Cho đến gần đây, chính sách của Trung Quốc ở Afghanistan có thể gọi là “tọa sơn quan hổ đấu”, đứng bên ngoài một cuộc chiến mà Bắc Kinh không muốn không bên nào giành chiến thắng.
Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai. Ảnh Foreign Policy |
Nhưng chuyến thăm Afghanistan cuối tháng 9/2012 của quan chức đứng đầu ngành an ninh Chu Vĩnh Khang là chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc có ý đồ “lấp đầy khoảng trống” sau khi Mỹ rút quân trong năm 2014. Khi Mỹ không thể “đánh gãy xương sống” Taliban, Trung Quốc nổi lên thành nhà trung gian hòa giải và nhà đầu tư lớn.
Sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 9/11/2001, mục tiêu của Trung Quốc ở Afghanistan đã gần như hoàn toàn tiêu cực. Bắc Kinh không muốn phương Tây “ca khúc khải hoàn” và cũng không muốn các thế lực cực đoan trở lại cầm quyền và cũng không muốn Afghanistan biến thành nơi huấn luyện các phần tử khủng bố người Uighur. Trên hết, Trung Quốc không muốn can dự sâu và bị sa lầy ở Afghanistan. Trung Quốc không ra mặt ủng hộ phương Tây vì lo ngại phản ứng tiêu cực trong thế giới Hồi giáo, nhưng cũng không muốn đầu độc quan hệ với phương Tây bằng cách ủng hộ lực lượng nổi dậy. Trên thực tế, một thời gian dài, Trung Quốc chỉ coi Afghanistan là một nước láng giềng, không hơn không kém.
Thế nhưng việc Mỹ sắp rút quân khỏi Afghanistan đã khiến cho Trung Quốc phải thay đổi những tính toán chiến lược trước đây. Sau 5 năm lo bị Mỹ bao vây, hiện thời, các quan chức Trung Quốc lại yêu cầu Washington “rút quân có trách nhiệm”. Trung Quốc lo ngại việc NATO rút quân nhanh chóng có thể dẫn đến nội chiến ở Afghanistan và biến nước này thành chiến trường của một “cuộc chiến ủy thác” giữa các nước láng giềng…dẫn đến một đám cháy khu vực rộng lớn hơn. Đáng lo ngại nhất là tình hình Pakistan, một đồng minh thân cận của Trung Quốc.
Tuy vẫn còn do dự trong việc gánh trách nhiệm ngăn ngừa tình huống xấu nhất có thể xảy ra ở Afghanistan, nhưng Trung Quốc không còn có thể ung dung “tọa sơn quan hổ đấu” như trước đây.
Chỉ có điều Bắc Kinh thiếu những công cụ mà phương Tây vốn có. Trung Quốc chưa hề viện trợ lớn cho một quốc gia nào, lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc vừa yếu lại vừa thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Một quan chức cảnh sát quốc gia Afghanistan nói rằng trong một khóa đào tạo về phòng chống ma túy, phía Trung Quốc chỉ đưa các học viên “tham quan Tân Cương, giảng giải về chính sách cải tổ và mở cửa của Trung Quốc”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, thay vì can dự trực tiếp, Trung Quốc dựa vào đòn bẩy và ảnh hưởng kinh tế đối với Pakistan để mở rộng ảnh hưởng ở Afghanistan.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và thủ lĩnh Taliban, Mullah Omar, có từ thời ông này còn cai trị Afghanistan hồi cuối những năm 1990.
Các quan chức Trung Quốc từng hứa hẹn công nhận chính quyền Taliban về chính trị, hỗ trợ hình thành các dự án viễn thông và các khoản đầu tư khác. Đổi lại, phía Afghanistan cam kết không để cho “các lực lượng li khai” sử lãnh thổ của họ để phát động các cuộc tấn công chống Trung Quốc.
Các cuộc tấn công khủng bố ngày 9/11 đã giảm bớt mối quan hệ Trung Quốc-Taliban, nhưng các yếu tố cần thiết của thỏa thuận này vẫn được giữ nguyên. Trung Quốc vẫn duy trì liên lạc với các lãnh đạo hàng đầu của Taliban. Mặc dù lo ngại những hậu quả của của việc các phần tử Taliban cực đoan giành lại chính quyền, nhưng Trung Quốc thoải mái hơn rất nhiều so với các nước phương Tây trong việc đối phó với Taliban như một lực lượng chính trị.
Mọi tác động gần đây của Trung Quốc đối với Taliban đều thông qua Pakistan. Ban lãnh đạo Trung Quốc hy vọng Pakistan bảo vệ lợi ích và ảnh hưởng của họ ở Afghanistan. Một cựu quan chức Trung Quốc nói: "Chúng tôi muốn chứng kiến một sự cân bằng quyền lực ở Afghanistan và chúng tôi đã nói với người Pakistan rằng họ không nên là một trở ngại .... Chúng tôi có cách gây ảnh hưởng đến họ, nếu thấy cần thiết”./.
Minh Bích (theo Foreign Policy, ĐVO)