Cuộc nội chiến ở Syria giờ đây đã vượt biên giới sang Lebanon và một nước láng giềng khác, thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ.
Các khu trại tỵ nạn người Syria đã bị quân chính phủ nã pháo. Ngày 4/10, một cuộc tấn công bằng súng cối của Quân đội Syria đã đổ xuống một thị trấn của Thổ Nhĩ Kỳ là Akcakale làm ít nhất năm người thiệt mạng và 8 người khác bị thương.
Số thương vong này không thấm gì so với số thương vong của người Syria và số người Kurd gốc Thổ bị thiệt mạng trong cuộc nội chiến ở Syria. (Tổng cộng đã lên đến 30.000 bị giết, kể cả trong các tai nạn chiến tranh).
Những sự cố này đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đến miệng hố chiến tranh. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cho dọn sạch các trại tỵ nạn dọc biên giới, và Bộ trưởng Ngạo giao Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Davutoglu nói rằng: “Không ai có thể nghi ngờ khả năng phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ.”
Thổ Nhĩ Kỳ đã trả đũa bằng các loạt pháo vào thành phố Idlib của Syria. Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã khó khăn ra các tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế.
Chưa ai có thế biết được tình hình sẽ diễn biến ra sao. Tuyên bố của NATO chỉ dừng lại với lời kêu gọi tham khảo ý kiến giữa các nước thành viên (theo Điều 4 của Hiến Chương), chứ không phải là một lời kêu gọi chiến tranh (theo Điều 5). Điều này chứng tỏ sẽ không có leo thang chiến tranh lớn giữa hai bên.
Trong tháng 9/2012, căng thẳng dọc biên giới Syria-Thổ đã tăng mạnh. Đây không phải lần đầu tiên quân Syria bắn pháo vào thị trấn Akcakale.
Sau cuộc tấn công ngày 28/9, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một giác thư ngoại giao phản đối đến Damascus.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Gennady Gatilov đã cảnh báo về một chính sách “ngoại giao bom”. Ông lưu ý rằng căng thẳng trên biên giới có thể sẽ tạo ra “những cái cớ để thực hiện một kịch bản quân sự hoặc nhằm đưa ra các sáng kiến như lập các vành đai nhân đạo hay các khu đệm”.
Tháng 6/2012, Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ra tự kiềm chế sau khi quân đội Syria bắn rơi một máy bay F-4. Chính phủ Syria nói rằng chiếc máy bay F-4 đã bay "rất thấp và với tốc độ cao” vào lãnh hải của họ gần Latakia. Vào thời điểm đó Thổ Nhĩ Kỳ đã không đáp trả bằng sức mạnh.
Yasser al-Najjar, một thành viên của Hội đồng quốc gia và Quân đội tự do Syria (FSA) gần đây đã nói với báo chí tại Cairo rằng FSA phản đối bất kỳ sự can thiệp bằng quân sự nào của phương Tây, nhưng tin rằng một “khu cấm bay có thể xẩy ra mà không cần đến can thiệp.”
Đây chính là điều mà Chủ tịch Liên đoàn Arab lúc đó là Arm Moussa tin tưởng khi ông tán thành thiết lập một khu vực cấm bay trên bầu trời Lybia vào ngày 12/3/2011. Tám ngày sau đó, sau các cuộc ném bom của NATO, ông Moussa nói: “Những gì đang diễn ra tại Lybia khác với mục đích của việc thiết lập một vùng cấm bay. Và điều mà chúng tôi muốn là dân thường được bảo vệ, chứ không phải bắn phá dân thường nhiều hơn”.
Không rõ liệu điều mà ông al-Najjar muốn có thể đạt được một cách dễ dàng mà không cần một cuộc can thiệp kiểu như ở Libya. Một trong những mong muốn của ông là các tên lửa của NATO được triển khai trên đất Thổ Nhĩ Kỳ để “bảo vệ từ 30 đến 40 km về phía Nam.”
Sử dụng con bài người Kurd
Ít có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ cho phép triển khai tên lửa NATO tại các tỉnh phía nam của mình để thiết lập một vành đai nhân đạo ở phía bắc Syria.
Trong suốt mấy năm qua, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nối lại các cuộc chiến với lực lượng của Đảng lao động người Kurd (PKK). Sau một thời gian ngưng chiến ngắn ngủi từ 1999 đến 2004, một số bộ phận của PKK lại phát động cuộc chiến, đưa các nhóm du kích nhỏ của họ tấn công các đồn bốt và tiến hành các hành động khủng bố trong thành phố (kể cả vụ đánh bom ở Ankara vào năm 2007).
Mất hết các căn cứ tại Iraq và một phần ở Syria cũng như vì chia rẽ trong nội bộ lãnh đạo, PKK đã làm cho họ không dám tiến hành các cuộc tiến công trực diện như đã từng tàn phá đất nước trong những năm 1990.
Lý do có cuộc chiến ác liệt giữa PKK và quân đội Thổ là do một quyết định chiến lược của Tổng thống Assad của Syria trong mùa Hè năm 2012. Ông đã trao cho PKK và đảng Liên minh dân chủ (PDU) quyền kiểm soát phần lãnh thổ phía bắc của Syria, khu vực có phần lớn người Kurd sinh sống.
Khu căn cứ mới này đã cho phép PKK tập hợp lực lượng và bắt đầu một cuộc tiến công lớn vào thị trấn Semdinli của Thổ Nhĩ Kỳ. (Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc chính quyền Assad cung cấp vũ khí hạng nặng cho PKK, gồm các bệ phóng tên lửa và đại liên.)
Trong khi quân đội Thổ bị PKK kìm chân thì Quân đội Syria tự do (FSA) đã chuyển căn cứ của họ từ tỉnh Haytay trên đất Thổ Nhĩ Kỳ vào sâu nội địa Syria nhằm chứng tỏ rằng FSA đủ sức chống lại chính quyền Assad.
Tín hiệu này của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể được hiểu theo nhiều cách: Hoặc là họ chấp nhận quan điểm của FSA rằng lực lượng này cần phải tăng cường chiến dịch quân sự của mình trong đất Syria, hoặc là Ankara đang cố tìm ra một phương cách để tách mình khỏi chính sách hăng hái.
Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ dưới chính quyền Erdogan-Davutoglu dao động giữa hai khuynh hướng “Không có vấn đề với các nước láng giêng” và "xây dựng một đế chế Ottoman" mới ở khu vực.
Chính khuynh hướng thứ hai đã đẩy chính quyền Erdogan-Davutoglu tới một lập trường cứng rắn chống lại chế độ Assad, và khi vấn đề người Kurd ngóc đầu dậy thì họ lại muốn quay lại khuynh hướng đầu.
Cuộc nã pháo ngày 3/10 vừa qua và sự trả đua của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm thay đổi tình hình một chút.
‘Nhóm tiếp xúc’ không tiếp xúc được
Được thành lập theo sáng kiến của Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi, Nhóm tiếp xúc về Syria (SCG) lẽ ra đã nhóm họp bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York. Mục đích của cuộc họp là tìm ra lối thoát chấm dứt cuộc đổ máu ở Syria.
Các thành viên của SCG (Ai cập, Iran, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ) đã cam kết sẽ họp trù bị cấp bộ trưởng ngoại giao tại Cairo trước khi đến Liên Hợp Quốc, và sẽ cử các nguyên thủ quốc gia đến để ký một loại văn kiện ở New York.
Tuy nhiên, Bộ trưởng ngoại giao của Saudi đã không tham dự cuộc họp tại Cairo với lý do bị ốm. Trong khi đó các bộ trưởng ngoại giao khác vẫn tiến hành họp nhưng tình hình vẫn giậm chân tại chỗ.
Tại Cairo, phía Ai Cập đưa ra bốn nguyên tắc trong cách tiếp cận của SCG đối với Syria:
(i) Chấm dứt bạo lực;
(ii) Bác bỏ can thiệp của nước ngoài;
(iii) Bảo đảm sự thống nhất của nhân dân và lãnh thổ của Syria;
(iv) Duy trì sự thống nhất về chính trị.
Ba điểm đầu tiên rất rõ ràng và được Iran và Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận. Điều thứ tư còn nhiều chỗ không rõ ràng, như làm thế nào thống nhất được chính trị nếu đất nước vẫn còn nội chiến.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ không cảm thấy thuyết phục về khả năng có thống nhất và họ đã đòi thay đổi chế độ al-Assad và “đồng bọn”, nghĩa là họ không công nhận chế độ của Assad như là một phần trong tương lai chính trị ở Syria.
Tuy nhiên Ngoại trưởng Thổ đã không nói rằng chính phủ của ông sẽ rời khỏi Nhóm tiếp xúc chỉ vì một bất đồng về quan điểm này.
Cả Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ đều không phải là đối tác tự nguyện trong Nhóm tiếp xúc. Cả hai nước đã không tham dự các cuộc gặp và cả hai đều không sẵn sàng chấp nhận bốn nguyên tắc do ông Morsi đưa ra. Thế nhưng cả bốn nước đều có những lý do chính đáng để đứng trong Nhóm tiếp xúc.
Số dầu thô Thổ Nhĩ Kỳ nhập từ Iran chiếm 30% tổng số dầu nhập khẩu và đã đề nghị tăng gấp đôi kim ngạch ngoại thương hiện ở mức 15 tỷ USD với nước này, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các nước châu Âu.
Cuộc tiến công của PKK và căng thẳng dọc biên giới chung với Syria cho thấy rõ nỗi lo sợ rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có khả năng tách những khó khăn của họ khỏi đám cháy ở Syria.
Saudi Arabia đã đạt được một thỏa thuận ngầm với Iran về việc họ sẽ rút khỏi vấn đề Syria nếu phía Iran chấm dứt sự ủng hộ của mình với các cuộc biểu tình ở phía đông của Saudi Arabia.
Đây chính là lý do tại sao Qatar lại một lần nữa gây ồn ào về việc thế giới Arab cần can thiệp vào Syria. (Điều này khó có thể thực hiện được do phần lớn quân đội của Qatar là lính thuê từ Pakistan và họ sẽ phải dựa vào một nước Ai Cập vẫn còn lưỡng lự để cấu thành một đội quân thực thụ của một quốc gia).
Iran đang tuyệt vọng cho một cuộc ngừng bắn ở Syria. Trong khi Nhóm tiếp xúc đang hấp hối ở New York thì Tổng thống Iran Ahmadinejad gợi ý rằng ông đang thành lập một nhóm mới để giải quyết vấn đề Syria.
Sáng kiến này cũng khó có cơ trở thành hiện thực vì Ai Cập vẫn còn thiết tha với Nhóm tiếp xúc, và Nhóm cũng cần sự có mặt của Iran bởi vì Tehran là thủ đô duy nhất trong khu vực còn có được sự tin cậy của Assad. (Ngoài Baghdad).
Trong tình hình như vậy, các nhà phân tích khu vực cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã sử dụng hết các con bài để chống lại các cuộc pháo kích của Syria, trừ việc tuyên bố tiến hành một cuộc chiến tổng lực.
Rất nhiều khả năng tình hình hiện tại sẽ tiếp diễn, lúc căng, lúc trùng vì lập trưởng của NATO và các nước lớn khác về vấn đề Syria nói riêng và vấn đề Trung Đông và Bắc Phi nói chung, vẫn còn nhiều khác biệt.
Câu hỏi bức thiết đặt ra hiện nay là: Liệu Nhóm tiếp xúc về Syria đã chết tại Akcakale? Liệu NATO có rũ bỏ những khó khăn để áp đặt “vùng cấm bay” trên bầu trời của Syria và dẫn đến một sự can thiệp quân sự của NATO vào cuộc xung đột ở Syria? Đây là những câu hỏi không dễ có câu trả lời ngay.
Phạm Ngọc Uyển
Theo ĐVO