TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Trung Quốc: Biểu tình chống Nhật do bất mãn xã hội

Ngày thứ sáu liên tiếp tàu tuần tra Trung Quốc tiếp cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngày 6-10, cơ quan tuần duyên Nhật thông báo bốn tàu ngư chính và tám tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hãng tin Kyodo (Nhật) dẫn nguồn từ cơ quan tuần duyên Nhật cho biết đây là ngày thứ sáu liên tiếp tàu tuần tra Trung Quốc tiếp cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trong khi đó, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc cùng ngày dẫn thông báo từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết trong dịp tết Trung thu và Quốc khánh Trung Quốc, đội tàu ngư chính Trung Quốc vẫn duy trì tuần tra để bảo vệ chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và bảo vệ ngư dân Trung Quốc.

Hôm trước đó, nguồn tin từ chính phủ Nhật cho biết chính phủ đang chuẩn bị bổ nhiệm trợ lý chánh văn phòng nội các Nhật Masato Kitera 59 tuổi làm đại sứ Nhật tại Trung Quốc thay thế cho đại sứ mới bổ nhiệm Shinichi Nishimiya (qua đời đột ngột vì bệnh giữa tháng trước).

 

 

Hầu hết thanh niên biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc nổi giận với tầng lớp nhà giàu và bất mãn với chính phủ vì một xã hội bất bình đẳng về kinh tế. Ảnh: REUTERS

Ông Masato Kitera là nhà ngoại giao kỳ cựu và là người thân cận với Thủ tướng Yoshihiko Noda nhưng chưa từng giữ chức vụ quan trọng nào liên quan đến Trung Quốc.

Đài truyền hình NHK (Nhật) cho biết ông Masato Kitera làm việc tại Bộ Ngoại giao từ năm 1976, từng giữ chức vụ trưởng Vụ Các vấn đề châu Phi và làm việc tại các cơ quan ngoại giao Nhật ở Thái Lan, Pháp và Thụy Sĩ. Ông được đánh giá là người có khả năng giảng hòa những vấn đề bất đồng giữa Nhật với các nước.

Trong khi đó, báo Japan Times (Nhật) ngày 6-10 dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Nhật cho biết để tranh thủ quốc tế ủng hộ đối với lập trường của Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chính phủ Nhật sẽ làm rõ những điểm không nhất quán trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Một chứng cứ cho thấy thái độ thiếu nhất quán của Trung Quốc là bài báo của Nhân Dân Nhật Báo (Trung Quốc) năm 1953 với tựa đề “Cuộc chiến của nhân dân ở quần đảo Ryukyu chống lại sự chiếm đóng của Mỹ”. Bài báo khẳng định quần đảo Ryukyu bao gồm bảy nhóm đảo, trong đó có quần đảo mang tên Senkaku chứ lúc đó không gọi là Điếu Ngư như Trung Quốc gọi bây giờ.

Báo Asahi Shimbun (Nhật) cùng ngày đã đăng bài xã luận của GS danh dự Homare Endo ở ĐH Tsukuba (Nhật) nhận định nguyên nhân sâu xa của các vụ biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc xuất phát từ khoảng cách giàu nghèo.

Hầu hết thanh niên biểu tình chống Nhật là tầng lớp sống bên lề xã hội trong thời buổi cạnh tranh thị trường khốc liệt. Họ nổi giận với tầng lớp nhà giàu và bất mãn với chính phủ vì đã tạo ra một xã hội bất bình đẳng về kinh tế.

Nhiều người biểu tình mang theo chân dung Chủ tịch Mao Trạch Đông vì ông là biểu tượng của thời kỳ gian khổ nhưng chú tâm xây dựng xã hội công bằng.

Trong khi đó, hãng tin CNA (lãnh thổ Đài Loan) đưa tin ngày 5-10, Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba tuyên bố dù không chấp nhận một phần trong sáng kiến hòa bình ở biển Hoa Đông do người đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu đề xuất, Nhật vẫn tán thành tinh thần và nội dung cơ bản của sáng kiến.

Sáng kiến kêu gọi kiềm chế đối đầu, giải quyết tranh chấp qua đàm phán hòa bình và thiết lập cơ chế cho phép các bên hợp tác khai thác tài nguyên ở biển Hoa Đông.

Ngoại trưởng Koichiro Gemba bày tỏ mong muốn hành động gây căng thẳng giữa Nhật và Đài Loan không nên tái diễn. Ngày 6-10, người phát ngôn cơ quan ngoại giao Đài Loan gọi đây là biểu hiện chứng tỏ thiện chí của Nhật.

Trong ngày 6-10, ba tàu huấn luyện của hải quân Nhật Kashima, Shimayuka và Matsuyuki đã cập cảng quốc tế Sihanoukville (Campuchia) bắt đầu chuyến thăm Campuchia trong sáu ngày.

Đại sứ quán Nhật tại Campuchia cho biết chuyến thăm nhằm củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai nước và tạo cơ hội cho 194 thiếu sinh quân Nhật giao lưu tìm hiểu văn hóa và quân sự Campuchia.

Dự kiến Chuẩn đô đốc Nhật Hidetoshi Fuchinoue sẽ yết kiến Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và tư lệnh hải quân hoàng gia Campuchia Tea Vinh ngày 8-10.

Báo Jiji Press (Nhật) ngày 6-10 đưa tin hôm 3-10, phát biểu tại buổi tọa đàm ở Trung tâm Wilson tại Washington, D.C (Mỹ), Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc triển khai máy bay chiến đấu F-35 đến căn cứ không quân ở tỉnh Okinawa (Nhật). Ông giải thích đây là một phần trong chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á của Mỹ.

LÊ LINH
PLTPHCM

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te