Sau sự cố đổ vỡ mối quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc nhanh chóng tìm đến phương Tây để cầu viện sự trợ giúp về CNQP tuy nhiên kết quả thu được không đáng là bao.
Thách thức và cơ hội
Sự đổ vỡ mối quan hệ với Liên Xô trong những năm cuối 1960 khiến nền CNQP non trẻ của Trung Quốc lâm vào ngõ cụt.
Các dự án hợp tác quốc phòng giữa hai bên bị hủy bỏ hoàn toàn, các tài liệu kỹ thuật đã chuyển giao hoặc chuẩn bị chuyển giao bị thu hồi, CNQP Trung Quốc mất phương hướng.
Nguy cơ tụt hậu về công nghệ là quá rõ ràng, giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy rằng cần nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài thay thế cho Liên Xô.
Sự đổ vỡ mối quan hệ với Liên Xô là thách thức song củng là cơ hội để Trung Quốc tiếp cận vũ khí phương Tây. |
Là quốc gia đông dân nhất thế giới, có một vị trí rất quan trọng ở châu Á, Trung Quốc không mấy khó khăn để tìm kiếm sự trợ giúp thay cho Liên Xô.
Từ lâu Mỹ đã muốn đặt ảnh hưởng của mình đối với Trung Quốc, sự đổ vỡ mối quan hệ chiến lược Trung-Xô là cơ hội tốt cho Mỹ để tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc tạo nên thế trận liên minh chống Liên Xô.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều nhìn thấy nhiều triển vọng trong việc tăng cường mối quan hệ giữa hai bên, Trung Quốc muốn thoát khỏi cái bóng của Liên Xô, còn Mỹ muốn có sự ủng hộ của Bắc Kinh về mặt chính trị tạo nên liên minh chống Liên Xô từ phía Đông.
Tháng 7/1971, Ngoại trưởng Henry Kissinger bí mật ghé thăm Bắc Kinh nhằm mở đường cho mối quan hệ Trung-Mỹ. Đầu năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến thăm Trung Quốc đặt viên gạch đầu tiên cho mối tuần “trăng mật” đầu tiên giữa hai nước.
Không chỉ củng cố quan hệ với Mỹ, Trung Quốc còn tranh thủ tăng cường quan hệ với các quốc gia Tây Âu đặc biệt là Israel, Pháp, Thụy Sĩ và tất nhiên tìm kiếm nguồn cung cấp vũ khí là một mục tiêu rất quan trọng.
Kết quả chẳng đáng là bao
Ngay khi quan hệ ngoại giao giữa Trung - Mỹ được thiết lập, quan hệ quân sự cũng nhanh chóng được triển khai. Với Trung Quốc đây là cơ hội “ngàn năm có một” để khai thác “mỏ vàng” công nghệ quân sự hiện đại của Mỹ.
Tuy nhiên, trái với sự vồ vập của Liên Xô, Mỹ tỏ ra rất thận trọng trong việc hợp tác quốc phòng với Trung Quốc, họ thực hiện theo kiểu “ném đá dò đường”. Các dự án hợp tác quốc phòng giữa hai nước được thực hiện từng bước và Washington luôn xem xét động thái từ phía Bắc Kinh để đi đến quyết định tiếp theo.
Năm 1985, Mỹ chuyển giao cho Trung Quốc 24 chiếc trực thăng đa năng S-70C Black Hawk. Đến năm 1986, Mỹ giúp Trung Quốc hiện đại hóa tiêm kích J-8II với hệ thống điện tử phương Tây.
Đỉnh cao của mối quan hệ “trăng mật” Trung -Mỹ là dự án hợp tác phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực Jaguar (Báo Đốm).
Thực sự, xe tăng Jaguar không phải là một thiết kế mới. Đây là một chiếc “xe tăng đa quốc gia”, thân xe lấy từ Type-59 của Trung Quốc (sao chép từ T-55 của Liên Xô), tháp pháo M68 Anh, hệ thống điện tử Mỹ.
Trung Quốc cũng chẳng có được gì nhiều qua sự hợp tác này. Sau năm 1989, Mỹ "đóng băng" hoàn toàn mối quan hệ với Trung Quốc. Ngoài ra Mỹ còn thiết lập lệnh cấm vận vũ khí với Trung Quốc. Dự án xe tăng Jaguar nhanh chóng rơi vào quên lãng. "Đứa con chung" Trung-Mỹ nhanh chóng bị “chết yểu” theo.
Đứa con tinh thần Jaguar nhanh chóng chết theo sau sự kết thúc mối quan hệ "trăng mật" Trung-Mỹ Ảnh: Militarytoday |
Trong thời gian quan hệ tốt đẹp với Mỹ, Trung Quốc đã tranh thủ để mua một số hệ thống vũ khí hiện đại từ phương Tây.
Trong giai đoạn 1978-1979, Tập đoàn Thomson-CSF chuyển giao cho Trung Quốc một số hệ thống tên lửa đất đối không cơ động Crotale để đánh giá.
Phía Pháp đã hy vọng sẽ nhận được đơn hàng số lượng lớn từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã sao chép nguyên bản và phát triển thành HQ-7, khi Pháp nhận ra mình “bị hớ” thì đã quá muộn.
Một số nguồn tin khác lại cho rằng, Pháp đã chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa đất đối không Crotale cho Trung Quốc theo một thỏa thuận ngầm không được công bố.
Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc đã mua một số pháo phòng không kéo xe hiện đại Oerlikon GDF của Thụy Sỹ và sau đó sao chép thành Type-90 và gần đây nhất họ đã “nội địa” hóa thiết kế sao chép này bằng hệ thống pháo phòng không tự hành PGZ-07.
Trong gần 20 năm, trong quan hệ Trung-Mỹ, Trung Quốc không tiếp mua được nhiều các vũ khí và công nghệ hiện đại từ phương Tây, nhất là từ phía Mỹ.
Sự thận trọng và cảnh giác của Washington phần nào làm chậm sự phát triển của CNQP Trung Quốc đặc biệt là lệnh cấm vận vũ khí áp dụng đối với Bắc Kinh sau năm 1989.
Tuy nhiên, khi không thể “đường đường chính chính” mua vũ khí và công nghệ quốc phòng từ các nước phương Tây, Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp “đi đêm” với các quốc gia được Mỹ bán cho vũ khí để tiếp cận công nghệ.
Những báo cáo gần đây đã tiết lộ những bí mật “động trời” về những vụ “đi đêm” giữa Trung Quốc với Israel.
Quốc Việt
Theo ĐVO