Giới lãnh đạo của Trung Quốc (TQ) thuộc nhóm chính trị gia quyền lực nhất thế giới. Vì thế, cả thế giới đang theo dõi xem ai sẽ là người nắm quyền lực cao nhất của đất nước 1,4 tỷ dân này.
Ông Tập Cận Bình được dự báo sẽ nắm chức vụ cao nhất của TQ |
TQ tuyên bố cuộc chuyển giao quyền lực tại Đại hội Đảng lần thứ 18 vào cuối năm nay sẽ diễn ra suôn sẻ, cởi mở và minh bạch. Giới lãnh đạo đang có những tính toán, thậm chí là sự thỏa thuận chia sẻ quyền lực để tránh gây ra xung đột nội bộ thường xảy ra trong những dịp chuyển giao quyền lực.
Theo Trần Lý, chuyên gia của Viện Brookings, đứng sau quyết định quan trọng về sắp xếp vị trí của dàn lãnh đạo thế hệ thứ sáu chính là Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản TQ, đứng đầu là các nhà cựu lãnh đạo như Giang Trạch Dân.
“Cựu Chủ tịch Giang là người sẽ ra quyết định nhân sự cấp cao lần này. Ông Tập Cận Bình là lựa chọn của Giang Trạch Dân và Lý Khắc Cường là lựa chọn của Hồ Cẩm Đào”, ông Robert Kuhn, tác giả của cuốn tiểu sử của Giang Trạch Dân và Tư duy của lãnh đạo TQ, nhận định.
Cũng như trước đó, Đặng Tiểu Bình chính là người tiến cử Hồ Cẩm Đào hiện đang giữ chức Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước.
Sau Đại hội Đảng Cộng sản TQ lần thứ 18 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới, tên tuổi của thành viên mới thuộc Ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ được công bố. Khoảng 6 tháng sau đó, họ sẽ chính thức nắm quyền.
Theo giới quan sát phương Tây, cho đến nay, gần như chắc chắn ông Tập Cận Bình sẽ trở thành Chủ tịch nước, ông Lý Khắc Cường sẽ giữ chức Thủ tướng.
Ngoài ra, còn một số nhân vật đáng chú ý khác cũng được dự báo sẽ nắm những vị trí quan trọng trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị như: Uông Dương, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông; Lý Nguyên Triều, hiện đang giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương; và ông Vương Kỳ Sơn, Phó thủ tướng phụ trách vấn đề tài chính.
Các nhà quan sát phương Tây cũng nhìn nhận cuộc chuyển giao quyền lực sau 10 năm của TQ đang trở thành chướng ngại vật cản đường cải cách kinh tế. Bất chấp kinh tế đang tăng trưởng kém, Bắc Kinh vẫn không đưa ra bất kỳ chính sách nào có khả năng gây tranh cãi.
Cách đây 4 năm, khi đối mặt với tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu lây lan nhanh chóng, Bắc Kinh đã quyết liệt bơm 585 tỷ USD vào nền kinh tế để tránh được cú sốc từ Mỹ và châu Âu.
Hiện nay, kinh tế TQ lại gặp phải vấn đề nghiêm trọng khi khu vực xuất khẩu gặp phải quá nhiều khó khăn trong khi thị trường chứng khoán liên tiếp lao dốc. Lượng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) giảm 9 tháng liên tiếp, sản lượng công nghiệp tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong vòng 3 năm...
Nhưng giới lãnh đạo TQ vẫn chần chừ chưa hành động và có vẻ bị cuốn vào cuộc chuyển giao quyền lực. Kể từ khi ông Đặng Tiểu Bình, người đã bắt đầu công cuộc cải cách kinh tế trong những năm 1980-1990, lên nắm quyền, hệ thống chính trị TQ luôn đạt được sự đồng thuận cao.
Với sự đồng thuận này, những thay đổi lớn lao về chính trị hay kinh tế khó có khả năng xảy ra. Liao Jinzhong, chuyên gia kinh tế tại Đại học Hồ Nam, nhận định: “Xét theo hiện trạng quan liêu như hiện nay, sẽ không có sự thay đổi nào trong tương lai gần”.
Ông Tập gần như không đưa ra bất cứ tín hiệu gì về việc cải tổ nền kinh tế. Trong khi đó, những gì ông Lý Khắc Cường thể hiện trong thời gian làm lãnh đạo cấp tỉnh cho thấy ông thích hợp với hình ảnh của nhà kỹ trị chắc chắn hơn là một nhà cải cách.
Giới chuyên quan sát và dõi theo tình hình chính trị TQ khẳng định, hiện đang tồn tại 3 nhóm trong Đảng Cộng sản TQ. Trong đó, chiếm ưu thế là nhóm “vương tôn”, “thái tử Đảng” là con cháu các vị lãnh đạo công thần.
Ngay bản thân người được dự báo nắm quyền lực cao nhất là Tập Cận Bình cũng là con trai của cựu Phó thủ tướng TQ Tập Trọng Huân. Rất nhiều chuyên gia phân tích cũng tự hỏi liệu thế hệ lãnh đạo tiếp theo có đủ sẵn sàng về mặt chính trị để vượt qua sự kháng cự của nhóm “thế tử” hay không.
Bên cạnh đó là mâu thuẫn về quan điểm cải cách ngày càng rõ nét. Hồ Chinh Đông, giáo sư kinh tế tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, nhận định, nhóm “vương tôn” là những người cởi mở hơn với Mỹ và châu Âu.
Nhiều người đã phát triển sự nghiệp gắn với sự phát triển những thành phố mới ven biển và gắn liền với các nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, Phó chủ tịch Tập đã được gửi đến thành phố Phúc Châu ở tỉnh Phúc Kiến.
Bạc Hy Lai được cử đến thành phố Đại Liên, và Du Chính Thanh tới Thanh Đảo. Vương Kỳ Sơn, có biệt danh “lính cứu hỏa” do báo chí nhà nước đặt, được xem như là một nhà cải cách TQ nhanh chóng hướng tới một nền kinh tế hiện đại.
Đối lập với phe “thế tử” có đầu óc cởi mở, ưu tiên phát triển kinh tế, thì phe còn lại, đi lên từ Đoàn Thanh niên, chẳng hạn như Lý Khắc Cường và Uông Dương, lại ít tiếp xúc với giới đầu tư nước ngoài và có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến sự ổn định xã hội bằng bất cứ giá nào.
Ứng cử viên cho Ủy ban Thường vụ Trương Đức Giang, tốt nghiệp Đại học Kim Il Sung ở Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên, ủng hộ chủ trương phát triển doanh nghiệp nhà nước...