Ngày 27/9, trang “Tin tức Trung Quốc” đăng bài viết “Bốn ý nghĩa quan trọng sau khi tàu sân bay Liêu Ninh đi vào hoạt động” của Lý Đại Quang-Giáo sư trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc, trong đó tác giả cho rằng trong bối cảnh tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku khiến quan hệ Trung-Nhật leo thang căng thẳng như hiện nay, thì việc Trung Quốc chính thức biên chế tàu sân bay Liêu Ninh vào lực lượng hải quân sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia, đặc biệt là lợi ích an ninh trên biển của Trung Quốc.
Thứ nhất, tàu sân bay đầu tiên ra mắt có ý nghĩa chiến lược đối với hải quân Trung Quốc. Việc đưa vào sử dụng tàu sân bay sẽ khiến cho sức chiến đấu, năng lực uy hiếp thông thường và năng lực uy hiếp hạt nhân của hải quân Trung Quốc tăng lên đáng kể, thực sự trở thành một quân chủng mang tính chiến lược. Điều đó chủ yếu thể hiện bởi một số phương diện sau: Một là, tàu sân bay có thể phối hợp hiệu quả với lực lượng tàu chiến mặt nước của hải quân Trung Quốc. Trung Quốc có lực lượng tàu chiến mặt nước quy mô lớn nhất khu vực châu Á, như vậy rất nhiều mặt trận tác chiến trên biển đều chỉ có thể dựa vào sở chỉ huy trên bờ, không thể phát huy ưu thế tác chiến tập đoàn. Khi tàu sân bay chính thức được đưa vào biên chế, có thể lấy tàu sân bay làm trung tâm để xây dựng cụm chiến đấu hàng không, hình thành trạng thái chiến đấu liên hợp nhất thể hoá, nâng cao đáng kể sức chiến đấu. Hai là, tàu sân bay có thể nâng cao năng lực tác chiến đường dài trên biển của hải quân Trung Quốc. Tàu sân bay trên thực tế chính là một thiết bị chuyên chở máy bay, là một sân bay di động trên biển. Được coi là lực lượng nòng cốt của hải quân viễn dương hiện đại hoá, gánh vác trọng trách như cung cấp yểm hộ và chi viện trên không, tấn công viễn dương không đối đất, không đối hải, trinh sát, cảnh báo sớm trên không, chi viện chiến tranh điện tử, tiếp dầu trên không và tuần tra chống tàu ngầm từ trên không cho biên đội tàu chiến hải quân viễn dương và lực lượng thuỷ quân lục chiến. Ngoài ra, tàu sân bay sẽ nâng cao năng lực sinh tồn của lực lượng hạt nhân hải quân Trung Quốc. Việc hình thành trang thiết bị của tàu sân bay và biên đội tàu sân bay sẽ làm cho tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo có được sự bảo đảm đáng tin cậy khi tiến vào đại dương, nâng cao tính răn đe của lực lượng hạt nhân hải quân.
Thứ hai, có thể tiến thêm một bước trong việc nâng cao địa vị và ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc trên thế giới. Trong các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang xảy ra trên thế giới hơn nửa thế kỷ qua đến nay, trình độ hoạt động tác chiến của tàu sân bay luôn rất cao. Về mặt ý nghía, tàu sân bay là tượng trưng của thực lực quân sự quốc gia, cũng là thể hiện lợi ích và ý chí quốc gia, đồng thời cũng là một trụ cột không thể thiếu của hải quân hiện đại hoá. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thế giới vẫn không an toàn, chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền vẫn tồn tại, xung đột khu vực, mâu thuẫn dân tộc, chiến tranh cục bộ liên tiếp nổi lên. Số ít cường quốc hải quân, dựa vào thê đội tàu sân bay của mình tiến hành hoạt động khắp thế giới, ứng phó với mọi cuộc khủng hoảng, hoặc sử dụng tàu sân bay tiến hành uy hiếp, đe dọa, nhằm mục đích không đánh mà khuất phục đối phương, thực hiện mục đích chiến lược của mình đề ra. Cho nên có thể nói vai trò uy hiếp của tàu sân bay là một bộ phận quan trọng trong sức chiến đấu của quân đội quốc gia. Từ năm 1946 đến năm 1982, Mỹ đã sử dụng lực lượng quân đội 250 lần, trong đó sử dụng tàu sân bay khoảng 80%. Tàu sân bay trở thành một biện pháp quân sự có tần suất sử dụng và hiệu suất cao nhất. Ngoài ra, tàu sân bay hiện đại không chỉ thể hiện sự hùng mạnh lực lượng hải quân của một quốc gia, mà còn là sự thể hiện tổng hợp về chính trị, kinh tế, quốc phòng, lực lượng khoa học kỹ thuật của đất nước. Như vậy, việc có tàu sân bay hiện đại không chỉ là một tiêu chí đánh giá sức mạnh hải quân có lớn mạnh hay không, mà còn là sự thể hiện chiến lược hải quân và quốc lực tổng hợp của một quốc gia.
Thứ ba, gần đây Nhật Bản ngày càng cứng rắn trong vấn đề đảo Điếu Ngư, thái độ này có liên quan đến nhân tố Mỹ, đặc biệt là chuyến thăm châu Á của Leon Panetta. Từ khi bùng phát tranh chấp đảo Điếu Ngư đến nay, Mỹ luôn thông qua phương thức hoặc là công khai hoặc là bí mật can dự vào vấn đề này, ý đồ là lợi dụng tình hình này để duy trì trạng thái căng thẳng giữa hai nước Trung-Nhật. Sau khi Nhật Bản áp dụng biện pháp “quốc hữu hoá” đảo Điếu Ngư, tại Trung Quốc dấy lên làn sóng phản đối quyết liệt ngoài dự đoán, hơn nữa Chính phủ Trung Quốc cũng không tỏ ra yếu thế, sau khi tiếp tục công khai tuyên bố đường cơ sở lãnh hải đảo Điếu Ngư và vùng biển phụ cận, gần 20 tàu ngư chính của Trung Quốc tiến vào vùng biển đảo Điếu Ngư, khiến cho quyền “khống chế thực tế” của Nhật Bản đối với đảo Điếu Ngư trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Phản ứng quyết liệt của Trung Quốc như vậy, làm cho Nhật Bản hoàn toàn bất ngờ, vì thế không kịp có đối sách cúng rắn, mà với tư thế “cúi đầu” đề xuất kiến nghị tiếp tục duy trì giao lưu kinh tế và cử đặc phái viên đến Trung Quốc. Nhưng bước ngoặt xuât hiện sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm hai nước Trung-Nhật nhằm điều đình hoà giải. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong khi hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã truyền đạt lập trường của Chính phủ Mỹ, tức cho rằng đảo Điếu Ngư là đối tượng áp dụng thích hợp của “Hiệp ước bảo đảm an ninh Nhật-Mỹ”. Sở dĩ Leon Panetta truyền đạt đến Trung Quốc phương châm đảo Điếu Ngư là đối tượng áp dụng thích hợp của “Hiệp ước bảo đảm an ninh Nhật-Mỹ” là vì nếu Mỹ giữ im lặng đối với việc Trung Quôc phản đối “Hiệp ước bảo đảm an ninh Nhật-Mỹ” phù hợp sử dụng đối với đảo Điếu Ngư, không chỉ tạo ảnh hưởng không tốt đối với quan hệ Trung-Mỹ, mà còn ảnh hưởng đến cả quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ không công khai thông tin này. Bên cạnh đó, Mỹ còn quyết định triển khai thêm rađa di động cảnh báo sớm “X-band” tại Nhật Bản. Hành động này của Mỹ dường như đã nhanh chóng kích động tinh thần của Nhật Bản, trong đối kháng Trung-Nhật, từ giọng điệu thấp trước đây, Nhật Bản bỗng chốc chuyển ngược thái độ, một lần nữa phát đi tín hiệu cứng rắn đến cùng. Trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, Leon Panetta đã đem đến dũng khí cho Nhật Bản, xoay chuyển tình thế bất lợi của Nhật Bản trong tranh chấp đảo Điếu Ngư, đồng thời cũng nhân cơ hội này để uy hiếp Trung Quốc, duy trì cục diện căng thẳng giữa hai nước Trung-Nhật.
Thứ tư, về sự kiện đảo Điếu Ngư, trong thời điểm mấu chốt này, Trung Quốc chính thức đưa tàu sân bay vào hoạt động, cho thấy rõ quyết tâm và ý chí kiên định của Trung Quốc trong việc bảo vệ đảo Điếu Ngư. Tàu sân bay số 16 mang tên “Liêu Ninh” sẽ biên chế vào lực lượng hải quân, cũng cho thấy hải quân Trung Quốc hiện nay đã có tàu sân bay đầu tiên, nhưng Trung Quốc có tàu sân bay không có nghĩa Trung Quốc nhanh chóng giải quyết tranh chấp đảo Điếu Ngư, đảo Hoàng Nham/Scarborough, mà mối uy hiếp chiến lược của tàu sân bay này sẽ lớn hơn ý nghĩa thực chiến. Thông tin tàu sân bay chuẩn bị biên chế vào hải quân làm phấn chấn lòng người, đặc biệt là tinh thần binh sĩ, ý nghĩa hiện thực của nó đối với Trung Quốc lớn hơn ý nghĩa hình tượng. Hành động của Chính phủ Nhật Bản trong vấn đề đảo Điếu Ngư vừa qua đã giẫm lên chuẩn tắc luật pháp quốc tế, là sự phủ nhận ngang nhiên về thành quả thắng lợi của thế giới đối với chiến tranh chống phát xít, là khiêu khích nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế sau chiến tranh. Việc tàu sân bay của Trung Quốc chính thức đi vào hoạt động, có thể nói là sự cảnh cáo nghiêm khắc đối với Chính phủ Nhật Bản, nếu không ăn năn sửa sai cuối cùng tất sẽ gieo gió gặt bão./.
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Nguồn: Anh Ba Sàm