Ở Trung Quốc hiện đang diễn ra hai sự kiện: tội trạng của Bạc Hy Lai, ngôi sao chính trị từng vụt sáng một thời, được bạch hoá và Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) tuyên bố sẽ tiến hành đại hội vào ngày 8.11 tới.
Ở một đất nước mà từ chứng “đau lưng” của lãnh đạo cho đến “lịch khai hội” của Đảng đều kín như bưng, thì thời điểm bạch hoá các sự kiện vừa nêu mang ý nghĩa nổi bật: vừa có gì đó không bình thường, vừa như chưa đến hồi kết.
Xong một vụ thanh lọc?
Trước đại lễ vài hôm, ngày 28.9, bộ Chính trị CPC khai trừ ông Bạc Hy Lai và công bố một danh sách dài các cáo trạng chống lại ông ta, trong đó có các tội: lạm dụng quyền thế, ăn hối lộ và nhiều tội khác. Bản tin của Tân Hoa Xã tường trình cuộc điều tra của Đảng về ông Bạc cho thấy những vi phạm nghiêm trọng trong khi ông đảm nhận các chức vụ trước đây cũng như trong thời gian ông làm việc ở bộ Thương mại Trung Quốc. Bản tin còn lùi trở lại các vi phạm thời kỳ ông giữ chức bí thư Đảng uỷ tại thành phố Trùng Khánh. Các cáo buộc nói ông Bạc đã dùng chức vụ để thủ lợi cho cá nhân lẫn gia đình và nhận hối lộ của những người khác. Thời gian các cáo buộc trải dài hơn một thập niên, kết thúc lúc ông bị bãi chức ở Trùng Khánh hồi đầu năm 2012 này.
Theo VOA ngày 29.9, ông Trương Minh, một nhà khoa học chính trị tại đại học Nhân dân Bắc Kinh cảm thấy khác lạ, tại sao CPC lại tiết lộ nhiều chi tiết đến thế về ông Bạc và những việc làm xấu xa của ông ta. Nhưng rồi ông Trương Minh đưa ra lý giải, bởi lẽ cuộc điều tra đã đem lại nhiều kết quả và một phần các kết quả đó đã được lọt ra từ trước, nên dứt khoát ông Bạc có thể lãnh hình phạt khắt khe hơn dự đoán. Cơ quan truyền thông nhà nước nói ông Bạc sẽ bị giao cho giới hữu trách để điều tra về mặt hình sự. Mới đầu năm nay, ông Bạc còn được coi là một chính khách đang lên và được trông đợi sẽ nắm một vị trí then chốt trong ban lãnh đạo (thường trực bộ Chính trị). Nhưng rồi vụ tai tiếng liên quan đến vợ ông là bà Cốc Khai Lai, và người từng làm cảnh sát trưởng dưới thời ông nắm quyền ở Trùng Khánh là Vương Lập Quân đã dập tắt các tham vọng chính trị của ông.
Cách đây hơn một tháng, bà Cốc bị tuyên án “tử hình treo” sau khi bà thú nhận đã giết doanh gia người Anh Neil Heywood. Cựu cảnh sát trưởng Vương Lập Quân lãnh án tù 15 năm hồi đầu tuần này về tội đã tìm cách ém nhẹm vụ sát nhân này cùng các tội phạm khác.
Cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc nói ông Bạc phải chịu trách nhiệm về vụ Vương Lập Quân cũng như về vụ bà Cốc, và cáo buộc ông đã lạm dụng quyền thế và vi phạm các sai lầm nghiêm trọng. Tuy nhiên, cho đến nay trách nhiệm của ông Bạc trong các vụ đã xử vẫn chưa được công khai làm rõ.
Thay đổi mô hình?
Một trong nhiều đón đợi từ Đại hội 18 là: CPC sẽ mang lại “thay đổi paradigm” nào (về thể chế, về thế giới quan, về tấm bản đồ tiếp theo của công cuộc cải cách/mở cửa) để bảo đảm cho tương lai của hơn 1,3 tỉ con người. Các câu trả lời cho đến nay vẫn thường ngược nhau. Đại diện tờ The Financial Times McGregor tại Bắc Kinh trong cuốn sách Thế giới bí mật của các lãnh đạo CPC đưa ra kết luận gây nhiều tranh cãi, khi cho rằng đại hội sẽ chẳng mang lại thay đổi gì nhiều. Theo McGregor, giả sử Lênin tái sinh vào thời điểm hiện nay, chắc chắn Lênin sẽ nhìn nhận CPC như một bản sao của chế độ do chính ông ta tạo ra gần một thế kỷ trước. Trên nền bất biến ấy dĩ nhiên có điểm xuyết các cuộc cải cách dẫn đến một số “khế ước xã hội”, theo đó, Đảng cho phép người dân cải thiện đời sống theo ý mình, với điều kiện là họ không được xen vào chính trị.
Ngược lại, tạp chí Washington Quarterly (quý 4/2012) nhìn nhận vấn đề khác hẳn. Đằng sau sự trì trệ bề ngoài, tạp chí này thấy có nhiều dấu hiệu cho một quá trình thay đổi chính trị ở Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu xuất phát từ bốn xu hướng họ cho là không thể đảo ngược để lập luận rằng, Trung Quốc sẽ trở thành một nước dân chủ. Căn cứ trên bốn xu hướng được kết nối với nhau: kinh tế phát triển, văn hoá chính trị thay đổi, giới tinh hoa xuất hiện và môi trường toàn cầu biến chuyển, các tác giả này kết luận: 100 năm trước, cách mạng Tân Hợi đã khiến nhà Thanh sụp đổ, 100 năm sau, một cuộc cách mạng “kiểu mới” đang diễn ra, và Trung Quốc sẽ bước lên con đường dân chủ hoá.
Trước khi Bạc Hy Lai bị phế truất không lâu, nhân vật số một tương lai của CPC Tập Cận Bình, vì lo cho sự gắn bó và đoàn kết trong đảng, đã viết bài đăng trên tạp chí Cầu thị, nhấn mạnh đến sự cần thiết đối với cán bộ phải hy sinh lợi ích cá nhân và phải tuân thủ sự đồng thuận, vì lợi ích tập thể. Bài viết được cho là hoàn toàn khác biệt với văn phong mà ông Tập thường sử dụng khi ông còn ở trường đảng. Bài viết này sau đó trở thành chủ đề học tập đối với toàn thể cán bộ đảng viên, nhằm mục đích giảm thiểu tác động tiêu cực của việc phế truất cựu bí thư Thành uỷ Trùng Khánh. Một cách sâu xa, đây có thể là bối cảnh của cuộc đấu tranh quyền lực trước khi diễn ra Đại hội XVIII. Đảng quyết siết chặt hàng ngũ sau “cơn địa chấn” Bạc Hy Lai. Đó có thể là lý do cùng lúc với việc loan báo ông Bạc bị khai trừ và nêu danh các tội trạng, bộ Chính trị CPC cũng tuyên bố đại hội đảng sẽ được tổ chức vào ngày 8.11 tới.
Hải Đăng
Theo SGTT