TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Mỹ công bố chi tiết "cuộc tấn công đổ bộ" lãnh sứ quán tại Libya

Giới chức Mỹ ngày 9/10 đã tiết lộ chi tiết cay đắng về vụ tấn công khiến đại sứ và 3 người Mỹ khác tại Libya thiệt mạng, khi hàng chục tay súng đã “đổ bộ” vào tòa lãnh sự, nã đạn xối xả và truy lùng các nhân viên ngoại giao.

 

 Lãnh sự quán Mỹ tại Libya tan hoang sau vụ tấn công
Tòa lãnh sự Mỹ tại Bengahzi tan hoang sau vụ tấn công.

 

Khu phố bên ngoài hoàn toàn yên tĩnh trước vụ tấn công

 

Không hề có thông tin tình báo cảnh báo về vụ tấn công và nhiều giờ trước đó, những con phố bên ngoài tòa lãnh sự quán tại thành phố Benghazi, miền đông Libya rất yên ả.

 

Những thông tin mới này trái ngược hẳn với báo cáo của giới chức Bộ Ngoại giao nhiều giờ và nhiều ngày sau vụ tấn công ngày 11/9. Trước đó, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, đây là một vụ tấn công “tự phát”, nổ ra từ cuộc biểu tình chống bộ phim nhạo báng đạo Hồi.

 

“Không hề có thông tin tình báo nào về vụ tấn công”, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết khi tiết lộ chi tiết về vụ tấn công ồ ạt nhằm vào tòa nhà lãnh sự quán và một khu nhà gần đó.

 

Đại sứ Mỹ Chris Stevens, người thiệt mạng trong vụ tấn công, đã ở trong tòa lãnh sự vào ngày kỷ niệm 11 năm vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 và đã có hàng loạt cuộc họp. Ông đã đi bộ với người khách cuối cùng, một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tới cổng tòa lãnh sự vào khoảng 8h30 tối giờ địa phương.

 

“Họ đã nói lời tạm biệt và họ đã đi ra phố. Mọi thứ đều yên tĩnh, vào 8h30 tối không có gì bất thường. Cũng không có gì bất thường trong suốt cả ngày đó”, quan chức thứ hai cho biết.

 

Khi được hỏi vì sao các quan chức Bộ Ngoại giao mới đầu cho biết đã có một cộc biểu tình chống đoạn video chống đạo Hồi “Sự ngây thơ của người Hồi giáo”, quan chức thứ nhất cho biết đó là nghi vấn “của những người khác, không phải là kết luận của chúng tôi”.

 

Phát biểu trước cuộc điều trần công khai đầu tiên trước quốc hội vào ngày 9/10 về thất bại an ninh tại tòa lãnh sự quán ở Benghazi, quan chức này cho biết rất khó để nói cần phải có loại an ninh nào để đẩy lùi một cuộc tấn công như thế.

 

“Chưa từng có tiền lệ về tính tàn bạo cũng như số lượng những kẻ tấn công. Không có cuộc tấn công nào như vậy ở Libya, Tripoli, Bengazhi hay bất kỳ nơi nào khác chúng tôi từng có mặt”, quan chức này cho hay. “Thật thật khó để tìm ra tiền lệ cho vụ tấn công như vậy trong lịch sử ngoại giao gần đây”.

 

Chính quyền Tổng thống Obama đã bị các đối thủ Cộng hòa chỉ trích kịch liệt vì đưa ra thông tin trái ngược nhau về vụ tấn công, giữa những cáo buộc yếu kém về an ninh.

 

Trong một cuộc đàm thoại với các phóng viên, hai quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vụ tấn công khốc liệt ở Bengahzi, miền đông Libya, nổ ra vào khoảng 9h40 tối ngày 11/9, ngay sau khi đại sứ Stevens đi ngủ.

 

Nhân viên ngoại giao bị truy đuổi

 

Stevens và 3 nhân viên ngoại giao Mỹ khác đã thiệt mạng khi hàng chục người trang bị vũ khí hạng nặng “đổ bộ” vào tòa lãnh sự và sau đó còn tiến hành một vụ tấn công vào khu nhà phụ của lãnh sự cách đó tới 2km.

 

Đầu tiên tiếng súng và tiếng nổ vang lên, phá tan sự yên tĩnh bên ngoài tòa lãnh sự và các nhân viên giám sát camera an ninh đã thấy “một lượng lớn những tay súng đổ bộ vào bên trong tòa lãnh sự”, quan chức thứ nhất cho hay.

 

Lúc đó có 5 đặc vụ an ninh ngoại giao Mỹ trong tòa nhà chính, với 2 người đi cùng đại sứ Stevens từ Tripoli tới cùng 3 người đóng tại Benghazi, và 4 nhân viên thuộc cơ quan an ninh Libya. Họ là người của lữ đoàn chiến binh 17/2, được giới chức Libya địa phương giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh.

 

Những kẻ tấn công được trang bị vũ khí đã dội mặt ngoài của một trong các tòa nhà bên trong lãnh sự quán bằng dầu diesel, châm lửa đốt và sau đó “đổ bộ” vào tòa nhà chính, đổ nhiên liệu lên đồ đạc để đốt, gây ra những đám khói đen đặc.

 

Một đặc vụ an ninh Mỹ đã cảnh báo cho đại sứ Stevens, và cùng với giám đốc thông tin Sean Smith, họ lánh nạn trong phòng an toàn bên trong một khoang trên sàn phòng ngủ của tòa nhà chính. Phòng an toàn này được trang bị các vật dụng y tế và nước.

 

Nhưng sau đó 3 người thấy khó thở, nên đã leo qua một chiếc cửa có chấn song để chuyển tới phòng tắm. Rồi họ quyết định phải thoát ra mặc dù đạn nã xối xả và lựu đạn rơi như mưa bên trong tòa nhà.

 

Khi tìm cách thoát thân, 3 người họ đã bị chia cắt. Giám đốc thông tin Smith thiệt mạng trong hỏa hoạn và thi thể ông được nhân viên an ninh Mỹ tìm thấy sau đó, trong khi đại sứ Stevens không biết bằng cách nào đó đã được đưa tới bệnh viện và thi thể của ông được trao lại cho các nhân viên ngoại giao Mỹ trong đêm.

 

Tòa nhà chính sau đó được sơ tán và lực lượng an ninh còn lại đã tìm cách thoát qua các con phố hỗn loạn trên một chiếc xe bọc thép để tới khu nhà phụ gần đấy. Nhưng vào khoảng 4h sáng, khu nhà cũng bị tấn công bằng pháo cối.

 

“Đúng như vậy và một số quả đạn cối đã rơi trúng mái nhà, khiến 2 đặc vụ an ninh, đã ở đó từ trước, thiệt mạng và một đặc vụ khác vừa từ tòa lãnh sự tới bị thương nặng”, quan chức đầu tiên cho hay.

 

Rồi sau đó tiếp viện từ Tripoli tới và khu nhà phụ được sơ tán. Tất cả các nhân viên, kể cả người thiệt mạng và bị thương được đưa lên hai chuyến bay tới Tripoli.

 

Phan Anh

Theo AFP, Dân Trí


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te