Mạng tin “Địa chính trị” mới đây đăng bài phân tích về tương lai đội tàu sân bay của Trung Quốc, nội dung như sau:
Tin tức vừa mới lan truyền trên thế giới, đó là Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vừa được bàn giao một “tàu sân bay”. Cần điểm lại một chút tin tức. Năm 1998, Ucraina đã bán cho Trung Quốc tàu sân bay Varyag đang đóng dở của Liên Xô. Đây là chiếc thứ hai thuộc lớp Kuznetsov. Lý do mua tàu này được phía đối tác Trung Quốc đưa ra nhằm xây dựng một sòng bài nổi (như sòng bài trên tàu sân bay lớp Kiev cũ hay tàu sân bay lớp Minsk làm bảo tàng). Một số nước không dễ bị lừa từ hành động mua tàu Varyag của Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa tuyến đường qua eo biển nước này (từ biển Dardanelles và Bosporus) không cho vận chuyển tàu Varyag đi qua. Các vùng eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ chịu sự quản lý theo các hiệp ước quốc tế (như Công ước Montreux) cấm các tàu sân bay đi qua. Do đó việc vận chuyển tàu Varyag gặp đôi chút khó khăn khi rời Biển Đen. Tàu Varyag rời Ucraina năm 2001 và đến cảng Đại Liên Trung Quốc năm 2002.
Tàu Kuznetsov rồi đến Varyag là những tàu chở thiết bị bay hơn là tàu sân bay bởi hai loại có những khác biệt cơ bản. Đầu tiên, người Liên Xô đã xây dựng chúng như những “tàu tuần dương mang thiết bị bay” để lách khỏi những cản trở trong Công ước Montreux. Hơn nữa, chiến lược hải quân Xôviết chủ yếu dựa vào các căn cứ. Những căn cứ này, ít nhất là hai, chịu sự điều hành của các hạm đội Biển Bắc và hạm đội Thái Bình Dương. Điều quan trọng đối với hải quân Nga là phải xây dựng các khu vực cấm thông qua các hoạt động tác chiến khác nhau chống lại mọi mối đe dọa và bảo đảm an ninh cho các tàu ngầm tấn công (chủ yếu là tàu ngầm hạt nhân) trong triển khai tuần tra. Do đó cần thiết phải có các tàu chiến phòng không bởi việc tấn công các tàu chiến đối phương đã được giao cho các máy bay chiến lược tầm xa (Tu-95 hay Tu-145). Mặt khác cũng không có khái niệm phát động tấn công trong học thuyết của hải quân Nga bởi lực lượng này chủ yếu có chức năng phòng thủ. Vì vậy, hai tàu sân bay trên (cũng như 4 chiếc tàu tuần dương lớp Kiev) là những tàu tuần dương trước tiên phục vụ mục tiêu phóng tên lửa. Kuznetsov, chiếc tàu đầu tiên phục vụ trọng Hải quân Nga, đang cho phép hiểu được lý thuyết này. Các tàu lớp này gồm:
- Một giàn phóng, gồm 12 tên lửa chống hạm SS-N-19 (Granit) có tầm bắn 555km, được đặt dưới đường băng. Giai đoạn phóng tên lửa đòi hỏi phải ngừng các hoạt động hàng không. Nhiệm vụ phòng không của tàu được đảm bảo bởi 4 nhóm gồm 6 tháp chứa 8 tên lửa hải đối không SA-N-9 có tầm bắn 15 km; 4 hệ thống phòng không CADS-N-1 (2 pháo 30mm và 8 tên lửa SA-N-11 có tầm bắn 8 km; 6 pháo phòng không 30mm; 2 bệ phóng ngư lôi diệt tàu ngầm;
- Một hệ thống phòng thủ được đặt trên các máy bay. Đội bay của tàu Kouznetsov thông thường gồm 30 máy bay, trong đó có các máy bay tiêm kích SU-33, các máy bay huấn luyện SU-25UTG và các trực thăng săn ngầm Ka-27, máy bay tuần tra Ka-31 và máy bay vận chuyển tấn công Ka- 29. Ban đầu, tàu Kuznetsov dự định trang bị các máy bay tiêm kích lên thẳng Yak-141 Freestyle nhưng sau phải từ bỏ ngay trước khi Liên Xô sụp đổ. Máy bay Mig-29K cũng được thử nghiệm song không hiệu quả bằng SU-33.
Vấn đề đối với Trung Quốc, là tàu Varyag không đi kèm động cơ chính. Hệ thống này có vị trí đặc biệt quan trọng trên tàu. Do đó, phi đội máy bay trước mắt bị hạn chế (chính thức khoảng 30 máy bay) so với trọng tải của tàu (60.000 tấn mang 32 máy bay).
Hơn nữa, hệ thống tàu sân bay Nga thuộc lớp STOBAR, tức các máy bay cất cánh chỉ cần lấy đà và không cần trợ giúp khác và khi hạ cánh sử dụng cáp hãm. Điều này khác hẳn với tàu lớp CATOBAR, như các tàu sân bay của Mỹ, Pháp, Braxin, sử dụng hệ thống phóng máy bay. Hệ thống STOBAR có lợi thế là đơn giản hóa cấu trúc của tàu song các máy bay SU- 33 cất cánh không được nạp đầy nhiên liệu và vũ khí.
Tàu Varyag được bán cho Trung Quốc năm 2002 và nằm lại tại cảng đến năm 2005 đã giải thích cho những khó khăn mà phía Trung Quốc gặp phải. Đến năm 2011 tàu mới chạy thử nghiệm. 6 năm sửa chữa và hoàn thiện là quá lâu và dường như người Trung Quốc vẫn chưa tiến hành các công việc cần thiết để thao diễn các hoạt động hàng không trên tàu như chúng ta thấy ngưòi Nga thực hiện trên một tàu khác lớp Kiev được bán cho Ấn Độ. Cũng chưa thấy các máy bay phiên bản Nga hay Trung Quốc trên tàu nữa. Do đó, Bắc Kinh giới thiệu tàu trên, được đặt tên là Đại Liên, chỉ được đánh giá như một tàu phục vụ công tác huấn luyện. Có một sự chênh lệch giữa những gì đang diễn ra tại châu Á với những nơi khác tại phương Tây. Sự chênh lệch này sẽ có hại nhiều hơn cho những người đánh giá thấp sức mạnh trong khả năng hải quân của Trung Quốc.
Trong thời gian đầu, việc học tập và thao diễn trên một tàu sân bay đối với Trung Quốc sẽ mất rất nhiều thời gian. Bắc Kinh cũng đã đi trước một bước khi ký kết một thỏa thuận hợp tác hàng không với Braxin năm 2010 để giúp Trung Quốc đào tạo các phi công trên tàu sân bay tương lai. Mặt khác, có rất nhiều cơ sở trên bộ tại Trung Quốc cho phép đào tạo phi đội máy bay trên tàu sân bay. Nhìn chung, Hải quân Trung Quốc đã có sự chuấn bị kỹ lưỡng trước khi nhận chiếc tàu sân bay đầu tiên, song việc luyện tập trên tàu vẫn luôn là cần thiết.
Tàu sân bay Liêu Ninh được bàn giao trong năm 2012, như vậy là thủy thủ đoàn đã có 1 năm để thực tập tất cả các hệ thống trên tàu. Trong cùng thời gian, tàu Liêu Ninh đã bắt đầu thử nghiệm cho máy bay cất và hạ cánh trên tàu. Tuy nhiên, sẽ cần phải mất một năm nữa để làm chủ công nghệ này. Tiếp đó, sẽ mất một năm để kết hợp nhuần nhuyễn đội tàu hộ tống và hậu cần cần thiết cho Liêu Ninh. Bernard Prezelin, tác giả cuốn sách “Các đội tàu sân bay tấn công”, năm 2011 đánh giá Trung Quốc sẽ cần tối thiểu 5 năm để xây dựng một nhóm tàu sân bay tin cậy. Hải quân Trung Quốc cũng cần vài năm nữa để tập luyện các chiến dịch can thiệp quân sự. Có thể nói rằng đội tàu sân bay của Trung Quốc chỉ có thể tác chiến vào năm 2022. Vì vậy, sẽ là đề cao quá mức nếu lo ngại hải quân Trung Quốc sau khi được bàn giao tàu sân bay Liêu Ninh sẽ làm chủ một phương tiện hải quân tấn công thực sự. Việc bàn giao tàu này trước hểt nhằm phục vụ mục tiêu ngoại giao hải quân. Tàu Liêu Ninh tạo ra những hiệu ứng đầu tiên bởi đó là ảo ảnh của một “Đế chế Trung Quốc”. Điều còn lại, đó là Trung Quốc muốn chứng tỏ nước này có tham vọng làm chủ sức mạnh không quân trên biển, ít nhất là ở ngoài khơi nước này. Nhưng trong khi chờ đợi có những kiến thức cần thiết, Liêu Ninh chưa phải là một công cụ chiến tranh bởi điều này sẽ làm phức tạp hóa những lợi ích chính trị cần rút ra từ các chuyến ra khơi của nó. Điều này cũng có thể sẽ làm quan điểm của Trung Quốc bấp bênh: một con tàu chưa sẵn sàng chiến đấu sẽ không tham gia các chiến dịch nơi diễn ra các hành động tấn công có tần suất trung bình và cao. Do đó, tinh thần của người Trung Quốc sẽ nhận được một sự thất vọng bởi “bông hoa trang trí” này sẽ nằm lại tại cảng hay tránh xa nhũng trận chiến.
Ngoại giao hải quân có thể là con dao hai lưỡi
Sự chênh lệch giữa khả năng tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc ngày nay với sự trỗi dậy của lực lượng hải quân nước này đang che đậy nhiều điều có thể xảy ra năm 2022. Con tàu sân bay trên chắc chắn sẽ là tàu huấn luyện bởi chừng nào nó còn nổi, thì đó là nguồn lực tác chiến không đáng kể đối với Trung Quốc. Vì nhiều lý do tàu Liêu Ninh không thể hoạt động được nữa, khi đó người Trung Quốc sẽ còn mất nhiều thời gian. Nhưng Bắc Kinh đang đi theo lịch trình. Hải quân Trung Quốc sẽ có thể đưa vào hoạt động những tàu sân bay khác kể từ năm 2022. Trung Quôc mua vỏ tàu sân bay cũ từ những năm 1970 chủ yếu để học hỏi kinh nghiệm. Thủy thủ đoàn của tàu sân bay đầu tiên sẽ là đội ngũ nòng cốt cho cường quốc hải quân Trung Quốc trong tương lai. Kể từ thời điểm lực lượng nòng cốt này lớn mạnh, những biến động hiện nay từ việc bàn giao tàu Liêu Ninh đang che lấp những hiệu ứng từ việc xây dựng các tàu sân bay tại Trung Quốc. Nếu chúng được bàn giao vào năm 2022, Trung Quốc sẽ ghi nhận một bước lớn trong câu lạc bộ các cường quốc hải không quân. Đó không thực sự là một bước tiến kỳ cục bởi:
- Nhật Bản khi đó cũng sẽ có ít nhất 4 tàu sân bay (và có thể trang bị những máy bay F35B trên tàu);
- Ấn Độ sẽ nhận tối thiểu 2 tàu sân bay (Air Defense Ship và Gorshkov mua của Nga);
- Hàn Quốc sẽ có 3 tàu sân bay lớp Dokdo có thế trang bị nhũng máy bay F35B trên tàu;
- Mỹ luôn có một tàu sân bay tại Nhật Bản cùng các tàu khác neo tại biển Arập tới Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Trong một mớ hỗn độn như trên, 2 hay 3 tàu sân bay Trung Quốc là điều không khó chứng minh./.
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt (Thứ năm, ngày 4/10/2012)
Nguồn: Anh Ba Sàm