TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Trung Quốc phạm sai lầm lớn khi tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư

Đó là nhận định của chuyên gia Kunihiko Miyake, Giám đốc Viện Canon Global tại Tokyo (Nhật).

Ông cho rằng Trung Quốc (TQ) càng cứng rắn thì càng thúc đẩy Nhật tiến đến gần hơn với Mỹ. Ông dí dỏm: “Cá nhân tôi cảm ơn TQ về điều này”.

Cuộc đối đầu giữa tàu tuần tra Nhật và Đài Loan hôm 25-9 tuy không phải là hải chiến lớn đúng nghĩa bởi hai bên chỉ sử dụng vòi rồng làm vũ khí. Tuy nhiên, sự kiện này thể hiện mức độ căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nhật, TQ và Đài Loan về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Báo Washington Post (Mỹ) ghi nhận đã xuất hiện rạn nứt ngoại giao đáng lo ngại khiến các nhà bình luận quốc tế đều cho rằng có khả năng xảy ra chiến tranh Nhật-Trung.

Theo hiến pháp yêu chuộng hòa bình của Nhật, chiến tranh là điều cấm kỵ bởi Nhật đã từng thảm bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Dù vậy, bên trong nước Nhật vẫn tồn tại một sự đồng thuận chính trị vững chắc rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần không thể tách rời của Nhật và Nhật đồng lòng bảo vệ bằng vũ lực khi cần thiết.

Trong khi đó, TQ sẵn sàng thách thức Nhật tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bằng cách liên tục đưa tàu cá ra khu vực tranh chấp. Theo chuyên gia Kunihiko Miyake, Bắc Kinh đang sử dụng lực lượng phi quân sự dựa theo học thuyết Tôn Tử (chiến lược “bất chiến tự nhiên thành”) để thách thức Nhật. Giọng điệu và ngôn ngữ hung hăng trong các cuộc biểu tình chống Nhật tại TQ ít nhất đã gợi lên hình ảnh chiến tranh tiềm tàng.

Các nhà hoạch định chính sách Nhật thừa hiểu TQ đang thu hẹp khoảng cách sức mạnh quân sự với các nước. Bằng chứng là hôm 25-9, hải quân TQ đã đưa tàu sân bay đầu tiên vào hoạt động và thông báo đã tiến hành phát triển hệ thống vũ khí tên lửa chống hạm.

Theo báo Washington Post, trong bối cảnh căng thẳng tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, có nhiều khả năng Nhật sẽ tập trung lực lượng trở lại phía Nam thay vì phía Bắc, địa bàn từng được xem là bức tường thành chống Liên Xô cũ. Theo chính sách quốc phòng công bố hồi năm 2010, Nhật sẽ gia tăng số lượng tàu ngầm từ 16 lên 22 chiếc và cắt giảm số xe tăng từ 830 chiếc còn 400 chiếc.

Hôm 26-9, đảng Dân chủ Tự do Nhật cũng đã kêu gọi tăng cường năng lực của lực lượng tuần duyên. Trong hàng loạt đề xuất về chính sách công bố hôm 24-9, Viện Quan hệ quốc tế Nhật đã kêu gọi ưu tiên nâng cao khả năng, thiết bị của cơ quan tuần duyên và điều động nhiều tàu tuần tra ra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Về phía Mỹ, dù Mỹ không chính thức thừa nhận ai là chủ nhân của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Mỹ đã liên tục làm rõ sẽ đứng về phía đồng minh Nhật. Căng thẳng tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ trở thành điều kiện làm xao lãng bất đồng trong liên minh Mỹ-Nhật như sự kiện người dân Nhật phản đối Mỹ triển khai máy bay Osprey tại Nhật.

DUY KHANG // PLTPHCM

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te