Các chuyên gia quốc tế nhận định, hiện đang có quá nhiều điều kiện thuận lợi đủ để thổi bùng những hành động tranh chấp chủ quyền biển đảo thành một cuộc chiến tranh Trung - Nhật thực sự nếu 1 trong 2 bên thiếu kiềm chế hay thiếu kiên trì trong ngoại giao.
Khả năng hai siêu cường quốc châu Á này đối đầu quân sự dường như rất khó nhưng nếu có sự kết hợp giữa các yếu tố như nghi ngờ, giận dữ, chính sách ngoại giao căng thẳng hay một sai lầm nào đó có thể rất tới một tình trạng tồi tệ.
Căng thẳng thực sự?
Gần đến lễ kỷ niệm ngày Nhật Bản chiếm đóng Trung Quốc, Tokyo đã tuyên bố quốc hữu hóa một số hòn đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Đáp lại, Trung Quốc đã cáo buộc Nhật Bản "ăn cắp" những hòn đảo này, nhiều cuộc biểu tình và bạo loạn chống Nhật đã nổ ra ở 80 thành phố của Trung Quốc. Một số công ty lớn của Nhật Bản, bao gồm Toyota, Honda, và Panasonic đã buộc phải đóng cửa trong vài ngày.
Giữa lúc căng thẳng này, Washington công bố sẽ triển khai một hệ thống chống tên lửa đạn đạo (ABM) tại Nhật Bản. Dù Mỹ công bố động thái này là nhằm chống lại Triều Tiên, nhưng phía Trung Quốc lại nghi ngờ rằng hệ thống này là nhằm vô hiệu hóa tên lửa hạt nhân vẫn còn đang rất khiêm tốn của đất nước này.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. |
Shi Yinhong , một giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh cho biết: "Hệ thống phòng thủ tên lửa này khuyến khích Nhật Bản duy trình lập trường mạnh mẽ trong tranh chấp ở quần đảo Điếu Ngư”. Trong khi đó Tao Wenzhao, Phó giám đốc nghiên cứu Hoa Kỳ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng: "Thật không phù hợp và không có tính xây dựng khi Hoa Kỳ đưa ra động thái như vậy trong thời điểm cực kì nhạy cảm này”.
Thời điểm nhạy cảm, hành động quốc hữu hóa các hòn đảo của Nhật Bản và công bố triển khai hệ thống ABM của Mỹ tại Nhật dường như có ý khiêu khích. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không ‘kém phần’ trong việc đưa mối quan hệ trong khu vực trở lên căng thẳng hơn.
Hai năm trước, Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là một "khu vực lợi ích cốt lõi" và tuyên bố chủ quyền đối với 80% một trong những tuyến đường biển diễn ra nhiều hoạt động buôn bán nhất trên thế giới. Trung Quốc cũng đã ‘khăng khăng’ rằng một số quần đảo Hoàng Sa, Trường sa, và bãi ngầm san hô Macclesfield (Macclesfield Bank) là thuộc lãnh thổ Trung Quốc, và tìm cách chứng minh những tuyên bố này bằng cách dùng tàu và thậm chí xây dựng các đơn vị đồn trú nhỏ tại những hòn đảo đang tranh chấp.
Hơn nữa, một số người Trung Quốc đã đi quá xa khi tuyên bố chủ quyền đối với chuỗi đảo Ryukyu, bao gồm cả Okinawa, một hòn đảo hiện đang là nơi đóng của một số căn cứ lớn của Mỹ và có khoảng 1,4 triệu công dân Nhật Bản đang cư trú.
Năm ngoái, chính quyền Obama đã công bố tiến hành chính sách một "Trục" châu Á và tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, bao gồm cả kế hoạch gửi 2.500 thủy quân lục chiến đến Úc, đánh dấu lần đầu tiên quân đội Mỹ triển khai trên tiểu lục địa này kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ II.
Không chịu thua kém, Trung Quốc đã ra mắt tàu sân bay đầu tiên, một máy bay chiến đấu tàng hình mới, và đang nâng cấp tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), Dongfeng-41. Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc có từ 55 đến 65 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và 240 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ có hơn 1.000 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, 1737 đầu đạn hạt nhân chiến lược, và hơn 5.000 vũ khí hạt nhân.
Những căng thẳng này là có thật, mặc dù khó có thể tưởng tượng được việc các nước trong khu vực này sẽ để cho mọi thứ ra khỏi tầm kiểm soát. Nhưng khi kết hợp những lời lẽ quá nóng giận, một động thái vụng về, một hành động bị hiểu sai lệch có thể gây ra một cái gì đó khó có thể kiểm soát.
Vậy ai là người gây ra những xung đột này?
Tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người, những xung đột trên có thể là do Mỹ và Nhật đang cố gắng để ‘dập’ đối thủ đang trỗi dậy là Trung Quốc hoặc bởi sự hiếu chiến và gây hấn của Bắc Kinh trong khu vực, tạo ra những mối căng thẳng nguy hiểm. Hoặc vấn đề này có tác động của cả hai bên và phức tạp hơn nhiều so với vẻ bề ngoài của nó. Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ không phải là những nước duy nhất liên quan đến căng thẳng này, mà còn có sự hiện diện của Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Nga và Hàn Quốc.
Tàu Nhật Bản và Đài Loan bắn vòi rồng về phía nhau gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Hàn Quốc cũng đang có tranh chấp với Nhật Bản trên quần đảo Dokdo/Takeshima. Đài Loan và Trung Quốc ‘căng’ với Philippines về bãi đã ngầm Scarborough Shoal; còn Việt Nam, Malaysia và Brunei có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo đối với một nhóm các đảo, bãi cát ngầm, rạn san hô và các đảo san hô nhỏ. Nhật Bản và Nga đang bất hòa trong chuỗi đảo Kuril mà Moscow chiếm đóng năm 1945.
Những vấn đề tại Biển Đông không giống như ở biển Hoa Đông. Ở Biển Đông, các tranh chấp chủ yếu là về kinh tế: quyền đánh bắt cá, và các nguồn trữ năng lượng. Còn ở biển Hoa Đông, lịch sử đế quốc và tiếng vang của chiến tranh thế giới thứ II đóng một vai trò quan trọng. Ví dụ, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều chưa lãng quên hay tha thứ cho sự chiếm đóng của Nhật trên đất nước họ trong quá khứ.
Các quốc gia như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei xem Trung Quốc là kẻ chuyên đi ‘bắt nạt’, thường xuyên bắt giữ những người dân đánh cá của họ ở vùng biển tranh chấp. Những nước này muốn Bắc Kinh đàm phán để đưa ra một bộ quy tắc ứng xử chung nhưng Trung Quốc từ chối và khăng khăng giải quyết vấn đề với từng nước. Chính sự bế tắc này đã cho phép Mỹ tìm lại được vị trí của mình trong khu vực này với vai trò là người thúc giục hòa giải các tranh chấp.
Liệu có một cuộc đối đầu nghiêm trọng?
Thật khó có thể tương tượng ra rằng Nhật Bản và Trung Quốc sẽ đối đầu về quân sự và kéo theo cả sự tham dự của Mỹ trong khuôn khổ hiệp định an ninh Mỹ-Nhật, mà theo đó Washington sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu bị tấn công.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại số một của Nhật Bản và Nhật Bản là đối tác lớn thứ hai của Trung Quốc (sau Mỹ). Các cuộc thăm dò chỉ ta rằng người Trung Quốc và người Mỹ có quan điểm khá tốt về nhau. Trong khi đó, có tới 70% người Nhật Bản không có cái nhìn ‘thiện cảm’ với người Trung Quốc và ngược lại. Tranh chấp biển đảo đã khiến cho phong trào dân tộc chủ nghĩa ở hai nước này phát triển rất mạnh mẽ.
Sự tức giận đang lên cao cùng với những kí ức cay đắng trong quá khứ. Ông Kazuhiko Toyo, một cựu quan chức ngoại giao của Nhật Bản cho hay: “Rất có khả năng rằng nếu ngoại giao thất bại thì sẽ có chiến tranh”.
Phạm Khánh
Theo InfoNet