Những máy bay phản lực có phải được chế tạo từ việc đánh cắp thông tin? Chúng có thể được sử dụng trên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc không? Các câu hỏi này được gắn liền với hình ảnh xuất hiện gần đây trên Internet của chiếc máy bay tàng hình mới của Trung Quốc.
Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc có vể như đã cho ra mắt mẫu máy bay tàng hình mới nhất của mình ngay trước khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ thăm Bắc Kinh.
Hình ảnh chiến đấu cơ tàng hình mới nhất của Trung Quốc với số hiệu 31001 |
Trước đó, hồi tháng 1/2011, khi Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates đến thăm Trung Quốc, Trung Quốc cũng đã tiến hành bay thử chiến đấu cơ tàng hình J-20 do Tập đoàn công nghiệp máy bay Thành Đô chế tạo. Và lần này, khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta có chuyến công du châu Á, bao gồm cả Bắc Kinh, thì Trung Quốc lại cho đăng tải những hình ảnh về chiến đấu cơ mới nhất của mình.
Trên thực tế thì chiếc máy bay mới xuất hiện này của Trung Quốc ít bí ẩn hơn chiếc J-20. Hồi cuối tháng 8, các trang mạng lan truyền hình ảnh được cho là chiếc máy bay này đang trên đường vận chuyển đến căn cứ không quân của Trung Quốc khi được bọc kín như chiếc “bánh chưng”.
Rõ ràng là, Tập đoàn công nghiệp máy bay Thẩm Dương (gọi tắt là Thẩm Dương) đã thực hiện chế tạo mẫu máy bay mới F-60 (J-31) này ít nhất là từ tháng 9/2011. So với chiến đấu cơ J-20, nó khá giống với loại máy bay chiến đấu mà Tập đoàn Lockheed Martin thiết kế.
Nhiều người cho rằng, mẫu máy bay mới này của Thẩm Dương được thiết kế từ những thông tin gián điệp lấy qua Internet, đó chính là lý do tại sao khi gặp Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta lại cho rằng “mối đe dọa ngày càng tăng cho cả lợi ích kinh tế và an ninh mạng”. Các quan chức tình báo phương Tây thường xuyên bóng gió rằng, tiến bộ công nghệ của Trung Quốc dựa trên sự mờ ám.
Chiếc máy bay được bọc kín như "bánh chưng" này được cho là chiếc 31001 |
Thiết kế và chế tạo máy bay chiến đấu hiện đại là việc hết sức phức tạp, cả Thẩm Dương và Thành Đô đều còn rất nhiều việc phải làm trước khi họ có thể cạnh tranh được với Nga và phương Tây. Ngay cả Lockheed Martin, gần đây họ mới phát hiện ra những chiến đấu cơ thế hệ thứ năm như F-22 và F-35 cũng khó mà có được sự chính xác tuyệt đối, F-22 thì có lỗi hệ thống khiến phi công không đủ dưỡng khí, trong khi F-35 có giá thành quá cao, vượt quá khả năng ngân sách.
Thách thức chủ yếu đối với các nhà thiết kế Trung Quốc không phải là vấn đề tàng hình, mà là các hệ thống bên trong máy bay. Chúng bao gồm các cảm biến quang điện và một ra-đa điều khiển hỏa lực AESA - một bước nhảy vọt trong công nghệ như là tiêu chuẩn tại F-35 và F-22, lớp phủ tàng hình, và các động cơ đáng tin cậy. Mà vấn đề động cơ là nỗi lo lắng đặc biệt của Trung Quốc, trong nhiều năm, nước này đã phải dựa vào công nghệ của Nga để có được những động cơ cho máy bay phản lực thế hệ mới của mình.
Nhưng khác với J-20 của Thành Đô, chiến đấu cơ mới chưa được bay thử hoặc chưa được truyền thông quốc gia đưa tin, và cũng không sơn màu sơn và dấu hiệu của Không quân Trung Quốc. Điều này cho thấy có nhiều khả năng nó được chế tạo với sự tài trợ của một công ty, và chứng minh nguồn tin rằng Thành Đô cạnh tranh với Thẩm Dương khi cung cấp J-20 với vai trò là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 cho Không quân Trung Quốc.
Hơn nữa kích cỡ của hai loại máy bay này cũng khác nhau, có thể chúng có vai trò khác nhau: J-20 của Thành Đô là máy bay tiêm kích tầm xa, còn máy bay mới của Thẩm Dương có vai trò như một chiến đấu cơ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ưu thế trên không.
Chiếc máy bay mới của Thẩm Dương có hai bánh mũi phía trước, điều này khiến nhiều người đồn đoán rằng, đây có thể là máy bay chiến đấu dùng cho tàu sân bay trong tương lai. Ngoài ra, nó cũng có thể mượn công nghệ từ chiếc J-15, máy bay chiến đấu có nguồn gốc từ chiếc Su-33 đang được sử dụng cho Hải quân Trung Quốc.
Dù thế nào đi nữa, sự xuất hiện mẫu máy bay mới của Thẩm Dương đã khẳng định một điều, việc quan sát Trung Quốc cũng có những cái lợi của nó. Phiên bản thế kỉ 21 của Sự nghiên cứu chính sách của Điện Kremlin (Kremlinology) đã không phụ lòng người, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định.
Hòa Phong
Theo InfoNet