Là nhân vật thuộc “phe Thái tử” nhưng điểm đặc biệt nhất ở ông Lý Nguyên Triều - Trưởng ban tổ chức Trung ương, là sự “chung tiếng nói, đồng quan điểm” đến kỳ lạ với ông Tập Cận Bình, người được cho là sẽ nắm giữ chức Chủ tịch Trung Quốc sau ĐH 18.
Bản danh sách Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 đang lan truyền hiện nay và nhận được sự tán đồng của giới phân tích, gồm: Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn, Phó thủ tướng Lý Khắc Cường, Phó thủ tướng Trương Đức Giang, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lý Nguyên Triều, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Lưu Vân Sơn và Bí thư Thành ủy Thiên Tân Trương Cao Lệ.
Trong đó, Lý Khắc Cường và Lưu Vân Sơn là những nhân vật trưởng thành từ hệ thống Đoàn Thanh niên, còn Lý Nguyên Triều lúc được cho là thuộc phái Đoàn Thanh niên, lúc bị quy là người của “phe Thái tử”.
Theo tạp chí “Tiền tiêu” số tháng 10 của Hong Kong, sở dĩ Lý Nguyên Triều được cho là thuộc phái Đoàn Thanh niên là do nhân vật này từng làm Bí thư Thành đoàn Thượng Hải, sau đó là Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Lý là người Thượng Hải chính gốc và người đã chọn nhân vật này cựu Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang. Trong năm 1983, cựu Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng được điều về làm Bí thư Đảng ủy công ty dầu mỏ Nam Hoàng Hải có trụ sở ở Thượng Hải. Vì đều là con cán bộ cao cấp, nên Tăng Khánh Hồng và Lý Nguyên Triều nhanh chóng thiết lập quan hệ thân thiết.
Sau đó, Lý Nguyên Triều được điều về Trung ương Đoàn phụ trách công tác tuyên truyền. Năm 1999, khi Tăng Khánh Hồng được điều từ Thượng Hải tới Bắc Kinh, nắm quyền điều hành Ban Tổ chức Trung ương, con đường quan lộ của Lý Nguyên Triều mới thực sự rộng mở, trong vòng một năm rưỡi thăng liền 3 cấp, Trở thành Bí thư tỉnh ủy Giang Tô.
Vì thế, Lý Nguyên Triều đích thực là người của phe Giang Trạch Dân – Tăng Khánh Hồng chứ không phải là người của “phe Đoàn Thanh niên”.
Bên cạnh đó, theo tạp chí “Tin mật Trung Quốc”, sự gắn kết giữa Lý Nguyên Triều với phe Giang Trạch Dân - Tăng Khánh Hồng còn đến từ một nhân tố khác. Đó là mối quan hệ giữa Lý Cán Thành (cha của ông Lý Nguyên Triều) và Giang Trạch Dân. Trước cách mạng văn hóa, Ông Lý Cán Thành từng làm Phó Thị trưởng Thượng Hải. Khi về nắm quyền ở Thượng Hải Giang Trạch Dân đã mời Lý Cán Thành làm cố vấn cho Thành ủy Thượng Hải.
Ngoài ra Lý Nguyên Triều và Tập Cận Bình còn được cho là có quan niệm chính trị gần nhau nhất. Minh chứng rõ nét nhất qua những lời phát biểu công khai của nhân vật này sau Đại hội 17. Ví dụ đầu năm 2009, Trung Quốc triển khai đợt hoạt động học tập quan niệm phát triển khoa học thực tiễn lần 2, Tập Cận Bình và Lý Nguyên Triều đã có nhiều phát biểu giống nhau. Thậm chí, truyền thông chính thức của Trung Quốc còn cô đọng phát biểu của Tập Cận Bình và Lý Nguyên Triều thành “10 lời khuyên”yêu cầu cán bộ đảng viên học tập.
Khi trở thành nhân vật kế nhiệm,Tập Cận Bình rất coi trọng yếu tố “đức”trong cầm quyền và đặt việc “xây dựng tác phong lên vị trí nổi bật hơn nữa”. Nắm quyền điều hành Ban Tổ chức Trung ương, Lý Nguyên Triều cũng đặt việc “tăng cường tu dưỡng tính Đảng, thiết thực cải thiện tác phong” lên vị trí hàng đầu, nhấn mạnh “cán bộ phải ra sức tu dưỡng, tu thân lập đức”.
Trên phương diện dùng người quan điểm của Tập Cận Bình và Lý Nguyên Triều gần như tương đồng, đều rất coi trong hiền tài. Quan điểm dùng người của 2 nhân vật này đều được Truyền thông chính thức của Trung Quốc gọi là “cùng một tiếng nói” cho thấy Bắc Kinh có ý tuyên truyền quan niệm chính trị tương đồng giữa Tập Cận Bình và Lý Nguyên Triều. Theo một nhà quan sát chính trị Bắc Kinh việc này đặt nền móng cho nguyên tắc dùng người, điều động và bố trí nhân sự của Trung ương trong thời đại Tập Cận Bình. Nó đồng nghĩa với việc sau Đại hội 18. Tập Cận Bình và Lý Nguyên Triều sẽ đóng vai trò chủ đạo ở Trung ương.
L.T
Theo InfoNet