Theo đúng dự đoán của nhiều chuyên gia, Trung Quốc đang có tốc độ mở rộng và phát triển các công nghệ trong lĩnh vực này một cách ồ ạt nhất.Chú trọng vận chuyển đường biển
Theo báo cáo của Defense News, nhằm mục tiêu đạt được ưu thế trong tranh chấp nguồn lợi thủy hải sản và tài nguyên dầu khí trên biển với các quốc gia láng giềng, Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng khả năng không - hải vận của mình.
Trung Quốc có thể tận dụng khả năng này trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hai bờ eo biển Đài Loan, ngoài ra nó cũng sẽ giúp ích nhiều cho Bắc Kinh trong các tranh chấp như với Nhật Bản trong thời gian qua.
Theo bài viết dẫn nguồn tin công bố ở Đài Loan hồi năm 2006 cho biết, Quân đội Trung Quốc (PLA) thông qua lực lượng dự bị động viên có thể chuyển đến Đài Loan từ 5 đến 6 sư đoàn.
Hiện nay, Hải quân PLA hoàn thành việc hạ thủy 3 con tàu đổ bộ Type-071 nặng 28.000 tấn, tàu đổ bộ Type-071 có thể cùng lúc chuyên chở được 500 đến 800 lính cùng 15 đến 20 xe bọc thép. Dự kiến, Trung Quốc sẽ đóng thêm 3 tàu loại này trong tương lai gần.
Ngoài ra, vào tháng 4/2012, Trung Quốc cũng đã giới thiệu mô hình một loại tàu đổ bộ trực thăng loại mới, rất giống với loại tàu Mistral mà Nga mua của Pháp. Hải quân PLA sẽ đóng từ 3 đến 6 tàu này.
Số lượng phà dân sự cỡ lớn của Trung Quốc cũng đã tăng từ 2 đến 3 lần trong khoảng 5 năm qua, những tàu này đều đã có tham gia trong các cuộc tập trận đổ bộ đường biển của họ trong những năm qua.
Không ngừng nâng cao khả năng không vận
Theo nguồn tin từ báo Nga, hãng Antonov của Ukraina đang giúp Trung Quốc phát triển loại máy bay vận tải chiến thuật Y-9. Nó đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2011, sau khi hoàn thành Y-9 sẽ được trang bị đại trà cho không quân Trung Quốc.
Y-9 tương đương với máy bay vận tải hạng trung C-130J của Mỹ, được trang bị 4 động cơ tuốc bin cánh quạt FWJ6C, các hệ thống điện tử tiên tiến, mang được 16 đến 20 tấn hàng hóa, 106 chỗ ngồi trên khoang vận chuyển hoặc 72 lính dù. Ngoài ra, Y-9 còn có thể mang theo trực thăng tấn công hoặc các phương tiện cơ giới bộ binh.
Y-20 của Không quân Trung Quốc |
Các nguồn tin còn cho hay, Antonov cũng đang giúp Công ty Công nghiệp hàng không Tây An phát triển máy bay vận tải hạng nặng Y-20.
Phía Trung Quốc hy vọng Y-20 có thể tương đương với loại máy bay C-17 Globalmaster 3 do Mỹ sản xuất.
Y-20 ban đầu trang bị động cơ D-30KP2 của Nga, nhưng hiện tại Trung Quốc đã thay thế nó bằng động cơ tuốc bin phản lực 2 luồng nội địa WS-18 được sao chép từ động cơ CFM56 của Mỹ sản xuất.
WS-18 đang được tiếp tục nâng cấp để trang bị cho máy bay ném bom chiến lược H-6K của Trung Quốc, Bắc Kinh hy vọng rằng khi được trang bị động cơ mới này, H-6K có thể bay đến Austraulia, Guam, Ấn Độ hay Nhật Bản. Từ đó có thể dùng các đạn tên lửa hành trình diệt hạm tấn công các nhóm tác chiến tàu sân bay của hải quân Mỹ.
Chưa là gì với mặt bằng chung
Trên thực tế, việc phát triển khả năng vận chuyển đường không diễn ra quyết liệt giữa nhiều quốc gia chứ không phải chỉ đối với mình Trung Quốc. Nhưng hiện giờ, các nước phương Tây đã đạt đẳng cấp rất cao và ở trong quá trình hoàn thiện nó.
Lực lượng vận chuyển đường không của Austraulia không ngừng lớn mạnh trong những năm gần đây. Mới cách đây khoảng 10 năm, Austraulia mới có máy bay vận tải đầu tiên là một chiếc C-130J-30 trong biên chế. Đến nay, Không quân hoàng gia Austraulia đã có trong tay 5 chiếc C-17, máy bay vận tải kiêm tiếp dầu A330 cũng đang được đặt mua.
Theo thông tin từ Defense News, Austraulia đang có khoảng 47 chiếc máy bay vận tải với khả năng chuyên chở 3.775 lính hoặc 656 tấn hàng hóa. Dự kiến, đến năm 2016, số lượng máy bay sẽ giảm đi nhưng năng lực chuyên chở lại tăng lên 4.321 người hoặc 950 tấn hàng hóa.
Tàu đổ bộ 2 thân L-CAT của Pháp |
Quốc gia có lực lượng không vận quy mô nhất thế giới hiện nay vẫn là Mỹ. Năm 2011, 43 căn cứ lục quân tiền tuyến của họ tại Afghanistan hoàn toàn dựa vào tiếp vận đường không. Ước tính số lượng mà người Mỹ chuyển cho những căn cứ này thông qua các máy bay vận tải là khoảng 27.000 lính, cùng tất cả đạn dược, thuốc men, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác. Với sự gia tăng tính bất ổn ở vùng biên giới Pakistan – Afghanistan, việc tiếp tế bằng máy bay càng được chú ý hơn bằng đường bộ.
Thêm một so sánh khác, các quốc gia châu Âu cũng đang tích cực phát triển khả năng vận chuyển đường biển của riêng mình, Anh đang đầu tư mạnh mẽ cho việc đóng mới và nâng cấp các tàu đổ bộ loại lớn, cùng các tàu đổ bộ cao tốc hạng nhẹ làm trung chuyển từ tàu mẹ lên bờ. Pháp đã giới thiệu mô hình tàu đổ bộ 2 thân mới L-CAT, Itlaly cũng mua mới thuyền vận tải 18.000 tấn nhằm phục vụ cho mục đích tác chiến đổ bộ đường biển.
Hoàng Anh
Theo Đất Việt