Ngày 9.10, theo các hãng tin quốc tế, trong bài diễn văn dài 30 phút tại Viện Quân Sự Virginia ở Lexington hôm đầu tuần, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Romney đã tấn công tổng thống Obama về các chủ trương đối ngoại. Ông Romney nói rằng, ông Obama đã thất bại trong việc thực thi quyền lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ, điều mà ông Romney cho là đã làm tăng nguy cơ xảy ra tranh chấp. Ông Romney đặc biệt chỉ trích ông Obama quá nhẹ tay với Trung Quốc!
Cả hai đều đả trích Trung Quốc
Thật ra thì cả hai ông đã giao hẹn với nhau là sẽ nói về Trung Quốc và các vấn đề quốc tế vào ngày 16.10, tức là tại buổi tranh luận lần thứ hai tới đây. Nhưng suốt mấy tuần qua, cả Obama lẫn Romney đều mang Trung Quốc ra nói. Điều này chứng tỏ đề tài “đả đảo Trung Quốc” được cho là ăn khách đối với cử tri Mỹ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ nhì của Mỹ, chỉ sau Canada. Ngay cả Mexico, cũng với lương nhân công thấp và lại ngay sát bên cạnh Hoa Kỳ, mà cũng chỉ đứng thứ ba. Và ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Cả châu Âu phải gộp chung lại, mới vượt qua được Hợp chủng quốc.
Ứng viên Tổng thống Mỹ Mitt Romney chào các học viên trước bài diễn văn về chính sách đối ngoại hôm thứ hai tại viện Quân Sự Virginia ở Lexington. Ảnh: AP |
Nhưng cả hai ứng viên từ hai đảng vẫn lớn tiếng đả kích Trung Quốc. Những lời chỉ kích không mới, vốn được lặp đi lặp lại từ 10 năm nay. Thí dụ, Trung Quốc vi phạm nhân quyền, trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước, giữ đồng nguyên với giá quá thấp để cạnh tranh với hàng Mỹ... Nhưng có một thực tế là chưa bao giờ Bắc Kinh bị đả nặng và đả nhiều như năm nay. Thái độ đối với Trung Quốc được thể hiện ngay trong cả những bản chương trình tranh cử của hai đảng. Ðảng nào cũng chủ trương chính phủ Mỹ phải cứng rắn buộc Bắc Kinh phải chấp nhận cạnh tranh tự do theo quy tắc thị trường và cả hai đều đe dọa sẽ có biện pháp mạnh tay hơn.
Cách đây mấy hôm, ông Obama lấy quyền của một vị tổng thống đã ra lệnh công ty Ralls Corp, một công ty do người Trung Quốc làm chủ, không được mua bốn khu nhà máy điện chạy bằng gió ở tiểu bang Oregon. Lý do được nêu ra là khu phong điện đó, người Mỹ gọi là wind farm (tức trại gió), mà Ralls làm chủ nằm sát gần một khu quân sự 8km. Vụ này khiến người Việt Nam chúng ta lại nhớ đến những cái bè nuôi tôm của người Trung Quốc ở gần căn cứ quân sự Cam Ranh để từ này tăng cường cảnh giác hơn!
Hiện tượng cả hai ứng viên tổng thống Mỹ cùng lấy Trung Quốc làm cái đích để “nhắm bắn” trong cuộc tranh cử năm nay cho thấy, nhìn chung, Hoa Kỳ không coi Trung Quốc là một lực lượng đáng nể sợ. Ðể đáp lại, chính quyền Bắc Kinh chỉ phản ứng rất nhẹ nhàng, bằng những biện pháp trả đũa có chừng mực, với những đơn kiện trước WTO. Tình trạng này khác hẳn thời chiến tranh lạnh, khi Liên Xô là đối thủ số một và đóng vai trò có thể gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bỏ phiếu của dân Mỹ. Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm nay đều cho thấy không nên nghĩ là Trung Quốc mạnh, đang làm cho Mỹ phải nể sợ!
Chỉ là đòn tấn công để lấy phiếu
Trong diễn văn nói trước Viện Quân sự Virginia ông Roney tố cáo ông Obama đã vạch ra một một khoảng cách giữa Hoa Kỳ và Israel. Điều này, theo lời ông Romney, là một bước thụt lùi đối với niềm hy vọng hòa bình tại Trung Đông, đồng thời khuyến khích những kẻ thù chung của hai nước, đặc biệt là Iran, trở nên táo tợn hơn. Ông Romney nói nếu được bầu, ông sẽ “cảnh cáo giới lãnh đạo Iran rằng Hoa Kỳ, các nước bạn và đồng minh sẽ ngăn chặn Iran thủ đắc khả năng hạt nhân”. Ông Romney nói thêm rằng ông sẽ không do dự trong việc áp đặt những biện pháp cấm vận mới đối với Iran và sẽ tái lập “sự hiện diện thường trực” của các hàng không mẫu hạm tại vùng phía Đông Địa trung hải và vùng Vịnh Ba tư.
Trong khi đó, tại một phát biểu về chính sách đối ngoại, ông Obama đã liệt kê thành tích chống khủng bố của mình như vụ triệt hạ thủ lĩnh al-Qaida Osama bin Laden. Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh các quyết định của ông nhằm dần dà giảm cường độ các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, ông Romney đã chỉ trích điều mà ông mô tả là cuộc “triệt thoái đột ngột” các lực lượng tác chiến Mỹ ra khỏi Iraq. Ông Romney cho rằng, các tiến bộ quân sự mà Mỹ đã đạt được đang bị xói mòn vì tình trạng “tăng bạo động, sự tái xuất hiện của al-Qaida, sự suy yếu của dân chủ và ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran”.
Ông Romney còn mô tả quyết định của chính phủ Obama triệt thoái ra khỏi Afghanistan trước cuối năm 2012 là “một cuộc triệt thoái mà thời biểu được ấn định chỉ vì lý do chính trị”, tuy nhiên ông Romney không ra dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ thay đổi thời biểu đó như thế nào, nếu ông được bầu vào chức tổng thống Mỹ. Chi tiết hóa các chính sách khác về Trung Đông của mình, ông Mitt Romney nhấn mạnh các nội dung: ủng hộ các nỗ lực của nhân dân Libya thành lập một chính phủ đại diện cho nhân dân có khả năng tồn tại lâu dài, và truy lùng các phần tử khủng bố tấn công lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Benghazi.
Ông Romney hứa sẽ làm việc để bảo đảm các thành viên của phe đối lập Syria nào chia sẻ các giá trị của Hoa Kỳ sẽ được thủ đắc vũ khí cần thiết để có thể đánh bại chế độ của ông Assad. Theo đuổi kế hoạch chuyển giao trách nhiệm, duy trì an ninh tại Afghanistan cho lực lượng bảo an ninh của nước này trươc cuối năm 2014. Lập lại cam kết của Hoa Kỳ đối với mục tiêu thành lập một quốc gia Palestine sống chung hòa bình bên cạnh nước Israel. Cải tổ ngoại viện để khích lệ việc điều hành đất nước tốt đẹp, đảm bảo tự do kinh doanh và mở rộng thương mại. Đòi hỏi những nước nhận viện trợ tôn trọng quyền của tất cả mọi công dân, bảo đảm tự do báo chí và một nền tư pháp độc lập.
Hải Đăng
Theo SGTT