Nhận định về tàu sân bay Liêu Ninh, ông Trương Quân Xã, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân của Trung Quốc cho rằng, tàu Liêu Ninh cần phải mất thêm 3 năm hoặc có thể là lâu hơn nữa trước khi con tàu này có thể chiến đấu.
Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh đã được bàn giao cho hải quân. Tuy nhiên, chính giới chuyên gia quân sự nước này nhận định rằng, con tàu cần phải tiến hành thêm các hoạt động thử nghiệm và huấn luyện trong ít nhất 3 năm nữa mới có thể sẵn sàng chiến đấu.
Nhật báo Quân giải phóng của quân đội Trung Quốc (PLA) đưa tin, tàu sân bay Liêu Ninh, sẽ tiến hành giai đoạn chạy thử trên biển dài hơn giai đoạn chạy thử vừa qua trước khi con tàu này có thể huấn luyện với các máy bay, tàu ngầm và tàu chiến. Tàu sân bay trên đã được bàn giao cho lực lượng hải quân PLA hôm 25-9 vừa qua trong tình trạng chưa có máy bay trên tàu. Nhật báo Quân giải phóng cũng tìm cách cam kết với cộng đồng quốc tế rằng tàu sân bay này sẽ không gây ra một mối đe dọa nào đối với thế giới và chiến lược quân sự của Trung Quốc vẫn tập trung vào khả năng tự vệ.
Nhận định về tàu sân bay Liêu Ninh, ông Trương Quân Xã, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân của Trung Quốc cho rằng, tàu Liêu Ninh cần phải mất thêm 3 năm hoặc có thể là lâu hơn nữa trước khi con tàu này có thể chiến đấu. Trong khi đó, PGS.TS Phòng Binh thuộc Học viện Quốc phòng PLA cho biết, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ tiến hành một loạt chuyến chạy thử trên biển để kiểm tra lại những kết quả của 10 chuyến thử nghiệm được tiến hành bởi Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc - đơn vị đã sửa chữa và nâng cấp tàu Liêu Ninh từ tàu Varyag mua lại của Ucraina.
Theo Phó Giáo sư Phòng Binh, hải quân PLA sẽ tập trung vào việc đảm bảo vận hành trơn tru các thiết bị trên tàu và tiến hành thêm các chuyến chạy thử nghiệm liên quan tới các mục đích quân sự. Sau đó con tàu sẽ huấn luyện với các tàu ngầm, tàu chiến và máy bay để đạt mục tiêu cuối cùng là thành lập một đội tàu chiến. Mặc dù vậy, tàu sân bay này vẫn sẽ là một con tàu dùng vào mục đích huấn luyện.
Một chuyên gia khác, ông Mạnh Tường Thanh thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, nói với phóng viên của nhật báo Quân giải phóng rằng, tàu sân bay "Liêu Ninh" mang số hiệu 16 để ám chỉ rằng tàu này đơn thuần chỉ dùng vào các mục đích huấn luyện. Hai tàu mang số hiệu có hai chữ số còn lại của PLA là hai tàu huấn luyện ở Đại Liên.
Việc hải quân Trung Quốc chính thức có chiếc tàu sân bay đầu tiên được coi là một sự kiện mang tính biểu tượng, thể hiện sức mạnh quân sự ngày càng tăng của nước này. Tại buổi lễ chính thức bàn giao tàu Liêu Ninh cho hải quân Trung Quốc ở cảng Đại Liên, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói rằng việc đưa tàu sân bay mới này đi vào hoạt động là "dấu mốc" trong lịch sử quân sự và quá trình phát triển vũ khí của Trung Quốc. Trong một chương trình bình luận trên kênh truyền thông của nhà nước, Thiếu tướng Hải quân Dương Nghị khẳng định rằng chiếc tàu này giúp Trung Quốc tiến gần hơn tới việc thực hiện mục tiêu "trở thành một cường quốc trên đất liền và trên biển".
Tuy nhiên, theo hãng tin Pháp AFP, con tàu đã trải qua một quá trình nâng cấp và sửa chữa khá lâu này chưa thể trở thành một nhân tố chiến lược làm thay đổi cuộc chơi. Tàu sân bay này - có tên gọi Liêu Ninh - dài 300 mét, được giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Trung Quốc mô tả là bước đột phá trong việc tăng cường sức mạnh hải quân của nước này, trong bối cảnh Mỹ tuyên bố chiến lược hướng tới châu Á. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nếu không có một hạm đội và các máy bay chiến đấu đi kèm, chiếc tàu sân bay của Trung Quốc chỉ mang tính biểu tượng, giúp hải quân nước này giành được chút thanh thế, chứ không làm thay đổi đáng kể sức mạnh quân sự tổng thể của Trung Quốc.
Minh Tâm
Theo PLXH