Trong một chuyến công du ở nước ngoài, khi nói chuyện với các Hoa Kiều ở thủ đô Mexico, Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã "bóng gió" chỉ trích Hoa Kỳ: “Có một số người nước ngoài, với cái bụng no căng, chẳng có việc gì làm ngoài việc chỉ trích đất nước chúng ta. Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng, nghèo đói và Trung Quốc cũng không làm cho nước đó phải đau đầu. Vậy nước đó còn muốn gì nữa?”
Ông Tập Cận Bình có mối quan hệ mật thiết với Quân đội giải phóng nhân dân hơn đương kim chủ tịch Hồ Cẩm Đào. |
Dự kiến ông Tập sẽ chính thức trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại hội Đảng lần thứ 18 khai mạc vào ngày 8/11 – chỉ 2 ngày sau khi bầu cử tổng thống Mỹ.
Ông Tập được cho là sẽ nắm quyền tối cao ở Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang rất chênh vênh và bị phủ bóng tối do xung đột lợi ích tại châu Á và các bài diễn thuyết thường chĩa mũi tấn công vào Trung Quốc tại chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.
Trong 4 tháng vừa qua, Trung Quốc đã tăng cường các hành động hiếu chiến và kích động phong trào dân tộc chủ nghĩa ở châu Á. Các nhà phân tích và ngoại giao cho rằng những động thái đó của Trung Quốc chống lại các đồng minh của Hoa Kỳ tại châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, là nhằm mở đường cho thập kỷ lãnh đạo của ông Tập.
Là con trai của một vị cựu lãnh đạo cấp cao từ thời kỳ cách mạng, ông Tập, 59 tuổi, có mối quan hệ mật thiết với lực lượng quân đội ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc hơn đương kim chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Khi ông Tập tiến dần lên các nấc thang trong Đảng Cộng sản, ông cũng có các bước tiến song song trong Quân đội giải phóng nhân dân, thắt chặt mối quan hệ của ông với các thành phần của các lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Ngay cả trong trường hợp ông Tập chưa thể ngay lập tức trở thành lãnh đạo của Quân ủy trung ương, điều gần như chắc chắn là ông sẽ chiếm vị trí đó trong 2 năm nữa, giúp ông trở thành người lãnh đạo trực tiếp quân đội Trung Quốc trong vòng 8 năm.
Các nhà phân tích và ngoại giao ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều cho rằng sự kết hợp của quyền lực chính trị với tư cách là Tổng bí thư Đảng Cộng sản và quan hệ tốt với lực lượng quân đội ngày càng lớn mạnh khiến ông Tập trở thành một nhà lãnh đạo Trung Quốc “đáng gờm” trong con mắt của Washington.
“Câu hỏi cơ bản là liệu ông Tập có thu hẹp khoảng cách trong mối quan hệ Mỹ - Trung và có những bước đi cụ thể để mối quan hệ này phát triển theo chiều hướng tích cực hơn – hay ông ta sẽ đưa mối quan hệ đó đi theo con đường khác và có tính chất đối đầu mạnh hơn?”, Christopher K.Johnson, một cố vấn cấp cao của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washinton và là một chuyên gia về Trung Quốc của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Câu trả lời có vẻ như bao gồm cả 2 chiều hướng nói trên.
Trong một bài diễn thuyết ở Washington hồi tháng 2, ông Tập nói rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ nên tiến tới “một kiểu quan hệ mới giữa 2 cường quốc lớn trong thế kỷ 21”.
Ông Tập cho rằng hai bên cần tôn trọng “lợi ích cốt lõi và mối quan tâm chính của nhau”, “tăng cường hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau về mặt chiến lược” đồng thời “củng cố hợp tác và phối hợp trong các vấn đề quốc tế” mà không đưa ra những nhận xét cụ thể hơn.
Tuy vậy, theo Jin Canrong, giáo sư thuộc Đại học Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh, ông Tập đang thách thức vị thế lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ khi ông đưa ra gợi ý rằng Washington nên để ra một khoảng trống để Trung Quốc vươn lên.
‘Trung Quốc nên gách vác một phần trách nhiệm cho Hoa Kỳ và Hoa Kỳ nên chia sẻ quyền lực cho Trung Quốc”, ông Jin nói.
“Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ không muốn điều đó xảy ra, nhưng họ sẽ phải” chấp nhận nó, ông Jin khẳng định.
Giáo sư Jin dự báo rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao hơn Mỹ rất nhiều.
“Thực tế đó sẽ thay đổi suy nghĩ của họ (Hoa Kỳ)”, ông Jin bình luận về quan điểm của Hoa Kỳ về việc chia sẻ quyền lực với Trung Quốc.
Trước khi trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, ông Tập Cận Bình chủ yếu xuất hiện trong nội bộ chính trường Trung Quốc mà ít thể hiện trước dư luận thế giới.
Nhưng điều quan trọng là trước khi chuyến tới Bắc Kinh ông dành nhiều thời gian tại các tỉnh ven biển Trung Quốc như Phúc Kiến và Chiết Giang cũng như đảo Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc coi là một tỉnh của mình.
Theo đó, ông Tập nuôi dưỡng mối quan hệ kinh tế với Đài Loan và thường xuyên gặp gỡ các doanh nhân hàng đầu Đài Loan đầu tư lớn vào 2 tỉnh trên và biến 2 tỉnh này thành một trong các cỗ máy kinh tế mạnh mẽ nhất Trung Quốc.
Joseph Wu, một thành viên của đảng Dân chủ tiến bộ ở Đài Loan, cho biết vào năm 2003, khi thăng chức từ chủ tịch tỉnh thành bí thư Chiết Giang, vị trí cao nhất của tỉnh, ông Tập tiếp tục duy trì mối quan hệ với Đài Loan mặc dù các vấn đề liên quan đến Đài Loan thuộc thẩm quyền của chủ tịch tỉnh.
Ông Wu dự báo rằng vào giữa nhiệm kỳ của mình, ông Tập sẽ “cứng rắn hơn” về vấn đề Đài Loan, kêu gọi Đài Loan hòa nhập mạnh mẽ hơn vào đại lục dù chính sách này cho đến nay vẫn bị Đài Loan phản đối.
Theo nhà nghiên cứu Bo Zhiyue từ Viện Đông Á thuộc Đại học quốc gia Singapore, kể từ khi trở thành Phó chủ tịch Trung Quốc, ông Tập đã đến thăm hơn 50 quốc gia, một nỗ lực có chủ ý nhằm tìm hiểu về thế giới trước khi nắm quyền.
Trong khi đó đương kim chủ tịch Hồ Cẩm Đào chỉ đến thăm 17 quốc gia khi ông giữ chức phó chủ tịch Trung Quốc.
Ông Tập “thân” với Quân đội giải phóng nhân dân sẽ có lợi hay có hại cho Mỹ? |
Nếu 1 thập kỷ trước đây chính sách ngoại giao của Trung Quốc tập trung vào bảo vệ nguồn nguyên liệu thô ở nước ngoài để phục vụ cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh của nước này thì sắp tới, Trung Quốc sẽ nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng sức mạnh quân sự để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở châu Á và mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này ra thế giới.
Ông Tập là chính trị gia hoàn hảo để thực hiện chiến lược đó của Trung Quốc.
“Quân đội giải phóng nhân dân coi ông ấy là lãnh đạo thực thụ”, giáo sư Jin cho biết.
Ông Tập sẽ lãnh đạo một lực lượng quân đội có ngân sách chắc chắn sẽ lớn mạnh với tốc độ bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế, hoặc thậm chí là nhanh hơn. Quân đội giải phóng nhân dân đang chờ một loạt vũ khí khí tài tinh vi hiện đang được chế tạo trong đó có các tên lửa không gian và tầm xa có khả năng chống lại tàu sân bay của Mỹ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Câu hỏi được đặt ra là Trung Quốc có kế hoạch sử dụng chúng như thế nào.
“Có những tiếng nói trong nội bộ Trung Quốc rằng hiện nay quân đội nước này có đủ năng lực nên họ phải sử dụng năng lực đó”, Phillip C.Saunders, giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc thuộc Đai học quốc phòng Mỹ ở Washington, nhận xét.
Với tư cách là Phó chủ tịch nước, ông Tập đã giữ chức phó chủ tịch Quân ủy trung ương kể từ năm 2010 và ông Hồ Cẩm Đào giữ chức chủ tịch.
Các quan chức Trung Quốc cho hay ông Hồ Cẩm Đào đã trì hoãn con đường thăng tiến của ông Tập tới vị trí Phó chủ tịch trong 1 năm, một phần trong tình trạng đấu tranh nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó không mấy ảnh hưởng mối quan hệ mật thiết của ông Tập với các nhà lãnh đạo quân đội.
Sự vươn lên của quân đội Trung Quốc diễn ra trong lúc các đồng minh của Mỹ trên khắp châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và các đối tác khác, đặc biệt là Singapore và Ấn Độ lo ngại rằng liệu Hoa Kỳ có đủ tiền và quyết âm củng cố sự hiện diện quân sự của mình ở châu Á như lời hứa của Tổng thống Mỹ Barack Obama hay không.
Các nhà ngoại giao châu Á cho rằng trong bối cảnh đó, Trung Quốc sẽ tìm cách vươn cánh tay của mình tới khắp nơi trong khu vực.
Nhưng ông Tập, với mối liên hệ chặt chẽ với các nhà lãnh đạo quân sự, có thể sẽ kêu gọi kiềm chế tham vọng của quân đội Trung Quốc.
“Ông Tập sẽ phải dẫn dắt chiến lược. Ông ấy sẽ phải quay lại với Quân đội giải phóng nhân dân và nói với họ “chúng ta phải làm như thế này”, giáo sư Saunders bình luận.
Nhiều nhà quan sát cho rằng ông Tập sẽ “mạnh tay” hơn trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Các quan chức và các nhà bình luận Trung Quốc vừa qua đã bóng gió về cái mà họ cho là sự cần thiết Nhật Bản phải tách mình ra khỏi Hoa Kỳ ngay cả khi Nhật – Trung có hiệp ước quốc phòng song phương.
Khi ông Tập gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E.Panetta ở Bắc Kinh hồi tháng 9, ông Tập đã truyền gửi một thông điệp đầy “trách móc” rằng Hoa Kỳ nên đứng ngoài cuộc đối đầu Nhật – Trung về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Nhiều nhà quan sát dự báo rằng trong thập kỷ tới, ông Tập sẽ nỗ lực gia tăng quyền lực và sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Á, một khu vực mà Hoa Kỳ đã giữ thế “tay trên” kể từ sau Chiến tranh thế giới II.