Một lần nữa, sức mạnh quân sự Trung Quốc chẳng là gì nếu họ không mua được vũ khí hiện đại từ Nga. Quan hệ này đã tạo nên nền tảng cho cuộc sao chép đại quy mô.
Nối lại duyên xưa
Việc cầu viện sự trợ giúp về vũ khí và công nghệ quốc phòng từ các nước phương Tây không mang lại kết quả như mong muốn.
Ngoài mặt, các nước phương Tây muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc nhưng đằng sau họ luôn nhìn Bắc Kinh với con mắt dò xét.
Phương Tây nhận thấy tham vọng to lớn của Bắc Kinh và điều đó khiến họ phải dè chừng, trong bối cảnh công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đang tụt hậu một cách quá xa so với phương Tây thì thần may mắn lại một lần nữa gõ cửa Trung Quốc.
Liên Xô tan rã, lịch sử đã sang trang mới những căng thẳng ngoại giao giữa đôi bên, nhường chỗ cho những cơ hội hợp tác mới.
Nước Nga mới còn yếu về kinh kế và không đủ mạnh để thách thức Mỹ, những ảnh hưởng mà Liên Xô để lại cũng sụp đổ theo sau sự tan rã của khối xã hội chủ nghĩa.
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc bắt đầu khởi sắc, ngân sách dành cho quốc phòng cũng dồi dào hơn.
Trung Quốc đang khát vũ khí hiện đại, Nga đang khát tiền để khôi phục đất nước sau khi Liên Xô sụp đổ. Bên cạnh đó, Nga cần sự ủng hộ của Bắc Kinh về mặt chính trị để tạo nên một thế trận liên minh đối phó âm mưu bá quyền, thiết lập trật tự thế giới đơn cực của Mỹ.
Nga được nhiều lợi ích về kinh tế nhưng mất rất nhiều thứ không tính được bằng tiền trong cuộc chơi hợp tác quân sự với Trung Quốc Ảnh minh họa |
Lợi ích cho đôi bên là quá rõ ràng và không có lý do gì để cả Nga và Trung Quốc từ chối cơ hội béo bở này. Trong công cuộc “nối lại duyên xưa”, hợp tác về quân sự được xem là vấn đề quan trọng nhất.
Ngày 09/11/1993, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Pavel Grachev và người đồng cấp phía Trung Quốc Chí Hào Tiến đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng 5 năm.
Đến ngày 12/07/1994, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước ký tiếp thỏa thuận an ninh biên giới nhằm tránh các sự cố quân sự nguy hiểm.
Tuy nhiên, quan hệ hợp tác Trung - Nga có sự khác biệt với thời Trung - Xô, không còn cảnh “thầy dạy trò” mà đơn giản là một cuộc mua bán.
Cuộc mua sắm quy mô lớn của "khách hàng đầu tiên"
Khởi đầu, các hợp đồng mua sắm quy mô lớn đưa Trung Quốc trở thành khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga với kim ngạch chiếm từ 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí.
Mở đầu cuộc đại mua sắm này là hợp đồng mua 2 tiểu đoàn tên lửa đối không tầm xa S-300PMU trị giá 220 triệu USD ký kết vào năm 1991, chuyển giao năm 1993. Sau hợp đồng này, Trung Quốc trở thành khách hàng đầu tiên của hệ thống tên lửa đối không hiện đại bậc nhất thế giới.
Đến năm 1994, Trung Quốc lại ký hợp đồng mua thêm 2 tiểu đoàn S-300PMU1 trị giá 400 triệu USD. Năm 2001, Bắc Kinh mua thêm 2 tiểu đoàn S-300PMU1 nữa trị giá 400 triệu USD.
Năm 2002, Trung Quốc mua 2 hệ thống S-300F biến thể trang bị trên tàu chiến trị giá 200 triệu USD để trang bị cho tàu khu trục Type-051C.
Năm 2003, ký hợp đồng trị giá 980 triệu USD để mua 4 tiểu đoàn S-300PMU2. Đến cuối năm 2008 Trung Quốc có tổng cộng 160 xe phóng S-300 các loại, trong đó có 32 xe phóng S-300PMU, 64 xe phóng S-300PMU1, 64 xe phóng S-300PMU2, số tên lửa đã chuyển giao hơn 1000 quả.
Giai đoạn 1996-2000, Trung Quốc đặt mua tổng cộng 29 hệ thống tên lửa đối không tầm thấp TOR trị giá 700 triệu USD.
Hợp đồng mua sắm số lượng "khủng" hệ thống tên lửa S-300 đã đặt nền móng cho cuộc sao chép đại quy mô. |
Năm 1991, Trung Quốc đặt hàng 76 chiếc Su-27 bao gồm 36 chiếc Su-27SK và 40 chiếc Su-27UBK. Ở đây, Trung Quốc lại giữ vị trí "khách hàng đầu tiên".
Năm 1994, Trung Quốc ký hợp đồng mua 2 tàu ngầm lớp Kilo 877 EKM, và năm 1996, là "khách hàng đầu tiên" của tàu ngầm Kilo 636 với số lượng 2 chiếc. Năm 2002, Bắc Kinh tiếp tục ký hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD để mua 8 tàu ngầm Kilo 636.
Năm 1996 trong một nỗ lực nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng tàu chiến mặt nước Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 2 tàu khu trục hạng nặng lớp Sovremenny Project 956 trị giá 800 triệu USD, đến năm 2002 nước này lại mua thêm 2 chiếc nữa thuộc dự án nâng cấp 956 EM và số tiền mà Trung Quốc phải trả cho 2 tàu này lên đến 1,5 tỷ USD.
Cái bẫy giăng sẵn
Những hợp đồng mua sắm khổng lồ từ Trung Quốc khiến Nga gần như lóa mắt, chỉ số tin tưởng dành cho Bắc Kinh tăng theo giá trị của các hợp đồng. Tuy nhiên, Nga đã rơi vào “cái bẫy” mà Bắc Kinh đã giăng sẵn, đó là âm mưu kéo dây chuyền sản xuất về trong nước.
Sau khi nhận lô Su-27 đầu tiên, Không quân Trung Quốc đã rất “kết” loại tiêm kích này nhất. Đây chính là mẫu tiêm kích đủ khả năng để cạnh tranh với các tiêm kích F-15, F-14 của phương Tây.
Năm 1995, đoàn cán bộ quân sự cấp cao Trung Quốc do Đô đốc Lưu Hoa Thanh, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc ủy viên Ủy ban quân sự Trung Ương đến thăm Nga để đàm phán việc mua giấy phép sản xuất Su-27 tại Trung Quốc với tên gọi J-11. Đơn hàng lên đến 200 chiếc, giá trị hợp đồng chuyển giao lên đến 2,5 tỷ USD. Quả là một con số mà Nga không thể từ chối.
Đến năm 1999, Trung Quốc “bồi” thêm cho Nga hợp đồng 76 chiếc Su-30MKK, và năm 2003 tiếp tục đặt mua thêm 24 chiếc tiêm kích Su-30MK2, một động thái củng cố lòng tin với Moscow.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành được gần 100 chiếc, 4 năm kinh nghiệm tìm hiểu, lắp ráp và sao chép Su-27 thành J-11B, Trung Quốc phá hợp đồng. Nga chịu một vố đau điếng.
Thực sự Nga không phải quá ngây ngô mà không nhận thấy mưu đồ của Trung Quốc nhưng quả thật Moscow không có nhiều sự lựa chọn. Giá trị thương mại quốc phòng từ Trung Quốc quá lớn. Nếu không có sự mua sắm ồ ạt của Trung Quốc rất nhiều nhà máy quốc phòng của Nga có thể phải phá sản vì không có đơn hàng.
Dù giá trị hợp đồng quân sự hai bên bắt đầu giảm dần từ năm 2005 nhưng Nga vẫn tiếp tục kỳ vọng thị trường Trung Quốc, khi không bán được sản phẩm hoàn thành thì bán linh kiện. Nhưng sự kỳ vọng này tiếp tục giảm dần, số lượng đặt mua linh kiện của Trung Quốc giảm dần theo sự tiến triển của nền công nghiệp quốc phòng nước này.
Trong lịch sử quan hệ từ Trung - Xô, đến Trung - Nga, cả Liên Xô/Nga đều bị Trung Quốc “xỏ mũi” những áp lực về chính trị trong thời gian chiến tranh lạnh, rồi đến áp lực kinh tế sau khi Liên Xô tan rã đã khiến Liên Xô/Nga chấp nhận cuộc chơi “mạo hiểm” với Bắc Kinh.
Trong bài viết có tựa đề “Hợp tác quân sự Trung-Nga, Gấu có thể tin tưởng Rồng?” Max Verbitz bút danh của cựu sỹ quan tình báo cao cấp KGB nhận định “Nga đang tự đặt mình vào thế nguy hiểm trong cuộc chơi với Trung Quốc”
Quốc Việt
Theo ĐVO