Dù là một lực lượng hùng hậu nhất thế giới và giàu thứ hai thế giới, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) cũng đang phải chật vật đối phó với tình hình. Đây là nhận định vừa được ông Andrew Scobell và Andrew J. Nathan đưa ra một một bài báo gần đây có nhan đề “Quân đội Trung Quốc đang bị căng sức”.
Theo bài báo trên, PLA “sẽ bị căng sức khi Trung Quốc tìm cách giải quyết rất nhiều nhiệm vụ”. Tác giả của bài báo đã liệt kê ra một loạt nhiệm vụ cả cũ và mới mà quân đội hiện đại của Trung Quốc đang phải giải quyết như: an ninh nội địa, phòng vệ trước các nước láng giềng, vấn đề Vùng lãnh thổ Đài Loan và quan trọng nhất là mục tiêu mở rộng lợi ích chiến lược của Trung Quốc ra khắp toàn cầu. Ngoài ra, PLA còn phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác.
Rõ ràng, PLA có nhiều tình huống bất ngờ mà họ cần phải lên kế hoạch đối phó và huấn luyện cho kế hoạch đó. Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất lớn giữa một bên là sự bận rộn và một bên là sự căng sức.
Ở cấp trên của bộ máy lãnh đạo quân sự cao nhất, không nghi ngờ gì nữa, PLA thực sự đang rất bận rộn. Năm 2011, PLA đã phải mở Cục Kế hoạch Chiến lược. Điều này chứng tỏ một thực tế là, các cơ quan quản lý hiện nay của PLA không đủ sức lực để đối phó với tình hình chiến lược phức tạp mà họ đang đối mặt. Những cuộc tranh chấp lãnh thổ ở đây đó cũng chiếm mất nhiều tâm sức của quân đội nếu không nói là cả nhân lực thực sự của lực lượng này.
Tuy nhiên, tình trạng căng sức, dàn trải là kết quả của việc đang làm quá nhiều thứ chứ không phải sẽ làm quá nhiều thứ. Hãy xem những gì mà PLA đang thực sự tiến hành trên thực tế so với quân đội các nước khác được đánh giá là căng sức, rất khó để có thể thấy PLA là một trong những lực lượng vũ trang bị sức ép mạnh nhất.
Ví dụ, khi hỏi về sự căng sức của quân đội Mỹ và quân đội Anh, chúng ta thấy, họ đã trải qua một thập kỷ chiến tranh, hàng ngàn thương vong, không biết bao nhiêu các cuộc triển khai quân trên toàn cầu, các chuyến đi và bây giờ là sự sụt giảm về những khoản phân phối ngân sách. Quân đội Nam Phi thậm chí còn căng sức đến mức đỉnh điểm theo đúng nghĩa của nó. Lực lượng này được cho là đang trên bờ vực của sự sụp đổ bởi có quá ít binh lính với quá ít ngân sách và không đủ kinh nghiệm cần thiết để thực hiện quá nhiều nhiệm vụ hiện nay.
Tất nhiên, không thể nói rằng PLA không thể căng sức chỉ bởi vì quân đội ở các nước khác đang căng thẳng hơn nhiều so với họ. Tuy nhiên, về mặt hoạt động trên thực tế, quân đội Trung Quốc vẫn chỉ mất nhiều thời gian cho các hoạt động huấn luyện, ít thời gian thực hiện các chiến dịch thực sự. Một phần rất nhỏ trong số nhân lực hùng hậu của quân đội Trung Quốc đang tham gia vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình. Thỉnh thoảng, PLA cũng phải can thiệp vào những cuộc khủng hoảng trong nước ở Tây Tạng hay Tân Cương nhưng không phải thường xuyên, liên tục. Chắc chắn, khối lượng công việc của PLA đã tăng trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp có các cuộc tranh chấp lãnh thổ quyết liệt và căng thẳng gần đây ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Tuy nhiên, sự tham gia của PLA vào các chiến dịch thực sự trong giai đoạn này vẫn còn tương đối hạn chế.
Tóm lại, nếu PLA thực sự căng sức ở thời điểm này thì phải có gì đó đã đi không đúng hướng trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội hiện tại. Tình trạng căng sức trong thời bình như Nam Phi chỉ có thể là kết quả của sự quản lý tồi. Tuy nhiên, Bắc Kinh biết rõ họ đang làm gì. Quân đội Trung Quốc đang ở giữa một chương trình hiện đại hóa lâu dài và được kiểm soát một cách cẩn thận. PLA đang tiến hành giảm quy mô quân đội và tăng ngân sách liên tục cho lực lượng này trong nhiều năm nay. Tuyển quân chưa bao giờ là vấn đề đối với Trung Quốc. Tiền cũng chưa bao giờ là vấn đề. Vậy tại sao lực lượng này có thể căng sức được? Tương tự, rất khó để nghĩ đến những sự kiện bất ngờ - ví dụ, không có cuộc chiến tranh nào xảy ra có thể làm đảo lộn kế hoạch của Quân ủy Trung ương và làm lộ ra những lỗ hổng chưa từng được thấy trong năng lực hoạt động của PLA.
Nếu PLA bất ngờ phải đối phó với tất cả những tình huống khẩn cấp như ông Scobell và Nathan miêu tả thì lúc đó, lực lượng này mới thực sự căng sức. Tuy nhiên, ngay lúc này, PLA không tấn công Vùng lãnh thổ Đài Loan hay không có chiến tranh ở Triều Tiên cũng không phải đối phó với bất kỳ cuộc chiến nào ở dọc biên giới kéo dài của nước này cũng như không phải đối phó với cuộc khủng hoảng nào ở vùng cận tây. Thay vào đó, PLA chỉ phải thực hiện một kế hoạch hiện đại hóa toàn diện cùng với những đường lối đã được vạch sẵn rất rõ và nguồn ngân sách dồi dào, nhân lực hùng hậu trong khi rất ít yêu cầu hoạt động khiến họ xao nhãng công việc. Trên thực tế, một trong những thách thức lớn nhất của PLA lại là sự thiếu kinh nghiệm hoạt động, nói theo cách khác là họ đang dư thừa sức.
Kiệt Linh - (theo Diplomat, VNmedia)