Tại Trung Quốc có một bức tường mang tên “Bức tường hổ thẹn” – nơi mang chân dung của hàng chục quan chức đã bị tống giam vì tội tham nhũng trong những năm vừa qua.
Theo BBC, tất cả các bức chân dung đều được vẽ bằng sơn màu hồng nhạt, màu của tờ 100 nhân dân tệ và đó được coi là biểu tượng của sự tham nhũng. Tất cả các bức chân dung này được trưng bày tại một phòng tranh nhỏ ở Bắc Kinh.
Tác giả, họa sĩ Zhang Bingjian cho biết anh bắt đầu dự án này cách đây 3 năm sau khi xem một báo cáo trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc về tình trạng nhận hối lộ của các quan chức nước này. Anh nói anh cảm thấy rất tức giận về mức độ tham nhũng ở Trung Quốc. “Ở Trung Quốc, nếu không có tiền, bạn sẽ gặp rắc rối. Con người đã mất hết niềm tin. Họ không tin vào bất kỳ cái gì trừ đồng tiền. Ở đây tiền là tất cả”, anh nói.
1.600 bức chân dung
Anh Zhang tuyển thêm vài trợ lý nữa và những người này tìm hiểu thông tin trên mạng về những vụ quan chức bị tống giam vì tội tham nhũng. Kể từ khi dự án bắt đầu, anh Zhang cho biết anh đã có tới hơn 1.600 bức chân dung và dường như bộ sưu tập này chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Họa sĩ Zhang Bingjian bên “Bức tường hổ thẹn” gồm chân dung của các “tham quan” Trung Quốc. |
Năm ngoái, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã “lỡ tay” công bố một báo cáo trên trang web của mình và ngay sau đó phải rút xuống. Báo cáo này cho biết từ giữa những năm 1990 đến 2008, khoảng 16.000 tới 18.000 quan chức chính phủ và các nhân viên doanh nghiệp nhà nước đã chuyển hơn 120 tỷ USD ra nước ngoài. Như vậy, tính trung bình, mỗi quan chức đã gửi hơn 6 triệu USD.
Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cảnh báo rằng tham nhũng là mối đe dọa lớn nhất tới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Gần như ngày nào người dân Trung Quốc cũng đọc tin về các chiến dịch chống tham nhũng ở nước này.
Tháng trước, ông Bạc Hy Lai, chính trị gia là tâm điểm của vụ bê bối chính trị lớn nhất Trung Quốc trong nhiều năm qua, đã bị khai trừ khỏi Đảng. Trong số những cáo buộc dành cho ông Bạc, có cáo buộc nhận những khoản hối lộ “khổng lồ”. Nhưng nhiều người Trung Quốc nhìn nhận những cáo buộc này là đấu tranh chính trị nội bộ hơn là vấn đề tham nhũng.
Trách nhiệm giải trình trước công luận
Tuy nhiên, càng ngày những người dùng Internet ở Trung Quốc càng đóng vai trò tích cực hơn về vấn đề này.
Hồi tháng 8, một quan chức đã bị quay cảnh đang cười khi nhìn thấy một vụ tai nạn xe buýt gây chết người. Các blogger đã tỏ ra giận dữ trước hành động mà họ coi là hành động độc ác của vị quan chức này và họ bắt đầu điều tra. Họ bắt đầu tung lên mạng những hình ảnh vị quan chức này có mặt ở nhiều cuộc họp và buổi lễ và đeo các loại đồng hồ đắt tiền – quá đắt so với mức thu nhập của một vị công chức.
Sau đó, giới chức Trung Quốc cho biết ông này đã bị sa thải.
Ông Dương Đại Tài, giám đốc Sở an toàn lao động tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) đã bị tước bỏ mọi chức vụ chức vụ chính thức vì hành động cười cợt khi đến thị sát hiện trường vụ thảm họa hôm 26/8 làm 36 người tử nạn. |
Trong khi các quan chức cấp thấp và cấp trung bình thường bị xử lý công bằng, thì tình hình tài chính của các quan chức cấp cao và gia đình họ lại bị hạn chế nghiêm ngặt trên các phương tiện truyền thông, chưa nói gì đến các trường hợp cấp rất cao.
Trong một hệ thống mà các quan chức chỉ chịu trách nhiệm giải trình với Đảng chứ không phải trước nhân dân thì không hiểu tham nhũng sẽ bị loại trừ như thế nào.
“Không thể nào giải quyết nạn tham nhũng trong nội bộ một hệ thống mà không nhờ đến các cơ quan độc lập. Các quan chức cấp cao đã dừng các cuộc điều tra và từ chối kêu gọi các quan chức cấp cao khác công khai tài sản của gia đình mình”, Willy Lam, một nhà phân tích tình hình Trung Quốc, nhận xét.
Không có sự lựa chọn
Mỗi tháng ở Trung Quốc xảy ra hàng nghìn vụ bạo động bắt nguồn từ tình trạng tham nhũng – như các thỏa thuận về đất đai của các quan chức địa phương.
Ông Lam cho rằng trừ phi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra các cải cách chính trị có ý nghĩa, còn không họ sẽ phải đối mặt với tình trạng “bạo loạn xã hội ngày càng tăng”.
Trong một xã hội mà tham nhũng diễn ra lan tràn, nhiều người Trung Quốc đã phải chấp nhận coi đó như là một phần của cuộc sống. Họ biết rằng mình sẽ thường xuyên phải trả tiền hối lộ để nhận được các dịch vụ y tế tốt hoặc thắng kiện tại tòa án.
Chị Chen Wei muốn con trai 5 tuổi của mình được đến học tại một trường công tốt ở Bắc Kinh.
Nhưng để đảm bảo một chỗ cho con mình, chị cho biết chị phải trả tới hơn 10.000 USD tiền hối lộ cho các quan chức giáo dục.
“Đó là cái giá mà chúng tôi phải trả. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác”, chị tâm sự.
Giống như nhiều người dân khác ở Trung Quốc, chị Chen mong muốn thế hệ lãnh đạo mới của nước này sẽ giải quyết được nạn tham nhũng.
Nếu không, họ sẽ chỉ tích tụ thêm rắc rối cho tương lai mà thôi.
Tùng Lâm
Theo Infonet