứ hai được thăng chức là tướng Trương Dương, 61 tuổi, được cử làm lãnh đạo Tổng cục Chính trị, một chức vụ gần như chắc chắn vào Quân ủy Trung ương.
Theo giới phân tích, sở dĩ tướng Trương Dương được tin tưởng, đó là vì ông là một sĩ quan có năng lực, cho đến nay chỉ quan tâm đến quân đội và nhất là không màng đến các tính toán chính trị. Việc đề bạt ông cho phép loại bỏ hai viên tướng khác được cho là thân cận với nhà lãnh đạo bị thất sủng Bạc Hy Lai.
RFI dẫn lời giới phân tích nói rằng việc cải tổ ban lãnh đạo quân đội Trung Quốc lần này rất quan trọng, vì diễn ra vào lúc lực lượng vũ trang Trung Quốc phải nhanh chóng phát triển sức mạnh của Không quân và Hải quân để thách thức thế thống trị của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt vào lúc Washington tập trung lực lượng ở khu vực này, tăng cường quan hệ quốc phòng với các đồng minh cũng như mở rộng quan hệ với các đối tác.
Vai trò của Không quân và Hải quân rất quan trọng vào lúc Bắc Kinh không còn che giấu tham vọng trên biển, muốn thống trị hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp các phản ứng của các láng giềng Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines…. Trung Quốc cũng sẵn sàng đọ sức với Nhật Bản để đòi chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và không ngần ngại tranh đua với Ấn Độ tại Ấn Độ Dương.
Trong bối cảnh đó, các nhà quan sát rất chú ý đến khả năng viên tướng nào sẽ được bầu vào vị trí Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương mà hai chỗ thường được giành cho các sĩ quan cao cấp nhất trong quân đội. Hai phó chủ tịch này cũng đồng thời có chân trong Bộ Chính trị, cơ chế cao cấp nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trên vấn đề này giới phân tích cho rằng nếu trước đây, cả hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Quốc phòng thường xuất thân từ Lục quân, năm nay ít ra là hai trong số ba người này có thể đến từ các binh chủng Hải Quân và Không quân.
Theo báo Wall Street Journal, những nguồn thạo tin tại Trung Quốc cho biết là người tiền nhiệm của tướng Mã Hiểu Thiên làm Tư lệnh Không quân là tướng Hứa Kỳ Lượng có nhiều triển vọng nhất được cử làm một trong các Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Còn đương kim Tư lệnh Hải quân Đô đốc Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli) có rất nhiều khả năng được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Việc có đại diện trong cơ chế lãnh đạo cao nhất là Quân ủy Trung ương, hai binh chủng Hải quân và Không quân Trung Quốc sẽ dễ dàng bảo vệ các ưu tiên phát triển của mình. Điều đó cũng phù hợp với sự thay đổi trong nhiệm vụ của Quân đội Trung Quốc: từ việc chủ yếu can dự vào các cuộc chiến tranh trên bộ trước đây với các láng giềng…chuyển sang bảo vệ các vùng biển tranh giành với nước khác, hay là bảo vệ điều được coi là lợi ích của Trung Quốc tại Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và xa hơn nữa.
Minh Châu (tổng hợp)
Theo Đất Việt